Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 19 Tháng 9 2013 21:01

Tĩnh lặng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 Tĩnh lặng

Nét đẹp nơi biến cố Emmaus
(Lc24,13-35)

· DẪN NHẬP:

Tĩnh lặng là gì? Tại sao ta nên Tĩnh lặng?


· NỘI DUNG:
I. LẮNG NGHE VỚI TẤT CẢ CHÂN THÀNH:
1. Con đường gặp gỡ.
2. Lu mờ chính mình, tiệm tiến, kiên nhẫn, bao dung.
II. SONG HÀNH VỚI CON TIM TRÀN ĐẦY:
1. Chia sẻ.

2. Trạm dừng chân.
3. Chấp nhận, sống vì, sống với dù khó khăn, trở ngại, thách đố…
III. Ở LẠI VỚI TẤT CẢ TỰ DO:
1. Đồng trách nhiệm, nhìn ra nhu cầu cần của mọi hướng tương quan.
2. Làm mới, thăng tiến, phát triển tốt đẹp hơn.
· Kết Luận:

Tĩnh lặng là gì? Tại sao ta cần tĩnh lặng?

Thời đại ta đang sống, được gọi là kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật, với những phát minh vượt bậc đem lại cho con người cuộc sống tiện nghi, sung túc. Nhưng thứ công nghệ thực dụng trong lối sống đó, khiến cho cuộc sống ta bị giới hạn trong những chân trời vật chất và đánh mất dần về những cảm thức về những giá trị tâm linh, siêu việt, hay khi muốn đưa ra đủ thứ “chiến thuật tông đồ” vì quá chú tâm đến hiệu quả. Vì thế trong thế giới biến động này ta cần biết dừng lại để suy tư nếu muốn có một cuộc sống quân bình, hạnh phúc.

Ngược lại với động là tĩnh. Tĩnh lặng tự nó không thể giải quyết mọi vấn đề, bởi cuộc sống sẽ luôn sôi động, kéo theo những khó khăn, ưu tư, lắng lo, nghi hoặc, thất vọng, bệnh tật, stress. Sự nản chí, chùn bước, và có thể bỏ cuộc là điều ít ai mong đợi nhưng thường vẫn tự đến khi cuộc sống quá tải. Nhưng sự tĩnh lặng là cần thiết để ta tìm lại chính mình giúp cân bằng cuộc sống và bình an. Đặc biệt trong niềm tin Kitô giáo, mở ra cho ta con đường hy vọng, con đường sự thật và sự sống.

Hạnh phúc nhất trong đời khi ta có người để tin tưởng, cậy dựa, mến yêu nhưng không lo sợ bị bội phản. Thiên Chúa thấu hiểu và chia sẻ mọi khó khăn với ta, Đức Giêsu đã chấp nhận làm người dãi dầu trong thử thách, đã làm người yếu đuối tư bề, ngoại trừ tội lỗi để đồng hành với ta (Hr4,15). Người luôn nhẹ nhàng gõ cửa lòng ta và sẽ “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”

