Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 21 Tháng 4 2019 07:50

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai BNPS (22/4) tới CN II-PS (28/4)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai BNPS (22/4) tới CN II-PS (28/4)

Lm Giuse BCD, SJ


Con nguyện xin Chúa Phục Sinh tuôn đổ muôn ơn lành xuống trên quý cha, quý Sr, anh chị em xa gần và người thân, trong suốt Mùa Phục Sinh này. Xin Chúa Phục Sinh ban ơn luôn cảm nhận được niềm vui phục sinh trong tâm hồn của mọi người để sẵn sàng san sẻ niềm vui ấy cho những ai đang cần được phục sinh với Đấng đã chiến thắng đau khổ và sự chết để sống lại vinh quang!

I.Tin Mừng Mt 28:8-15 (Thứ 2, Bát Nhật Phục Sinh)
(Thứ Hai, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Khi ấy, các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. 9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em! " Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự."15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Các bạn thân mến,
Đoạn Phúc Âm hôm nay mô tả cho chúng ta chiêm ngắm hai trạng thái khác nhau của hai loại người chứng kiến biến cố Chúa Phục Sinh: các phụ nữ sợ hãi và vui mừng, các thượng tế và kỳ mục lo âu và mưu gian.

Khi nhận thấy Chúa Phục Sinh như đã được ghi chép trong Kinh Thánh, các thượng tế và kỳ mục nên thay đổi lòng dạ và thống hối ăn năn để sống một cuộc sống mới trong niềm tin vào Đấng Mê-xi-a đã chết và sống lại hiển vinh. Thế nhưng, điều gì khiến tâm hồn các ông chai cứng và tiếp tục phạm sai lầm? Phải chăng vẫn là sự ích kỷ và cái tôi quá lớn tồn tại trong tâm hồn họ?

Còn những phụ nữ hay bị xem thường bởi người đàn ông Do Thái thì phấn khởi vui mừng trong sợ hãi, bởi bên cạnh họ có không ít người kém tin và chống đối, và hơn thế nữa họ lại là những người được diện kiến Chúa Phục Sinh trước tiên, để tâm hồn họ tràn ngập nỗi vui mừng khôn tả. Chúa phục sinh là một biến cố mới lạ xen lẫn niềm hy vọng khắc sâu trong tâm trí họ vào một Đấng Cứu Thế hóa thân làm người chuộc tội nhân thế, vì thế, họ sợ hãi. Sợ hãi vì không tin vào mắt mình khi chứng kiến Chúa đã sống lại. Sợ hãi vì biết nói sao cho người khác hiểu kinh nghiệm của mình về Đấng Phục Sinh. Tuy nhiên, với ơn Chúa, với lời mời gọi đan xen niềm an ủi của Chúa Phục Sinh - "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy..." - những phụ nữ này sẵn sàng ra đi loan báo Tin Vui trọng đại như Chúa mong ước.

Các bạn thân mến, các bạn là ai trong số những nhân vật được kể trong đoạn Tin Mừng trên? Các bạn có giống các thượng tế và kỳ mục chai lì trong đức tin, đức cậy và đức mến vào Chúa Phục Sinh, để rồi tiếp tục sống con người cũ, cộng tác vào sự bất công, gian dối và ích kỷ vẫn diễn ra hằng ngày trong cuộc sống xã hội hôm nay? Các bạn có dám bắt chước những phụ nữ chân yếu tay mềm tin vào Chúa với trọn cả con tim đơn sơ, bé nhỏ, mỏng manh và yếu đuối để mạnh mẽ cất bước ra đi loan báo Tin Mừng Sự Sống và Tình Thương của Thiên Chúa yêu con người đến cùng?
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Ga 20:11-18 (Thứ 3, Bát Nhật Phục Sinh)
(Thứ Ba, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

11 Bấy giờ, Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.13 Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! "14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.15 Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."16 Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy").17 Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em"."18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

Các bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng hôm nay như một đoạn phim tình cảm diễn tả mối tương quan thân ái giữa thầy và trò. Maria Mác-đa-la là một học trò hết mực thương yêu Thầy Giê-su với một tâm hồn đơn sơ, giản dị. Chúa Giê-su Phục Sinh là một người Thầy hiểu trò và kiên nhẫn với trò.

