Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 14 Tháng 6 2024 19:17

Chúa Nhật Tuần 11 Mùa Thường Niên Năm B

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CHÚA NHẬT THỨ XI THƯỜNG NIÊN  NĂM B

Mc 4,26-34.

 

                Sư phạm của Chúa Giê su là dùng những vật cụ thể, gần gũi để diễn tả những điều cao siêu khó hiểu. Người thường dùng những dụ ngôn, những hình ảnh quen thuộc với mọi người, như hạt lúa mì, men bột, ánh sáng, muối…Nước Trời, thực sự khó diễn tả bằng lời, chính vì thế Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau để mạc khải về Nước Trời: Nước Trời giống như vườn nho, như chuồng chiên, như mẻ lưới được quăng xuống biển và bắt được nhiều cá.                    

       Trong đoạn Tin mừng hôm nay, Người dùng hình ảnh hạt giống gieo xuống đất và hạt cải để nói về Nước Thiên Chúa. Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. (Mc 4,33-34).

                Ai đã từng làm nghề nông hay trồng cây đều biết quy trình gieo hạt giống, hạt giống nẩy mầm, mọc lên thành cây, sinh hoa, kết trái. Nếu trồng lúa thì phải ngâm thóc, thóc nẩy mầm thì đem gieo. Cây lúa mọc lên được gọi là mạ, người ta nhổ mạ cấy ra ruộng. Lúa lớn lên trổ đòng đòng và thành bông lúa vàng trĩu hạt. (Mc 4,28). Dĩ nhiên, đất phải thuận lợi về độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, phân bón, không sâu rầy…Điều cần là hạt giống được gieo vãi, người gieo giống ngủ hay thức, hạt giống vẫn âm thầm phát triển.(Mc 4,27).

                Nếu trong Cựu Ước Thiên Chúa trồng Israel như cây hương bá, để nó trổ cành và kết trái, để muông chim đến nương mình và ẩn thân bên nó.(Ed 17,23), thì trong Tân Ước, Chúa Giê su lại dùng dụ ngôn hạt cải để nói về Nước Thiên Chúa.

                Hạt cải là một loại hạt giống nhỏ bé nhất. Có lần Chúa Giê su đã nói với các môn đệ: Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi…, sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được." (Mt 17,20).

                Chúa dùng hai hình ảnh trái ngược: khởi đầu là hạt cải bé nhỏ và thành  quả cuối cùng là cây cải xum xuê đến nỗi chim trời có thể làm tổ, núp bóng. Hạt cải nhỏ xíu lại mọc lên thành cây lớn hơn các cây cỏ khác. Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất. Giáo hội Chúa khởi đầu thật khiêm tốn, với mười hai tông đồ, phần đông là dân chài chất phác, ít học. Sau hai mươi thế kỷ, Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.

      Tin Mừng các tông đồ rao giảng từ Giêrusalem tới Rôma đã vang tới khắp cùng bờ cõi trái đất.Tin Mừng này còn được tiếp tục rao truyền đến tận thế. Số người tin Chúa Giêsu trên thế giới hiện nay là khoảng 2 tỷ 600 triệu người, gồm cả Công giáo, Chính thống, Anh giáo và Tin lành, đông hơn bất kỳ tôn giáo nào. Riêng Công giáo là 1 tỷ 250 triệu. Tại Việt Nam có khoảng 7 triệu tín hữu Công giáo,  Giáo hội đang trở thành cây cải cành lá xum xuê.

     Là người Kitô Hữu sống yêu thương bác ái, chúng ta sẽ là nơi nương tựa của những người đau khổ, bất hạnh, là điểm tựa và an ủi cho những ai đang thất vọng. Hạt giống mà Chúa Giêsu nói hôm nay có thể là một gương sáng, một việc làm, một lời khuyên, một cuốn sách, một câu Kinh thánh…

 * Người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? (Mt 16,26).Có bản dịch: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì”  (Lc 9,25 ) Câu Kinh Thánh quen thuộc này, ta đọc biết bao lần, lại là hạt giống gieo vào lòng Phanxicô Saviê, để vị giáo sư trẻ tuổi, tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để trở thành linh mục, đi Á Châu truyền rao Tin Mừng nước Thiên Chúa.

   * Năm 1965, trên chuyến bay Pan America từ Roma về Mỹ, sau khi họp công đồng Vatican 2, đức cha Fulton Sheen đã nói với một cô tiếp viên hàng không xinh đẹp:

Cô hãy cảm tạ Thiên Chúa thật nhiều, vì Người đã ban tặng cho cô một sắc đẹp tuyệt vời. Cô hỏi đức cha: Con phải làm gì? Đức cha hỏi lại: Thế con có bao giờ nghe nói đến một trại phong cùi mang tên Di Linh ở Việt Nam chưa ?”

Sau đó, bỏ nghề tiếp viên hàng không thanh lịch, thu nhập cao, cô sang Việt Nam, nhập dòng Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn, đến giúp người phung ở Di Linh. Người Nữ Tu ấy tên là Louise Bannet. Sau biến cố 30.4.1975, xơ bị trục xuất khỏi Việt Nam, nhưng không chịu trở về quê hương, mà lại tình nguyện sang phục vụ các bệnh nhân phong tại Tahiti cho đến khi qua đời vào năm 1983 vì căn bệnh ung thư.

    *Một sinh viên y khoa phật giáo tên Nguyễn Viết Chung, trong lúc nghỉ đạp xích lô, tình cờ đọc được tờ báo, một người khách bỏ lại trên xe. Cậu đọc được chuyện đức cha Jean Cassaigne thành lập trại cùi Di Linh. Ngài chăm sóc và sống chết với người cùi. Cậu đã bỏ lại sau vinh quang phú quý của một bác sĩ trẻ, tương lai rực rỡ, để trở lại đạo công giáo và làm linh mục, phục vụ bệnh nhân phung và sida tại Sài gòn và Kontum.

   Và còn biết bao hạt giống khác âm thầm trổ sinh, nếu có người gieo vãi. Tôi trồng, Apôlô tưới, còn Thiên Chúa cho mọc lên”(1Cr 3, 6).

                Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã mạc khải Nước Trời cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết gieo Lời Chúa bằng lời nói, hành động, bằng cả cuộc sống của chúng con, để mỗi bước chân chúng con là dấu ấn yêu thương và hy vọng cho anh em chúng con.

                                                        Nguyễn Đức Lân

Read 36 times Last modified on Thứ bảy, 15 Tháng 6 2024 12:40