Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 10 Tháng 8 2022 08:16

Nhân lên tình yêu

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NHÂN LÊN TÌNH YÊU

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác!”.

Một ấn phẩm của Anh từng đưa ra giải thưởng cho định nghĩa tốt nhất về một người bạn. Trong số hàng nghìn câu trả lời có một số câu đáng chú ý. “Đó là người có một lòng trung thực bất khả xâm phạm; một người truyền cảm hứng và ‘nhân lên tình yêu’ nơi bạn mình và người khác!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ kính thánh Lôrensô cho thấy sức mạnh và tầm quan trọng của việc “truyền cảm hứng và ‘nhân lên tình yêu’” nơi những ai sống cho tình yêu. Không ai sống cho tình yêu và truyền cảm hứng mạnh mẽ bằng Chúa Giêsu, Đấng đã nói, “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác!”.

Dùng hình ảnh hạt lúa chết đi để sinh nhiều hạt khác, Chúa Giêsu đang nói đến nghịch lý chết - sống, đó là quy luật để thiên nhiên tồn tại! Đó là một chân lý? Đúng thế, Ngài mời chúng ta sống ‘chân lý nghịch lý’ đó. Chúa Giêsu không bao giờ yêu cầu chúng ta một điều gì mà điều đó chưa được thực nghiệm nơi chính Ngài. Không vị thần nào được tôn thờ, yêu mến mà lại dám sống, dám chết cho các tín đồ của mình như Chúa Giêsu, Đấng từng nói, “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hiến mạng sống vì bạn hữu”. Đó là một tình yêu có sức truyền cảm hứng và ‘nhân lên tình yêu’ nơi người khác như hạt lúa sẵn sàng chết đi để nhân lên những đồng lúa vàng tiếp nối những đồng lúa vàng. Chính hành vi yêu thương quên mình của Chúa Kitô đã sinh ra những hành vi khác cùng loại nơi những ai dõi bước theo Ngài!

Lôrensô, vị phó tế giữa thế kỷ thứ ba, đã được truyền cảm hứng từ Giêsu, ‘Người Bạn’ tâm phúc đó! Lôrensô đã cảm nghiệm được tình yêu của Thầy Giêsu, đã nên giống Ngài khi chịu nướng từ từ trên một chiếc giường sắt; không phải cách cực lòng, nhưng cách vui lòng: phía bên này, phía bên kia đều được chín đều! Chỉ những con người đầy tin yêu vào Đấng đã chết cho mình mới can đảm đến thế. Chúng ta không được gọi để sống ‘chủ nghĩa anh hùng’ như vậy, nhưng Chúa Kitô đã giành được ân sủng tương tự cho chúng ta, để mỗi người đủ sức mang lấy thập giá của mình và sống tình yêu vị tha một cách hào phóng nhất có thể!

Ngắm nhìn cuộc đời các thánh, chúng ta được truyền cảm hứng từ sự trung thành của các ngài dành cho Chúa Kitô và Giáo Hội. Sự trung thành này là hoa trái của lòng trung thành nơi Chúa Kitô. Cũng thế, hành vi trung thành của chúng ta sẽ truyền cảm hứng, ‘nhân lên tình yêu’ và lòng can đảm nơi người khác để họ cũng có thể làm được điều tương tự! Trong thư Côrintô hôm nay, thánh Phaolô nói, “Thiên Chúa có quyền ban cho anh em được dư tràn mọi ân phúc; để anh em vừa luôn sung túc mọi mặt, vừa còn dư dật để làm các việc lành phúc đức”. Thánh Vịnh đáp ca cũng có chung một tâm tình, “Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn!”.

Anh Chị em,

“Nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác!”. Sự chết mang mầm sự sống, thập giá mang mầm phục sinh. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian là một chuỗi ngày của thập giá và chết đi; thế nhưng, chính tình yêu trong những chuỗi ngày xem ra không mấy thuận lợi này đã kiến tạo một Vương Quốc mới giữa lòng thế giới, khởi đầu với một Giáo Hội thánh thiện và vững bền. Suốt dòng lịch sử, đã có biết bao người sống chết cho tình yêu của Chúa Kitô; nhờ đó, tình yêu ‘nhân lên tình yêu’, những hạt lúa nhân lên những đồng lúa vàng. Như vậy, chính Chúa Giêsu và bao tâm hồn thánh thiện đã sống cái ‘chân lý nghịch lý’ của hạt lúa một cách trọn vẹn nhất. Chân lý đó cũng phải được sống nơi chúng ta, những môn đệ của Ngài. Bạn và tôi ‘được gọi để sống quy luật Phục Sinh’, mất đi sự sống để nhận lại nó, mới mẻ và vĩnh cửu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con chắt chiu ‘những hiến tế nhỏ’ mỗi ngày, khi con chôn vùi bản thân, chết cho chính mình; chúng cũng sẽ truyền cảm hứng và ‘nhân lên tình yêu’ nơi anh em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 267 times