Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 23 Tháng 3 2024 06:37

Nhân danh Thiên Chúa mà đến

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NHÂN DANH THIÊN CHÚA MÀ ĐẾN | Suy Niệm Tin Mừng Lễ Lá, Năm B


TMĐP- Chúng ta cầm nhành lá xanh mầu sự sống trên tay hôm nay khi nghênh đón Đức Giêsu đi vào cuộc đời mình.

Ta thường nhân danh ai đó có quyền cao chức trọng để mình được nể nang, trọng vọng trước người khác; nhân danh người ở đỉnh cao vinh quang để ta được nhiều người phục vụ tận răng; nhân danh nhân vật có tiếng tăm lừng lẫy nào đó để thiên hạ khiếp vía sợ hãi mà răm rắp làm theo ý muốn của ta. Nhưng cũng có lúc ta không nhân danh người lớn hơn, mạnh hơn mình, mà lại nhân danh đám đông nghèo nàn, cùng khổ, khốn quẫn ngàn lần hơn ta để lợi dụng lòng tốt, lòng trắc ẩn và sự giúp đỡ của những tâm hồn đơn sơ, quảng đại khác.

Tin Mừng chúa nhật Lễ Lá kể lại Đức Giêsu trên lưng lừa con tiến vào thành thánh Giêrusalem giữa tiếng reo hò vui mừng của dân chúng. “Nhiều người lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhanh danh Đức Chúa!” (Mc 11,8-9).

Thực vậy, Đức Giêsu đã nhân danh Thiên Chúa mà đến, vì Ngài được Chúa Cha sai đến (x. Ga 3,16-17). Nhưng khác với mọi người, Ngài được sai đến không phải “để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ…” (Mt 20,28); Ngài đến không phải để làm người khác sợ, nhưng để mọi người được thương yêu, chia sẻ, ủi an; Ngài không đến để gieo bất hạnh, nhưng mang lại hạnh phúc; không đến để chiếm đọat, cưỡng chế nhưng ban phần thưởng và gia nghiệp đời đời; không đến để ngăn cản, cấm vận, nhưng để mọi người được nhìn thấy Thiên Chúa và cùng Ngài đi vào Nước Trời (x. Mt 5,2-11).

Ngài cũng không nhân danh Thiên Chúa mà đến như chấp pháp, quan toà nhưng như Đấng Cứu Độ giàu lòng thương xót “hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người.” (Mt 20,28), như lương y nhân hậu băng bó, chữa lành mọi vết thương của con người tật bệnh, yếu đuối, như Mục Tử nhân lành sẵn sàng chết cho “đoàn chiên được sống và sống dồi dào” (ga 10,10).

Nhưng để đến được như thế, khi nhân danh Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tự nguyện từ bỏ tất cả vinh quang, quyền lực của Thiên Chúa vốn thuộc về Ngài để trở thành người tôi tớ tuyệt đối vâng phục, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế (x. Pl 2,6-8), hình ảnh mà ngôn sứ Isaia đã mô tả: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người tôi tớ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức … Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui, nhưng tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” (Is 50, 4.5-7)

Suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã nhân danh Thiên Chúa để vâng phục sống đời tôi tớ phục vụ, vâng phục làm “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29), vâng phục “bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật”, vâng phục “gánh chịu những đau khổ của chúng ta, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm” (Is 53,3.4.5). Chính vì vâng phục, Ngài đã trở nên nguồn sống cho mọi người, khi hiến thân chịu chết để can thiệp cho những kẻ tội lỗi là chúng ta (x. Is 53,12).

Tóm lại, Đức Giêsu đã nhân danh Thiên Chúa đi vào thế giới loài người như Chiên Thiên Chúa, vì chỉ một mình Ngài mới là Của Lễ có sức đền tội loài người, chỉ Của Lễ là sự chết trên Thánh Giá của Con Một Thiên Chúa mới có thể hoà giải loài người tội lỗi với Thiên Chúa.

Là Chiên Thiên Chúa để gánh tội, xoá tội loài người, Đức Giêsu cũng nhân danh Thiên Chúa đến với nhân loại như Chúa Chiên nhân lành “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”, vì sứ vụ của Ngài là “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Cầm nhành lá xanh mầu sự sống trên tay hôm nay khi nghênh đón Đức Giêsu đi vào cuộc đời mình, tất cả chúng ta, dù ở bất cứ địa vị, và nắm giữ bất cứ vai trò, trách nhiệm nào trong đạo, ngoài đời đều được Chúa mời gọi xem lại chọn lựa của mình khi “nhân danh Thiên Chúa mà đến với anh em”, để biết chúng ta đến với anh em mình trong tư cách nào: hoặc như kẻ có quyền hà khắc, ích kỷ, như kẻ thống trị gian ác, đầy tham vọng, như kẻ chăn thuê thực dụng, thủ đọan, hay như Đức Giêsu: người Tôi Tớ khiêm hạ phục vụ, Con Chiên hiền lành gánh tội anh em, người Chăn Chiên nhân hậu sẵn sàng thí mạng cho đoàn chiên được sống?

Jorathe Nắng Tím

Read 160 times Last modified on Chủ nhật, 24 Tháng 3 2024 07:46