I. Lắng Nghe: Tĩnh lặng là lắng nghe.

Trong năm đức tin, Giáo Hội mời gọi mỗi người sống với nhau, chia sẻ với nhau không chỉ dừng lại ở cấp bậc, nhưng là chia sẻ trong tình anh chị em ruột thịt. Tương quan thân tình giúp ta biết lắng nghe nhau, sự thảo hiếu của người con, người thụ huấn, người môn đệ... Lắng nghe thái độ của người trên đối với người nhỏ hơn: thầy cả Êli đối với cậu bé Samuel. Lắng nghe song phương là tiếng nói của cõi lòng khi có sự yêu mến, kính trọng. Nhìn vào hình ảnh nơi con đường về làng Emmaus hôm nao, sự hiện diện của Chúa Cứu Thế hết sức kín đáo và thận trọng, tôn trọng sự chậm chạp của con người, tới mức sẵn sàng mất thời giờ “ khiêm tốn bước đi” bên cạnh con người, và tham gia vào một cuộc trò chuyện dài dòng để lắng nghe họ. Đi vào, đối diện với cuộc sống hôm nay ta đã, đang sống với tha nhân, với những anh chị em xung quanh với thái độ như thế nào? Ta thích nghe họ nói, hoặc là thích nói cho họ nghe?! Nhiều lúc chính ta cảm thấy lắng nghe thật khó chịu, nhất là đối với bản tính người nóng nảy, và thiếu kiên nhẫn, chứ chưa nói gì đến những suy xét chủ quan, hay những lối nhìn thành kiến. Một vị lãnh đạo Ấn độ đã chia sẻ: “Ở xứ của tôi, bên Ấn độ, đạo hữu kỳ vọng là tôi có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề của họ vì tôi là mục tử. Nhưng khi chính tôi có những vấn đề và tôi cần ai đó lắng nghe mình, thì chẳng tìm ra ai cả! Họ không thể chấp nhận ý tưởng rằng lãnh đạo tôn giáo cũng có những vấn đề khó khăn, họ không thể hình dung rằng các vị ấy cũng cần được giúp đỡ…Người ta đặt tôi lên trên một cái bệ và để tôi ở đó”.

Những lời chia sẻ rất xác thực? không riêng gì vị mục tử, bề trên, nhà giáo, người lãnh đạo, và ngay cả chính ta cũng rơi vào tình trạng này.
Thật vậy, tĩnh lặng cho ta cảm thức về tình thân, ân cần, sống động gần gũi của một Thiên Chúa Tình Yêu, nghe được tiếng nói của Ngài. Nghe người khác cũng là hành động, cung cách sống bác ái, vị tha mà không ít khi ta phải chấp nhận lội ngược dòng. Phải chăng, đó là một của lễ hy tế trong âm thầm dâng lên Thiên Chúa của riêng ta, điều không dễ gì ai cũng có thể hiểu.

2. Con đường gặp gỡ:

Con người sống cần có tương quan: Hai người bộ hành trên đường Emmaus họ không im lặng sau những sợ hãi, thất vọng, chán nản, nhưng họ đang trao đổi với nhau, nói cho nhau biết những ưu tư khắc khoải tự thâm tâm mình. Họ nói về Chúa, vì thế Chúa “tiến đến gần cùng đi với họ”(c.15), mở ra một hành trình hy vọng ngay chính lúc họ cũng không ngờ được. Ngài đến với họ bằng tất cả sự giản dị chân thành, và cởi mở. Hôm nay, cho dù mỗi ngày ta gặp gỡ biết bao nhiêu là người, người trong nhà, người gác cổng, người phu quét đường, người mở cửa, chị nấu bếp, người ta quen, người ta biết, và cả những người chỉ có thể gặp được một lần không quen. Có gặp, nhưng ta có “thấy” họ không? Kinh nghiệm từ thâm tâm khi ta sống với mọi người mà vẫn cảm thấy cô đơn, trống trải đó nói với ta điều gì? Ta thấy người khác khó gần, hay chính ta đã đóng kín cánh cửa lòng mình?!?

Thiên Chúa đến với con người qua Đức Giêsu, Ngài dạy con người mở lòng ra với Chúa và với nhau: Như tấm bánh Ngài “bẻ ra và trao cho họ”(c.30). Mời gọi ta có những cái gặp gỡ khác đi với những hờ hững dửng dưng, và cả những ánh nhìn thiển cận chủ quan của mình đối với tha nhân cũng như với chính ta nữa. Thay vào đó ta cùng Chúa khởi phát bằng sự nhạy cảm, tế nhị, một tinh thần quảng đại, khôn ngoan, để khi họ đến với ta, và ta đến với họ không còn những thế thủ, tự vệ.

Dù ít, sự chân thành của ta không hẳn đều là “dịch vụ”, một sự chia sẻ dù bé nhỏ thấ nào thì cũng có thể làm cho cuộc đời, tình người ở trong chính địa vị, hay bất kỳ hoàn cảnh nào, ta cũng có thể gặp gỡ nhau trên hành trình tìm về chân hạnh phúc.

3. Lu mờ chính mình:

“Chuyện gì vậy?” Giêsu tỏ ra thận trọng, bình tĩnh khi chính Ngài biết hết những gì người khác đang nói về mình, hình tượng về mình bị méo mó, sự thật không được đón nhận đủ, bởi những người bạn sống gần nhưng không thân tình.

Còn chính ta và cuộc sống này, cho dẫu biết là sự thật, không ít những lần ta vẫn thấy khó chịu, khó đón nhận. Vì thế, từ trường học Emmaus ta có thể học được gì? “Biết sẵn sàng cười hay ít ra mỉm cười, đó là dấu hiệu tuyệt vời rằng mình đang sống trong ân sủng” (Xavier Thévenot). Nhìn vào mẫu gương và con người Samuel, một con người không tham quyền cố vị, sẵn sàng rút lui khi có người thay thế, ủng hộ và sát cánh chung chia những khó khăn, những hạnh phúc với chính người thay thế mình.. Lu mờ như thế ta có thể học thêm những điều tốt hơn cho bản thân mình, nhận chân giá trị cũng như những khả năng phong phú nơi những người khác. Đó là lối nhỏ của hành trình khám phá sự ngạc nhiên.

Quyết định của mình có lúc thật đẹp, rất nhân bản, một quyết định xem ra hào phóng đó. Ta cũng không được phép quên đón nhận môi trường mới, hoàn cảnh mới cách can cường, bình tâm tự tại. Bởi kinh nghiệm, khả năng, tương quan, và những điều khác nữa nơi ta phải nói thật thuận lợi hơn nhiều so với những thực tại trước mắt. Đối diện với điều đó ta cần làm gì, và làm như thế nào? Niềm tin với sự phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa, “Chúa luôn có cách!”.

Trải qua những thành công, thất bại trên cuộc hành trình giúp ta cảm nghiệm được Chúa không chọn người có khả năng, nhưng hóa ra Chúa ban khả năng cho người Chúa chọn. Quan trọng ta tìm cho mình chân lý Chúa muốn, còn những gì người ta nói không quá quan trọng, giúp ta có được sự quân bình trên mọi phương diện tự nhiên và siêu nhiên trong thân phận con người.

Lu mờ! Có khi lại giúp ta can đảm bước theo Chúa trong những hành trình mới, dẫu biết rằng chấp nhận sống mới là bắt đầu một cuộc mạo hiểm, một đoạn đường ta không thể nói trước được điều gì. Nếu Chúa muốn, chỉ cần ta nắm chặt điều mình chọn lựa cách quyết liệt. Nắm chắc rồi, dẫu có mỏi mệt, nhắm mắt như muốn buông xuôi, tưởng như có thể rũ bỏ tất cả chăng nữa, thì càng xác tín hơn ơn gọi, hành trình ta đang đi không phải do mình chọn nhưng là chính Chúa đã “yêu thương và mời gọi ta từ trong lòng mẹ”.

II. SONG HÀNH:

1. Chia sẻ:

Nhờ việc chú giải kinh thánh mà người môn đệ năm xưa có kinh nghiệm chịu đựng được sự chia ly, niềm vui khó khăn này họ đã để Chúa được can thiệp. Hôm nay ta chia sẻ với những người khác từ việc giúp đỡ họ, nhất là: tránh truyền miệng những tin không chính xác bịa đặt gây hoang mang, sau là ở hành động. Nhìn một người rơi lệ, ta thấy mủi lòng, và ít nhiều tỏ ra dễ cảm thông với họ. Thế nhưng khi thấy một người đang vui cười với hạnh phúc mà họ đang có, ta sẽ đến với họ thế nào? Làm sao để ta có thể tế nhị với người khác như chính ta tế nhị với một đứa trẻ? Có tin được nơi mình không thiếu điều họ cần? Hành trình vươn tới cuộc sống đẹp, không ai dám chắc mình không thiếu môt đôi điều mà người bình thường cũng có thể có. Và quan trọng, ta phải chọn lựa cách sống yêu người khác, và làm cho họ biết họ được yêu thương. Cũng như anh thanh niên giàu có trong Tin Mừng, ta biết có thể bán tất cả rồi mới “cho” thay vì lấy kinh nghiệm của mình, của người khác, của những công thức trong kho tàng kiến thức ta có, để tỏ tình thương với những khó khăn của tha nhân trong hoàn cảnh hiện tại của chính họ.

Thái độ cần nữa là khôn ngoan và thận trọng, bước vào hoàn cảnh của họ, gợi ra cho họ những câu hỏi, giúp họ biết hỏi, thay vì chỉ đưa cho họ những câu trả lời rỗng, nhữg khuôn mẫu theo ý muốn của ta. Để không cho mình là trung tâm, không để mình mãi ở lại trong tự hào nào đó, chia sẻ của ta cần để Chúa làm chủ, và hiện tại giúp cho nhau “vất bỏ mọi lo âu, và bình thản trước mọi điều xảy đến mà vui hưởng sự an nghỉ”, nhờ vậy ai nấy sẽ “phục vụ Thiên Chúa hợp với sở thích Ngài, và sẽ hoan hỉ trong Ngài”[1]

2. Trạm dừng chân:

“Chính anh em hãy lánh riêng ra một chỗ mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6,31). Thiên Chúa có đường lối sư phạm riêng của Người, bởi đó, “Người làm như còn muốn đi xa hơn nữa” cũng chính là Ngài gợi lại cho họ thấy sự mỏi mệt mà chính Ngài đang muốn chia sẻ với họ. Những nhọc nhằn, khó khăn, vất vả Ngài đã hiểu, vì Ngài hiểu họ hơn ai hết. Ngài muốn họ lùi lại bên trong, điều chỉnh lại những thành công, thất bại trong sứ mạng của mình. Phải chăng Ngài muốn ta đón nhận sự nghỉ ngơi chính đáng bên cạnh Ngài, một nơi dừng chân lý tưởng “Hỡi tất cả những ai đang vất vả, khó nhọc, mang gánh nặng nề. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”, nào “Hãy đến với Ta” (Mt11,28-30). Sự thật kinh nghiệm dễ dàng lấn trốn trách nhiệm khi thử thách quá sức mình nơi Elia, nơi Phêrô là một điển hình, có lúc tưởng như những thách đố dồn dập, những khó khăn không dễ giải quyết, những lúc lòng nặng trĩu giằng co giữa đôi điều chọn lựa quyết liệt. Mỏi mệt và chỉ muốn ngủ vùi trong những gì ta cảm thấy chắc chắn, an toàn đôi khi chính là giải pháp tối ưu mà ta chọn lựa. Nghỉ ngơi giúp ta suy tư. Dừng chân để ta “cắm rễ lại trong ơn gọi của mình” vào một cảm nghiệm cá nhân đối với Thiên Chúa, cùng với những tình yêu thương mà ta đã được đón nhận, thấy mình bất xứng mà ơn Chúa vẫn trung tín theo bước từng ngày. Nội lực tình yêu tiếp thêm năng lượng cho ta đáp trả. Để rồi trong chính hành trình kế tiếp ta lại hăng say hơn, quảng đại hơn, và nhiệt huyết hơn.

