Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 07 Tháng 11 2015 13:53

Tháng các Linh hồn : Sống niềm hy vọng vào sự sống đời sau

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tháng Các Linh HồnSỐNG NIỀM HY VỌNG VÀO SỰ SỐNG ĐỜI SAU      “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại,... và sự sống đời sau"2Tx 1.4-10; 2 Tm 2, 11 – 13


Chắc chắn rằng trong thâm tâm mỗi người không ai không khỏi bàng hoàng, sợ hãi khi phải đối diện với cái chết! "Chết" đã trở thành một cái gì đó ám ảnh: một nỗi lắng lo ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Vâng, cuộc sống con người là như thế đó ! "Số phận con người ai cũng phải chết một lần" (Dt 9,27), con người sống để mà chết, cái chết như một định mệnh, tiềm ẩn trong sự sống mỗi người. Thế nhưng, trong niềm tin Kitô hữu, cái chết sẽ mang một chiều kích khác. Ý nghĩa của sự sống và sự chết nơi người Kitô hữu sẽ được tìm thấy nơi sự chết và Phục Sinh của Đức Kitô.

1. Sư Chết - Chiều kích hiện hữu mới cho con người.

Chết là hết, là kết liễu cuộc đời dương thế ! Chân lý ấy xem ra chẳng có gì là mới mẻ. Thế nhưng, khi đối chiếu với một vài triết thuyết và tôn giáo, chúng ta mới thấy hết tính độc đáo của lời tuyên xưng Kitô giáo : “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy”. Con người chỉ có một kiếp sống. Cái chết chấm dứt cuộc sống con người. Cái chết khai mào chiều kích hiện hữu mới cho con người.
Có những học thuyết quan niệm rằng, cuộc đời này như một kiếp đọa đầy của linh hồn đã vướng mắc tội lỗi, nên linh hồn bị đày xuống cõi trần, nhập vào thân xác để đền tội. Kitô giáo không quan niệm như vậy. Con người chỉ có một kiếp sống này chứ không hề có tiền kiếp nào khác. Cái chết kết liễu cuộc sống con người cả hồn lẫn xác. Cái chết sẽ là dấu chấm hết cho mọi mối dây ràng buộc. Nói chung, cái chết là một bi thảm, đi ngược với bản tính con người. Thế nhưng, tất cả mọi người ai cũng phải chết một lần và sự chết sẽ đưa con người qua một thế giới khác, một thế giới vĩnh cửu, không bao giờ trở lại trần thế nữa. Thế giới vĩnh cửu ấy chính là niềm tin của ngườì Kitô hữu, như thi sĩ R.Tagore đã viết: “Xin vĩnh biệt mọi người, tôi ra đi lần cuối. Không bao giờ trở lại, hẹn nhau trong Nước Trời...Tôi đã choàng vào vòng hoa tươi, đã khoác vào chiếc áo tân hôn. Đây là giờ tôi đến với Người, mang theo chỉ có mỗi con tim…” (Gitânjall, 93.94).
Như vậy, con người sau khi chết vẫn còn một yếu tố tồn tại, chính yếu tố ấy duy trì sự liên tục của chủ thể (bản ngã) giữa cuộc sống dương gian với cuộc sống mai hậu. Sự Phục Sinh nơi Đức Kitô không phải là việc tái tạo con người từ hư vô, nhưng cho con người được hưởng hạnh phúc cách toàn vẹn hơn. Tiến trình hạnh phúc của mỗi  Kitô hữu sẽ được rộng mở một cách tiệm tiến. Sau khi chết, linh hồn con người sẽ được diện kiến Thiên Chúa ngay lập tức, chứ không phải nằm chờ cho tới ngày cánh chung (Lc 23,43). Thế nhưng, để được phục sinh hoàn toàn cả hồn lẫn xác thì phải đợi đến ngày Quang lâm : chứ không phải "ngay lập tức" như một số người vẫn lầm tưởng (1 Cr 15,23). Ngoài ra, thân xác mai sau sẽ không hoàn toàn như bây giờ ! Hiện nay, thân xác chúng ta hư nát, yếu đuối, nhưng mai sau sẽ bất diệt, vinh quang, sẽ được Thần khí biến đổi.

2. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

Dẫu biết rằng, với thân phận tội lỗi yếu hèn mỗi người chúng ta sẽ phải chết, cũng như trên thực tế, nguyên tổ đã phạm tội và phải lãnh cái chết như một hình phạt bởi tội. Thế nhưng, trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, chúng ta xác tín rằng "mối tương quan" giữa cái chết và tội luôn mang một chiều kích mới trong ơn cứu độ của Đức Kitô. Đức Kitô đã cứu chúng ta khỏi tội thì Ngài cũng cứu chúng ta ra khỏi sự chết. Nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô mà chúng ta nhận được hồng ân “sống lại trường sinh”. Ngài đã cứu chuộc chúng ta bằng chính cái chết của mình.
Vâng, như thế đó! Đức Giêsu hoàn toàn chia sẻ thân phận con người của chúng ta. Ngài đã tỏ ra thao thức khi phải đối diện với cái chết, dù là cái chết cho bản thân (Ga 12,27), người bạn Ladarô (Ga 11, 35) hay là đứa con bà góa Naim (Lc 7,13). Tuy nhiên, nơi Đức Kitô, cái chết mang một ý nghĩa mới : cái chết có thể được đón nhận cách ý thức tự do, chứ không phải cách cưỡng bức như một tai họa trời giáng! “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được (Ga 8,l8). Đức Kitô dã đem lại một ý nghĩa mới cho sự chết. Nó không còn là án phạt vì tội lỗi, nhưng là sự tín thác, trao phó mạng sống cho Thiên Chúa và đã hy sinh chính mạng sống mình chỉ vì tình yêu, “không ai có tình yêu nào lớn hơn là người hiến mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Như vậy, chính Đức Kitô đã cứu chuộc cái chết của con người. Sự phục sinh của Đức Kitô đã đem đến cho nhân loại một nhãn quan mới, nhãn quan của sự tín thác vâng phục và là dấu hiệu của tình thương trao hiến. "Phúc thay những người đã chết mà được chết  trong Chúa" (Kh 14,13). Hạnh phúc đích thực nơi người tín hữu là được về với Chúa, nguồn sống bất diệt…

3. Sự Phục sinh của Đức Kitô đã khơi dậy niềm tin Kitô giáo

Nơi Đức Kitô, cái chết và phục sinh của Ngài đã khơi dậy niềm tin Kitô giáo và làm thăng tiến cuộc đời dương thế của mỗi người chúng ta. Có tin vào Chúa Kitô Phục Sinh thì chúng ta mới biết suy nghĩ về cách sống, cách suy tư của mình. Bởi chưng, khi con người biết suy tư về cái chết, chính là lúc con người biết sống ! Biết sống để rồi dấn thân và “làm chứng về sự sống lại của Người” (Cv 1,22), dám sống lại với Chúa Kitô, chết với Chúa Kitô, “rời bỏ thân xác này để đến ở cạnh bên Chúa” (2 Cr 5,8) và “nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người” (2Tm 2, 11).
Như vậy, mỗi Kitô hữu đã được diễm phúc tham dự vào sự chết của Đức Kitô qua bí tích rửa tội cách bí nhiệm, và nếu chúng ta chết trong ân sủng của Đức Kitô, thì sự chết thể lý này sẽ hoàn thành “cái chết của ta trong Chúa Kitô", được kết hiệp thân thể chúng ta vào thân thể của Ngài. Để rồi, mỗi  Kitô hữu cũng biết ước ao được cái chết như thánh Phaolô xưa: “Tôi ước ao ra đi để được chết với Chúa Kitô” (Pl 1, 23).
Dẫu biết rằng, cái chết vẫn còn là một bí nhiệm, mọi người ai cũng lo âu, hoảng sợ, nhưng trong niềm tin của mình, mỗi tín hữu Kitô nên lạc quan và xác tín rằng, sự chết là chỗ tận cùng của cuộc lữ hành trần gian, điểm tận cùng của thời gian ân sủng và từ bi mà Thiên Chúa dành cho mỗi người. Khi đã chấm dứt “dòng đời duy nhất của cuộc sống trần thế”, chúng ta sống không trở lại những kiếp sống khác nơi thế trần này nữa. Người ta chỉ chết một lần và không hề có sự “lại đầu thai sau khi chết”. Cuộc vượt qua sẽ chỉ được hoàn thành, tình cảnh của một tín hữu sẽ chỉ được vĩnh viễn và phúc lạc của những kẻ dược chọn sẽ được thực hiện vào lúc “khôi phục mọi sự”. Chính lúc ấy. cuộc Quang lâm của Đức Kitô và sự sống lại của các tín hữu sẽ dược khai mào…

Tóm kết

Biết suy nghĩ về cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô là chúng ta đang biết sống “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người…”(2Tm 2,11). Sự chết là kẻ thù, mọi người đáng sợ nhưng nó lại là người bạn mở cửa cho sự kết thúc và phá hủy, là khởi đầu của sự sống lại. Khi tín hữu Kitô biết chấp nhận trong sự vâng phục, phó thác, mến yêu là lúc biết thờ lạy Chúa. Bởi chưng, chỉ có Người là sự sống, là chủ và con người sẽ nhận ra sự công chính nơi Người, phó thác hoàn toàn cho Người. Như thế, trong Đức Kitô, sự chết trở nên phục sinh và thập giá trở thành vinh quang.
Nhờ tin vào Đức Kitô Phục Sinh mà người Kitô hữu sẽ biết chịu đựng và dễ dàng vượt qua tất cả. Chỉ trong niềm tin con người mới có thể thấu hiểu sự bí nhiệm của cái chết. Để rồi trong cuộc hành trình tiến về Nước Trời mỗi người biết chuẩn bị cho mình những hành lý cần thiết. Đặc biệt, trong tháng 11 này, tháng cầu nguyện cho các linh hồn và nhờ tin vào Đức Kitô Phục Sinh mà mỗi Kitô hữu biết hòa cùng lời kinh của Giáo Hội  “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau...” để xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của ông bà, cha mẹ, anh chị em và cho họ sớm được hưởng nhan thánh Chúa.

Tháng 11- Tháng Các Linh Hồn

Nguồn: giaophanxuanloc.net

Read 994 times Last modified on Thứ ba, 10 Tháng 11 2015 20:33