Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 04 Tháng 5 2013 06:56

Bình Đẳng Trong Gia Đình

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Thật vậy, vợ chồng, cha mẹ, con cái và anh chị em đối xử bình đẳng với nhau sẽ không bao giờ làm mất đi cái “tôn ty trật tự” vốn có trong gia đình, mà trái lại đối xử bình đẳng còn làm cho gia đình có được đời sống chuẩn mực, hạnh phúc và tôn trọng lẫn nhau hơn

Làm sao có thể tìm được sự bình đẳng trong một xã hội không có bình đẳng. Song, nói như vậy không có nghĩa là trong gia đình không tồn tại sự bình đẳng. Đơn giản là đôi khi chúng ta không áp dụng hoặc cố lãng tránh sự bình đẳng vốn đã tồn tại từ lâu trong gia đình.

Bình đẳng cần có sự góp phần của mỗi thành viên trong gia đình để đối xử với nhau cho phù hợp với cuộc sống chung. Sự bình đẳng này được chia sẻ qua lại giữa vợ chồng, con cái, và anh chị em với nhau. Mỗi thành viên trong gia đình ý thức góp phần bảo vệ sự bình đẳng mặc dầu có nhiều khác biệt về ý nghĩ và cách sống. Thực hiện bình đẳng là không phân biệt con trai con gái, con nhỏ hay con lớn và kể cả những đứa con không may bị tàn tật. Bình đẳng giờ đây không còn là điều xa lạ nữa, mà là một đòi hỏi tất yếu của mỗi người, nhằm xây dựng một đời sống gia đình vui tươi hạnh phúc.

Bình đẳng trong gia đình tạo nhiều cơ hội cho mỗi thành viên gần gũi nhau, dễ dàng chia sẻ những vui buồn của cuộc sống, làm cho cuộc sống gia đình nhẹ nhàng, thoải mái và có ý nghĩa. Hơn nữa, bình đẳng trong gia đình giúp cho mỗi thành viên phát triển được những khả năng vốn có của mình, sẵn sàng dấn thân trong tất cả những lãnh vực của cuộc sống.

Bình đẳng giữa vợ chồng. Cha ông ta xưa thường nói “chồng chúa vợ tôi”, thời xa xưa ấy dường như cái quan niệm bình đẳng trong gia đình không được thừa nhận cho vai trò vợ chồng với nhau. Người vợ đầu tắt mặt tối lo hết việc đồng áng rồi lại việc nội trợ trong gia đình, lắm khi còn kiêm nhiệm thêm những chuyện bên nhà chồng nữa. Còn ông chồng ngoài việc đồng áng ra, chẳng phải làm gì cả, ngồi xem sách báo, xem các loại giải trí trong lúc chờ vợ nấu cơm. Ngày nay, quan niệm “chồng chúa vợ tôi” dường như không còn nữa, người đàn ông đi chợ vào bếp cũng thấy nhiều hơn. Người chồng đã ý thức được việc giúp đỡ vợ làm nội trợ, chăm sóc con cái là nghĩa vụ không thể lơ là, hoặc đổ dồn mọi việc lên hết đôi vai của người vợ. Việc chia sẻ công việc nhà không có nghĩa là người chồng mất hết quyền làm chủ gia đình. Người chồng giờ đây vẫn là trụ cột duy nhất của gia đình, nhưng là trụ cột theo nghĩa bình quyền. Lúc này, người vợ cảm thấy mình được chồng tôn trọng, yêu thương, được đóng góp ý kiến xây dựng hạnh phúc gia đình mà quên đi thân phận bị đối xử như một người giúp việc.

Bình đẳng giữa vợ chồng và con cái. Người xưa cũng có câu nói mà có lẽ đang còn ảnh hưởng một cách nào đó trong xã hội ngày nay, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Dường như các gia đình ngày xưa vì coi trọng việc hương khói cho tổ tiên, coi trọng việc nối dõi di truyền nòi giống, nên hầu hết các bậc cha mẹ đều muốn có ít nhất một đứa con trai. Nhất là những gia đình mà người cha nằm trong thế duy nhất con trai độc tôn, thì việc sinh một thằng cu lại càng cấp bách hơn. Gia đình nội ngoại hai bên ai cũng mong chờ ngày lành tháng tốt để đón cháu đích tôn ra đời. Việc coi trọng con trai hơn con gái vô tình gây ra hệ quả phân chia giai cấp trong gia đình. Con cái không được cha mẹ đối xử một cách bình đẳng, đồng đều rất dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. Rất may ngày nay, chỉ một số rất ít gia đình còn giữ cái quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ xưa. Đa phần các gia đình thời đại đổi mới này cũng đã cải thiện rất nhiều trong việc nuôi dạy và đối xử đồng đều với con cái. Con trai, con gái được đối xử, được hưởng mọi quyền lợi như nhau. Con cái hầu hết được cha mẹ đối xử cách bình đẳng và được tôn trọng như một thành viên đã trưởng thành. Việc dạy bảo con bằng roi bằng búa dường như không còn nữa, mà thay vào đó là những lời khuyên răn, dạy bảo bằng tất cả tình yêu của cha mẹ dành cho con.

Anh chị em đối xử bình đẳng với nhau. Dẫu biết rằng ai sinh ra trước thì đương nhiên phải làm anh làm chị, nhưng anh chị trong nghĩa thứ tự của gia đình mà thôi. Còn cách đối xử bình đẳng với nhau như một đòi hỏi để mối tình anh chị em luôn được gắn chặt trong sợi dây máu mủ ruột thịt. Anh chị em tôn trọng nhau trong lời nói và hành động thể hiện một lối sống gia đình có nề nếp, tình yêu, sự sẻ chia với nhau. Bình đẳng giữa anh chị em đơn thuần là giúp đỡ, sẻ chia những khó khăn, những buồn vui cho nhau trong cuộc sống gia đình. 

Thật vậy, vợ chồng, cha mẹ, con cái và anh chị em đối xử bình đẳng với nhau sẽ không bao giờ làm mất đi cái “tôn ty trật tự” vốn có trong gia đình, mà trái lại đối xử bình đẳng còn làm cho gia đình có được đời sống chuẩn mực, hạnh phúc và tôn trọng lẫn nhau hơn. Bình đẳng trong gia đình trước hết là do sự ý thức của cha mẹ tự tạo nên và thực hiện để giáo dục con cái mà không bị chi phối bởi những thành kiến áp đặt nào của xã hội. 

Trần Đình Khẩn

Read 1652 times Last modified on Chủ nhật, 05 Tháng 5 2013 10:30