Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 22 Tháng 12 2012 17:29

Quê Hương Tôi, Miền Thi Ca

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
    Dòng sông, bến nước, con đò Ca dao mẹ hát dặn dò thuở xưa Con ơi khôn lớn thành người Có xa quê mới thấy đậm đà tình quê.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

QUÊ HƯƠNG TÔI, MIỀN THI CA

     Ở các miền quê Nghệ Tĩnh, trong đó có Thổ Hoàng quê tôi, người dân được tắm gội trong dòng sông ca dao. Họ lớn lên với những câu hò, ví Dặm mang đậm vị phù sa quê hương. Tâm hồn của họ được hoà quyện với thi ca, bởi thế cứ mở miệng là thành thơ. Những câu vè, câu ví được tuôn ra như một dòng chảy chở đầy con thuyền quê hương, đậm đà bản sắc, dạt dào tình cảm và đầy lưu luyến để tình quê hương luôn sống động trong tâm hồn mỗi người. Dòng thơ dân gian ở đây rất nhiều, chủ yếu là truyền khẩu, nói về những biến cố, các sự kiện xảy ra trong đời sống dân dã:

Trời làm lụt tháng tư
Cho cây trái héo hư
Cho hư bồng hư bưởi
Cho cửa nhà trôi sông

Hay là những câu thơ nhắn gửi:

Hỡi người ở chốn quê hương
Cây to là bạn chở che mọi bề
Nhắn ai lưu lạc bốn phương
Hãy về nguyên quán Thổ Hoàng mà xem

    Tâm hồn của người dân nơi đây được đánh động bởi cảnh vật. Có lẽ ít có vùng quê nào mà thiên nhiên lại hữu tình đến thế. Từ Chu Lễ, Làng Truông, Ninh Cường, Thượng bình về đến Thổ Hoàng, chung quanh được đồi núi ôm ấp bao bọc, giữa cánh đồng là dòng sông Ngàn Sâu quanh co uốn khúc. Đứng bất kỳ một điểm cao nào ta có thể thả hồn ra bốn hướng, lắng nghe gió vi vu đưa ta về cội nguồn của dân tộc. Chẳng phải tại Nghệ Tĩnh vốn là nước Việt Thường cổ xưa mà kinh đô đóng tại Can Lộc đó sao. Sự hình thành của một vùng quê truyền thống có tự ngàn đời nơi giải đất miền trung đầy gian khổ đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá. Nét đặc thù địa phương được thể hiện trong ngôn ngữ. Theo giáo sư An Chi, từ việt cổ hiện đang được sử dụng tại một số vùng trên đất Nghệ Tĩnh. Điều đó không minh chứng được gì hay sao?

Mô rú , mô ri, mô nỏ chộ
Mô rào, mô biển, chộ mô mồ

Những câu thơ thuần thuý địa phương được dân gian truyền tụng và được coi như là đặc sản của vùng này. Những câu ca dao phản ánh những suy tư, trong đó chất chứa những sắc thái độc đáo:

Em về xóm trại mần chi
Chuối xanh mít loọc xà rì (sử dụng) cả ngay

Hay là:

Chộ (thấy) voi, coi một chắc (một mình)

Mần rể chớ nấu thịt Tru
Mần du chớ rang cơm lắng( cơm nguội)

     Những mộc mạc dân gian, đượm chất quê mùa thôn dã, thoang thoảng mùi thơm lúa mới, mùi hương đồng cỏ nội, vị phù sa thấm đượm giọt mồ hôi tất cả đã làm nên tâm hồn thi ca của người dân quê tôi. Tên gọi của mỗi địa danh để lại cho tôi nhiều ấn tượng, phải chăng người xưa đã gắn hồn thơ vào cảnh vật. Bãi Chợ Hôm, một bãi cát ven sông họp chợ buổi chiều, Rộc Bến Thần, Cửu Khúc Hồi Lai nơi dòng sông Ngàn Sâu uốn mình qua chín khúc chảy đến Vực Gia thì dòng nước xoáy quay trở lại, vào mùa lũ nước thoát không kịp gây ra ngập lụt cả vùng. Những cái tên hình tượng, dân dã pha lẫn một chút chữ nghĩa. Trước mặt thôn Thiên Mộ (Phương Mộ) là đồng Cửa Ràn, nơi đây có con đường vạn dặm tên Thiên Lý chạy từ Đức Thọ qua Cồn Voi, đồng cửa Ràn, đồng Vang qua Hà Linh và xuôi về phía Nam. Năm 1789 khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà, đã dừng chân nơi con đường Thiên Lý đất Hoan Châu để tuyển mộ thêm binh sỹ, giờ đây ở quê tôi những cụ già lớn tuổi còn kể lại câu chuyện này như một huyền thoại. Quân Tây Sơn đã lùng kiếm chiếc chiêng đồng đen vốn được cất giữ tại đền Mỹ Khê, người xưa truyền tụng rằng khi tiếng chiêng vang lên có sức làm dậy lòng binh sỹ và muôn dân được yên ổn, bởi thế dân làng coi đây là báu vật đem đi cất dấu. Khi người ta chôn chiêng xuống lòng đất, chiêng không được để úp mà phải để ngữa nếu không chiêng sẽ mất tiếng. Tây Sơn không tìm được chiêng, tiếp tục xuất quân xuôi về hướng Đức Thọ. Khi ấy dân làng đào chiêng lên, vội vàng thử xem tiếng có ảnh hưởng gì không. Nào ngờ khi tiếng chiêng vang lên, âm vang rền dậy cả núi rừng, quân Tây Sơn đã đi xa nghe thấy và vội vàng quay trở lại lấy chiêng...Có người thì tiếc nuối vì mất báu vật, có người thì tự hào vì ít nhiều quê hương mình cũng đã có đóng góp người và của vào đoàn quân. Những câu chuyện miên man xen lẫn giữa hư và thực, cái thú tắm Rào (sông) của người dân quê tôi, gợi cho tôi nhớ lại những câu chuyện thần thoại trong đó kể về chàng trai diễm phúc lạc đến cõi tiên, bất ngờ gặp tiên nữ tắm bên sông, họ kết ước xe tơ thành chồng vợ...
Tôi hiểu ra rồi, quê hương đã biến thành huyền thoại để những lúc đi xa con lại nhớ về quê hương nhiều gắn bó.

Dòng sông, bến nước, con đò
Ca dao mẹ hát dặn dò thuở xưa
Con ơi khôn lớn thành người
Có xa quê mới thấy đậm đà tình quê.

   Tôi được vinh dự mời dẫn chương trình đại lễ nhân dịp tổ chức kỷ niệm 330 hình thành và phát triển Giáo Xứ Thổ Hoàng Giáo Phận Vinh miền Bắc vào tháng 07/2006. Một bất ngờ lớn làm tôi xúc động vì quê tôi có rất nhiều người làm thơ, thơ rất hay chuyển tải những tâm tình gắn bó nặng lòng với quê hương. Trong những ngày ngắn ngủi tôi được sống giữa đất tổ, để cảm nhận rằng mình được thừa hưởng một di sản vô cùng to lớn. Để xác định tình yêu với quê hương và để hãnh diện vì quê tôi , miền thi ca phong phú.

Hoàng công Nga


MẸ, MIỀN DÂN DÃ

Từ thưở cưu mang con
Hằng đêm… mẹ thầm thì cầu nguyện
Lời kinh như hương đêm lan toả thấm đẫm cả hồn con
Bàn tay mẹ nhẹ nhàng âu yếm
Vuốt ve con khi chưa đủ hình hài

Tự thưở bé, mẹ ru con
Bằng lời ca dao đượm màu dân dã
Mẹ kể cho con nghe
Những sự tích thần kỳ
Những câu chuyện thưở khai thiên lập địa
Những mộc mạc tình quê
Những hương đồng cỏ nội
Như thấm vào huyêt quản tâm can

Nẹ nuôi con trong tinh thần đạo hạnh
Có những việc làm tưởng chừng như vô nghĩa
Nhưng lại theo con suốt cả cuộc đời

