Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 16 Tháng 3 2021 20:55

Người Công Giáo Đức có ý định rời bỏ Giáo Hội-Nghĩ người& Ngẫm ta

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  NGƯỜI CÔNG GIÁO ĐỨC CÓ Ý ĐỊNH RỜI BỎ GIÁO HỘI - NGHĨ NGƯỜI & NGẪM TA



Thuốc đắng dã tật - sự thật mất lòng !
Chính vì thế nên nhiều người ngại uống thuốc cũng như không dám sống thật. Thế nhưng rồi khi ngã bệnh mà không uống thuốc thì làm gì mong hết bệnh và khi không sống thật sẽ rất mệt mỏi hay nói khác đi là cũng chả thể có bình an khi đi tìm sự bình an giả tạo trong cuộc đời.
Mới đây, khi chia sẻ thông tin Một phần ba người Công giáo Đức có ý định rời bỏ Giáo hội thì một số phản ứng rất nhạy và rất nhanh : Tin đó ở đâu vậy Cha ? Tin đó có thật không Cha ? vân vân và vân vân ...
Quả thật, với dòng tin đó, nhiều người e ngại để sợ rằng đây là tin giả. Thế nhưng thật sự rằng thì là theo một cuộc khảo sát mới được công bố hôm thứ Năm 11/3/2021, một phần ba người Công giáo Đức đang xem xét việc rời bỏ Giáo hội.
Sau khi khảo sát thì kết quả như thế này : Trong số những người được khảo sát thuộc về Giáo hội Công giáo, 33% đang cân nhắc rời Giáo hội vì những vụ bê bối đang diễn ra liên quan đến việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục của giáo sĩ, trong khi 44% trong số này nói rằng họ sẽ không quay lại với Giáo hội. Hơn 14% số người được hỏi cho biết họ “không biết”. Chín phần trăm những người tham gia cuộc khảo sát không nêu rõ câu trả lời.
Nhìn vạo thực tế thì chuyện những người Công giáo lớn tuổi ở Đức liên quan đến việc Giáo hội xử lý cuộc khủng hoảng lạm dụng. Còn với người trẻ Công giáo, họ ra đi là để tránh trả thuế Giáo hội.
Đặc thù ở Đức đó là nếu một cá nhân đăng ký là người Công giáo, thì 8-9% thuế thu nhập của họ sẽ được chuyển cho Giáo hội. Cách duy nhất để họ có thể ngừng nộp thuế là tuyên bố chính thức từ bỏ tư cách thành viên của Giáo hội. Họ không còn được phép lãnh nhận các bí tích hoặc chôn cất theo nghi thức Công giáo.
Theo nghiên cứu của đại học Freiburg được công bố vào năm 2019, số Kitô hữu đóng thuế Giáo hội ở Đức dự kiến sẽ giảm một nửa vào năm 2060. Các nhà nghiên cứu cho biết rằng sự suy giảm dự kiến có thể được dự đoán do nhiều yếu tố, trong đó có số rửa tội ở Đức đang giảm dần, con số của những người Đức bỏ việc đăng ký theo tôn giáo chính thức, và sự sụt giảm dân số nói chung của Đức với dự kiến sẽ giảm 21% vào năm 2060.
Những con số biết nói ở Đức không chỉ làm cho Giáo Hội Đức đau lòng nhưng dường như cả Giáo Hội hoàn vũ cũng cảm thấy có điều gì đó nhoi nhói trong tim. Đơn giản là vì Giáo Hội là Giáo Hội hiệp thông chứ không phân mảnh.
Với thực trạng của Đức, có lẽ ở đất nước hoàn toàn tự do cũng như minh bạch về chuyện thống kê nên có con số như thế. Tôi mạo muội hỏi thăm vài người quen : "Việt Nam thử làm thống kê như ở Đức thì như thế nào nhỉ ?".
Câu trả lời đều dường như e ngại bởi lẽ không ai dám nói thật vì khi nói thật dễ bị mất đầu vô cùng. Có lẽ cũng tốt nếu như ta làm thống kê nho nhỏ ở cấp bậc giáo xứ của ta. Không phải để hơn thua, để lên án, để đấu đá tranh giành hay làm bất cứ điều gì ác tâm mà là để chấn chỉnh lại chuyện đạo nghĩa từ khu xóm cho đến giáo họ và giáo xứ.
Có lẽ nét đặc trưng nhất của khuôn mặt Hội Thánh Công Giáo đó là có tổ chức chặt chẽ và sinh hoạt rầm rộ. Thực tế ta thấy rằng ở đâu có người Công giáo, ở đó có nhà thờ, có giờ kinh giờ lễ, có ban bệ tổ chức… Với những điều đó, nhiều người bên ngoài thầm thán phục và muốn áp dụng phương thức này cho các tổ chức, đoàn thể hoặc tôn giáo của họ.
Thật thế, khó có thể chối rằng những tổ chức và sinh hoạt như thế đã góp phần làm cho đời sống đức Tin được nuôi dưỡng và tăng trưởng. Tuy nhiên, chính nét ưu điểm ấy lại hàm chứa những nguy cơ sâu xa, nhất là khi nó trở thành một thứ “đạo”, một thứ nguyên lý chi phối toàn bộ đời sống đức Tin chân thực của Giáo hội.
