7 Tháng Giêng
Với tựa đề "33 năm sau", đó là một câu chuyện thuật lại như sau: "Những gì đã xảy ra cho đứa bé năm nào?". Một trong ba vua đã đi triều bái vua Do Thái mới sinh tự hỏi. Suốt cuộc đời mình, nhà vua không thể nào quên được cuộc hành trình cách đây khoảng 33 năm, một cuộc hành trình dõi theo ánh sáng sao lạ dẫn ông đến hang đá Bêlem.
Câu hỏi: "Liệu đứa bé ấy có trị vì dân Israel được không?". Làm cho nhà vua bồn chồn đứng ngồi không yên. Rồi chẳng dừng được, một lần nữa nhà Vua quyết định lên đường đi đến Palestine. Tại Giêrusalem, những bậc bô lão còn nhớ đến những vì sao lạ, nhưng không ai biết gì đến đứa bé được sinh ra dưới điềm lạ ấy. Còn tại Bêlem mọi người được hỏi đều lắc đầu, ngoại trừ một cụ già cho nhà Vua biết: Làm gì có ông Giêsu Bêlem, chỉ có ông Giêsu Nagiarét, một người nói phạm thượng tự xưng mình là Con Thiên Chúa, nên cách đây mấy tuần đã bị xử "tử hình thập giá".
Thất vọng ê trề, nhà Vua thẫn thờ nhập vào đoàn những người hành hương trở lại Giêrusalem, vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần. Chen lấn vào đoàn lũ đang mừng lễ Tạ Ơn Sau Mùa Gặt, nhà Vua chú ý đến một đám đông đang bu quanh một nhóm người. Tò mò ông lấn qua đám đông để đến gần và nghe có kẻ nói: "Tưởng gì chứ lại gặp mấy tên say rượu nói tầm xàm".
Nhưng tai nhà Vua lại nghe một người trong nhóm nói tiếng nước mình và rõ ràng ông ta nói về ông Giêsu Nagiarét, người đã bị đóng đinh, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Như bị một sức mạnh vô hình thúc đẩy, nhà Vua chen vào đám đông cất tiếng hỏi: "Vậy bây giờ ông Giêsu đó ở đâu?". Ðại diện nhóm người đứng ở giữa đám đông là Simon Phêrô trả lời: "Ngài đang ở giữa chúng tôi. Ngài đang ở trong chúng tôi. Chúng tôi là môi miệng, là tai mắt, là đôi tay, là đôi chân của Ngài".
Trong lúc Phêrô đang nói, bỗng có một luồng gió thổi mạnh và hình lưỡi lửa một lần nữa thổi tràn xuống mọi người. Nhà Vua bỗng lại thấy ánh sao Bêlem, nhưng lần này ánh sao ấy chia ra nhiều ánh sao khác rơi xuống mọi người. Trong tâm hồn, nhà Vua chợt hiểu: Mỗi người phải trở nên máng cỏ nơi Ðức Giêsu sinh ra và mỗi người phải mang Ngài đến cho mọi người xung quanh.
..........................................
Câu chuyện trên nối liền ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, mừng biến cố Ngôi Lời nhập thể với Lễ Tưởng Niệm Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ðồng thời câu chuyện cũng nêu nổi bật bổn phận của mọi người Kitô, là những kẻ phải trở nên tai mắt, trở nên môi miệng và chân tay của Ðức Kitô để mang Tin Mừng của Ngài đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ và cộng tác hằng ngày.
Trích sách Lẽ Sống