Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 11 Tháng 2 2017 09:48

Sống đẹp

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sống đẹp

Thượng Đế cho mỗi người chỉ một cuộc sống trên trần gian. Dù trường thọ hay đoản thọ, dù giàu hay nghèo, dù hạnh phúc hay đau khổ, mỗi người chỉ có một cuộc đời. Cuộc sống này được so sánh như bàn cờ, mỗi nước cờ là một nước đời. Vì thế, cần phải khôn ngoan thận trọng để không hối hận về việc mình đã làm, để mỗi hành vi cử chỉ đều đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình và xã hội xung quanh. Người biết tận dụng thời gian Thượng Đế ban cho mình để tạo dựng mối thân thiện, sống bao dung hài hòa với tha nhân, đó là người sống đẹp.

Sống trên đời, mỗi người cần chọn lựa cho mình một hướng đi. Có tác giả gọi đó là “sứ mạng cuộc đời - Mission of life”. Thượng đế ban cho con người những ân huệ không giống nhau. Sự khác biệt ấy tạo nên một cộng đoàn nhân loại phong phú, sinh động. Có người sống ở thành phố, người khác sống ở thôn quê. Có người đam mê việc viết lách, người khác lại hăng say với việc cày bừa. Điều quan trọng là mỗi người tìm ra sứ mạng của mình trong cuộc sống, để chọn lựa và quyết định tương lai cho mình. Ai chọn đúng hướng đi cho cuộc đời, sẽ tìm thấy niềm vui. Cuộc sống đối với họ sẽ lạc quan và tươi đẹp. Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, các bạn trẻ ở tuổi từ 25 đến 30 là tuổi quyết định hướng đi cho đời mình. Hướng đi ấy là một nghề nghiệp (làm nghề gì?), một bậc sống (lập gia đình, sống độc thân hay đi tu?). Nếu ở tuổi “tam thập nhi lập” mà chưa quyết định mình sẽ làm nghề gì, thuộc lãnh vực nào, thì người đó khó mà có tương lai ổn định. Không có định hướng, người trẻ phó mặc tương lai cho may rủi, sống dựa vào người khác và để cuộc đời trôi như đám bèo, bồng bềnh theo dòng nước. Vì thiếu định hướng và kiên định, một số người thay đổi nghề nghiệp như con chim chuyền cành. Họ thiếu kiên nhẫn, không chịu học hỏi để có một nghề nghiệp chuyên môn, khi thấy khó thì thất vọng bi quan và muốn bỏ cuộc. Nhiều bạn trẻ khác, khi chọn những tiêu chí cho tương lai, lại dựa vào những lợi lộc phù phiếm chóng qua, mà không trau dồi kiến thức cơ bản làm nền tảng cho sự nghiệp tương lai. Vì thế, họ dễ gặp thất bại do thiếu hiểu biết và thiếu kinh nghiệm trường đời. Sáng suốt chọn lựa cho mình một tương lai, phù hợp với khả năng của mình, khiêm tốn học hỏi và kiên định trong sự lựa chọn ấy, đó là người sống đẹp.

Con người sống trên trần gian không phải là những ốc đảo cô đơn riêng rẽ, nhưng là những nhân vị có liên đới và phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế, cần có tương quan thân thiện với những người mình chung sống. Khung cảnh gần gũi nhất là gia đình, rồi đến xóm làng, xứ đạo, quê hương xứ sở. Có những người tính tình dễ thương, đi đến đâu cũng được người ta mến mộ, nhưng lại có những người khó tính, đi đến đâu cũng trở thành gánh nặng, thậm chí nỗi kinh hoàng cho người khác. Có những người sống vì tha nhân, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”; nhưng cũng có những người sống ích kỷ, khép kín, “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Sống trên đời, tư cách của một người được đánh giá không phải dựa trên sự giàu có hay nghèo nàn, mà dựa trên mối tương quan của người đó với cuộc sống xung quanh. Trong xã hội của chúng ta, mặc dù bị ảnh hưởng bởi nếp nghĩ ích kỷ quan liêu, nhưng vẫn có nhiều gương sống đẹp, thể hiện qua mối quan tâm đến người nghèo khó và bất hạnh. Đó là những thiện nguyện viên cộng tác bảo vệ môi trường hay điều hòa giao thông; những thày cô giáo hy sinh lên vùng cao, những tu sĩ phục vụ người cùi; những người lái xích lô, tuy nghèo nhưng sẵn sàng trả lại tiền bạc hay tài sản của người để quên. Trước nỗi khổ của đồng bào vùng lũ lụt, nhiều người đã chia sẻ và đến tận nơi để đem cho đồng bào sự trợ giúp tinh thần cũng như vật chất. Có những tổ chức mang danh nghĩa tôn giáo, đoàn thể, nhưng cũng có nhiều nhóm không mang một danh nghĩa nào, mà chỉ đơn giản là tình người, hầu đem lại chút nâng đỡ cho những người đang thiếu thốn cơ hàn. Họ là những người thể hiện nét sống đẹp, tỏa sáng giữa cuộc đời còn nhiều tăm tối và tiêu cực.

