(Bài thuyết trình cho Đại Hội Sa Mạc Huynh Trưởng TNTT tại Hà Tĩnh)
Có nhiều con đường và nhiều cách thế dẫn chúng ta tới việc nhận biết Thiên Chúa. Đối với người Kitô hữu, chúng ta may mắn có hai kiệt tác là hai cuốn sách quan trọng giúp chúng ta tới gần Thiên Chúa, đó là cuốn sách Kinh Thánh và cuốn sách môi trường thiên nhiên. Một cuốn được viết ra bằng chữ và lời, còn một cuốn được viết bằng muôn vật, muôn loài và các tinh tú… Có lẽ, chúng ta thường chú ý nhiều đến đọc cuốn Kinh Thánh, điều đó rất tốt, nhưng thường quên đọc cuốn sách thiên nhiên. Hôm nay, tôi muốn nói đến cuốn sách thứ hai là cuốn sách giúp chúng ta khám phá Thiên Chúa và sống hài hòa với tha nhân.
1- Môi trường thiên nhiên, một kỳ công sáng tạo
Đối với người vô thần, vũ trụ này và con người tự nhiên mà có, là do kết quả ngẫu nhiên của tiến hóa. Nhưng theo cái nhìn của Kitô giáo, vũ trụ bao la và đẹp đẽ này không thể là kết quả ngẫu nhiên, nhưng phải có một bàn tay tài tình của một Nghệ Nhân nào đó làm nên. Bởi lẽ, không có một sản phẩm nào tự nhiên mà có, phải có ai đó làm nên, cũng như không ai có thể tung một nạm chữ mà có thể thành một bài thơ.
Quả thế, một mặt, Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta biết rõ nguồn gốc của thế giới này: vũ trụ được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô. Sách Sáng Thế mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng lên trái đất, mặt trời, trăng sao, cây cỏ, muông thú và con người trong sáu ngày và “Thiên Chúa đều thấy nó tốt đẹp” (St 1,4-25). Khi nhỏ học giáo lý, tôi thuộc lòng bài thơ này:
“Non kia ai đắp mà cao?
Sông kia ai bới ai đào ma sâu?
Mặt trời sáng chói trăng sao
Ai khôn đem dán nơi cao chín tầng?
Bò dê và các thú rừng
Chim bay, ca lội vẫy vùng đó đây
Cỏ cây bông trái tùy thời
Ai là kẻ có biệt tài dựng nên?
Thưa rằng ấy Đấng Hoàng Thiên
Gọi là Tạo Hóa chính tên Chúa Trời.”
Hơn nữa, Kinh Thánh còn cho biết cách thức Thiên Chúa tạo thành vũ trụ: từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự bằng Lời và Thần Khí của Người (x. St 1,1-25). Thánh Vịnh diễn tả:
“Một Lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6).
Riêng con người, Thiên Chúa sáng tạo một cách đặc biệt. Thiên Chúa “lấy bùn đất và nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Con người được tạo dựng từ bùn đất và rồi sẽ trở về bụi đất. Nên con người cũng là thành phần của vũ trụ tự nhiên. Con người là “tiểu vũ trụ” sống hiệp thông và tương tác với “đại vũ trụ.” Nhưng con người cao cả vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,26). Như thế, trong thế giới thụ tạo hữu hình, con người có phẩm giá trỗi vượt hơn mọi loài, mọi vật, con người vừa có một vị trí cao nhất vừa là trung tâm của công trình tạo dựng. Thiên Chúa tạo thành mọi sự “vì và cho” con người. Con người được giao phó trách nhiệm làm chủ, bảo vệ, gìn giữ và phát triển công trình tạo dựng theo chương trình của Thiên Chúa.
Mặt khác, thiên nhiên là một kiệt tác, một cuốn sách quý giá mà “những giòng chữ được trình bày bằng những tạo vật trong vũ trụ” không ngừng nói về Thiên Chúa. Thánh Vịnh 19 diễn tả rất hay về điều này:
“Trời xanh tường thuật vinh quang THIÊN CHÚA,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 19,1-5).
Nhìn ngắm trời đất và tinh tú khiến chúng ta phải ngạc nhiên và thán phục quyền năng thần linh như một Thánh Thi diễn tả:
“Hùng vĩ quá, khiến phàm nhân tắc lưỡi !
