“Đáng đời !” Câu nói nghe rất quen và rất gần với văn hóa ứng xử của Việt Nam dành cho người khác khi người khác mắc nạn. Chả hiểu nước ngoài có kiểu như vậy không khi nói về người khác khi họ gặp tai ương, gặp đau khổ.
Hiện nay, mọi người đều biết tác họa kinh khủng của Cô Vy 19 tuổi. Theo nghiên cứu thì kết quả cho thấy Cô Vy 19 tuổi “sinh ra – lớn lên & phát tán” từ thành phố Vũ Han bên nước Tàu. Cô ấy cứ đi và đi mãi chưa biết điểm dừng. Cả thế giới đang tìm mọi cách để trước hết là chặn đứng sự lây lan của Cô và kèm theo đó là tiêu diện khi Cô xâm nhập cơ thể người.
Và, đứng trước đại nạn như vậy, nhiều và nhiều người cứ “tiện tay” gõ trên bàn phím biết bao nhiêu điều về Cô Vy ấy. Hẳn nhiên, trong đó có nhiều lời ai oán rằng Vũ Hán thế này thế kia … nên bị như thế.
Chiều hôm nay, khi thông tin chưa kiểm chứng thì 94 người dính Cô Vy và những người này thuộc nằm ở dạng “đáng ghét”. Thế là bao nhiêu lời nào là “đáng đời đáng kiếp”, nào là “ở ác thì bị” … vì cách đây không lâu thì một trong nhóm người này đã ra “án” phạt 10 triệu đồng cho một người dân dám lên trang cá nhân của mình để đưa tin về Cô Vy 19. Trong thời gian rất ngắn, nhiều lời dèm pha, đàm tiếu và cả danh sách của những người này được đưa lên mạng.
Như mọi người đã biết, cách đây vài ngày, cô gái ở Hà Nội sau khi đi Châu Âu về đã gây họa cho những ai mà cô tiếp cận. Như một thói quen sẵn có, nhiều người không ngần ngại ném đá bệnh nhân này. Họ không quên dung những cục đá thật to và thật sắc để ném vào cô này và kèm thêm khuyến mãi là những bài thơ, những bài hát nhục mạ cô ta.
Xét cho bằng cùng, chả ai muốn mình phải rơi vào hoàn cảnh bi đát như cô bé đi Châu Âu về hay những bệnh nhân đang nhiễm bệnh và cả 94 người chiều nay danh sách rò rỉ. Họ đang phải đối diện với cái chết vì sự hủy hoại của Cô Vy.
Và, nhìn cho kỹ thì ta lại thấy có điều gì đó thật khó nói từ cộng đồng mạng. Dĩ nhiên không phải cộng đồng mạng luôn luôn đúng và là tiếng nói của tất cả mọi người. Điều đáng tiếc là có những điều chưa kiểm chứng chính xác thông tin hay những người bị vướng bệnh hay gặp tai ương chả dính dáng gì đến cuộc sống của cá nhân mình.
Chợt nhớ đâu đó hình ảnh của những người Biệt Phái và tự cho mình là công chính luôn luôn trong đầu não trạng là những người bị tháp Siloac đè chết là vì họ tội lỗi. Hay như là đứa trẻ bị quỷ ám là do cách ăn ở của cha mẹ nó hoặc nó có tội và như thế là đáng chết. Thế là họ không ngần ngại ném đá những người không làm vừa lòng họ.
Và, hình ảnh của người phụ nữ bị coi là bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình vẫn còn đó. Người ta dẫn cô ta ra trước cộng đồng và chuẩn bị quăng đá. Tâm họ ác đến độ họ muốn lôi cả Chúa Giêsu vào trong vụ án đó. Kết quả như mọi người biết là cô ta “trắng án” nhờ lòng nhân hậu và tha thứ của Thầy Chí Thánh Giêsu.
Thường, tâm lý đám đông là hay gán ghép cho người này người kia khi họ gặp nạn là vì họ phạm tội hay làm điều xấu. Sau khi gán ghép là họ bắt đầu tung đá.
Tạm như theo cách người ta cho là Vũ Hán đáng đời hay ai nào đó đáng đời nên chăng cần xem lại. Giả như Vũ Hán xấu đi thì cũng một số thành phần nào đó quan chức lãnh đạo bịt kín thông tin chứ không phải tất cả mọi người dân Vũ Hán. Và, như người này người kia đang bị nhiễm đi thì chưa chắc họ tội lỗi hơn ta mà ta ném đá.
Ở đời ! Nên chăng đừng kết án ai và cũng đừng lấy bùn ném vào ai cả. Chưa chắc bùn đã trúng người cần ném nhưng trước hết là bùn đã làm cho người ném phải bẩn tay.
Điều quan trọng nhất giờ này là cầu nguyện. Cầu nguyện cho người đang nhiễm và đã nhiễm. Phần ta, đâu biết được ngày nào đó cũng đến lượt ta. Tốt hơn hết là bỏ cục đá đang cầm trong tay xuống và nguyện cầu.
Người Giồng Trôm