Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 20 Tháng 1 2021 07:36

Hiệp Nhất: nền tảng của sự sống còn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  HIỆP NHẤT : NỀN TẢNG CỦA SỰ SỐNG CÒN

Hiệp nhất ! Hai từ dễ viết, dễ nói, dễ đọc nhưng không hề dễ sống.

Từ thuở tạo thành, tưởng chừng như mọi điều cứ như thánh ý của Thiên Chúa, nhưng không, con người đã phá vỡ điều tốt đẹp mà Thiên Chúa trao ban. Ngay giây phút phạm tội, nguyên tổ của loài người cũng đã không can đảm để gọi là "ăn đồng chia đủ" với nhau. Mạnh ông ông đổ lỗi cho bà, mạnh bà bà đổ cho ông. Có thể nói, sự không may mắn bất tuân, kiêu ngạo kèm theo sự chia rẽ ấy nó cứ lan mãi lan mãi cho đến ngày hôm nay và bi đát nhất là ngày hôm nay sự chia rẽ nhau bộc phát càng mạnh.

Chúa Giêsu, có thể nói là nguồn cội của sự khiêm hạ, nguồn cội của tình yêu thương và căn nguyên của sự hiệp nhất đã nêu gương cho nhân loại. Trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, ta nhận ra rằng không bao giờ Chúa Giêsu hoạt động một mình hay làm bất cứ việc gì một mình. Chúa Giêsu luôn luôn hướng về Cha, kết hợp với Chúa Thánh Thần dể rồi tất cả vinh quang đều là của Cha.

Lời nguyện hiến tế trong Tin Mừng theo Thánh Gioan suốt chương 17 ta thấy hay và thấm thía làm sao đó :

Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con ... Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta ...

Hết sức đẹp khi ta đọc câu 17 của chương 17 này : Lạy Cha là Ðấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa".

Mỗi khi có một anh em trong Dòng Chúa Cứu Thế qua đời, anh em quây quần bên nhau và hát thật nồng ấm tâm tình : Lạy Cha, những người Chã đã ban cho Con muốn rằng Con ở nơi đâu thì chúng cũng ở đó với con ...". Lặng để nghe thì thấy nó thấm như thế nào và nó đi vào tận xương tủy. Đơn giản bởi vì khi nằm xuống, không còn danh vọng hay địa vị nữa mà chỉ còn là ước mong được ở trongCha mà thôi.

"Ut unum sint", xin cho tất cả nên một. Sự hợp nhất đã bắt nguồn từ chính Đức Kitô trong lời cầu nguyện tại Bữa Tiệc Ly: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,20-21).

Để minh chứng cho sự sai đi cũng như làm tròn đầy sứ mạng được sai đi, người môn đệ của Thầy Giêsu không làm điều gì khác ngoài chuyện yêu thương hay có thể nói là sống sứ mạng yêu thương giữa cuộc đời này.

Và ta thấy chính Thầy Giêsu đã nêu ra một dấu chỉ mà thế gian nhờ đó sẽ nhận ra các môn đệ đích thực của Người: người ta cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thầy, là các con yêu thương nhau. Thánh Phaolô đã kêu gọi các tín hữu giáo đoàn Galata: Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin. Thánh Phêrô cũng viết những lời tương tự: Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh chị em. (1Pr 2,17)

Chúng ta cũng được mời gọi tập sống hiệp thông trong đoàn thể của mình với tình yêu thương huynh đệ qua những sinh hoạt thường kỳ: những giờ kinh Đền tạ luân phiên, những giờ kinh Tôn Vương, những buổi học tập, hội họp, những khi thực hành bác ái …. Chúng ta đừng ngần ngại khi thể hiện những cử chỉ tế nhị quan tâm, giúp đỡ nhau. Đừng băn khoăn khi nói những lời tử tế, chân thành để động viên, khích lệ nhau. Đó sẽ như là muối men và ánh sáng giúp biến đổi đời sống cộng đoàn, nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên một đoàn thể môn đệ đích thực của Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Vẫn còn nhớ mãi và nhớ như in ngày Lễ an táng cho Cha Cố Giuse Trần Hữu Thanh. Trong Thánh Lễ đó, Cha Micae Nguyễn Hữu Phú lúc cao giọng, lúc nhẹ nhàng để nói với cộng đoàn phụng vụ, để nói với anh em Dòng Chúa Cứu Thế về tâm tình mà Cha Miace cảm nhận từ thánh Phaolô tông đồ qua đoạn thư thứ 2 gửi giáo đoàn Côrintô trong chương 7 từ câu 1 đến câu 4: Anh em thân mến, vì nắm được những lời hứa ấy, nên chúng ta hãy tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, và đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn.Anh em hãy dành cho chúng tôi một chỗ trong lòng anh em. Chúng tôi đã không làm hại ai, không làm cho ai phải sạt nghiệp, không bóc lột ai. Tôi nói thế không phải để lên án anh em, vì tôi đã từng nói: anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng tôi đều có nhau. Tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em. Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó".

Hay quá đi chứ : Chúng tôi đã không làm hại ai, không làm cho ai phải sạt nghiệp, không bóc lột ai.

Và đẹp lắm người ơi : Tôi nói thế không phải để lên án anh em, vì tôi đã từng nói: anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng tôi đều có nhau.

Không còn gì tuyệt vời hơn : Anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng tôi đều có nhau.

Vâng ! Chính cái chuyện ở trong lòng nhau và sống chết có nhau đó đủ để nói về tình yêu thương, sự hiệp nhất mà Thánh Phaolô mời gọi và Cha Micae Nguyễn Hữu Phú đã sống và đã cảm.

Hình như các Cha già như Cha Cố Giuse Trần Hữu Thanh, Nguyễn Hữu Phú hay như là cha Cố Giuse Phạm Thanh Quang, Tôma Phạm Huy Lãm đã sống điều đó để rồi Cha giáo đáng kính Micae Nguyễn Hữu Phú đã nói điều đó. Và, tâm tình của Thánh Phaolô vẫn còn vang vọng mãi trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế bởi Hội Thánh dẫu là thánh thiện, công giáo và tông truyền ấy vẫn có chứa đựng những sự vụn vỡ của kiêu ngạo, hận thù, ghen ghét gây chia rẽ.

Sự hiệp nhất, yêu thương thật cần thiết trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn tu. Khi nhìn vào một con người, một gia đình, một cộng đoàn tu, một giáo xứ, có lẽ người ta không dánh giá người ta ở cái chỗ giàu hay nghèo, sang hay hèn mà người ta đi tìm lòng bác ái, sự yêu thương và tính hiệp nhất.

Vẫn còn đó những ngổn ngang của lòng người ai oán, vẫn còn đó những tâm hồn bất an hay hận thù ghen ghét để rồi mỗi người chúng ta cũng cần nhìn lại chính mình và tha thiết với nỗi lòng khao khát của sự hiệp nhất, mỗi người chúng ta trong lắng đọng của tâm hồn cùng thầm thĩ với Chúa và với nhau trong tâm tình của vị nhạc sĩ tài hoa dễ thương vừa chân Thành vừa có Tâm : Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa, xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ, xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha trên trời.

Lm. Anmai, CSsR

Read 362 times Last modified on Thứ năm, 21 Tháng 1 2021 14:13