Maria ra mộ để viếng xác Thầy Giê-su, chờ đợi Thầy sống lại và ước mong được gặp lại Thầy như lời đã hứa. Maria được toại nguyện khi Thầy Giê-su hiện ra với chị. Chị không nhận ra Thầy và khóc lóc, van xin để nhận lại được xác của Thầy. Chúa Phục Sinh dường như rất thương mến trò Maria, nhẫn nại mặc khải và trò chuyện kèm theo những lời an ủi yêu thương. Thầy Giê-su không thể từ giã học trò đơn sơ này để về cùng Chúa Cha cho đến khi Maria nhận ra Thầy kèm theo một lệnh truyền.

Khi được diện kiến Đấng Phục Sinh, Đấng đã sống lại trong tâm hồn Maria, những hình ảnh chết chóc và đau khổ của Thầy Giê-su trong tâm trí Maria đã tan biến hết để thay vào đó là hình ảnh và cả con người của một vị Thầy hằng sống mãi trong lòng chị.

Tất cả những ai nhận biết "Chúa đã sống lại", tin vào Chúa, chứng kiến điều lạ lùng Chúa làm trong đời họ, dường như đều nhận được một lời mời gọi bất biến của Người, đó là ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa như hình ảnh Chúa Phục Sinh mời gọi Maria Mác-đa-la cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng trong đoạn Lời Chúa hôm nay: "hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.'" (Ga 20:17). Bạn có kinh nghiệm này không? Bạn đã làm gì trước tiếng mời gọi của Chúa (sợ hãi, lo âu, nghi ngờ..., hay tin tưởng, dấn thân...)?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Tâm sự với Chúa:

Lạy Chúa Giê-su,
hôm nay chúng con mừng lễ Chúa Phục Sinh,
chúng con nhớ tới hình ảnh Maria Ma-đa-lê-na đi tìm Chúa
vào một sáng bình minh,
trong bầu khí tĩnh mịch và thanh bình.
Bà không nhận ra Chúa đã phục sinh.

Chúng con nhớ tới hình ảnh của hai môn đệ Em-mau
thất vọng trở về quê ẩn náu, mưu sinh.
Họ không biết rằng Chúa đã phục sinh.
Họ không hiểu rằng
Chúa siêu vượt khỏi thời gian và không gian.
Chúa hữu hình nhưng cũng vô hình.
Chúa dường như đã trì hoãn cuộc trở về hiển vinh
với Chúa Cha trên thiên đình,
để hiển hiện dung nhan tươi mới của Ngài
cho những người chân chính.

Họ đã nhận ra Chúa khi Ngài gọi chính tên của họ,
khi Ngài giảng lời Kinh Thánh và bẻ bánh.
Họ vui mừng vì đã thấy Chúa.
Họ đã tin và làm chứng cho sự thật – Chúa đã Phục Sinh.
Hôm nay, chúng con cũng được nghe lời Kinh Thánh,
cũng được dự lễ Bẻ Bánh.
Xin Chúa gia tăng lòng tin nơi chúng con.

Xin Chúa giúp chúng con
biết chuyên cần tìm kiếm Chúa
trong cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa,
biết siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh,
để chúng con có thể nhận ra Ngài
trong mọi sự kiện và biến cố của đời sống chúng con,
để chúng con vững tiến trên con đường Ngài mời gọi.

Xin Chúa cũng thôi thúc những tâm hồn
chưa tin Chúa, chưa nhận biết Chúa
được nhận biết và tin Chúa,
được trở thành môn đệ và chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Amen.

III.Tin Mừng Lc 24:13-35 (Thứ 4, Bát Nhật Phục Sinh)
(Thứ Tư, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay."19 Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Các bạn thân mến,
Đây là đoạn Phúc Âm kinh điển trong toàn bộ Sách Tân Ước và chỉ có thánh Luca thuật lại biến cố Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus một cách chi tiết nhất.

Với biến cố này, các bạn có thể áp dụng phương pháp cầu nguyện chiêm niệm để có thể cảm nếm bề trong sự thân thương và gần gũi của Chúa Giê-su Đấng đã sống lại từ cõi chết.

