Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 30 Tháng 3 2021 15:04

Không gì có thể tước đoạt

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
KHÔNG GÌ CÓ THỂ TƯỚC ĐOẠT

“Bây giờ, Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngạc nhiên thay! Ngay khi Giuđa rời bữa ăn yêu thương, chìm vào bóng tối, tìm cách mưu phản và thương lượng giá cả với người khác để bán Thầy, thì tâm hồn Chúa Giêsu lại ắp đầy hình bóng của Chúa Cha và trào tràn mối bận tâm duy nhất là vinh hiển của Ngài. Giữa bối cảnh đó, làm sao chúng ta có thể tin được khi nghe những lời này, “Bây giờ, Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người”. “Bây giờ” là giờ của phản bội, giờ tử thần đang đến ngoài ngõ, giờ tan tác; ấy thế, Chúa Giêsu vẫn nói đến ‘vinh quang của Cha, vinh quang Ngài nhận được từ Cha’. Như thế, rõ ràng, ở bất cứ hoàn cảnh nào, ‘không gì có thể tước đoạt’ được vinh quang của Thiên Chúa!

Qua những lời này, ngay sau Bữa Tiệc Ly, khi mới rửa chân cho các môn đệ, và chẳng bao lâu nữa sẽ đến vườn Dầu, bị bắt, đánh đòn và sau đó, là đóng đinh… Chúa Giêsu lại nói đến việc Ngài được tôn vinh. Tất cả đã xảy ra vì sự phản bội của một người bạn; vậy mà, thay vì sợ hãi hoặc bồn chồn để nói đến những gì ‘không được chờ đợi’, Ngài lại chỉ ra vinh quang sắp nhận được qua chúng.

Điều này cũng đúng với các sự kiện của Tuần Thánh. Nhìn từ góc độ thuần tuý của con người, những gì Chúa Giêsu hứng chịu thật là bi thảm và kinh khủng. Một trong các môn đệ thân cận nhất đã phản bội Ngài; các nhà lãnh đạo tôn giáo đã phản bội Ngài; chính quyền dân sự đã phản bội Ngài; và tất cả các môn đồ, trừ Gioan, đã chạy trốn trong sợ hãi vì Thầy đã bị phản bội. Vậy mà Chúa Giêsu không nhìn tất cả những điều này qua con mắt phàm trần; Ngài nhìn chúng từ quan điểm vĩnh cửu của Trời và rõ ràng, tất cả những sự kiện xem ra bi thảm này sẽ ‘nở hoa’ nơi thập giá vinh quang, cũng là vinh quang Thiên Chúa, vì ‘không gì có thể tước đoạt’ vinh quang của Ngài.

Cam kết đi theo Chúa Kitô, chúng ta có thể yên tâm rằng, chính chúng ta cũng được thông phần thập giá của Ngài. Chúng ta sẽ trải qua tội lỗi của mình, tội lỗi của người khác; bao ngược đãi và phải chịu đựng nhiều đau khổ khác nhau. Đúng, ngay cả tội lỗi của mình cũng có thể kết thúc trong vinh quang của Ngài khi chúng ta ăn năn và nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa; điều đó không có nghĩa là tội lỗi làm vinh danh Chúa, nhưng chính lòng thương xót tuôn đổ từ thập tự giá của Ngài xuống trên chúng ta làm vinh danh Ngài. Câu hỏi đặt ra là khi gặp những khốn khó này, liệu chúng ta sẽ chịu đựng chúng với sự cay đắng đầy tuyệt vọng hay với niềm cậy tin đầy hy vọng vào Thiên Chúa của mình. Và như thế, một lần nữa, mọi thứ trong cuộc sống đều có khả năng trở thành một công cụ cho sự vinh hiển của Thiên Chúa. ‘Không gì có thể tước đoạt’ vinh quang đó khi chúng ta luôn dõi theo ý muốn của Ngài và tận dụng tất cả ân sủng cho vinh danh Ngài.

Henry VIII, vua nước Anh, nhận mình là Kitô hữu, nhưng đã đưa ra những điều luật nghịch đạo. Với các cố vấn, ai vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời vua, thường bị giết. Gioan Fisher, một bạn thân của vua, tuyên bố việc vua ly dị hoàng hậu để tái hôn là sai; ông bị kết án tử hình. Ngày hành quyết, ông đòi mặc bộ y phục đẹp nhất vì “Đây là ‘ngày cưới’ của tôi!”. Mang theo cuốn Phúc Âm, ông đến bục hành hình; tại đó, ông cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin ban cho con một lời ủi an để con có thể tôn vinh Chúa trong giờ cuối cùng của đời mình”. Và mở Tin Mừng, ông đọc, “Sự sống đời đời, là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất, chân thật; và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, Đức Giêsu Kitô”. Ông nói, “Đúng thế”; “Đây là lời đủ cho tôi sống đến giờ này”. Trong vài phút, ông đã chết. Đó là Thánh Giám mục Gioan Fisher và đó cũng là nguồn gốc lịch sử lý do ly khai của anh em Anh giáo.

Anh Chị em,

Giờ bại trận của Con Thiên Chúa trên đồi Canvê lại là giờ chiến thắng; giờ Chúa Giêsu bị đẩy ra khỏi đất kẻ sống là giờ con người được đưa vào lại vườn địa đàng; giờ Con Thiên Chúa hấp hối là giờ Thiên Chúa cúi xuống ký kết vĩnh viễn giao ước với loài người; giờ chết của Con Đức Chúa Trời là giờ vạn vật tái sinh. Cũng thế, Gioan Fisher đã nên giống Thầy mình ngay phút cuối đời, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh”. Những ngày Tuần Thánh, chúng ta nhìn sự khốc liệt của điều ác nơi con người đã được Chúa Giêsu biến thành vinh quang Thiên Chúa. Đừng để đau khổ và thập giá đời mình nên lãng phí vô ích, nhưng hãy biến chúng thành công cụ cho vinh quang Thiên Chúa; vì lẽ, ‘không gì có thể tước đoạt’ vinh quang Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã cho con biết điều gì con phải bận tâm. Xin cho con đừng bận tâm một điều gì khác ngoài ‘bận tâm Giêsu’, cho con chỉ say mê và tìm kiếm một mình Ngài; và như Ngài, bận tâm cho vinh hiển Cha; vì lẽ, ‘không gì có thể tước đoạt’ vinh quang của Chúa nơi con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 401 times