Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca. (Lc 3, 1-6)
Ðời hoàng đế Ti-bê-ri-ô năm thứ mười lăm, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm toàn quyền xứ Giu-đê-a, Hê-rô-đê làm thủ hiến xứ Ga-li-lê-a, còn em là Phi-líp-phê làm thủ hiến xứ I-tu-rê và Tra-khô-nít; Li-xa-ni-a làm thủ hiến xứ A-bi-lên; An-na và Cai-pha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gio-an, con Da-ca-ri-a, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Gio-đan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri I-sai-a rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Suy niệm
Màu tím dù có để lại cho đời một chút đượm buồn, nhưng không vì thế mà màu tím bị lãng quên, màu tím còn đem đến cho đời một chút thủy chung của hôm nay để rồi gởi về tương lai một chút hy vọng và niềm vui. Bước vào tuần lễ thứ hai của mùa vọng, phụng vụ Lời Chúa, đặc biệt là bài tin mừng, giới thiệu cho chúng ta một con người được gởi tới thế giới, nhằm dọn đường cho Đấng Cứu Thế, đồng thời giúp nhân loại tìm thấy những lối nẻo cho riêng mình, để kịp dọn đường đón Con Thiên Chúa ghé thăm gia đình và tâm hồn mỗi người trong mỗi hoàn cảnh. Ngài đang đón chờ con người mở cánh cửa cuộc đời cho Ngài bước vào, Con Thiên Chúa đợi chờ con người chứ con người chưa thực sự đón chờ Ngài đến.
Các tiên tri khi được gởi tới giữa cộng đoàn dân riêng của Thiên Chúa, họ thực hiện sứ mạng là củng cố niềm tin, khích lệ đời sống tinh thần, sửa lại những gì lầm lạc và loan báo về một Đấng Cứu độ sẽ đến giữa thế giới. Tiên tri Ba-ruc được gởi đến khi đời sống tinh thần của họ bị dao động, ngài đã nâng đỡ họ chỗi dậy với một niềm hy vọng và niềm vui bình an: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng, Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu nghĩa”. Dẫu con người có lầm lạc trong niềm tin, dẫu con người có quay lưng với Thiên Chúa, Ngài vẫn đợi chờ họ trở về bằng việc thay đổi nhận thức, thay đổi hình ảnh Thiên Chúa, hình ảnh con người, Ngài sẽ đón nhận vào trong gia đình của Ngài.
Là một cộng đoàn Giáo hội lớn lên trong thế giới dân ngoại, con cái thành Phi-lip-phê phải đối diện với muôn vàn thách đố, vì thế, thánh Phaolo đã khích lệ tinh thần con cái với những lời cầu nguyện chân thành, ý nghĩa để có thể giúp họ sống tình hiệp nhất, xóa đi những dấu vết chia rẽ và đố kỵ lẫn nhau: “Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giê-su Ki-tô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Ðức Ki-tô, anh em được Ðức Giê-su Ki-tô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa”. Tinh thần hiệp nhất giữa cộng đoàn là một sức mạnh vô hình giúp giữ chặt đức tin cho nhau và cho cộng đoàn, chia rẽ và phân biệt khoảng cách sẽ làm mai một tình huynh đệ cộng đoàn, đó là điều Thiên Chúa không bao giờ mong muốn trong gia đình của Ngài.
Bước vào tuần thứ hai, Mẹ Giáo hội giới thiệu một khuôn mặt đặc biệt trong Kinh thánh, đó là thánh Gioan Tiền Hô. Là một con người, ông sinh ra trong thế giới này vào thời các vị lãnh đạo xã hội được nêu rõ, là một tiên tri, ông được coi là một đại tiên tri với sứ mạng sửa lại những gì chưa hoàn thiện và bằng phẳng, là một người dọn đường, ông đã hô vang sửa sang những bất cập, những bất bình đẳng trong cộng đồng, trong thế giới, để Thiên Chúa thấy được sự cố gắng của con người trong việc xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn: “Ðời hoàng đế Ti-bê-ri-ô năm thứ mười lăm, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm toàn quyền xứ Giu-đê-a, Hê-rô-đê làm thủ hiến xứ Ga-li-lê-a, còn em là Phi-líp-phê làm thủ hiến xứ I-tu-rê và Tra-khô-nít; Li-xa-ni-a làm thủ hiến xứ A-bi-lên; An-na và Cai-pha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gio-an, con Da-ca-ri-a, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Gio-đan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri I-sai-a rằng: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng”. Một con người xuất hiện với những lời kêu gọi khẩn thiết là dọn đường, có những gồ ghề, có những quanh co, có những hố sâu cần sửa lại, có thể đó là những ý nghĩa tinh thần, nhưng đó cũng là những vấn nạn đang xảy ra trong xã hội, trong cộng đồng khi sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn quá bất công, việc mưu sinh đang để lộ những tử huyệt khi kiếm tiền bằng những con đường quanh co, luồn lách. Tất cả đem lại những nỗi niềm bất an cho con người và cộng đồng.