Bạn có thể tưởng tượng con đường Emmaus ở đất nước Palestine trong tâm trí của mình. Đó có thể là một con đường mòn đầy sỏi đá, hai bên vệ đường là hoa cỏ dại, ít người qua lại nên cũng ít hàng quán. Trên con đường ấy, vào một buổi chiều, có hai môn đệ của Thầy Giê-su đang trở về quê quán của họ trong tâm trạng buồn rầu, thất vọng...
Bạn có thể xin ơn được sống lại thật về phần linh hồn, nghĩa là chết đi con người cũ và xin Chúa sống lại trong bạn để bạn có một niềm tin và hy vọng vào Chúa mạnh mẽ hơn và yêu mến sứ mạng còn dang dở của Chúa hơn.

Bạn có thể đặt mình vào vai trò của một trong hai môn đệ, có thể là người môn đệ vô danh, vì thánh Luca chỉ nói cho chúng ta biết tên của một người là Clêôpát, còn người kia thì không biết danh tánh thế nào. Phải chăng chỗ trống đó dành cho bạn, hãy đặt tên bạn vào đó, nếu bạn cảm nhận tâm trạng của bản thân mình lúc này không khác gì người môn đệ vô danh, đó chính là sự thất vọng, chán chường... Bạn đã từng theo Chúa, đã từng gần gũi bên Chúa. Bây giờ, lòng trí bạn rối bời bởi bạn không thấy Chúa đâu cả, dường như Chúa đã chết trong bạn và bạn chẳng thể tin rằng Chúa đã sống lại trong tâm hồn bạn, dù cho mọi người có giải thích như thế nào, dù cho vẫn cố gắng tìm kiếm Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài.

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa thế nào? - Phải chăng từ việc Chúa giải thích Kinh Thánh cho họ, bắt đầu từ Cựu Ước (Môi-sê và các ngôn sứ), rồi đến Tân Ước qua việc cử hành Thánh Thể (Chúa bẻ bánh). Như thế, Kinh Thánh Cựu Ước khá quan trọng và ở nơi đó người tín hữu có thể nhìn thấy khuôn mặt của Đấng Mê-xi-a, Đấng cứu chuộc nhân thế và chiêm ngắm Người cách gần gũi hơn khi tham dự Thánh Lễ. Do đó, cuộc sống người Ki-tô hữu không thể thiếu hai chiều kích này, đó là Cầu Nguyện và tham dự Thánh Lễ.

Hơn thế nữa, người Ki-tô hữu còn có bổn phận làm chứng về Chúa, loan báo cho mọi người biết Chúa đã sống lại qua kinh nghiệm thiết thân của bản thân với Chúa (Lc 24:35). Thực tế, khi tôi ra đi loan báo Tin Mừng, có khi tôi chưa kịp loan báo gì thì đã được người khác loan báo cho tôi về Chúa như hình ảnh hai môn đệ ở cuối đoạn Tin Mừng hôm nay: "Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: 'Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn'." (Lc 24:33-34).

Khi bạn chiêm ngắm các nhân vật trong đoạn Phúc Âm này, điều gì đọng lại trong tâm trí bạn? Bạn là ai trong số các nhân vật? Bạn có nhận ra Chúa khi cầu nguyện và tham dự Lễ Bẻ Bánh? Vì sao bạn chưa nhận ra Chúa, có phải vì bạn thiếu nghiêm túc, thiếu sốt sắng, thiếu tập trung...? Chúa có trách bạn lòng chai dạ đá, chậm hiểu, kém tin... hay Chúa an ủi và nâng đỡ bạn vượt qua những nghi ngờ và hâm nóng con tim đang đóng băng của bạn? Bạn có dám ra đi chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa cho người khác? Bạn có nhận ra một điều mâu thuẫn trong sứ mạng loan báo Tin Mừng rằng đôi khi bạn được người khác (đối tượng bạn gặp) loan báo về Chúa và giúp bạn nhận ra Chúa và gần gũi Chúa hơn không?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Lc 24:35-48 (Thứ 5, Bát Nhật Phục Sinh)
(Thứ Năm, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
"Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24:48).

Bấy giờ hai môn đệ Emmaus thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em! "37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.38 Nhưng Người nói: "Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực?39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? "40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không? "42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng.43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm."45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh46 và Người nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.

Các bạn thân mến,
Đoạn Phúc Âm hôm nay tiếp tục kể lại cho chúng ta nghe những gì xảy ra sau khi Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmaus, đó là Chúa hiện ra với các môn đệ khác, những người đang ở với nhau trong tâm trạng sợ hãi, nửa vui mừng nửa hoài nghi trước biến cố Chúa đã sống lại.