Điều buồn là có khá nhiều Kitô hữu, cho đến hiện nay, vẫn chỉ sống đạo theo kiểu gắn đời mình vào cỗ xe của những sinh hoạt trong giáo xứ hay đoàn thể. Họ tham gia đều đặn hoặc tích cực vào nhiều sinh hoạt đạo, nhưng lại không một chút bận tâm về thái độ cá nhân của mình đối với Chúa; họ tranh luận và bàn cãi sôi nổi với nhau về giáo lý, về cách thức tổ chức, nhưng lại không bao giờ có được một chọn lựa của đức Tin cho bài toán cuộc đời mình; họ vẫn giữ đúng giới luật của Chúa và Hội Thánh nhưng lại không có khả năng chấp nhận Thánh ý Chúa khi gặp một hoàn cảnh trái ý, hoặc chẳng bao giờ khám phá ra được một ý nghĩa siêu nhiên trước những biến cố trong cuộc sống thường ngày.
Hơn bao giờ hết, chính bản thân mỗi chúng ta có thể thấy rõ thứ đạo sinh hoạt này trong nhiều xứ đạo, nhất là những xứ đạo di cư và đặc biệt là trong những xứ đạo lâu năm không có linh mục. Điều mà một thời người ta cho là sự vững chắc của đức Tin, thật ra, phần lớn chỉ là sự “vững chắc” của những tổ chức sinh hoạt mà không có bao nhiêu lòng tin cá vị vào Thiên Chúa, chẳng có bao nhiêu giá trị Tin Mừng trong thái độ sống, và cũng chẳng thể hiện chút gì ý nghĩa đức Tin trong thái cử hằng ngày.
Thực tế ta thấy rằng khi đời sống đạo chỉ là nếp sinh hoạt thì phụng vụ chỉ còn là một việc phải làm để giữ đạo; nỗ lực của phụng vụ chỉ là làm sao cho người tín hữu tham dự cách sinh động và sốt sắng lúc cử hành nghi thức. Ngược lại, khi đức Tin trở thành một nhu cầu thật, phụng vụ mới trở nên nguồn mạch và là nơi người giáo dân tìm đến để kín múc chất liệu cần thiết cho cuộc sống của mình dù bệnh dịch, dù khó khăn thử thách. Rồi việc canh tân phụng vụ lại thúc đẩy những nỗ lực canh tân cách giải thích Kinh Thánh và nhiều lãnh vực khác trong đời sống đức tin của tín hữu.
Với tất cả những điều đó và nhất là với nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, Giáo hội Việt Nam cũng đang phải đấu tranh với một trào lưu tục hoá ? Liệu chừng sinh hoạt của Giáo hội Việt Nam vẫn có thể tiếp tục cuộc đối đầu trong thế mạnh với các sinh hoạt và nhu cầu trần thế đang càng ngày càng gia tăng ?
Trước những tâm tư và thách đố ấy, mỗi người chúng ta phải tự hỏi xem "thế mạnh" của Kitô giáo nằm ở đâu ? Kinh nghiệm về việc khám phá lại đời sống đức tin trong lịch sử Giáo hội có thể hữu ích cho việc canh tân đời sống Kitô hữu tại Việt Nam hiện nay không ?
Những thao thức, suy tư này với tất cả lòng thành để nhìn đến Giáo Hội tương lai chứ không nhằm phỉ báng hay bất cứ dụng ý nào xấu.
Ngay như tại mảnh đất của anh chị em người Jrai này, khi nhìn vào thực trạng ắt hẳn phải chạnh lòng. Dĩ nhiên theo ngôn ngữ đạo đức quá nhàm chán là "có Chúa lo gì !", "Chuyện đó của anh Hai Giêsu" hay như là "chuyện của Chúa, Chúa lo" ... Nói như thế ai nói chả được.
Điều quan trọng nhất hiện nay đó là cần những thợ gặt lành nghề được học hành, được nghiên cứu bài bản về truyền giáo cũng như tất cả những gì liên quan đến đời sống đức tin đưa ra lối đi cho anh chị em sống đạo và giữ đạo. Có khi vì ngủ quên trên chiến thắng hay ăn mày quá khứ để rồi không bận tâm với cảnh tượng ở tương lai.
Có lẽ tâm tư đưa ra xem chừng khó chịu với nhiều người nhưng đây là câu chuyện đời sống đức tin rất thật không chỉ dành cho anh chị em dân tộc thiểu số mà của phần đông người Kinh nữa. Sinh hoạt tôn giáo có khi là rầm rộ, ồn ào và náo nhiệt nhưng thực sự còn gắn bó với Giáo Hội và nhất là còn gắn bó mật thiết với Chúa hay không lại là chuyện khác. Ta lạin xin Thần Khí Chúa đến để đổi mới, đổi mới mặt địa cầu
Lm. Anmai, CSsR

Read 792 times Last modified on Thứ tư, 17 Tháng 3 2021 15:29