Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 28 Tháng 12 2020 19:55

Con trâu Tân Sửu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CON TRÂU TÂN SỬU

Lũ Chuột Xấu Xa Lây Lan Dịch Bệnh

Đàn Trâu Điềm Đạm Giúp Ích Con Người

1. Quy luật muôn thuở, định luật bất biến: Năm cũ qua, năm mới tới. Từ giã Canh Tý để chào đón Tân Sửu.

Hai năm này có “điều lạ” khá đặc biệt: Nếu lấy chữ “Canh” trong Canh Tý và chữ “Tân” trong Tân Sửu ghép lại sẽ thành Canh Tân – tức là đổi mới. Động thái đổi mới là điều cần thiết trong đời sống con người, điều đó càng cần thiết hơn đối với Kitô hữu, bởi vì Chúa Giêsu không chỉ nhắn nhủ hoặc khuyến cáo, mà là truyền lệnh: “Anh em HÃY nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)

Mệnh lệnh nên thánh đã có từ ngàn xưa, thời Cựu Ước: “Các ngươi PHẢI nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.” (Lv 11:44; Lv 19:2; Lv 20:7) Bất cứ ai muốn đến gần Ngài thì phải tinh tuyền, không chút ô uế.

Chúa Giêsu khuyến cáo nhiều điều: Phải trở nên MUỐI và ÁNH SÁNG, (Mt 5:13-16) ĐỪNG GIẬN GHÉT, (Mt 5:21-26) CHỚ NGOẠI TÌNH, (Mt 5:27-30) ĐỪNG LY DỊ, (Mt 5:31-32) ĐỪNG THỀ THỐT, (Mt 5:33-37) CHỚ TRẢ THÙ (Mt 5:38-42), đặc biệt là PHẢI YÊU KẺ THÙ. (Mt 5:44) Có lẽ chúng ta không thể “tốt lành NHƯ Chúa Cha,” Chúa Giêsu biết điều đó, nhưng Ngài muốn chúng ta phải nỗ lực hết mình, mặc dù chưa LÀM được những gì mình MUỐN thì ít ra cũng phải biết MUỐN những gì cố gắng LÀM.

Vì là phàm nhân còn lắm tham-sân-si, mang vết tội từ trong lòng mẹ, (Tv 51:7) thế nên chúng ta mới phải không ngừng nỗ lực hoàn thiện, tức là phải cố gắng nên thánh ngay trên thế gian này. Khó lắm. Vì KHÓ nên mới phải CỐ. Phàm việc gì mà phải CỐ thì đó là việc KHÓ. Nếu KHÓ mà LÀM ĐƯỢC thì mới HAY, mới GIỎI.

2. Cố gắng và cần mẫn là đặc tính của con Trâu. Nó là con vật hữu ích và thực sự đáng thương: “Con trâu suốt đời lam lũ – Làm việc giúp ích cho người – Theo mùa luân canh nhiều vụ – Thương trâu nhiều lắm, trâu ơi!”

Có mười thiên can – Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Trong đó, Canh và Tân là thuộc hành Kim – kim loại, vàng. Vì vậy, người ta cũng cho rằng những năm có can Canh và Tân là năm vàng. Một số người cho rằng những năm mệnh Thổ – đại diện cho đất, màu vàng – cũng là năm vàng.

Theo ý nghĩa đó, năm 2021 là năm con Trâu – Tân Sửu, mệnh danh Con Trâu Vàng, thế nhưng có lẽ “vàng” ở đây chỉ là màu sắc chứ không có nghĩa là phú quý, vàng bạc, châu báu. Tại sao? Bởi vì bước qua năm Tân Sửu, nhưng mùi Chuột hôi vẫn còn: Đại dịch Covid vẫn hoành hành nhiều nơi, chưa chấm dứt, thậm chí nó còn biến thể và nguy hiểm hơn nhiều. Trên thế giới, mọi người vẫn phải cảnh giác cao độ với loại “yêu quái” này.

3. Sau khi tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, Thiên Chúa trao quyền cho con người: “Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1:28) Con người là thụ tạo, nhưng là sinh vật cao cấp nhất, đặc biệt là có linh hồn. Con người hơn mọi loài bởi vì chúng chỉ có giác hồn – đối với động vật, hoặc sinh hồn – đối với thực vật.

Trước 1975, chương trình giáo dục tiểu học có truyện ngụ ngôn “Trí Khôn Con Người” liên quan con Trâu thế này: Một con Cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con Trâu đang cày ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, Trâu được mở ách cày, Cọp liền đi lại gần Trâu và hỏi:

– Này, trông anh khỏe thế, sao lại để cho con người đánh đập khổ sở như vậy?

Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:

– Con người tuy nhỏ nhưng có trí khôn, anh ạ!

Cọp không hiểu, tò mò hỏi:

– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?

Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:

– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi con người ấy!

Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:

– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?

Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:

– Trí khôn ta để ở nhà, để ta về lấy cho xem. Nếu cần, ta sẽ cho một ít.

Cọp nghe nói, mừng lắm. Anh nông dân toan đi, nhưng lại làm như sực nhớ điều gì, bèn nói:

– Nhưng mà ta đi khỏi, lỡ nhà ngươi ăn mất trâu của ta thì sao?

Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân nói tiếp:

– Hay là nhà ngươi chịu khó để ta buộc tạm vào gốc cây này cho ta yên tâm về nhà lấy trí khôn.

Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói Cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:

– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!

Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào. Dây thừng cháy nên đứt, Cọp vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại. Từ đó, con Cọp nào sinh ra cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn Trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên.

Truyện ngụ ngôn này chứng tỏ con người khôn ngoan hơn mọi loài – dù đó là loài thú dữ. Tại sao vậy? Bởi vì con người được Thiên Chúa “thổi vào một linh hồn hoạt động, và một làn sinh khí.” (Kn 15:11) Chúa Giêsu xác định: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63)

Lạy Thiên Chúa, xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm, gỡ thân con thoát miệng chó rừng, khỏi nanh sư tử hãi hùng, phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên. (Tv 22:21-22) Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện, tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng, thân con, Ngài xức dầu thơm mát. (Tv 92:11) Xin Ngài thương xót, tha thứ, và giải cứu nhân loại thoát khỏi mọi sự dữ, để danh Ngài được cả sáng. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Nguồn: Mạng Lưới Cầu Nguyện

Read 1007 times Last modified on Thứ tư, 30 Tháng 12 2020 11:32