Dọn đường là sửa lại mặt đường, nắn chỉnh cho ngay thẳng, san lấp những gồ ghề, tất cả như đang hướng về đời sống tinh thần của con người, họ đợi chờ đón Đấng Cứu Thế, họ cần phải sửa lại lối nẻo dẫn tới tâm hồn thật xứng hợp, bằng phẳng và ngay đường thẳng lối. Trong suy nghĩ, trong nhận thức về Thiên Chúa, con người chưa thể sửa đổi cho phù hợp hoàn cảnh hiện tại của xã hội và nhân loại, họ cố thủ trong một hình ảnh xưa cũ và đầy bụi đời, vì thế cần sự đổi thay, cần làm mới hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn. Khái niệm về niềm tin, về tôn giáo cũng thế, cứ mãi cố định trong một khuôn mẫu xa xưa và cổ hủ, làm sao có thể sống niềm tin cách thiết thực và năng động khi khái niệm đó chưa được đổi thay, chưa được gột rửa vỏ bọc của bụi đời. Thiên Chúa sai sứ giả đi trước là thế, gợi nhắc cho con người hãy can đảm và khiêm tốn đổi thay, để được đón Ngài.
Một xã hội văn minh, hiện đại sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống tôn giáo, ngược lại, một xã hội phân biệt giàu nghèo, sống chia rẽ, làm giàu bằng những con đường quanh co, mờ ám và phi pháp, thì ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tình tôn giáo của cộng đoàn. Hố sâu giữa người giàu và người nghèo là nỗi đau của Thiên Chúa, hố sâu đó chia cắt con cái của Ngài ra làm nhiều mảnh, gây ra nhiều vết thương trong trái tim và làm chảy máu trong tâm hồn. Lời tiên tri Gioan kêu gọi hãy lấp đầy những hố sâu chia rẽ là đó. Bên cạnh là những cách thức kiếm sống phi pháp và lắm lúc còn bất nhân, vì đồng tiền, đã bỏ qua tình gia đình, tình bạn hữu và ngay cả tình vợ chồng, để rồi kết thúc là sự bế tắc cùng tận, vì đồng tiền, không thiếu những phương cách luồn lách, tranh cướp phi nghĩa, đánh mất nhân vị của tha nhân. Đó là những bất công trong xã hội mà các tiên tri ngày xưa đã lên tiếng mạnh mẽ, và thánh Gioan Tiền Hô cũng được gởi đến với sứ mạng đó.
Lạy Chúa, sửa dọn tâm hồn đón Chúa, luôn là mong ước của con người, nhưng đối diện với cuộc sống khó khăn, vô tình làm cho con người quên lãng mong ước đó của Thiên Chúa, xin thứ lỗi cho chúng con, xin giúp chúng con biết can đảm sửa lại những gì chưa phù hợp và không còn phù hợp trong niềm tin và đời sống, để tâm hồn mỗi người xứng đáng là nơi Con Thiên Chúa ghé thăm và ở lại. Trong xã hội vào mọi thời, còn nhiều bất công, nhiều khổ đau con người gây ra cho nhau, xin Chúa giúp chúng con cố gắng lấp dần những hố sâu chia rẽ và bất công, để có một cộng đoàn huynh đệ thiêng liêng, một cộng đoàn ấm tình người, sáng tình Trời, đó là một hang đá ấm áp với những con đường nhỏ dẫn tới một mái ấm gia đình bình an và hạnh phúc. Amen.
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh