Lên Nhà Thờ dâng Lễ, thấy 1 chiếc xe mới và đẹp dựng ngay trước bậc tam cấp của cầu thang. Trong lòng tự nhủ không biết xe của ai đâu mà sang thế. Thật sự trước đây cứ nghĩ nó độ ngoài 3 chục triệu. Khi hỏi ra thì phải hơn 6 chục.
Lễ xong, ông kia chặn lại nhờ Cha làm phép xe. Dò dò nhìn tìm chủ nhân. Thật bất ngờ khi thấy chủ nhân đó còn quá trẻ.
Làm phép xe xong hỏi thăm thì được biết chủ nhân của chiếc xe này là chàng trai mới 21 tuổi !
Buồn, đắng, cay ... bao nhiêu cảm xúc dâng trào khi nhìn thấy chú bé đứng cạnh chiếc xe vừa làm phép. Chụp một tấm ảnh để làm kỷ niệm.
Cảm xúc nó lẫn lộn vì sao ? Vì giữa cái làng nghèo này thì làm ăn kinh tế biết bao nhiêu mới có đủ để mua 1 chiếc xe như vậy ? Dường như cuộc sống ở đây đủ ăn là may lắm rồi chứ đừng bao giờ nghĩ đến chuyện dư. Điều đau đớn nhất đó là để có chiếc xe như thế này thì mấy con bò phải ra đi hay một đám đất trao tay phải người khác. Nghiệt một nỗi là nếu không mua thì con trẻ sẽ uống thuốc tự tử. Đã xảy ra như thế nên rồi phụ huynh cứ cắm đầu cắm cổ mà chiều theo ý của con. Có trường hợp xe mua được mới 2 ngày thì con trẻ gây tai nạn giao thông. Hậu quả là con cũng không còn mà xe thì nát bấy.
Vậy đó ! Cũng chỉ vì đua đòi nên rồi cuộc sống ở đầy khổ chồng khổ.
Mới hôm kia, cũng làm phép 1 chiếc xe 50 phân khối.
Sở hữu là con bé vừa tròn 18. Đi học nghề ở Bình Dương. Tưởng nghĩ đi học nghề thì ở tại trường nên cần gì xe để đi lại. Cũng có đứa học ở đó hơn 1 năm rồi nhưng đâu đòi cha mẹ cho mua xe. Con bé này mới đi học có vài tháng nhưng lại đòi mua xe.
Nhìn chiếc xe thấy ngậm ngùi. Ngậm là cái chắc vì nó được đổi lại với cái giá của 2 con bò trong nhà phải ra đi.
Có thể không mua xe vì lẽ bạn học trước cũng không cần xe. Có thể mua xe nhưng có thể mua với cái giá thấp hơn. Tiếc thay cũng chỉ vì nuông chiều nên 2 con bò ra đi không bao giờ trở lại.
Giá như gia đình đủ ăn đủ mặc thì chuyện gả bò hay bán đất để mua xe cũng là chuyện thường tình không có gì phải nói. Tiếc thay là tình hình cuộc sống ngày mỗi ngày càng khó khăn với những người ở đây. Nhiều lần tự nhủ chả lâu, cũng chỉ vài năm nữa thì không biết cuộc sống sẽ trôi về đâu khi con em của họ không chịu đi học.
Vừa rồi, một số cha chia sẻ trong bữa cơm về thực trạng tê tái. Con trai dường như không màng đến chuyện đi học nữa. Con gái thì cùng lắm tốt nghiệp lớp 12. Và thực trạng lấy chồng sớm vẫn còn là điều làm đau xót cho bao nhiêu gia đình. Thế nhưng rồi phong tục tập quán cũng như văn hóa lấy chồng sớm gây bao tổn hại vẫn chưa bỏ.
Tuần rồi, khi lên lớp dạy về sinh sản có trách nhiệm trong giờ Giáo Lý cho cộng đồng thì thật không biết gì để nói. Mới ngoài 30 thôi nhưng 4 hay 5 đứa là chuyện thường. 2 thôi nuôi còn không nổi huống hồ là 5.
Buồn và buồn lắm nhưng chả biết ngỏ cùng ai.
Sau khi làm phép xe. Người trong làng đưa xe cải tiến đến nhận quan tài.
Nhìn chiếc xe chở quan tài từ từ lăn bánh rời khỏi cổng Nhà Thờ sao mà thương quá ! Vui và vui lắm khi có một chút gì đó chia sẻ với phận nghèo.
Khi đến làm phép nhập quan thì lòng càng đau nhói khi nhìn thấy thi thể của người quá cố nằm dưới đất. Họ nghèo đến độ chả có được chiếc giường hay như chiếc ghế bố tạm bợ. Cứ nằm dưới đất như vậy cho đến khi được đưa vào chiếc quan tài vừa mới chở đến từ Nhà Thờ.
Ở cái vùng nghèo này là vậy đó. Có khi phong tục hay văn hóa họ không chịu để áo quan trong khuôn viên Nhà Thờ nhưng không còn cách nào khác. Phải chuẩn bị luôn luôn có để cho những ai đó cần. Vừa mới nhập về thì ra đi 1 cái và hôm nay lại ra đi 1 cái nữa.
Mấy chuyến quan tài 0 đồng đã “bán” hết. Và cứ phải nghĩ đến chuyện cất trữ để khi hữu sự có cái để mà chia sẻ.
Chả là gì cả với chiếc quan tài. Thế nhưng vui vì người nghèo được chia sẻ, được ủi an trong cơn nguy khó.
Vậy đó, ở cái nơi mà khác nhau về suy nghĩ và văn hóa quá ư là khó. Tôn trọng hay trân trọng suy nghĩ cũng như cách sống của họ. Và có khi như thế mới là họ chứ nếu không thì cuộc đời họ đã khá hơn rồi. Bao nhiêu năm vẫn vậy. Cứ loanh quanh luẩn quẩn trong cái nghèo và cái khổ. Có thể nói là khổ nhất khi người trẻ học đòi cung cách sống của người Kinh.
Buồn và vui lẫn lộn giữa cuộc đời. Buồn vì họ nghèo mà suy nghĩ họ chỉ tới đó để họ càng nghèo. Vui vì chia sẻ chút gì đó cho những mảnh đời nghèo ở nơi đây.
Tạ ơn Chúa vì tất cả là hồng ân. Tạ ơn Chúa vì ngay khi ở trong cảnh nghèo của họ để rồi nhận được hồng ân của Chúa qua những tấm lòng quảng đại. Đâu đó vẫn có những người âm thầm chung chia với những mối bận tâm của người nghèo ở nơi đây. Thật lòng tôi cũng chả phải lo gì cả vì tất cả những người nghèo là hiện thân của Chúa và là của Chúa. Tôi luôn nghĩ tôi đây cũng chỉ là công cụ của Chúa mà thôi. Cứ vui vẻ để chung chia với những mảnh đời ở đây thôi. Xin Chúa cho ở mãi với người nghèo. Vui và bình an với người nghèo.
Lm. Anmai, CSsR