Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 17 Tháng 2 2024 07:02

Dấu chỉ của nước

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  DẤU CHỈ CỦA NƯỚC | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm B


TMĐP- Nước là hình ảnh được nói đến nhiều trong phụng vụ lời Chúa của chúa nhật này.

Trước hết là nước của đại hồng thuỷ, khi Thiên Chúa dùng nước mà rửa sạch nhân loại: “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu”, nên Người “quyết định tiêu diệt chúng cùng với đất” (St 6,5.13).

Nhưng cũng với nước, Thiên Chúa lập giao ước với Noê khi phán, sau khi cho nước rút đi, và ông cùng đoàn tuỳ tùng ra khỏi tàu: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa” (St 9,8-11), và cầu vồng là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và một nhân loại tội lỗi vừa được thanh tẩy bằng nước.

Nước trong giao ước với Nôê là hình ảnh của nước trong phép rửa của Giao Ước Mới, một Giao Ước được ký kết bằng máu của Con Thiên Chúa làm người, được thực hiện bằng cái chết của Đấng công chính, bởi chính Ngài đã chết thay cho kẻ bất lương, như thánh tông đồ trưởng Phêrô đã khẳng định: “Trong con tàu ấy” tức con tàu Nôê, “một số ít, cả thảy là tám người được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời …” (1P3, 20-22).

Nếu trong Cựu Ước, giao ước với Nôê được biểu hiện qua cầu vồng như nhịp cầu nối Đất với Trời, liên kết con người với Thiên Chúa, thì trong Tân Ước, khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 10-11). Và liền sau đó, nghĩa là ngay sau khi chịu phép rửa, sau khi xuất hiện những dấu chỉ của Giao Ước, “Thần Khí liền đưa Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên thần hầu hạ Ngài” (Mc 1, 12).

Sự kiện Đức Giêsu vào hoang địa sau khi chịu phép rửa nói lên sứ mệnh chuộc lại Thiên Đàng đã mất cho con người, tìm lại địa đàng mà ở đó con người đã vô cùng hạnh phúc trong tương quan cha con với Thiên Chúa.

Vì nghe lời Rắn Xatan, nguyên tổ đã làm mất hạnh phúc Thiên Đàng, khi bị Thiên Chúa đuổi khỏi địa đàng. Nhưng nay với Đức Giêsu, Thiên Đàng ấy được tìm lại, và địa đàng xưa được trao lại cho con người.

Hoang địa, nơi Đức Giêsu được Thần Khí đưa vào sau khi chịu phép rửa, là hình ảnh địa đàng đã mất, ở đó Xatan đã xuất hiện ngay từ phút đầu để cám dỗ Đức Giêsu, như đã cám dỗ Evà, nhưng Xatan đã ê chề thất bại, và hoang địa có Đức Giêsu là nguồn nước vĩnh cửu để không ai đến với Ngài còn phải khát, đã biến thành địa đàng có đồng cỏ xanh tươi, có suối nước trong lành, ở đó các dã thú sung sướng quây quần bên Ngài. Cũng thế, vùng đất chết khô cằn một khi có Đức Giêsu là nguồn sống hiện diện sẽ lập tức biến thành Thiên Đàng, ở đó các thiên thần từ trời lên xuống chầu chực phục vụ Ngài.

Như Đức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, và Chúa Cha hài lòng về Ngài, người có Đức Giêsu cũng được làm con của Chúa Cha, và Chúa Cha cũng hài lòng về người ấy, với điều kiện người ấy đi theo Đức Giêsu dưới sự hướng dẫn của Thần Khí vào hoang địa.

Vào hoang địa với Đức Giêsu để được Ngài chỉ bảo đường ngay nẻo chính; để được Ngài nhắc lại “nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thưở muôn đời”; để được Ngài thương xót xoá “bao lầm lỗi của tuổi xuân trót dại”; để biết “Ngài là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính”, bởi “tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữa Giao Ước và lề luật của Người” (x.Tv 24, 5-10).

Xin Chúa cho chúng ta ý thức giá trị cứu độ của phép rửa. Nhờ phép rửa, chúng ta được đi vào Giao Ước với Thiên Chúa, được tìm về Thiên Đàng tưởng đã vĩnh viễn mất, nhất là được sống lại hạnh phúc làm con Thiên Chúa trong cung lòng của Ngài.

Jorathe Nắng Tím

Read 92 times Last modified on Chủ nhật, 18 Tháng 2 2024 07:08