Trước khi "Đồ Gốm" đến tận tay, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo thân thương đã ngỏ lời với bỉ nhân về tập sách như là hồi ký của Đức Cha. Đức Cha thật tinh tế khi hỏi "Cha có muốn đọc thì con gửi". Dĩ nhiên là thích và rất thích đọc vì không chỉ là tập hồi ký mà là quà tặng của Đứa Cha.
Sáng Chúa Nhật II Mùa Vọng, "Đồ Gốm" đã đến tận tay. Trân quý để mở món quà của Đứa Cha quý yêu.
Vắn tắt trong video giới thiệu "Đồ Gốm", Đức Cha Giuse ngỏ lời với cộng đoàn dân Chúa về ý tưởng được Đức Cha gói ghém như tập hồi ký về cả cuộc đời.
Tâm đắc nhất trong "Đồ Gốm" phải chăng là tâm tình hết sức dễ thương và chân thành của Đức Cha : "Sau những kinh nghiệm của 75 năm tuổi đời và 50 năm linh mục, tôi thấy tất cả là phù vân nếu không được thai nghén và phát xuất từ con tim và trí óc đã được đụng chạm bởi lòng Chúa xót thương.
"Vùn vụn tuổi đời tựa bóng câu" (Tv 144, 4)
Vui buồn - sướng khổ, lời khen, tiếng chê, thành công - thất bại, chức quyền cao thấp, danh vọng nhiều ít, được mất, thắng bại, được quý mến hay bị bạc đãi, được thông cảm hay bị hiểu lầm ... tất cả là phù vân, qua đi như áng mây trên bầu trời cứ lững lờ trôi và biến mất ở cuối chân trời.
Đúng như sách Giảng Viên nói : "Sau khi nhìn thấy mọi công việc thực hiện dưới ánh mặt trời, tôi nhận ra : tất cả chỉ là phù vân, chỉ là công dã tràng xe cát" (Gv 1, 14; Gv 2, 1.11).
Dẫu đời là phù vân ấy nhưng rồi trong cái cõi "ta bà", cái cõi "hồng trần" hay là cõi tạm theo nhiều cách diễn đạt về trần gian ấy nhưng Đức Cha đã nhận ra ân sủng mà Thiên Chúa đổ tràn trên con người mỏng dòn và non yếu. Khởi đi từ cảm nhận như vậy, "Đồ Gốm" được thai nghén và được thêu lên bài tình ca giữa Thiên Chúa giàu lòng xót thương và con người mang tên Giuse Đinh Đức Đạo.
Như tâm tình của Thánh Phaolô về bình sành : "Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình ành, để chứng tỏ quyền năng pho thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi (2 Cr 4, 7). Về đồ gốm thì trong sách ngôn sứ Isaia chương 49 câu 9 viết : "Khốn thay kẻ chỉ là mảnh sành giữa đồ sành đồ gốm mà lại muốn tranh cãi với Đấng nặn ra mình ! Đất sét mà dám nói với thợ nhào nặn mình : "Ông làm cái gì vậy ? Tác phẩm của ông làm không khéo tay!"
Với tất cả tâm tình như vậy, Đức Cha lại cảm nhận sâu xa hơn về tình thương của Thiên Chúa, của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse trải dài trên cuộc đời của Đức Cha.
Cả cuộc đời Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo được thêu dệt bởi muôn vàn hồng ân để rồi cứ mở miệng ra là Đức Cha rao truyền lòng Chúa xót thương. Khi còn đương nhiệm, Đức Cha thao thức và muốn biến Giáo Phận mà Đức Cha được gửi gấm coi sóc trở thành thánh địa của lòng Chúa thương xót.
Trải dài tập hồi ký, Đức Cha đã ghi lại từng dấu ấn trong cuộc đời. Dấu ấn quan trọng nhất đó chính là "Ngài đã thắng con". Kèm theo đó là người Mẹ thân thương là Đức Trinh Nữ Maria. Đồng hành với Đức Cha chính là gương thánh nhân. Cuộc đời của các vị thánh đặc biệt Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã ảnh hưởng trên Đức Cha Giuse rất nhiều.
Một nhà giáo nhưng Đức Cha luôn yêu mến và tha thiết nhắm đến việc truyền giáo.
Đến một lúc nào đó, Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng compa để Đức Cha về với Xuân Lộc trong sứ vụ giám mục. Trước đó Đại Chủng Viện là "mối tình đầu" của Đức Cha.
Cùng đi với Đức Cha đó là những bài giảng, những câu chuyện hay mà Đức Cha chuyển tải đến cho mọi người trong nẻo đường sứ vụ. Dụ ngôn chim hải âu Jonathan Livingston cũng đã ảnh hưởng trong tâm khảm của Đức Cha.
Giờ đây sau thời gian dài phục vụ, chắc có lẽ thao thức ấy vẫn còn ở trong tâm khảm của Đức Cha bởi lẽ Đức Cha luôn luôn cảm thấu lòng xót thương mà Thiên Chúa dành cho Đức Cha.
Một giáo dân thân quen kể lại hình ảnh của vị Cha già với vài con chó và với chiếc xe đạp thật dễ thương. Tuổi hưu của Đức Cha đơn giản là như vậy đó, Đức Cha muốn hòa mình vào việc khám phá của con hải âu Jonathan bởi lẽ đường đời còn dài và lắm chông gai. Thế nhưng tất cả mọi việc Đức Cha đều trao phó cho Thánh Thần và để Thánh Thần dẫn dắt thì như Đức Cha nói có khác gì khi được cõng trên cánh chim đại bàng (Dnl 32, 11). Và đặc biệt hơn nữa, cánh chim ấy đưa Đức Cha đi vào cõi linh thiêng của Thiên Chúa và nghe được tiếng hát du dương của Thiên Đàng.
Thật vậy, mơ bến Thiên Đàng chẳng phải là mơ của một ai đó mà là của những ai biết Thiên Chúa. Một khi đã biết Thiên Chúa thì chắc chắn sẽ mơ ước một ngày kia sẽ được vào cõi Thiên Đàng. Để được như vậy, mỗi chúng ta ngày mỗi ngày cũng nên ý thức rằng cuộc đời này cũng chỉ là phù vân. Chuyện quan trọng nhất của đời Kitô hữu là có chỗ trong cung lòng của Thiên Chúa hay không mà thôi.
Lm. Anmai, CSsR