Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 12 Tháng 6 2021 08:10

Từ thiện ơi! sao cay đắng quá

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TỪ THIỆN ƠI ! SAO CAY ĐẮNG QUÁ !

 

Từ thiện là một từ Hán Việt. Theo từ điển Hán Việt Thiều Chửu, từ thiện (慈善) là kết hợp giữa hai từ Từ (thương yêu, như là nhân từ (thương người), từ tâm (lòng thương)) và Thiện (tốt lành). Vậy từ thiện có nghĩa là làm việc tốt từ lòng yêu thương (người).

Khởi đi từ những cái tâm gọi là tâm thiện và yêu thương người khác để rồi không ai bảo ai, cứ hễ thấy người khác thiếu hay cần cái gì đó là người ta lại cho đi và cho đi. Cứ như thế, người ta lại của ít lòng nhiều và cho đi.

Thế nhưng rồi, tiếc thay có những sự việc xem chừng ra cay đắng quá đàng sau những câu chuyện xem chừng là hay, xem chừng là đẹp của từ thiện. Khởi đi từ đâu ? Phải chăng từ cái lòng tham mà người ta vẫn hay gọi là vô đáy của con người.

Ngày hôm nay, khi truyền thông bùng nổ, ta thấy có những thông tin khó có thể giấu diếm như trước đây được. Cứ mở máy ra hay mở báo giấy ra thì thôi đủ thứ đủ loại thông tin mà trong đó thời gian gần đây ta nghe lùm xùm về việc từ thiện.

Người cho dĩ nhiên là đa phần người không giàu có. Cái họ có là họ tích lũy và họ tạm ứng niềm tin trao gửi cho ai đó dể ai đó mang đi chia sẻ. Và, con tim của họ sẽ đau lắm khi thấy niềm tin của mình bị đánh cắp.

Chả có quyền xét đúng hay sai, tốt hay xấu nhưng hễ đã bị "khui" ra là ta thấy nó có vấn đề. Nếu như minh bạch thì số tiền người ta quyên góp được sẽ công khai minh bạch. Đợi đến khi cộng đồng chất vấn mà mới minh bạch thì mọi người tự hiểu. Nếu như cộng đồng không đặt vấn đề thì nguồn ngân quỹ đó sẽ đi về đâu ? Nguyên tắc cơ bản nhất mà ai cũng hiểu đó là mình nhận thì mình chuyển và chuyển minh bạch, thế thôi.

Thật ra mà nói, phàm là con người, khi ta cầm trong tay số tiền dẫu là của ta nó ít thì ta không có lòng động lòng lo. Còn khi ta cầm số tiền quá lớn cộng với thói quen ăn xài hay khoe mẽ thì ta dễ bị cám dỗ vô cùng. Chính từ lòng động lòng lo đó để đánh mất đi nhân cách, phẩm giá của một con người.

Thật đáng tiếc khi có một người nhận danh là tu sĩ. Anh ta xin hết ngày này qua tháng nọ và kể cả xin cái áo chùng thâm. Khi điều tra nhân thân thì người cho ngờ ngợ. Người cho hỏi bỉ nhân thì bỉ nhân đi tìm không thấy tên anh ta trong hàng ...tu sĩ của dòng Anh ta tự nhận.

Biết làm sao giờ ! Thế là bên cho đành ngưng trợ cấp vì những lời anh ta là mộng mị. Thật thế, khó ai cưỡng lại những lời ngọt ngào mẹ mẹ con con tuy cách nhau có hơn chục tuổi.

Mới sáng hôm qua, một người nhờ bỉ nhân dò hỏi nhân thân của một linh mục vùng cao. Vị đó xin tiền để nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật ... và cứ xin miết. Sinh nghi, người bên kia quả đất hỏi thăm. Dĩ nhiên khi đi tìm thì không hề thấy tên vị này trong niên giám.