Các ông vui mừng trong sợ hãi, nên các ông không thể tin. Nói cách khác, niềm tin của các môn đệ nơi Thầy Giê-su là đúng đắn, xác đáng; vì thế, các ông không thể tin vào mắt mình khi đối diện với Thầy và khi nghe người khác làm chứng về Thầy. Hầu như chúng ta ít nhiều có kinh nghiệm này. Có một biến cố bất ngờ xảy đến (thi đậu, khám phá một thành tựu khoa học, người thân qua đời đột ngột...), dù đó là sự thật, nhưng chúng ta vẫn hoài nghi và khó tin.

Hai môn đệ Emmaus chỉ kịp trở về đoàn tụ cùng các môn đệ khác, chưa kịp nói hết những gì các ông chứng kiến thì Chúa đã xuất hiện. Điều này dường như mách bảo chúng ta rằng Chúa mới là tác nhân chính trong việc loan báo Tin Mừng, chúng ta là người cộng tác và hãy làm hết sức mình, những việc còn lại Chúa sẽ lo liệu.

Chúa Phục Sinh lại giải thích Kinh Thánh cho các môn đệ, để các ông tin vào những gì mình chứng kiến và xua tan hoài nghi trong lòng trí các ông. Phải nói rằng Chúa quá kiên nhẫn với các học trò chậm hiểu và yếu lòng tin! Bên cạnh đó, chúng ta có thể xác tín rằng sách Kinh Thánh vẫn là nhân chứng và là lời chứng hữu hiệu nhất về Thầy Giê-su; và Thầy Giê-su là người giúp chúng ta giải thích Kinh Thánh dễ hiểu nhất bằng chính cuộc đời và gương sáng của Người. Hơn thế nữa, khí cụ sắc bén nhất trong việc loan báo Tin Mừng là Lời Chúa.

Bạn có nhận thấy Kinh Thánh rất quan trọng với đời sống Đức Tin của bạn không? Bạn có nghiệm thấy sách Kinh Thánh giúp bạn dễ dàng nhận biết Đức Ki-tô và tin vào Người, nhờ đó học các nhân đức từ Đức Ki-tô để được lớn lên trong Người không? Bạn có siêng năng cầu nguyện với sách Kinh Thánh? Nói cách khác, bạn có cảm nghiệm thấy rằng sách Kinh Thánh là phương tiện hữu hiệu nhất, là người bạn thân thiết nhất, là thầy dạy lý tưởng nhất giúp bạn gần gũi Chúa hơn không? Theo bạn, cầu nguyện và chia sẻ những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa cho người khác là do sức lực của bạn hay do ơn Chúa? Chúa đóng vai trò gì trong cuộc sống làm chứng của bạn?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Ga 21:1-14 (Thứ 6, Bát Nhật Phục Sinh)
(Thứ Sáu, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
"Chúa đó!" (Ga 21:7)

1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.5 Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không."6 Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: "Chúa đó! " Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.10 Đức Giê-su bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây! "11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.12 Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn! " Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai? ", vì các ông biết rằng đó là Chúa.13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Các bạn thân mến,
Hôm nay chúng ta lại được nghe câu chuyện Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a từ Tin Mừng Gioan. Chúa Phục Sinh chọn bờ biển để gặp gỡ các học trò đang trong thời gian sầu khổ tường chừng như một sự tình cờ, nhưng lại ẩn chứa một thông điệp thanh cao: bờ biển thường có sóng vỗ, sóng này cuộn sóng kia, nên bờ biển luôn mới mẻ, và Chúa Phục Sinh tựa như những cơn sóng vỗ bờ (dù to hay nhỏ) để luôn làm mới bờ biển và đại dương.

Bản thân tôi, khi đọc đoạn Phúc Âm này, cảm nhận thấy đoạn văn đượm bầu khí u buồn, cô quạnh. Từ đêm về sáng, không gian và thời gian trải dài sự tĩnh mịch, êm đềm, vắng lặng. Dường như các tông đồ trở nên như những người dư thừa trên mặt đất khi không có Thầy Giê-su bên cạnh.

