Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 08 Tháng 2 2022 07:22

Một góc nhìn về thập giá

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Một góc nhìn về thập giá

          Đã nói đến thập giá là nói đến một sự dữ. Không ai được quyền và được phép tự mình trực tiếp tìm kiếm sự dữ. Thế thì chúng ta phải hiểu sao đây về việc phải vác thập giá? Không lẽ Chúa Kitô lại muốn chúng ta phải chịu khổ? Dĩ nhiên không ai dám to gan khẳng định điều này. Thập giá là một mầu nhiệm mà ta chỉ có thể hiểu được phần nào khi quy chiếu về thập giá của Chúa Kitô.

          Thập giá không chỉ là câu chuyện của lịch sử xa xưa. Thập giá đang đi ngang qua cuộc đời của mỗi chúng ta. Thập giá hiện diện nơi những gia đình ly tán, mâu thuẫn xung đột. Thập giá cũng tồn tại nơi những gương mặt của anh chị em đang đau khổ vì bệnh tật, vì đói nghèo, vì bất an bất ổn. Thập giá cũng đang đi ngang qua cuộc đời của biết bao Kitô hữu bị bách hại trong những nước có chiến tranh, xung đột. Trong xã hội văn minh của chúng ta, vẫn còn đó những cuộc giết chóc dã man, những cuộc hành hình ghê rợn mà các tín hữu vô tội phải gánh chịu, chỉ vì lý do vì họ là Kitô hữu.

          Mãi mãi thập giá vẫn là một chướng ngại khó vượt qua. Ngay đến cả Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, cũng đã vất vả ướt đẫm mồ hôi pha lẫn máu mới can đảm đón nhận thập giá, cho dù trước đó không dưới ba lần chính Người đã tiên báo, nghĩa là đã tiên liệu và đã có sự chuẩn bị. Thế mà lời khẳng định của Người, một lời khẳng định không thể làm giảm khinh bằng bất cứ lối giải thích nào, đó là: “Ai muốn đi theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

          Suy tư trong nghi thức Ngắm đàng Thánh Giá ta được mời gọi như hiện tại hóa mầu nhiệm thập giá trong cuộc sống hôm nay. Từ thập giá, mời gọi những người đau khổ hãy nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời của chúng ta. Chúa hiện diện để cùng với con người vác thập giá bước đi. Tin vào sự hiện diện của Chúa, thập giá cuộc đời sẽ trở nên nhẹ nhàng, đau khổ sẽ trở thành niềm vui, bị quan sẽ thành niềm hy vọng. Bởi lẽ, con người không chỉ có đời này, mà còn có đời sau, đó là lúc “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”

          Kitô hữu là người tin Chúa và là người cùng với Chúa vác thập giá đời mình. Chính vì muốn chuẩn bị chúng ta khỏi vấp ngã trước thập giá, mà Chúa đã dạy: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống vì Thày, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Chúa còn đưa ra một so sánh để chúng ta thấy đời sống vĩnh cửu quan trọng như thế nào: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?”. Thánh Inhaxiô Loyola đã trở thành một tu sĩ và người sáng lập Dòng Tên nhờ câu Kinh thánh này. Ngài đã từ bỏ mọi sự, chỉ thao thức làm cho nhiều người biết Chúa và tin Chúa.

          Theo Chúa còn có nghĩa là đi vào con đường thập giá. Chúa Giêsu có thập giá của Ngài. Chúng ta có thập giá của chúng ta.Thập giá của chúng ta là những khó khăn của cuộc sống, những lo toan của cuộc đời và những công việc bổn phận hằng ngày và ngay cả những thập giá trên bước đường thành công của chúng ta. Chính khi chấp nhận được thập giá, chúng ta sẽ thấy bình an hạnh phúc.

          Vác thập giá là hy sinh. Thập giá chúng ta vác không chỉ một ngày, mà là suốt cuộc đời. Có ít người nhìn vào những người đi tu, họ thấy sự hiền lành, nhân hậu vui tươi… Họ cho rằng, những người đi tu làm gì có thập giá để vác. Đó là một sai lầm, bởi thập giá luôn có mọi nơi, cắm mọi chỗ và nơi mọi người. Vì thế, chúng ta có né, có tránh cũng không được. Nếu chúng ta biết đón nhận, thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng, nhẹ nhàng. Còn nếu không, chúng ta sẽ thấy nó như một cực hình. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn chúng ta biết và hiểu về việc đi theo Chúa là như thế nào. Theo Chúa, chúng ta phải muốn-theo-từ-vác.

          Theo Chúa Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

           Chúa mời gọi chúng ta hãy bước đi theo Chúa. Theo Chúa là bước đi trên con đường hẹp buộc phải từ bỏ con đường rộng thênh thang. Theo Chúa là đón nhận thánh giá bổn phận mà không chọn việc nhẹ nhàng. Theo Chúa là để lại sau lưng những danh lợi thú trần gian. Vì “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”

          Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

          Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

          Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

          Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

Lm. Anmai, CSsR

Read 449 times Last modified on Thứ tư, 09 Tháng 2 2022 06:42