Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 25 Tháng 8 2017 14:22

Lòng nhân và của lễ

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Lòng nhân và của lễ

“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế!
Thích được các ngươi nhận biết hơn của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6)
Trong truyền thống Cựu ước, Thiên Chúa được diễn tả với văn phong “như nhân”, hoặc “nhân cách hóa”. Điều đó muốn nói lên sự gần gũi giữa Thiên Chúa với dân được tuyển lựa. Đây cũng là một nét đặc thù để phân biệt Thiên Chúa của người Israen với các thần linh của ngoại giáo. Ông Môisen đã có lần mời người Do Thái đặt câu hỏi để suy tư: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Đnl 4,7). Thiên Chúa là Đấng đồng hành với Dân Ngài trong mọi nẻo đường của cuộc sống, để yêu thương, bao bọc giữ gìn như một người Mẹ. Tuy vậy, việc diễn tả Thiên Chúa với phong cách như nhân có thể làm cho người ta quan niệm lệch lạc về Ngài, vì họ nghĩ Ngài cũng tham lam và hành xử giống như con người. Vì quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa, nên khi cử hành nghi thức thờ phượng, người ta nhắm tới mục đích vụ lợi. Chính vì thế mà dẫn đến tình trạng “bát nháo” trong phụng vụ Đền thờ, hậu quả là một thứ phụng thờ phô trương rỗng tuếch. Nhiều người nghĩ là Thiên Chúa cũng “tốt lễ dễ kêu” theo kiểu con người, nghĩa là càng dâng nhiều của lễ thì càng được Chúa nhận lời. Với thời gian, một não trạng đút lót hối lộ thần linh được hình thành. Để canh tân phụng vụ và để nhắm tới một đức thờ phượng tinh tuyền, giáo huấn của các ngôn sứ đều nhấn mạnh đến tâm tình của người thờ phượng hơn là những nghi lễ rườm rà bề ngoài. Hãy nghe ngôn sứ Hô-sê phê phán:

Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.
Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu. ..
những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.
Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa (Hs 3,21-23).
Tiếp nối giáo huấn của các ngôn sứ, Chúa Giêsu muốn canh tân và đưa con người về với ý nghĩa đích thực của phụng tự. Người nhắc lại giáo huấn của Cựu ước: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13). Lòng nhân ái hay đức yêu thương là cốt lõi quan trọng trong giáo huấn của Chúa. Đây cũng là mối quan tâm và thực hành hàng đầu của những ai tin Chúa. Lòng bác ái cũng là tiêu chuẩn để mọi người nhận ra, họ là con của Cha trên trời. Những thực hành yêu thương, dù đơn sơ nhỏ mọn như một bát nước lã, cũng đáng được Chúa ghi nhận và trọng thưởng. Yêu thương và hòa giải còn quan trọng hơn việc thờ phượng. Vì thế, Chúa dạy: nếu đang đến nhà thờ để dâng lễ mà chợt nhớ còn bất hòa với ai, thì hãy để của lễ lại đó, về làm hòa với nhau trước đã. Chúa chỉ nhận của lễ của những ai dâng với tấm lòng thành. Yêu thương là cốt lõi của Đạo Chúa. Tin Chúa mà không có lòng nhân ái thì đi ngược lại với giáo huấn của Ngài. Vì một nền phụng tự tinh tuyền và đích thực, Chúa Giêsu đã xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ Giêrusalem, vì họ biến nhà của Cha Người thành nơi buôn bán phàm tục.