Thượng trí nào ra định luật đổi thay,
Hết tối đêm xoay chuyển lại sáng ngày,
Tay Tạo Hoá đã tài tình xếp đặt !”
Môi trường thiên nhiên là tấm gương phản ánh vẻ đẹp, quyền năng và vinh quang Thiên Chúa, đồng thời là cuốn sách giúp chúng ta khám phá thương vô tận, sự âu yếm và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mỗi tạo vật đều là đối tượng lòng ưu ái của Thiên Chúa, Đấng ban cho nó một vị trí trong thế giới, ngay cả nhưng sinh vật nhỏ bé nhất cũng là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Thánh Basiliô Cả nói: “Đấng Sáng Tạo là tình yêu vô bờ bến.” Còn văn hào Dante Alighieri cho rằng: “Tình yêu làm chuyển động mặt trời và các ngôi sao.” Vì thế, từ những công trình đã được tạo dựng, người ta hướng đến “lòng thương xót của Đấng tràn đầy tình yêu.”[1]
Guagarin, phi hành gia Liên Xô cũ, khi trở về từ chuyến du hành vào vũ trụ, đã tuyên bố: “Tôi không thấy Thiên Chúa ở đâu cả!” Ông không nhìn thấy Thiên Chúa bởi vì ông thiếu cặp mắt đức tin. Ngay nay vẫn còn biết bao nhiêu người mù lòa đức tin như ông trước vẽ đẹp và trật tự vũ trũ này.
Trong khi đó, phần lớn các nhà khoa học là những người tin vào Thiên Chúa. Pasteur, một nhà khoa học Pháp, nói rằng: “Nhờ việc nghiên cứu và suy niệm rất nhiều mà tôi mới có đức tin như một người nông dân ở Breton.” Nhà khoa học vĩ đại Newton khi nghiên cứu các hành tinh đã có một câu nói để đời: “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi.”
Như thế, vũ trụ thiên nhiên này là cuốn sách tuyệt với giúp chúng ta khám phá Thiên Chúa là Đấng sáng tạo, quan phòng và yêu thương.
2- Môi trường thiên nhiên, một kỳ công tái tạo
Nếu trong Cựu Ước, Thiên Chúa được trình bày như là Đấng sáng tạo và quan phòng thế giới tự nhiên này, thì trong Tân Ước, Đức Giêsu xuất hiện như là Đấng tái tạo và cứu chuộc môi trường thiên nhiên.
Quả thế, nếu từ nguyên thủy, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ nhờ Lời và Thần Khí, thì nay thật ngạc nhiên, Ngôi Lời “đã hóa thành nhục thể” (Ga 1,14). Một Ngôi Vị của Ba Ngôi Thiên Chúa tự hội nhập vào vũ trụ tạo thành và đã liên kết với mọi tạo vật. “Người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15).
Với mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã đi vào môi trường tự nhiên. “Đức Giêsu Kitô đã mang lấy thân phận con người để nối kết trời với đất, vô hạn với hữu hạn, vĩnh cửu với thời gian, thánh thiêng với tội lỗi, ‘môi trường Thiên Chúa’ với ‘môi trường thiên nhiên’.”[2] Đức Giêsu mang lấy những yếu tố thuộc môi trường tự nhiên để tái tạo thế giới vật chất này theo trật tự của Thiên Chúa.
Hơn nữa, Đức Giêsu đã sống hòa hợp với mối tương quan “thiên – địa – nhân tương dữ” một cách tuyệt vời. Khác với nhiều triết gia chủ trương khinh rẻ thân xác, vật chất và mọi thứ trần gian, Đức Giêsu không xuất hiện như một ẩn tu xa lìa thế giới hay thù ghét những gì thích hợp cho cuộc sống. Người nói: “Con người đến, cũng ăn cũng uống như ai” (Mt 11,19). Đức Giêsu cũng hít thở không khí, dầm mưa, giãi nắng; Người đã lao động với đôi bàn tay, va chạm trực tiếp hằng ngày với vật chất để sinh sống và biến đổi chúng. Người còn dạy các môn đệ cũng phải sống như vậy đối với thiên nhiên.
Trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu nhấn mạnh điều căn bản: Thiên Chúa là Cha và là Đấng Sáng Tạo của mọi loài (x. Mt 11,25). Người còn mạc khải cho chúng ta biết rằng mỗi thụ tạo rất quan trong mắt Người, để chúng ta có thái độ tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào phải không? Thế mà không một con chim nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,6). “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng” (Mt 6,26).