3. Chấp nhận:

Đức ái Kitô giáo không đòi ta gồng mình lên để tỏ tình bạn với một người không hợp tính, nhất là cuộc sống đời tu. Cao hơn một chút, chính đức ái đòi ta phải vượt thắng mình, và cố gắng nhận ra người ta thấy khó chịu họ cũng ở trong trái tim Chúa, nhiều khi trong cuộc sống ta thường cắt đặt, và sống khuôn phép, nguyên tắc nào đó để được đánh giá cao, được tôn trọng, được kính nể, ta quan trọng hóa những nghi thức, những cử chỉ sẵn có bên ngoài. Đã hẳn sống như thế nào cho “hoàn thiện” là điều tất yếu tối thiểu của một người nhân bản. Những dung dị, hết sức bình thường, đôi khi chỉ cần đơn giản hóa vấn đề, đừng gây phức tạp thì không chỉ những người chung quanh chúng ta được an bình hạnh phúc, nhưng là chính tâm hồn, cuộc sống ta cảm thấy nhẹ nhàng, rất thanh thản. Bởi thật ra, như F. Sheen từng ví von: “Khi ta chấp nhận chiến tranh (chống tội lỗi) trong lòng thì bình an sẽ xuất hiện trong cuộc sống chung bên ngoài”, chấp nhận nhìn về sự thật của chính mình, khi ta lột bỏ những vỏ bọc bên ngoài: tự mãn, giả hình, mặc cảm, tự ti…Đau đớn lắm, và ta có thể phải khóc, những giọt nước mắt đó không làm ta tỏ ra vẻ oai phong đầy tự vệ, nhưng là nhữg giọt nước mắt của lòng sám hối với bản thân, và với những người “thân cận”, chính những gì khởi phát từ cõi lòng sẽ giúp ta đổi mớicuộc đời. Hai môn đệ đã chấp nhận sự thật về bản thân, về lối suy nghĩ nông sâu đối với người khác. Họ bừng cháy khi thấy người “thân cận” thay đổi!?! Cũng vậy, dưới lăng kính của lòng mến, tự nhiên thấy người khác dễ thương, hay hay! Dù ở cùng nhà, đi chung lối sao ta chưa biết, không muốn biết? Hôm nay tự nhiên ta thấy mình có lỗi! cuộc sống vẫn vậy, “chịu khó sẽ bớt khó chịu”. Thái độ ỡm ờ, nhiều lúc trả lời bâng quơ, chủ cốt để đẩy họ đi cho xa xa mình, tránh né cho mình khỏi phiền, tạo ngăn cách trong sự vô tình? Chấp nhận! giúp ta ân cần đến với, sống cùng, sẵn sàng mất thời giờ cho những chuyện cỏn con vụn vặt nào đó, và dám tin tưởng nhau một cách chân thành. Làm được như thế thôi, ta đã “yêu như Chúa” (Ga 12,15).

III. Ở LẠI:

1. Đồng trách nhiệm: Sống cộng đoàn là làm sứ giả

Khác với vườn Địa Đàng của nguyên tổ loài người. Họ không đổ lỗi cho nhau, cũng không chê trách sự chậm tin của người khác và ngược lại. “Chúng ta”, họ mời Thiên Chúa hiện diện, trong ngôi nhà ấy không còn sự quy ngã, không còn những hoài nghi, tình yêu làm họ thắng vượt lên tất cả. Đối với Chúa mỗi người là một nhân vị duy nhất, do đó tình thương Ngài dành để cho mọi người cũng không thể khác với bản chất Ngài được, có chăng là tùy theo sự cảm nhận của mỗi người.

Cộng đoàn ta sống, dù lớn bé thế nào thì ta cũng là một phần tử trong gia đình, ngay khi ta chấp nhận ở lại. Để rồi ta chân nhận gia đình mình là trên hết. Dù khó khăn gian khổ, thì mái ấm đó luôn che chở, yêu thương, bảo dưỡng, nơi mỗi thành viên tự đan xen, bổ khuyết cho nhau. Xã hội, Giáo hội thánh thiện hay tội lỗi, tất cả chúng ta đều có phần trong đó, có chính mình trong đó, sống quyền lợi thì cũng phải có trách nhiệm. Mượn lời của Thánh Augustino: “Để tạo nên co Chúa không cần hỏi ý con, nhưng Chúa hỏi ý con khi Ngài muốn cứu chuộc con”. Chị Thánh Thérèse bé nhỏ hơn “Chúa cần con”, để cho ta hiểu ta luôn cần Chúa, cần những người bạn Chúa muốn gởi đến trong hiện tại, dù cho bước đi còn khập khễnh, niềm tin do dự, bấp đênh phiêu dạt do sức đẩy tư bề, ta vẫn tiếp tục ở lại.

