Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 09 Tháng 2 2022 18:21

Như hạt lúa mì mang tên Giuse Trần Ngọc Thanh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
NHƯ HẠT LÚA MÌ MANG TÊN GIUSE TRẦN NGỌC THANH

          Chẳng ai muốn đón nhận cái chết đau thương như trường hợp của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh. Thế nhưng rồi qua cái chết của Cha Giuse, mọi người cùng nhau dừng lại để nhìn cuộc đời của Cha, nhìn hành trình truyền giáo của Cha, của Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam và của Giáo phận truyền giáo Kontum.

          Ai ai cũng biết về sự ra đi nghiệt ngã của Cha. Sát nhân đã không ngần ngại để xuống dao chết một linh mục đang thi hành sứ vụ mục tử mà Nhà Dòng cũng như Giáo Phận trao phó.

          Bên ngoài, xem chừng ra đau đớn và thậm chí là đắng cay nhưng cái chết của Cha Giuse làm cho nhiều và nhiều hướng về giáo điểm trên cao Sa Loong.

          Sa Loong cũng chỉ là một tên gọi, một mảnh đất xem chừng ra nhỏ đến độ không ai biết đến ngoại trừ những người sống trên nó. Thế nhưng rồi Sa Loong lại sáng lên, rực lên, lung linh bởi nó là nơi, là dấu chứng của sự chết trong đau thương của Cha Giuse.

          Nghĩ về sự cái chết của Cha Giuse, ta liên tưởng đến hạt lúa mì gieo xuống đất và chết đi.

          Sống và chết là qui luật tự nhiên của muôn loài muôn vật. Chết là một cách để phát sinh sự sống mới, như Chúa Giêsu đã nói:“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

          Nghĩ như vậy, ta thấy chết là một sự thay đổi cách thái hiện hữu ở một mức độ phong phú hơn nhiều. Chúa Giêsu gọi giờ chết trên thập giá của Ngài là “giờ Con Người được tôn vinh”. Cũng từ đó, Ngài đưa ra một nguyên tắc sống:“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”.

          Ai mà chẳng yêu quí mạng sống mình; chẳng ai muốn đau thương hay chết chóc. Nhưng sống mà chỉ lo chiếm hữu và hưởng thụ, ta sẽ trở nên trơ trọi như hạt lúa giống không chịu vùi chôn. Cũng vậy, chẳng ai lại coi thường mạng sống mình, nhưng nếu coi trọng nó đến nỗi thành nô lệ cho chính mình, thì khác nào ta nuôi dưỡng một cái xác không hồn. Người ta nghĩ có được danh lợi quyền hành là vẻ vang, nhưng Chúa Giêsu coi thập giá là vinh quang. Ngài dạy chúng ta, từ sự chết mới có sự sống, chỉ bằng cách hy sinh mạng sống, chúng ta mới giữ được sự sống; chỉ nhờ phục vụ, chúng ta mới trở nên cao cả. Qua những kinh nghiệm đau thương và buông bỏ, ta mới thấy mình được khi chấp nhận mất, thấy mình nhận lãnh khi chấp nhận cho đi. Như con ốc sên chỉ bò được khi chui ra khỏi vỏ, ta chỉ sống dồi dào khi ra khỏi những bận tâm và so đo tính toán cho mình để sống tình yêu.

          Hẳn ta còn nhớ Lời kinh Hòa Bình mà ta vẫn hát phải trở thành nguyên lý sống cho cuộc đời ta: “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”.  Suy nghĩ như vậy để rồi từ đó ta mới hiểu rằng, sống và chết là hai hành vi trao đổi cho nhau trong từng giây phút và từng biến cố của đời mình.

          Cha Thanh đã nằm xuống trên mảnh đất truyền giáo Tây Nguyên như phần nào nói lên sự khó khăn và cả sự khắc nghiệt đến độ mất mạng nơi mảnh đất đau thương này.