Con lớn lên theo từng năm tháng
Những lúc đi xa, con mang theo hình bóng mẹ
Mang cả những thói quen do mẹ tập thành
Mang cả tình yêu bao la và lòng hướng thiện
Mang cả đất trời trong trái tim nhỏ bé

Mãi hôm nay, con nhận ra
Mẹ chính là miền dân dã
Là những tình cảm thân thương
Là nỗi nhớ con hằng mong đợi

Mẹ ơi!
Những điều tưởng chừng như vô nghĩa
Nhưng với con lại là tất cả
Bởi vì mẹ đã cho con một niềm tin

HOÀNG NGA

NGUYỆN ƯỚC VỚI QUÊ HƯƠNG

Lâu lắm rồi con lại về thăm chốn cũ
Những con đường làng giờ đổi mới hơn xưa
Nhiều nhà cửa mọc lên khoe màu sơn mới
Tô điểm cho quê hương thêm đẹp mọi bề

Con trở về không gặp lại những người thân
Những cụ già cao tuổi đã ra đi lần lượt
Lớp trẻ cũng vắng bóng, thưa nhiều hơn trước
Rời xa quê hương nối tiếp việc học hành

Con đi trên đường làng để gặp được nhiều người
Những người đã một thời cùng con chung sống
Để hỏi thăm nhau những câu chuyện bình thường
Để thỏa những ngày xa quê đầy nhung nhớ

Con đến nhà thờ để tìm gặp những người quen
Mọi người hoan hỉ chờ khách xa về thăm hỏi
Tay bắt mặt mừng nói đủ chuyện ngày qua
Những câu chuyện thường tình sao nghe thương quá

Lâu lắm rồi con lại được sống giữa tình quê
Để thấm vào hồn chất hương thơm mộc mạc
Để lội ngược dòng tắm mát suối dịu êm
Mà chỉ có ở quê nhà là nơi duy nhất

Con rảo bước đi dần về hướng nghĩa trang
Câu khẩu hiệu năm xưa vẫn còn nơi cổng
Nhắc nhớ con người về một kiếp sống phù du
Bạn ơi này hãy nhớ: “Ngày mai tới phiên bạn”

Con gặp lại những cái tên quen trên bia mộ
Tất cả im lìm chỉ nghe tiếng gió thông reo
Ô hay con đang đứng giữa ranh trời và đất
Thả lòng mình như đang hòa quyện giữa hư vô.

Đứng trước tượng đài con cúi đầu khấn nguyện
Cho quê hương con, cho những người còn tại thế
Cho đấng bậc tiền nhân, những người đã khuất
Một lòng nguyện ước cho quê hương mãi trường tồn.

Hoàng Nga


NHẮN NGƯỜI ĐI XA

Lâu lắm sao không về thăm xứ Thổ ?
Vẫn độ rày mưa nắng đổ quanh năm
Vẫn con đường xưa nhuộm màu đất đỏ
Vẫn xóm làng êm ả bóng chiều hôm

Lâu lắm sao người không quay trở lại
Dẫu tội tình đấy cũng một quê hương
Có trở về mới thấy cảnh vấn vương
Mà tình dành cho những người xa cách

Quê hương ơi đã có thời trai trẻ
Mỗi sớm chiều mưa nắng đượm gian lao
Ai không qua những tháng ngày gian khổ
Để biến thành cuộc sống mới hôm nay

Ngày xưa, ngày xưa luôn là chuyện cũ
Có phải tại lòng mình đổi khác hơn xưa
Hay là sợ cảnh dãi nắng dầm mưa
Mà quản ngại đường về quê xa quá ?

Lâu lắm sao không về thăm xứ Thổ ?
Người ở lại vẫn mong lần gặp lại
Dẫu cho rằng thời gian không gần gũi
Đừng ngần ngại vì đấy chính quê hương.


Hoàng Nga

 

 

Read 1457 times Last modified on Thứ bảy, 22 Tháng 12 2012 17:49