Đặc biệt với mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, Chúa Kitô đã tái tạo và biến đổi vật chất nên vinh hiển, đồng thời mang thế giới vật chất này vào môi trường Thiên Chúa. Về điều này, thánh Phaolô quả quyết: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (x. Cl 1,19-20). “Theo các thức này, mọi vật trên trần gian xuất hiện trước mắt chúng ta không phải như những thực tại tự nhiên, nhưng Đấng Phục Sinh ôm lấy chúng và hướng chúng đến một định mệnh tròn đầy. Cũng như cánh hoa ngoài đồng và chim chóc, được nhìn với con mắt đầy kinh ngạc, thì bây giờ lại được tràn đầy sự hiện diện sáng chói của Người.”[3]
Đức Giêsu mạc khải cho biết cùng đích của môi trường và con người không phải là tới sự hủy diệt và hư vô, nhưng là hướng tới sự viên mãn, thành toàn và trở nên vinh hiển trong Trời Mới, Đất Mới. Sự viên mãn và sự thành toàn này sẽ được bày tỏ cách đầy đủ trong ngày sau hết khi Thiên Chúa đưa thời gian tới hồi viên mãn.
Nếu chúng ta ý thức rằng tất cả những gì hiện hữu đều phản ánh Thiên Chúa, chúng ta sẽ thay cho tất cả thụ tạo và cùng với chúng tôn thờ Thiên Chúa như thánh Phanxicô Assisi đã làm trong bài ca Tạo Vật. Thánh nhân coi vũ trũ là một gia đình, trong đó trái đất là mẹ, mặt trăng, mặt trời, gió, nước là anh chị của con người: “Con chúc tụng Chúa, lạy Chúa của con! Vì người chị của chúng con, người mẹ trái đất của chúng con, mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại nhiều hoa trái, những bông hao tươi đẹp, những cây cỏ xanh tươi.”[4]
3- Thực trạng ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của chúng ta
Như đã nói trên, môi trường là vấn đề sống còn của con người. Môi trường sống, con người sống. Môi trường chết, con người chết. Hơn bao giờ hết, môi trường thiên nhiên hiện nay ở Việt Nam đang bị bóc lột, khai thác và tàn phá một cách vô trách nhiệm và vô tội vạ. Gần đây chúng ta chứng kiến những cảnh tượng thật đau lòng: Nạn chặt phá hàng loạt cây xanh ở Hà Nội; nạn phá rừng xảy ra ở các dãy núi Trường Sơn; nạn vứt rác bừa bãi xảy ra ở nơi công cộng, trên bãi biển, trong công viên; nạn sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn và chứa độc tố; nạn khai thác bừa bãi các dãy núi đá vốn đẹp như bức tranh nay bị lở loét như ở Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh; nạn xả thải các chất độc vào biển, vào sông ngòi và không khí như nhà máy Formosa ở Kỳ Anh v.v…
Thay vì cộng tác với Tạo Hóa để giúp thiên nhiên phát triển hài hòa, con người đã “hành hạ” và “bức tử” thiên nhiên.[5] Phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam trong đó có vấn đề môi trường đang bị bức tử, cô giáo Trần Thị Lam, giáo viên trường chuyên Hà Tĩnh có những câu thơ đầy chất ngôn sứ:
“Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…”[6]
Khi môi trường bị phá hoại và bị ô nhiễm sẽ gây ra nhiều thảm họa khôn lường. Đối với thiên nhiên, trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu, bão lụt gia tăng… thiên nhiên sẽ nổi giận và trừng phạt con người. Các loài sinh vật dần dần biết mất. Đối với mỗi người, môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự sống còn của con người, bệnh tật gia tăng, kinh tế khủng hoảng, thất nghiệp, các ngành sản xuất, chế biến và du lịch sẽ khốn đốn, đời sống tâm lý, văn hóa và tâm linh của con người trở nên bất an. Con người không thể sống vui, khỏe và hạnh phúc, nhưng sẽ chết dần, chết mòn. Đối với xã hội, khi môi trường thiên nhiên ô nhiễm, môi trường xã hội sẽ bất ổn và rối loạn về cơ cấu tổ chức cũng như hệ thống chính trị. Xã hội và đất nước không thể phát triển bền vững.