“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Lời khẳng định này vẫn có giá trị cho mọi thời, mọi tôn giáo, nhất là đối với Kitô hữu chúng ta. Lâu nay, tại Việt Nam, phổ biến tình trạng lễ hội “trăm hoa đua nở”. Người ta tổ chức những lễ hội ồn ào, tốn kém. Một số không nhỏ những lễ hội này mang nặng màu sắc mê tín dị đoan. Thêm vào đó, những hành động bị phê phán là phản cảm, vô văn hóa và trục lợi kinh doanh càng ngày càng phổ biến. Thực ra, Thượng Đế, các thần linh hoặc các bậc tổ tiên không có nhu cầu thụ hưởng các lễ tế của con người. Những gì chúng ta dâng cho các ngài trước hết thể hiện tấm lòng thành và tâm tình yêu mến. Vì quan niệm về một thượng đế đầy tham vọng như con người, nên người ta quá chú trọng đến những hình thức ồn ào bề ngoài. Họ cũng nghĩ của lễ càng lớn thì càng đẹp lòng các vị thần linh. Vì chạy theo những kỷ lục và hình thức bề ngoài, nên người ta đã cả lòng làm những của lễ giả tạo, như chiếc bành giầy có ruột bằng xốp và khung bằng tre tại Đền Vua Hùng cách nay vài năm.

Chuộng hình thức bề ngoài mà coi nhẹ đời sống nội tâm cũng là tình trạng phổ biến nơi khá đông tín hữu. Họ thích tổ chức những cuộc rước long trọng, trong khi đó đức tin thì hời hợt. Nhiều người coi những cuộc rước quan trọng hơn là thánh lễ, những nghi thức ồn ào được chú trọng hơn những giờ lắng đọng cầu nguyện hồi tâm. Một số hội đoàn được tổ chức và sinh hoạt giống như các đoàn thể ngoài đời, chú trọng thái quá đến những hội hè phô trương. Trong khi đó, những hoạt động bác ái và truyền giáo ít được quan tâm. Một số thánh lễ khánh thành nhà thờ hay lễ quan thày của các hội đoàn đôi khi chỉ dành cho những người có thiệp mời. Những người này tham dự thánh lễ như tham dự một sự kiện văn hóa, hoặc vì mắc “nợ miệng” nên đi lễ để trả nợ, giống như trả nợ đám cưới đám tang.

Trong một xã hội còn có nhiều người nghèo, một số cơ quan tổ chức lại muốn phô trương thanh thế. Tại các tỉnh vùng cao, trẻ em đi học phải qua những con cầu treo nguy hiểm, thậm chí phải “đu dây” để đến trường. Còn nhiều lắm những bệnh nhân không được chữa trị vì lý do nghèo, những người tàn tật không được chăm sóc. Trong khi đó, những công trình tượng đài nghìn tỷ được thiết kế và xây dựng, tốn phí bao tiền của. Đây cũng là một hình thức phô trương để lấy tiếng khen, mà quên đi nỗi khổ của dân nghèo. Một xã hội được đánh giá là văn minh tiến bộ là dựa trên đời sống của người dân hoặc chế độ dân sinh liên quan đến sức khỏe, giáo dục, chứ không dựa trên những công trình hoành tráng bên cạnh một cuộc sống nghèo khổ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một người ngoài Kitô giáo nhưng có những quan niệm tâm linh rất sâu sắc. Ông đã viết: “Sống giữa đời này, chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. “Tình yêu” mà Nhạc sĩ nói đến ở đây, cũng là lòng mến đối với Chúa và đối với tha nhân. Tình yêu này sẽ tồn tại mãi mãi, bởi vì “Đức Mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13,8).

Tại sao bạo lực và gian dối ngày càng gia tăng trong xã hội của chúng ta? Có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có nguyên nhân do lòng nhân ái bị quên lãng và coi thường. Lòng nhân ái sẽ giúp con người nhường nhịn và khiêm tốn. Lòng nhân ái cũng cho con người sức mạnh và can đảm để tha thứ và yêu thương. Một khi có lòng nhân ái, chúng ta sẽ xây dựng một xã hội công bằng huynh đệ. Đó là khởi điểm của Nước Trời ngay trong cuộc sống hôm nay.


Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Read 1725 times Last modified on Thứ bảy, 26 Tháng 8 2017 06:28