          Ở những nơi sung túc và ổn định, linh mục đâu phải trữ trong túi áo lễ của mình những cái bánh, những cây kẹo để làm quà cho trẻ nhỏ.

          Ở những nơi sung túc và ổn định chắc có lẽ không cần đến những hệ thống nước lọc. Chắc có lẽ Cha cũng chạy vạy nơi này nơi khác để mang lại nguồn nước sạch sẽ cho dân. Khoảng không gian còn lại bên máy lọc nước nào ngờ là nơi mà Cha đã đổ máu ra để minh chứng cho tình yêu và cuộc đời dâng hiến của Cha.

          Ở những nơi sung túc và ổn định chắc có lẽ không phải đón nhận cái chết đau thương và cô độc như vậy vì xung quanh dường như lúc nào cũng có người theo sát.

          Tôi trộm nghĩ hành trang mà Cha đến ở với họ không chỉ là cây kẹo mút, cái giếng và hệ thống lọc nước, cân gạo hay thùng mì nhưng là cả tấm lòng và cuộc đời của Cha. Nếu Cha không có tấm lòng thì Cha cũng chẳng nhọc tâm lo toan về những thứ  đó.

          Có lẽ những gì Cha Giuse đã sống đã nói lên nét đẹp đời dâng hiến của Cha. Cha cũng đã bận tâm, lo toan cho những người nghèo mà Cha được gửi đế. Ngang qua Cha, nhiều người được biết đến Chúa bởi tấm lòng hiền lành và nhân hậu toát lên từ khuôn mặt của Cha.

          Hãy nhìn Chúa Giêsu trong vườn Giệt-si-ma-ni. Cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa Cha khiến Người đau đớn đến đổ mồ hôi máu ra. Nhưng chính nhờ từ bỏ ý riêng mà ta trở nên con yêu dấu của Chúa. Chính nhờ làm theo ý Chúa mà ta trổ sinh hoa trái. Từ bỏ bản thân, ta đi đến đích điểm đời mình là được kết hiệp với Chúa. Bấy giờ ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là chính Chúa sống trong tôi”. Ta chịu mất bản thân mình để được chính Chúa. Ta chịu mất điều tầm thường để được điều cao cả. Ta chịu mất trần gian để được thiên đàng.

          Sự ra đi của Cha làm cho ta suy nghĩ thêm về sứ vụ truyền giáo của mỗi người và nhất là nơi anh chị em đồng bào sắc tộc. Chả phải giản đơn để cứ hễ hội nghị này hội thảo kia  trao đổi về truyền giáo. Phải sống và phải đón nhận tất cả những thương đau của cuộc đời may ra mới nếm thử truyền giáo là gì.

          Dĩ nhiên mọi người tiếc nuối về sự ra đi của Cha. Thế nhưng rồi trong niềm tin và tín thác,ta thấy Cha đã dâng hiến đời mình như của Lễ lên Chúa Cha cách đặc biệt. Chúng ta cầu nguyện cho Cha và ở bên Chúa, Cha lại cầu nguyện cho mảnh đất, cho sứ vụ truyền giáo của Hội Dòng và Giáo Phận. Cha ra đi nhưng để lại trong lòng nhiều người nỗi thương niềm nhớ. Cha ra đi nhưng hình ảnh cũng như sứ vụ truyền giáo của Cha vẫn còn mở ra trên cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát.

          Hạt lúa mì Giuse Trần Ngọc Thanh đã chết đi, đã thối đi để rồi từ vùng đất này hoa quả của truyền giáo sẽ trổ sinh nhiều bông hạt. Chắc chắn và tin tưởng như vậy. Sự ra đi trong đau thương của Cha vẫn còn đâu đó và lưu truyền mãi đến hậu thế bởi nhiều và nhiều người tiếc thương Cha cũng như cầu nguyện cho Cha cũng như cầu nguyện cho vùng truyền giáo Tây Nguyên này.

Lm. Anmai, CSsR

Read 333 times Last modified on Thứ năm, 10 Tháng 2 2022 14:04