Thế rồi, Thầy Giê-su xuất hiện, nhưng các học trò chẳng nhận ra. Công việc đầu tiên của Thầy là lo cho học trò có thức ăn sáng và giúp học trò nhận biết Thầy: "Này các chú, có gì ăn không?", "Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền, sẽ bắt được cá..." Nghe câu nói quen thuộc như thế, nhưng chẳng ai nhận ra người đang nói là ai. Khi lưới đầy cá, khi làm theo lời Chúa dạy và thu hoạch hoa trái dồi dào, với một con tim nhạy bén và có chiều sâu thiêng liêng của Gioan, ông mách bảo người đứng đầu Nhóm Mười Hai rằng "Chúa đó!" Quả thực, không dễ nhận ra Chúa Phục Sinh bằng con mắt thường!

Chúa Phục Sinh gặp gỡ các học trò với một bữa ăn sáng. Chi tiết này có thể giúp chúng ta cảm nhận sâu hơn một tình thương dịu ngọt của Chúa dành cho những người Ngài đã tuyển chọn. Vì thương nhớ học trò đang cô đơn, vất vưởng, nên Chúa đã chuẩn bị sẵn mọi thứ để giúp mọi người được no đầy. Chúa là thế đấy! Người không bao giờ bỏ rơi ai. Người luôn đồng hành, chở che và nuôi dưỡng các môn đệ trong âm thầm với một tình yêu khôn cùng.

Bạn có bao giờ kinh nghiệm nỗi trống vắng Chúa như các tông đồ trong đoạn Tin Mừng này không? Bạn làm gì khi bị cô đơn, trống vắng, khổ sầu...? Bạn có nhận ra Chúa khi bạn đang gặp cảnh buồn vương trong cuộc sống? Bạn có dám tin vào một lời nói hay một lời chỉ dạy đầy yêu thương và chân thành vang vọng trong con tim bạn không? Bạn có dễ dàng nhận ra Chúa đang nói với bạn từ sâu thẳm của tâm hồn bạn không? Làm thế nào để có thể mau mắn nhận ra tiếng Chúa nói trong tim bạn? Bạn có nhận thấy Chúa vẫn hằng yêu thương, săn sóc, đỡ nâng và dìu dắt bạn trên mọi nẻo đường, nhất là những đoạn đường nhiều chông gai, gập ghềnh chênh vênh, sỏi đá gồ ghề?
Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mc 16:9-15 (Thứ 7, Bát Nhật Phục Sinh)
(Thứ Bảy, Tuần Bát Nhật Phục Sinh)
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!" (Mc 16:15)

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc.11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Các bạn thân mến,
Đoạn Tin Mừng Mác-cô hôm nay tường thuật lại cho chúng ta nghe ba lần Chúa Phục Sinh hiện ra với những người thân tín của Người: thứ nhất, Người hiện ra với chị Maria Mác-đa-la; thứ hai, Người hiện ra với hai môn đệ đang trên đường về quê (thánh Mác-cô nói vắn gọn chỉ một câu, trong khi thánh Luca kể lại bằng một đoạn văn chi tiết về địa điểm (Emmaus), con người (một người tên là Cleopas, còn người kia tên gì chẳng ai biết, rất có thể là chính tác giả) và sự kiện về biến cố này); và thứ ba, Người hiện ra với Nhóm Mười Một (không còn là Nhóm Mười Hai vì Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã thắt cổ tự vẫn).

Cả hai lần hiện ra đầu, những người đã kinh nghiệm trực tiếp về Đức Ki-tô Phục Sinh kể lại những gì họ thấy và chứng kiến tận mắt cho Nhóm Mười Một nghe nhưng các ông không tin. Tại sao vậy?

Khi Chúa Ki-tô Phục Sinh hiện ra với Nhóm Mười Một, Người đã trách các ông kém lòng tin (cứng lòng) vì không chịu tin những gì người khác kể lại. Thực ra, rất có thể Chúa biết nguyên nhân tại sao các môn đệ của Người không tin, bởi vì đứng trước một biến cố lớn lao, một sự kiện trọng đại, các môn đệ không thể hàm hồ, ngộ nhận... để rồi không xác tín làm chứng về những điều đã nghe thấy và chứng kiến tận mắt (mục sở trường), bởi lực lượng chống đối Chúa và các môn đệ của Người rất đông và có ảnh hưởng mạnh trong xã hội và tôn giáo. Chúa hiểu và kiên nhẫn với các học trò của mình. Chúa không giận họ, ngược lại Chúa đích thân hiện ra với họ. Vấn đề là tại sao Chúa không hiện ra với Nhóm Mười Một trước tiên? Phải chăng, đối với Chúa Phục Sinh, không gian, thời gian và con người không còn có khoảng cách. Chúa làm chủ mọi sự và sắp đặt mọi sự. Chúa biết khi Chúa Thánh Thần đến Người sẽ làm mọi sự tỏ tường. Hơn thế nữa, Chúa muốn cho mọi người thấy Lời Người là chân lý: "Phúc cho ai không thấy mà tin" (Ga 20:29).