Môi trường ô nhiễm, tại họa sẽ ập tới và gõ cửa từng nhà, không trừ một ai. Chúng ta nơm nớp lo sợ cho tương lai. Chúng ta sống trong môi trường xã hội nhưng quên mất một điều chúng ta được mẹ thiên nhiên bao bọc và nuôi dưỡng. Khi mẹ thiên nhiên nổi giận thì không có biệt lệ cho bất kì ai.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phá hoại môi trường: do thiếu ý thức bảo vệ môi trường; do lòng ích kỷ vô độ vì lợi ích cá nhân cũng như lợi ích nhóm; do lạm dụng quyền hạn và công nghệ khoa học – kỷ thuật khi khai thác thiên nhiên; do hệ thống quản lý lỏng lẻo và vô trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Trước vấn đề ô nhiễm môi trường, Đức Giáo Hoàng Phanxicô quả quyết trong Thông điệp Laudato Sí rằng: “Tội chống lại tự nhiên cũng là tội chống lại chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa.”[7] Vì thế, mọi hình thức làm cho môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm đều là tội ác. Chăm sóc và bảo vệ sự sống “ngôi nhà chung của mọi người” là lệnh truyền của Thiên Chúa và là trách nhiệm của mọi người. Vô can trước vấn đề môi trường cũng là một tội ác.
Sự hèn nhát, sự sợ hãi, sự dửng dưng, vô cảm đã biến chúng ta thành những kẻ đồng lõa với cái ác. Chúng ta đã phản bội thiên nhiên, phản bội quê hương và cái giá chúng ta phải trả là môi trường sống của chính mình bị đầu độc, là sức khoẻ, sinh mạng, sự tồn vong của nòi giống. Chúng ta vô cảm. Chúng ta hèn nhát khi môi trường ô nhiễm mà không dám lên tiếng và chung tay bảo vệ. Cho đến một ngày chúng ta hoảng sợ nhận ra rằng, mâm cơm nhà mình đã thiếu khuyết đi món ăn từ biển, hạt muối ta ăn không biết có an toàn, món rau không thể không chấm nước mắm… mùa hè ta đến biển chỉ để đứng trên bờ ngắm nhìn những con sóng.
Tất cả chúng ta cần có một “cuộc hoán cải môi sinh.” Nghĩa là phải thay đổi lối sống, thái độ và cách hành xử đối với thiên nhiên. Chúng ta hãy sống có trách nhiệm và thân thiện với mẹ thiên nhiên.
“Vì môi trường xanh – sạch – đẹp” và vì sự sống còn của các thế hệ, chúng ta thực hành những việc làm cụ thể sau đây:
– Không vứt rác, xả thải bừa bãi nhưng biết nhặt rác và giữ vệ sinh sạch sẽ nơi công cộng cũng như nơi nhà riêng.
– Không sản xuất và buôn bán thực phẩm bẩn cho người khác chỉ vì lợi ích kinh tế.
– Không chặt cây xanh, đốt phá rừng.
– Không đánh bắt chim, cá bằng những phương tiện hủy diệt hàng loạt các loài vật khác.
– Giáo dục và giúp người khác cũng biết ý thức bảo vệ môi trường…
Bao lâu việc chăm sóc và bảo vệ môi trường thiên nhiên chưa trở thành nếp sống của chúng ta, bấy lâu môi trường thiên nhiên vẫn còn bị đe dọa, đối xử bất cẩn và vô trách nhiệm, nếu như thế, tương lai của chúng ta và các thế hệ kế tiếp sẽ đi về đâu?
Trân trọng cảm ơn tất cả!
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
[1] x. ĐHG. Phanxicô, (Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh dịch) Thông điệp về Chăm sóc ngôi nhà chung Laudato Sí, Nxb. Tôn Giáo, 2015, số 77.
[2] ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Bài nói chuyện với giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội tại giáo phận Vinh, ngày 17/9/2017.
[3] ĐGH. Phanxicô, Laudato Sí, sđd., số 100.
[4] Ibidem, số 87.
[5] x. ĐGM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công giáo, Nxb. Phương Đông, 2010.
[6] Cô giáo Trần Thị Lam sáng tác bài thơ tựa đề: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” năm 2016.
[7] ĐGH. Phanxicô, Laudato Sí, sđd., số 8.