Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 16 Tháng 2 2024 16:53

Giữ chay đúng nghĩa

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Giữ chay đúng nghĩa  

 

16.2Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro

Is 58:1-9; Tv 51:3-4,5-6,18-19; Mt 9:14-15

GIỮ CHAY ĐÚNG NGHĨA

(Mt, 9, 14 –15)

Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Mathêô, các môn đệ Gioan đến gặp Chúa: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ Ngài lại không?” Mt 9,14. Vì họ giữ chay theo Luật Môsê cách nghiêm ngặt, nên luôn thắc mắc khi nhận thấy môn đệ Thầy Giêsu không giữ luật. Có phải họ đang đề cao chính họ giữ Luật truyền thống hơn là môn đệ Chúa hay họ đang chê trách chính Chúa đã không giữ Luật?

Qua câu trả lời của Chúa: “Làm sao các phù rể có thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ?” Mt 9,15. Chúa muốn nói lên điều gì trong ẩn dụ này? Người đã đến và ở giữa họ và Ngài đã thấy cách họ giữ chay chỉ là hình thức theo Luật. Đối với Chúa Giêsu, ăn chay là việc làm tự nhiên, với ước muốn trở thành con người tốt hơn.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy thường xuyên nhắc tới việc ăn chay, chẳng hạn như: vua Đavít ăn chay để cầu nguyện cho con khỏi ốm; từ triều đình đến thường dân thành Ninivê đã đáp lại lời mời gọi của tiên tri Giona nên ăn chay và sám hối để thoát khỏi tai họa…

Sang thời Tân Ước, Gioan Tẩy Giả cũng ăn chay và sống khổ hạnh trong sa mạc để chuẩn bị loan báo Đức Giêsu; đến khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đã khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng việc chay tịnh và cầu nguyện 40 ngày trong hoang địa sau khi chịu phép Thánh Tẩy; không những thế, Ngài thường xuyên nhắc các môn đệ phải ăn chay, cầu nguyện và Ngài còn cảnh báo các ông, nếu muốn trừ được quỷ thì phải ăn chay và cầu nguyện.

Như vậy, vấn đề chay tịnh là vấn đề quan trọng trong Kinh Thánh.

Tuy nhiên, hôm nay, khi các môn đệ của Gioan đến hỏi Đức Giêsu về việc: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”, nhân cơ hội này, Đức Giêsu mặc khải cho biết ý nghĩa đích thực của việc ăn chay.

Ăn chay là để chờ đón Chúa đến, nhưng Ngài đang ở giữa họ thì không có lý do gì để ăn chay nữa. Nếu ăn chay lúc này là mâu thuẫn, chẳng khác gì vải mới vá áo cũ, hay rượu mới đổ vào bầu da cũ vậy!

Ý nghĩa chính yếu của việc giữ chay chính là đền tội, hãm dẹp những khuynh hướng xấu xa, đê tiện, tội lỗi, từ bỏ cái tôi ích kỷ, kiêu ngạo, sống liên đới, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ người nghèo…, nhất là tin vào Tin Mừng.

Trên bước đường theo Ngài, Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào nơi người môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình”. Nếu chính bản thân mà còn phải từ bỏ, thì huống chi những gì thuộc về thế gian. Thái độ dứt khoát này được Chúa Giêsu làm nổi bật trong cách xử thế của Ngài đối với một số những luật lệ Cựu ước. Trong khi các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh, thì Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài tự miễn chước. Hành động như thế, Chúa Giêsu muốn nói lên sự độc lập của Ngài và của các môn đệ đối với một số truyền thống cũ. Chúa Giêsu đã minh định thái độ của Ngài khi tuyên bố về sự hiện diện của Tân lang. Ngài chính là Tân lang, là Ðấng Cứu Thế mà con người mong đợi.

Theo truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi Ðấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Ðấng Cứu Thế. Căn cứ trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần phải trông đợi nữa. Ðó là thái độ hợp thời và hợp lý: họ đang sống bên Chúa Giêsu: thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Ðấng Cứu Thế không phải là thời của tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan.

Làm môn đệ Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, thái độ của người theo Chúa phải là sống tất cả cho Ngài và vì Ngài. Ðưa ra dụ ngôn chiếc áo và bình rượu, Chúa Giêsu muốn nói rằng thái độ của người môn đệ phải là thái độ dứt khoát tận căn, một thái độ không pha lẫn Tin Mừng với tinh thần thế tục.

Chúa Giê-su muốn kêu gọi chúng ta hãy cùng kết hiệp với Người trong cuộc thương khó bằng việc ăn chay, hãm mình và sám hối.

Hằng năm, vào Mùa Chay, Giáo Hội muốn các tín hữu chuẩn bị tâm hồn của mình để cùng bước theo Chúa Giê-su vào Đại lễ Tam Nhật Vượt. Tinh thần sống mùa chay này được Giáo Hội khuyên nhủ các tín nên thực hiện là làm những việc lành cụ thể như; siêng năng cầu nguyện, sám hối, ăn chay, hãm mình và làm việc bác ái…

Bao lâu chúng ta còn sống trên trần gian này thì bấy lâu chúng ta phải chiến đấu với ba kẻ thù; Đó là thế gian, xác thịt và ma quỷ, nhưng nếu muốn chiến thắng được thì chúng ta phải có một cuộc sống gắn bó mật thiết với Chúa bằng cách siêng năng cầu nguyện, ăn chay hãm mình và là việc tông đồ bác ái. Chỉ như thế chúng ta mới tiếp nhận được sức mạnh từ nơi Chúa để vượt thắng mà thôi.

Xin Chúa giúp sức, để mỗi người chúng ta sống tinh thần của Mùa Chay thật sốt sắng và ý nghĩa, ngõ hầu chúng ta hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh. 

Huệ Minh

 

Read 81 times Last modified on Thứ bảy, 17 Tháng 2 2024 07:06