Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 02 Tháng 8 2013 20:23

Tìm về nguồn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài chia sẻ của cha Giuse Trần Thế Thành trong thánh lễ của giáo hạt ĐăkMil cầu nguyện cho cha cố Phao Lô Nguyễn Công Minh

Kính thưa cộng đoàn,

Ngày 22 tháng 7 năm 2013 vừa qua đã diễn ra cuộc hội ngộ của gia đình Lê Bảo Tịnh để mừng kỷ niệm 45 năm thành lập tiểu chủng viện thuộc giáo phận Banmêthuột. Tôi, cha Phaolô Hùng quản hạt, và cha Phaolô Nguyễn Công Minh của chúng ta đây cũng thuộc về gia đình này.

Trong cuộc họp mặt hằng năm gần đây nhất để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm sắp tới anh em vẫn còn đắn đo việc đặt chủ đề cho ngày hội ngộ này. Thấy có nhiều ý kiến khác nhau nên tôi đã đề nghị nên chọn chủ đề là “ VỀ NGUỒN”. Sau khi biểu quyết thì chủ đề “Về Nguồn ” được chấp thuận và anh em cũng đòi tôi nói rõ ý nghĩa hơn.

Tôi chỉ đơn sơ trình bày :

-Việc mừng  kỷ niệm 45 năm thành lập chủng viện Lê Bảo Tịnh diễn ra trong năm Đức Tin. Giáo hội qua Đức Bênêđictô XVI muốn khơi dậy niềm tin trong toàn Giáo hội đồng thời mừng  50 năm Công đồng chung Vatican  II  cũng như 30 năm sách Giáo lý Công giáo được ấn hành như kết quả của công đồng. Để củng cố và sống đức tin trong thời đại ngày hôm này thiết tưởng cần phải về nguồn mạch đức tin từ các thánh tông đồ, về giáo lý và giáo huấn của Giáo hội. 

-Và riêng với gia đình Lê Bảo Tịnh ngoài việc họp mặt không đơn thuần chỉ là gặp nhau và sống lại những kỷ niệm một thời học sinh, chủng sinh nhưng còn về nguồn để tìm lại lý tưởng ơn gọi Kitô hữu trong sứ vụ linh mục hay giáo dân của mình đã được ươm mầm nơi chủng viện.

-Tuổi 45 của chủng viện Lê Bảo Tịnh tuy không dài; nhưng tuổi đời của học viên trẻ nhất cũng đã  là 49- 50, tuổi mà xét về hành trình đời người cũng là hơn nửa hay về cuối rồi. Về nguồn để tưởng nhớ tới các vị khai sinh nên chủng viện, các vị thầy, các vị ân sư và anh em đồng môn đã ra đi trước tìm về nguồn sống đích thực.

Kính thưa quí cộng đoàn,  

như thế đi về nguồn sống đích thực phải chăng là chuyến đi của mỗi người chúng ta?

(2) Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong,

hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.

(3) Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống.

Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?  (Tv 41,2-3)

Thiên Chúa đã cho chúng ta, cho cha Phaolô được ơn sự sống ở trên đời này.

Nhưng sự sống con người thật là mỏng manh, ngắn ngủi  “như hoa sớm nở tối tàn”  rồi sẽ trở về bụi đất :(3) Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,

Ngài phán bảo: "Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!"

(4) Ngàn năm Chúa kể là gì,

tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,

khác nào một trống canh thôi!

(5) Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,

như cỏ đồng trổi mọc ban mai,

(6) nở hoa vươn mạnh sớm ngày,

chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn. Tv 89, 3-6

Trong 1 bài viết trên trang mạng Giáo xứ Vinh Hương của anh em đồng môn Lê Bảo Tịnh cũng thuộc Giáo xứ này cảm nhận về cuộc ra đi điều trị bệnh của cha quản xứ : “Như đám lục bình vẫn cứ âm thầm lớn lên trong hành trình về miền châu thổ, dù nhiều khi lũ ngàn quần thảo tả tơi, dù lắm lúc phận bèo xơ xác với thác ghềnh trên vạn nẻo trôi xuôi, trôi và trôi mãi để góp chút riêng mình trong bát ngát đồng chiêm.

 Như thế đó, đời người mục tử nghe lệnh từ trời cao, buông mình theo ơn gọi, hiến trọn đời mình cho một chương trình mà riêng tư chẳng thể định hình, cũng chẳng mong chờ những thư thái bình an, nhưng đón nhận những phù du, những nghiệt ngã và ngang trái của kiếp người. Ngày lại ngày, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu “người mục tử nhân lành, dám hiến cuộc đời vì thương mến đàn chiên... Khiêm nhu dịu dàng và chan chứa bình an… âu yếm như mẹ hiền dưỡng nuôi những con dại bé thơ …”

Dẫu là thân phận “hoa cỏ và bụi đất” thì ơn sự sống chúng ta lãnh nhận vẫn thật là quý giá. Quí bởi vì là hồng ân Chúa ban. Đáng quí hơn nữa vì chính Đức Kitô đã chết để chúng ta được sống. Quí nên chúng ta cần phải bảo vệ phát triển sự sống ấy. Chính vì thế chúng ta hay cha Minh theo lẽ thường đói thì ăn, bệnh thì chữa trị. Cha đã 2 lần sang tận Singapore để chữa trị và rồi ca mổ não đặt các thiết bị rất tốn  kém cách đây 3 tuần cũng là để bảo vệ sự sống hầu tiếp tục có thể tiếp tục phục vụ theo ơn gọi và sứ vụ đã được trao phó.