Mặt khác, trong bối cảnh văn hóa và xã hội thời ấy, kinh nghiệm trực tiếp và thiết thân về Chúa Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ mạnh mẽ và can đảm làm chứng về Người hơn. Nhờ đó, các ngài truyền lại cho hậu thế, những người không có cơ hội nhìn thấy Chúa Giê-su tận mắt, những gì các ngài đã thấy và đã tin vào Đấng Mê-xi-a, để mọi người đều tin vào lời các ngài rao giảng và tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh bằng con mắt đức tin của mình. Đó cũng là mối phúc của Chúa Ki-tô Phục Sinh dành cho người hậu thế, vì "không thấy mà tin" vào Người.

Sau cùng, cuối đoạn Tin Mừng, chúng ta vẫn nghe thấy lời mọi gọi quen thuộc của Chúa Ki-tô Phục Sinh dành cho những ai có kinh nghiệm thiết thân với Người: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!" (Mc 16:15). Câu nói này của thánh Máccô hơi khác với hai tác giả còn lại trong Tin Mừng Nhất Lãm, vì thánh Mátthêu thì viết: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, ..." (Mt 28:19), còn thánh Luca lại viết rằng "phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân..." (Lc 24:47). Điểm khác biệt chính là đối tượng được nghe Tin Mừng. Thánh Máccô thuật lại lời mời gọi của Chúa Phục Sinh cách chi tiết và sâu rộng là loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Nghĩa là, đối tượng được nghe biết Tin Mừng bao gồm mọi loài, dù là con người hay động vật, thực vật, kẻ chết và đang ở luyện ngục hay người còn sống (x. 1Pr 3:18-22), v.v.. Quả thực, ngày nay, thế giới đang chú tâm vào sự biến đổi khí hậu, tức là con người và môi trường sống có mối tương quan hữu cơ. Sự sống sung mãn của con người tùy thuộc vào môi trường sống lành mạnh, trong sạch... Do đó, loài vật và loài người đều cần được nghe biết Tin Mừng Sự Sống.

Vâng, trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Giáo Hội cho chúng ta nghe cả bốn sách Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa sống lại hiển vinh hiện ra với những môn đệ thân tín và luôn kèm theo lời mời gọi tiếp nối sứ mạng còn dang dở của Người. Phần bạn, bạn có thấy một niềm an ủi lớn lao khi tin vào Chúa Ki-tô không? Bạn có kinh nghiệm thiết thân về Chúa Phục Sinh như các môn đệ khi xưa không? Chúa nói gì với bạn? Bạn có nghe thấy lời Người mời gọi cộng tác vào sứ mạng của Người không? Bạn có dám đáp trả lời mời gọi ấy và đáp trả như thế nào?
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Ga 20:19-31 (CN II Phục Sinh, Năm ABC)
(Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa)
"Phúc thay những người không thấy mà tin" (Ga 20:29).

19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! "20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em."27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! "29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! "
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Các bạn thân mến,
Bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, nêu bật nhu cầu được kinh nghiệm Chúa một cách thiết thân của các môn đệ, đặc biệt ở nơi con người thánh Tô-ma Tông đồ. Và khi đã có được kinh nghiệm ấy, thánh Tô-ma đã có một lời tuyên xưng đức tin có lẽ là đẹp nhất trong toàn bộ sách Tin Mừng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " (Ga 20:28)