Một chi tiết đáng sợ nhất đó là anh ta ghi ngày lãnh sứ vụ linh mục là ngày 24 tháng 12 ? Có ai dám tin rằng ngày 24 tháng 12 là ngày phong chức linh mục. Ấy vậy mà người ta đơn sơ tin cũng như giúp đỡ ròng rã 2 năm qua kể cả tiền mua áo lễ và chén lễ.

Giờ sau khi tìm hiểu, người ta mới ngợ ra rằng linh mục giả. Chuyện người ta nghi ngờ nhất vẫn là chi tiết chịu chức linh mục ngày 24 tháng 12.

Thời buổi nhá nhem và nhiễu nhương như thế này thì thật sự khó mà phân định được đâu là thật và đâu là giả. Có khi giả còn thật hơn cả thật. Sự giả tạo ấy do tài khôn khéo của người thêu dệt ra những câu chuyện, những hình ảnh xem ra lâm ly bi đát.

Có nhiều người chưng hửng khi đến tận nơi, xem tận mắt để thấy những tấm hình mà trước đây người ta tin là có thật nhưng thực chất chỉ là diễn. Những tấm hình đúng theo nghĩa của nó là "hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa".

Cũng không khó hiểu cho lắm về chuyện không minh bạch, những chuyện lùm xùm trong từ thiện. Đơn giản là vì nhiều người cứ ngỡ lấp lánh là vàng, le lói là kim cương. Thế nhưng khi phát hiện sự thật thật của câu chuyện thì phải nói thật là đau lòng.

Là con người mà, khó có ai có thể kiềm chế được những bả vinh quang phú quý ở đời này mà gần nhất đó là tiền bạc. Có khi ban đầu người đó tốt lắm nhưng khi cầm số tiền lớn là hư vong. Thực tế mỗi người có thể kiểm chứng điều này. Ngay cả những vị tu hành có thời gian thâm niên khá lớn nhưng cứ hễ đụng đến tiền bạc danh vọng là đánh mất phẩm giá của không chỉ đời tu mà là con người.

Chính vì thế, bản thân bỉ nhìn thấy người nghèo quanh mình nhiều lắm chứ ! Nhưng bởi do cái tính nhát gan hay con tim mềm yếu sẽ đánh mất lương tri của mình nên thôi đành lặng lẽ.

Có người đứng sau lưng bơm động lực là : " Cha ơi ! Cha cứ mạnh dạn lên ! Cha mở miệng xin là có nhiều lắm đó !"

Trước những lời gọi ấy vẫn là tâm hồn lặng lẽ với xác quyết riêng tư : Mình đến ở với người nghèo không nhất thiết phải là tiền bạc. Nó cũng cần nhưng không phải là đủ. Đủ là chuyện tấm lòng mình với người nghèo. Và mình không nằm trong ủy ban xóa đói giảm nghèo nên đừng bận tâm quá về vật chất. Nếu có gì cần thiết thì chia sẻ vá chia sẻ cách âm thầm như Chúa dạy. Chuyện kế nữa là con tim của mình mềm yếu trước mãnh lực của đồng tiền, của hào nhoáng nên xin thôi.

Mỗi người có lựa chọn sống cho riêng mình và ta tôn trọng lựa chọn của người khác. Ai mạnh mẽ vượt qua được cơn cám dỗ của mãnh lực thế gian thì cứ thế mà đương đầu. Thuyền mình nhỏ nên mình chỉ đi ven bờ cho ăn chắc. Thuyền nhỏ, tâm hồn nhỏ nên không dám đưa thuyền đời ra biển lớn bởi biển lớn dễ dập ngã thuyền. Thà nghèo mà lòng biết mến thương nhau, thà thiếu một chút mà lòng mình thanh thản còn hơn là dính líu vào những chuyện lùm xùm về tiền nong giải cứu để rồi đau cái đầu nhức cái đít.

Lm. Anmai, CSsR

--

Read 620 times Last modified on Thứ hai, 14 Tháng 6 2021 06:37