Cuộc sống của mỗi người ví như một cuộc hành trình trở về nguồn sống đích thực là Thiên Chúa Hằng Sống. Chính Ngài đã đặt để nơi mỗi người chúng ta nỗi khát vọng sâu xa về bên Chúa như tâm tình của thánh Augustinô đã diễn tả : “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và linh hồn con còn khắc khoải cho đến khi nào được yên nghỉ trong Chúa mà thôi.”

Vâng, nếu đã là hành trình thì sẽ có khởi đầu và kết thúc với tưng điểm khác nhau trong đời sống như lời của sách Giảng viên : “Ở dưới bầu trời này,mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời, một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;  một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;”  (Gv 3,1-4)

Cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu cũng thế : 33 năm cuộc sống và thi hành sứ vụ công khai trong 3 năm cuối đời. “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Và lời của Chúa Giêsu cho các môn đệ : “Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14, 2-3)

Cuộc đời của Cha Phaolô tuy có dài hơn của Chúa Giêsu nhưng cũng phải tới lúc ra đi như chương trình của Thiên Chúa. 55 tuổi đời với 18 năm linh mục phục vụ tại Giáo xứ Vinh Hương trong Hạt Đakmil.   2/3 thời gian phục vụ tại Giáo xứ với căn bệnh chưa có phương thuốc chữa trị. Tôi được nghe có một Đức Cha khi đến thăm đã an ủi cha Phaolô :” Cha rất giống Đức Giáo hoàng Phaolô II . . .”. Vâng, có lẽ giống ở nơi bệnh tật: dùng chính những đau yếu của mình để thi hành sứ vụ, để thánh hóa bản thân hầu trở nên của lễ dâng lên Thiên Chúa. Thời gian phục vụ và của lễ hiến tế của cha Phaolô đã được Chúa chấp nên dù ca phẫu thuật có thành công nhưng trước chương trình của Thiên Chúa điều đó không cần thiết nữa.

Thưa cha Phaolô Nguyễn Công Minh kính mến.

Thế là cha đã ra đi trở về nguồn sống đích thực chính là Thiên Chúa cùng với Đức Kitô, Đấng  đã giới thiệu mình ”Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14, 6). Hôm nay cùng với cộng đoàn Xứ Vinh Hương, những người thân thuộc của cha, các anh em linh mục trong giáo hạt, quí ban thường vụ HĐGX lúc này đang qui tụ bên cha để cùng cha dâng lễ tạ ơn lần cuối.Tất cả mọi người có thể nói đã rất đỗi bàng hoàng khi nghe tin cha đã ra đi mà không một lời từ biệt. Có thể là đột ngột với rất nhiều người nhưng với cha và với Chúa thì không. Chúng tôi nghĩ bệnh tật kéo dài và ca mổ điều trị vừa qua đã giúp cha trở nên đầy tớ tỉnh thức và khôn ngoan để bất cứ khi chủ về thì mở ngay. ( Lc 12 35-40).

Thưa Cha Phaolô, chúng tôi cũng rất ngưỡng mộ cha vì dù Chúa để cho cha mang một căn bệnh rất khó chịu nhưng với hết khả năng cha vẫn tận tụy với sứ vụ của mình trong sự vâng phục và lòng yêu mến Chúa để rồi phục vụ anh chị em đã được trao phó cho cha. Xin cảm ơn cha vì sự hiện diện và sự chia sẻ của cha nơi các giáo xứ trong hạt.

Chúng tôi cũng nhận ra sự quan phòng và yêu thương của Chúa với giáo hạt chúng ta qua cuộc ra đi của cha. Cha biết không trong thời gian cha đi điều trị và dưỡng bệnh giáo hạt Quảng Đức I, II đã được đổi tên thành Hạt Đăk-Mil và Gia Nghĩa. Ngày 31 tháng 7 vừa qua giáo xứ Xuân Hòa có cha quản xứ thì 1 tháng 8 thì Chúa lại rút cha đi.

Kính thưa cha Phaolô.

Trước thánh ý Chúa, cha cùng toàn thể cộng đoàn đều phải tuân phục. Giờ đây chúng tôi cùng mọi người xin tạm biệt cha. Chúng tôi nguyện chúc cha trong cuộc hành trình về nguồn, cha sớm được hội ngộ với Đấng ban sự sống cho cha và kêu gọi cha nên người tôi tớ phục vụ. Xin cha tiếp tục cầu nguyện cho mọi người và anh em linh mục chúng tôi. 

Lm. Giuse Trần Thế Thành

Read 2115 times Last modified on Thứ bảy, 03 Tháng 8 2013 19:47