Những gì vị kỷ nơi mình không thiếu, là người Kitô hữu ta lại đưa tay ra và cúi lưng xuống, không gò lại trong con người hữu hạn riêng mình, nhưng là mở ra để tiếp nhận người khác, chia sẻ với họ những thành công, thất bại. Ta cũng cần có thái độ tin tưởng dám chia sẻ với họ những yếu đuối nơi bản thân, những khó khăn ta chưa tìm được giải pháp… Nhờ đó, cuộc sống uyển chuyển và dễ thương hơn, chứ không còn cứng, chật, hẹp trong chủ quan, suy nghĩ cũng như hành động của mình. Chung chia với gia đình mới bằng nghị lực, khối óc và cả con tim, chung vai sát cánh thật sự chứ không chỉ đụng tay có lệ “bao năm ở trọ” hơn ai hết ta được đón nhận, niềm vui bên ngoài và bình an trong nội tâm cảm nghiệm tình người rất ngọt ngào. Đôi lúc ta can đảm đấu tranh để “người thân cận được yêu thương và tha thứ” một việc làm không dễ nếu ta quên dựa vào ơn Chúa, phải chăng khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh (2Cr12,10b).

2. Làm mới, thăng tiến, phát triển tốt đẹp hơn.

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy”. Họ quay trở lại nơi chính họ đã bỏ ra đi, sẵn lòng chia sẻ hạnh phúc với những người khác, thay vì chản nản, buông xuôi, bỏ cuộc của một thái độ sống “tạm trú tạm vắng”, bây giờ và lúc này họ củng cố thêm niềm tin cho anh chị em của họ. Tình yêu giúp họ ý thức đủ khi chỉ biết nhìn về phía trước và băng mình về phía trước (Pl3,13-14), Tin cũng được mời gọi như thế. nhìn về phía đằng trước là không chấp nhận thái độ sống thất vọng: thất vọng về chính mình, về những người xung quanh gần gũi, về cuộc đời. Vươn tới một niềm tin: Tin vào chính mình, vào con người, vào cuộc đời. Và trên hết cũng như sâu hơn hết là tin vào Thiên Chúa Đấng lôi kéo cũng như không ngần ngại đồng hành với ta, hỏi han trò chuyện, giải thích Lời Chúa, giúp ta mở mắt, khi cần lại đẩy ta ra xa Ngài thay vì để yên cho ta tự mãn. Là nhà tâm lý đại tài, Ngài giúp tôi mở cánh cửa đi đến với những người khác trong sự dấn thân vô vị lợi, không chờ mong náo đáp. Làm tất cả vì lòng yêu mến chứ không mong được người khác vì những việc làm cho mình mà thương mến.
Tạm kết:
Tĩnh lặng là nền tảng cho sự lắng nghe, song hành, và ở lại. Tĩnh lặng tự bản chất không là những gì ồn ào náo nhiệt, có thể chỉ là những đảo san hô, âm thầm lặng lẽ vui với đời, sống cho người, hết mình cho hiện sinh. Tĩnh lặng nét đẹp nơi biến cố Emmaus hun đúc ta sống tin yêu, hy vọng. Nét đẹp ấy không ngừng cho ta sự khiêm tốn, kiên nhẫn, bình tâm và bình an để đón nhận mọi điều, dù là những điều có khi người khác cho là mình ít khả năng, khi bị phản đối, coi thường. Dám chấp nhận vị thế rốt hết giữa những người ngang hàng, không ngại ngần khi cần làm mới, nỗ lực để nhẹ nhàng buông mình sống tin tưởng phó thác, sẵn sàng để Chúa làm chủ cuộc đời dẫn dắt trong bước đường tương lai. Tắt một lời, tĩnh lặng là dám vươn tới những gì đẹp hơn, quảng đại, trách nhiệm, nhiệt tình hăng hái, cùng xây dựng cuộc sống triển nở, yêu thương ngay giữa lòng Giáo hội hiện tại, trong xã hội xô bồ hôm nay, trong những khó khăn thường hằng của đời sống chung không ít, trong những tranh đấu của chính cõi lòng ta, và còn những tương quan với hết những người sống quanh ta từng ngày mà sư huynh Nguyễn Tấn Kiệt đã từng chia sẻ:

“Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống an vui danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

 

Hủ Tíu  ( Người con giáo xứ)

Read 1713 times Last modified on Thứ sáu, 20 Tháng 9 2013 19:56