Truyện vui kể rằng, có hai anh chàng đi đường xa xôi. Trời đã tối mà vẫn chưa đến nơi, cũng chẳng có nhà trọ, nên hai anh bèn tạm ngủ ở ngôi nhà hoang bên đường. Sợ hãi trong cảnh đêm tối vắng lặng, anh này mượn thánh giá của anh kia để đeo vào cổ. Anh kia đồng ý. Thế là hai anh chìm vào giấc ngủ. Đêm đến, ma quỷ mò tới gần hai người. Nó quan sát kỹ lưỡng và buột miệng: tao có thể làm gì đây, vì ở đây có hai tên, một tên có thánh giá bên ngoài nhưng không có đức tin bên trong, còn một tên có đức tin bên trong nhưng không có thánh giá bên ngoài. Đúng là có ngoài mà không có trong, có trong mà không có ngoài.
Không chỉ thời Giáo Hội tiên khởi mà còn ở khắp nơi trên thế giới cho tới ngày nay, biết bao Kitô hữu bị bách hại bị giết hại chỉ vì niềm tin đặt nơi Chúa Giêsu, chỉ vì ước mơ phục vụ con người trong phẩm giá làm người và làm con của Cha trên trời. Có một số vị nổi bật được tuyên thánh, nhưng thực tế là hàng hàng lớp lớp người. Có biết bao con người lành thánh đã ngã xuống và vô danh trước mặt thế gian, nhưng Thiên Chúa biết rõ họ, và những người thân cận hiểu rõ và ghi tâm khắc cốt hình ảnh và đời sống của họ.
Thử đảo chiều câu chuyện một chút, trong thời cấm cách ấy, các Kitô hữu chỉ là một thiểu số, nhưng phải nói là một thiểu số vô cùng chất lượng. Cũng có bao người âm thầm tin theo Chúa nhưng không dám tuyên xưng công khai vì nhiều lý do. Phần đông người dân có lẽ không hiểu được, tại sao người ta lại phải sống chết vì đức tin và vì tình yêu mến như thế. Và thế đó, khi xét danh và thực trong câu chuyện đức tin, không hề dễ hiểu, không dễ đo lường kiểu thống kê.
Trong thời nay, tại các nước Âu Mỹ, nơi đại diện cho văn minh tự do phát triển và tiến bộ, thì cũng có những điều không dễ hiểu. Ở những nơi ấy, hầu như ai sinh ra cũng được rửa tội, nghĩa là có đạo, nghĩa là thuộc về một Giáo Hội nào đó, nếu không phải là Công Giáo, thì sẽ là Chính Thống, Tin Lành hay Anh Giáo v.v. Dù là các giáo phái khác nhau, nhưng nói chung đều tin theo Chúa Giêsu. Như thế, đối với những con người nơi đây, dường như đức tin là điều gì đó tự nhiên đi vào đời sống văn hóa và gần như dần dần trở thành thủ tục đương nhiên.
Thế nên, mới có chuyện xác định tỷ lệ người thực hành đạo, ví như xưng tội, rước lễ, tham dự thánh lễ, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham gia các hoạt động bác ái của Giáo Hội… Có quốc gia, tỷ lệ thực hành đạo là 50-50. Có quốc gia, tỷ lệ cao hơn, tức là 70% người có đạo thực hành đạo. Có nơi thấp hơn, tức là 30%, thậm chí 20%. Người ta gọi hiện tượng này là sự tục hóa. Có người nói mạnh mẽ hơn nữa, đó là vô thần thực hành. Có vị giáo sư Công giáo của trường đại học Công giáo nọ, đã hết sức ngạc nhiên khi biết một sinh viên Công giáo kia chưa bao giờ đọc một trang Kinh Thánh. Thế mới biết, đức tin là vừa ơn ban vừa là mở lòng kiếm tìm, chứ chẳng phải tự nhiên mà có.
Trở lại Việt Nam, nơi được nhiều người trên thế giới biết đến là người dân có lòng sùng đạo rất đặc biệt. Không phải là tự hào, nhưng có lẽ người Việt sùng đạo thật. Có lẽ điều ấy đúng cho các bậc tiền bối hơn là cho thời hiện tại. Giữa bao nhiêu sóng gió, giữa bao nhiêu ngăn trở, vậy mà các ngài vẫn kiên vững với gương của các thánh tử đạo, với gương kiên cường sống đạo của các mục tử và của mọi người giáo hữu bổn đạo. Giáo hội đã mở rộng và phát triển từ con số không như thế.
Không phải vì bị bách hại mà Giáo Hội phát triển, nhưng Giáo Hội phát triển vì có những con người dám sống chết để theo Chúa Giêsu, Đấng là Con Một Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Càng bị bách hại, nhân cách sống và sức sống của Thiên Chúa nơi người Kitô hữu càng tỏa sáng. Khi sống, họ sống như những con người tuyệt vời giữa mọi người để phục vụ mọi người thuộc mọi hoàn cảnh cuộc sống. Và nếu bị bắt bớ, bị tra tấn, bị giết, họ vẫn kiên vững tới cùng với Đấng là sức mạnh của họ.
Có người thời nay nghĩ quá nặng về vật chất tiền bạc và các công trình này nọ, mà quên đi sức mạnh tinh tuyền của đức tin Kitô. Có người thời nay bị loại ý thức hệ phân loại con người theo giai cấp, mà quên đi sự bình đẳng tuyệt vời trong đức tin. Giữa các thánh tử đạo nào có chi phân biệt. Có thánh là Giám Mục cao sang, có thánh là người giáo dân bình thường, có thánh là vị quan quyền thế, có thánh là người lính quèn, có thánh là người doanh nhân giàu có, có thánh là người bần nông, có thánh là bậc tiến sĩ uyên bác, có thánh là người đơn sơ ít học, các thánh có cả Tây lẫn Ta…
Bạn thân mến! Hôm nay, chúng ta thử đọc lại những trang Tin Mừng. Bạn có thể chọn 1 trong 4 sách Tin Mừng để đọc từ đầu đến cuối. Bạn có thể đọc tiếp sách Công vụ Tông Đồ. Bạn có thể đọc một chút về lịch sử Giáo hội của Việt Nam thời kỳ đầu. Đọc và nghiền ngẫm một chút, để tự hỏi chính mình xem: thực sự đức tin là gì, thực sự Chúa Giêsu là ai, và hiện tại lúc này đây, cái danh và cái thực của đức tin trong xứ đạo tôi, trong gia đình tôi, và trong bản thân tôi là gì, tại sao và tại sao không? Cám ơn các bạn.
Tứ Quyết SJ