Với những biến cố trong cùng chút tâm tư về Thập giá !
Posted by Ban Biên TậpTuần lễ vừa qua, chúng ta sống trong niềm vui của năm mới nhưng cũng không ít những nỗi buồn. Linh mục thì ra đi khi đang cử hành bí tích, linh mục ra đi như một giấc ngủ dài và tu sĩ ra đi ở tuổi đời con rất trẻ.
Kèm theo đó là bao đau khổ trong cuộc đời mà chung chung con người hay gọi là thập giá đời người.
Thập giá là một dụng cụ hành hình dành cho những người bị lên án tử trong xã hội thời cổ xưa. Trong sách Đệ nhị luật, ông Môisen đã nói rằng những ai bị lên án tử và bị treo trên cây gỗ là đồ bị chúc dữ (x. Dnl 21,22-23).
Các tác giả Tin Mừng kể với chúng ta về án tử của Chúa Giêsu và cái chết của Người trên thập giá. Khi Chúa bị đóng đinh trên cây gỗ, một số kỳ mục Do Thái và dân thành Giêrusalem không ngớt lời nhục mạ và thách thức Người. Chúa hiền lành và im lặng như con chiên bị đem đi giết.
Kể từ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cây thập giá đã mang một ý nghĩa mới. Từ một dụng cụ hành hình, nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu và hy vọng. Từ một hình ảnh gợi lên sự chết chóc ghê rợn, nó đã trở thành một hình ảnh mang lại nghị lực và niềm tin.
Trong ngôn ngữ đời thường, mỗi khi gặp gian nan đau khổ, chúng ta thường nói: “Chúa gửi thập giá đến cho tôi”. Quan niệm này xem ra không phù hợp, vì bản tính của Chúa là Đấng tốt lành và là Cha giàu lòng thương xót. Bởi lẽ chẳng có người cha nào lại tạo ra đau khổ để bắt con cái mình phải chịu.
Hơn nữa, trong Tin Mừng, các tác giả nói với chúng ta, chính con người đóng cây thập giá bằng gỗ rồi đặt trên vai Chúa và bắt Chúa vác đi. Cây thập giá gỗ ấy quá nặng, nên Chúa Giêsu bị ngã ba lần. Người cũng không thể vác cây gỗ này tới nơi chịu khổ hình, và quân lính đã bắt ông Simon người thành Cyrênê vác đỡ Chúa. Như vậy, hình khổ thập giá là do con người gây nên cho Chúa, và Chúa Giêsu sẵn lòng chấp nhận vì yêu mến con người.
Và thế là, trong suốt cuộc sống con người, ở đâu cũng vậy, người ta đang tiếp tục tạo ra những cây thập giá đủ loại và bắt người khác phải vác đi. Cũng có những trường hợp người ta tự tạo thánh giá cho mình, rồi lại hằn học kêu trách Chúa, lại “đổ thừa” cho Chúa và trút hết trách nhiệm cho Ngài. Một người đi xe ngoài đường thiếu cẩn trọng hoặc uống bia rượu rồi gây tai nạn làm chết người, không thể đổ cho Chúa định hoặc bảo rằng đó là Chúa “gửi thập giá”; một người cha suốt ngày cờ bạc rượu chè không quan tâm đến gia đình, làm cho vợ con lâm cảnh đói khổ, không thể chép miệng nói rằng “do Chúa định”.
Chúng ta đang sống trong một xã hội không ngừng phát triển, con người càng chú trọng để phát triển chất lượng cuộc sống, đặc biệt chủ nghĩa cá nhân ngày càng được đề cao. Phải chăng thông điệp mà Đức Giêsu mạc khải và mời gọi hôm nay đã quá xưa so với thời đại “4.0” của chúng ta? Trong khi mọi người tìm đủ mọi cách để khẳng định mình và hưởng thụ một cuộc sống sung túc, Đức Giêsu lại mời gọi những kẻ muốn theo Người phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
Chúa không bảo ta đi tìm đau khổ và thánh giá. Chúa chỉ bảo ta vác thập giá của mình. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều khi người ta tự chuốc lấy đau khổ thánh giá cho mình. Người ta phải mang đau khổ thánh giá vì nghiện ngập, hút sách, không biết giữ gìn sức khoẻ hay không biết kiêng cữ. Người ta phải chịu cảnh thánh giá tù đầy vì không tôn trọng luật pháp. Người ta phải chịu đau khổ thánh giá về tâm linh, về tình cảm vì tạo ra những mối tình ngang trái, tạm bợ. Và khi phải cắt đứt những mối tình tạm bợ và ngang trái, người ta sẽ bị héo hắt tâm can.
Thật là một thách đố! Sống trên đời, ai chẳng muốn sống sung sướng, do vậy, họ tìm ra những phương thế để thoát nghèo, thoát khổ. Khi nhìn “đời là bể khổ”, Đức Phật đã chỉ cho các đồ đệ của mình và những ai muốn thoát khổ bằng cách diệt dục. Còn Chúa Giêsu không dạy chúng ta cách thoát khổ như Đức Phật, nhưng Ngài mời gọi chúng ta đón nhận và dùng chính những điều đó như những phương thế để đạt được sự sống đời đời. Thực ra, lời mời gọi hơn hai ngàn năm của Chúa Giêsu không hề lỗi thời nhưng rất thiết thực với xã hội chúng ta hôm nay.
Và mỗi chúng ta cũng đừng quên rằng thập giá chỉ mang tính nhất thời, vì sau thập giá là sự phục sinh. Chúa Giêsu đã chịu chết trên thập giá, nhưng Người đã sống lại vinh quang. Thập giá không tồn tại mãi mãi. Nếu biết đón nhận thập giá với tâm tình yêu mến và hy sinh của Chúa Giêsu, thì chắc chắn chúng ta sẽ được tôi luyện và nên thánh.
Lm. Anmai, CSsR