Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 29 Tháng 12 2020 11:07

Phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    PHÓ MÌNH CHO NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN

“Có Thánh Thần ở trong ông”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật ngạc nhiên, chỉ trong trình thuật Dâng Chúa ngắn ngủi hôm nay, có tới ba lần, Luca nói đến tác động của Thánh Thần; không phải tác động trên một Phêrô hay một Phaolô hăng nhiệt, năng nổ thời Công Vụ Tông Đồ, nhưng tác động trên một cụ già. Simêon, con người của Thánh Thần! Với nhân vật độc đáo này, chúng ta nhìn ngắm chân dung của một con người hoàn toàn ‘phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần’.

Tác giả Luca đã nói về cụ Simêon thế này, “Có Thánh Thần ở trong ông”; “Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa”; “Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ”. Để được vậy, hẳn Simêon đã học cách thức lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần mỗi ngày; học cách trò chuyện với Ngài trong tư cách một người con, một người môn đệ và nhất là, tư cách của một người bạn. Nhờ đó, Thánh Thần đã trở nên nguồn cảm hứng thánh thiện nung đốt lòng ông, để ông thực sự khao khát và mong chờ Đấng Cứu Độ. Nhờ Thánh Thần, ông tin chắc Thiên Chúa sẽ thực hiện điều đó ngay trong cuộc đời của ông; và kìa, ước mơ ấy đã thành hiện thực. Thật tuyệt vời, ông được bồng ẵm Đấng Cứu Độ trên tay! Và rồi đây, Ngài cũng sẽ ‘phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần’; sau phép rửa của Gioan, chính Thánh Thần lại ‘dun giúi’ Ngài vào sa mạc như hôm nay, đã ‘dun giúi’ Simêon lên đền thờ.

Nhân vật thứ hai của trình thuật Tin Mừng vốn được Thánh Thần che phủ là Mẹ Maria. Không ai tỏ ra ngoan ngoãn với Thánh Thần hơn Mẹ; Mẹ không gây bất cứ một trở ngại nào cho công việc của Chúa Thánh Thần. Luca viết, “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà”. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mô tả, “Đức Maria đã trung thành đáp lại mọi yêu cầu của Thiên Chúa trước mọi chuyển động của Chúa Thánh Thần”. Vì thế, đứng giữa đền thờ trong ngày dâng con, Mẹ nghe những lời dành riêng cho mình qua miệng Simêon, khí cụ của Thánh Thần, thì một lần nữa, Mẹ đồng ý và chấp nhận những khổ đau được Thánh Thần báo trước hôm nay, “Đây, trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều người được biểu lộ”; và như thế, Mẹ đã ‘phó mình những cho chuyển động của Thánh Thần’.

Trong cuốn sách của mình, “Take Another Look at Guidance”, tạm dịch ‘Chọn một cách hướng dẫn khác’, Bob Mumford so sánh việc khám phá ý muốn của Thiên Chúa với tiến trình vào cảng của một con tàu. Ở Ý, một con tàu chỉ có thể vào cảng an toàn khi nó đi vào một con kênh hẹp giữa những bãi đá và bãi cạn nguy hiểm. Để hướng dẫn các con tàu, đã có ba ngọn đèn trên ba chiếc cột lớn trong cảng. Thuyền trưởng phải nhắm làm sao khi ba ngọn đèn được xếp hoàn hảo trên một trục thẳng và chỉ còn là một; chỉ lúc đó, con tàu mới có thể đi vào kênh hẹp một cách an toàn. Nếu thấy hai hoặc ba ngọn đèn, thuyền trưởng biết mình đang chệch hướng và tai ương sắp xảy ra. Cũng thế, Thiên Chúa đã cho chúng ta ba đèn hiệu để hướng dẫn linh hồn mỗi người; quy tắc cũng tương tự, ba ngọn đèn này phải là một trước khi chúng ta đi tiếp. Đó là Lời Chúa, kim chỉ nam khách quan; Chúa Thánh Thần, Đấng tác động chủ quan; và lòng tín thác, tòng thuộc tuyệt đối vào sự quan phòng của Cha trên trời. Được thế, chúng ta biết mình đang đi đúng đường.

Anh Chị em,

Chúa Thánh Thần là trưởng bến cảng, Đấng dẫn lối, cũng là một trong ba ngọn hải đăng; Ngài là Thầy dạy khát khao của con tim, là khách trọ hiền lương của tâm hồn. Chớ gì mỗi người chúng ta biết nuôi dưỡng cho mình một tình bạn, tình con thảo và tình Thầy trò với Ngài. Để được vậy, hãy cầu xin cho mình sở hữu một sự tĩnh lặng đủ trong tâm hồn; nhờ đó, có thể phân biệt giọng nói của Ngài với những âm thanh ồn ào của bao tiếng động thế gian đang cố lấn át tiếng Ngài; điều đó cũng có nghĩa là chúng ta ngoan ngoãn, vâng lời Ngài một khi đã nghe tiếng Ngài; và như thế, chúng ta cũng đã ‘phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần’ vậy.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần; nhờ đó, con không còn sợ gì, ngay cả cái chết; để một mai, con cũng có thể rời khỏi thế giới này trong tin yêu hy vọng như cụ già Simêon, “Lạy Chúa, giờ đây, xin Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an” và như thế, con đã ‘phó mình cho những chuyển động của Thánh Thần’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 347 times Last modified on Thứ năm, 31 Tháng 12 2020 07:42