Sau khi kinh nghiệm trực tiếp Chúa Phục Sinh, thánh Tô-ma không còn nghi ngờ gì nữa. Những gì ngài biết về Thầy Giê-su nay đã vượt lên trên sự nhận biết tầm thường mà thay vào đó là một sự nhận biết siêu việt, một sự nhận biết với một chiều sâu thiêng liêng nội tâm xác tín và với con tim chân thành. Tông đồ Tô-ma không còn gọi Thầy Giê-su là "thầy" nữa, nhưng ngài xưng tụng Người là Chúa và là Thiên Chúa. Tương tự như sự nhận biết Thầy Giê-su của Tông đồ Gioan: "Chúa đó!" (Ga 21:7)
Quả thực, trong bối cảnh sống của các Tông đồ thời đó, các ngài khát khao được diện kiến Chúa Giê-su Phục Sinh cách trực tiếp, được nghe-nhìn-nếm-ngửi-chạm tới Chúa Phục Sinh (như hình ảnh của thánh Tô-ma trong đoạn Lời Chúa hôm nay). Nhờ đó, các ngài xác tín và làm chứng mạnh mẽ rằng "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl 2:11).

Ngày nay, chúng ta cũng có thể đạt được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Phục Sinh cách trực tiếp qua việc cầu nguyện với một đức tin do Chúa ban tặng. Đức Ki-tô của đức tin mà chúng ta kinh nghiệm qua đời sống cầu nguyện và phục vụ anh chị em nghèo khổ, bất hạnh... là Đức Giê-su mà các môn đệ của Người khi xưa đã từng gặp gỡ và chung sống.

Các bạn thân mến, các bạn có kinh nghiệm này chưa? Các bạn có bao giờ gặp thấy Chúa trong cầu nguyện và qua việc phục vụ anh chị em đồng loại không?

Để có thể kinh nghiệm trực tiếp Đức Ki-tô, tôi thiết nghĩ, không có cách nào khác hơn là chúng ta nên chìm lắng trong cầu nguyện và ra sức phục vụ anh chị em nghèo khổ và bất hạnh đang sống chung quanh mình. Chúng ta kinh nghiệm về Chúa Kitô hay chúng ta có kinh nghiệm của Chúa Kitô vẫn chưa đủ. Nghĩa là chúng ta còn cần phải sống kinh nghiệm ấy cách sống động trong đời sống hằng ngày. Để sống kinh nghiệm này chúng ta cần kinh nghiệm được lòng thương xót Chúa chạm vào tâm hồn mình.
Thật thế, sở dĩ thánh Tôma và các thánh có thể tuyên xưng mạnh mẽ "Đức Giêsu Kitô là Chúa" là vì các ngài được lòng thương xót Chúa chạm vào tâm hồn các ngài. Chúng ta hãy chiêm ngắm chân dung thánh Tôma trong đoạn Tin Mừng hôm nay thì sẽ nghiệm thấy rõ ràng hơn, thuyết phục hơn. Thánh Tôma bị cho là cứng lòng tin. Có lẽ không phải thế! Ngài chưa tin Chúa Phục Sinh có lẽ bởi vì niềm tin vào sự phục sinh của vị Thầy đáng kính của ngài vượt khả năng của ngài, khả năng hạn hẹp của con người, khả năng của đức tin. Và đức tin của ngài chỉ có thể đủ mạnh mẽ, đủ trưởng thành khi ngài kinh nghiệm trực tiếp Chúa Phục Sinh, khi ngài được lòng Chúa thương xót chạm vào tâm hồn ngài mà thôi. Quả thế, Chúa hiểu thấu tâm tư và niềm tin của thánh Tôma, nên Người đã thực hiện điều người học trò khát khao trong sâu thẳm cõi lòng. Khi đạt được kinh nghiệm này, thánh Tôma trở thành người chứng vĩnh cửu cho niềm tin vào vị Thầy mà ngài đã từng chia cơm sẻ bánh, mà ngài đã kinh nghiệm cách sống động. Có lẽ chúng ta cũng thế! Chúng ta sẽ sống đức tin và san sẻ lòng thương xót Chúa cho người khác bằng cả tính mạng của mình khi chúng ta kinh nghiệm Chúa chạm vào tâm hồn chúng ta bằng lòng thương xót vô biên và dịu dàng của Người.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau trước Bàn Thờ Chúa để xin Người giúp chúng ta có thêm niềm tin, nghị lực và lòng hăng say tìm kiếm Chúa trong cầu nguyện và các công việc phục vụ của chúng ta trong Hội Thánh của Người, các bạn nhé!
Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!
Mừng Chúa Phục Sinh! Halleluia!

 

Lm Giuse BCD, SJ

Read 10090 times Last modified on Chủ nhật, 21 Tháng 4 2019 08:14