Sống trên đời, cần có lương tâm, đạo đức. Ông Bà ta dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “nghèo nhưng không hèn”. Giữa cơn lốc của cuộc sống hưởng thụ, nhiều người không để ý tới cái “sạch” và cái “thơm”. Mặc cảm về cái đói và cái nghèo đã làm họ mất lương tri. Họ để cho những tham vọng lợi lộc điều khiển những hành vi và lối sống. Họ bán rẻ lương tâm, chạy theo hấp lực của đồng tiền và làm bất kỳ việc gì miễn là đem lại cho họ lợi nhuận. Cổ nhân dạy chúng ta: “Có đức mặc sức mà ăn”. Và, đây là giáo huấn của Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy, người nào sống có tâm, có đạo đức thì Chúa sẽ ban cho họ của cải, sức khỏe và niềm vui. Người nào sẵn sàng quảng đại cho đi, Chúa sẽ cho lại cách dồi dào. Người Phật tử tin rằng ai gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Người Kitô hữu tin rằng ai gieo yêu thương, sẽ gặt hòa bình, ai gieo tai họa, sẽ gặp khổ đau. Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,37-38). Chắc hẳn mỗi chúng ta đều kinh nghiệm về điều này. Người sống đẹp chắc chắn sẽ gặt hái niềm vui và sẽ được ân thưởng dồi dào.

Trong xã hội hôm nay, một hiện tượng tác động đến lối sống của nhiều người, đó là tâm lý đám đông. Người ta làm điều nọ điều kia, không xét đến tính luân lý của sự việc, mà vì có nhiều người xung quanh suy nghĩ và hành động như thế. Những việc làm, tự nó là không tốt, nhưng vì có nhiều người làm, nên một lúc nào đó trở thành điều được phép làm. Ví dụ như vấn đề ly dị, phá thai, sống thử trước hôn nhân, đút lót, hối lộ... Nhiều người chép miệng: thế gian bây giờ có khối người như thế! và dường như họ cảm thấy “an tâm” khi dựa trên lối biện minh này. Người sống đẹp không để cho cuộc sống của mình bị đưa đẩy xu thời theo tâm lý đám đông, nhưng lấy chân lý và sự thật làm kim chỉ nam cho đời mình. James, một đại úy hải quân Hoa Kỳ, năm 1966 bị giam ở Hỏa lò Hà Nội. Trong cảnh tăm tối của tù ngục, anh đã cầu nguyện:”Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh và lòng kiên quyết. Đúng vẫn là đúng cho dù không ai đúng cả; còn sai vẫn là sai cho dù mọi người đều sai hết”. Đó là tâm tình và lối sống của một người không bị dòng đời lôi cuốn và làm cho “đổi màu”, nhưng vững vàng tín thác vào Chúa, vì tin rằng Ngài là chủ của lịch sử. Thiên Chúa cũng là trọng tài phân minh xét xử hành vi và lối sống của con người. Người sống theo sự thật nhiều khi phải chấp nhận nhiều nghịch lý, giống như người lội ngược dòng, bởi không suy nghĩ giống như quan điểm của người đương thời. Một người tôn trọng giao thông, thấy đèn đỏ thì dừng lại. Một xe khác đằng sau tông phải, người lái xe mắng người dừng trước đèn đỏ là người “dở hơi”. Xã hội của chúng ta hôm nay có khá nhiều suy nghĩ như thế. Họ không muốn chấp nhận những quy định luật lệ, vì coi đó là những điều ràng buộc, làm mất “tự do” của con người. Người sống đẹp là người vững vàng trước mọi dư luận. Họ sống theo lương tâm và lẽ phải, không để cho dư luận và đám đông lôi kéo.

Mục đích giáo huấn của Tin Mừng là giúp con người sống đẹp. “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Hoàn thiện là gì nếu không phải là một cuộc sống tốt lành trước mặt Chúa và đối với anh chị em? Tin Mừng như chất men thấm đượm cuộc sống của người tín hữu, như ánh sáng soi rọi và chỉ lối cho họ bước đi, nhờ đó, họ canh tân đổi mới và dần đạt tới mức hoàn thiện. Mỗi chúng ta, giữa biết bao bận rộn bộn bề của cuộc sống, hãy khởi đầu mỗi ngày mới bằng những cố gắng sống đẹp, nhờ đó cuộc đời chúng ta luôn thanh thản an vui.


Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Read 1129 times Last modified on Thứ bảy, 18 Tháng 2 2017 09:40