Thấy đàn gà mới nở đi theo mẹ, tôi mới nói với Cha Sở :
- Mình cho mấy con gà kia vào luôn đi (Chuyện là có 5 con gà con siêu thịt cũng mới nở nhờ công nghệ ấp trứng bằng máy)
Cha Sở nói :
- Không được đâu, muốn như vậy thì phải phun dầu hôi cho tụi nó. Nếu không phun thì con gà mẹ sẽ không chăm những con kia và tụi nó sẽ đánh nhau !
Ơ hay ! Chúa ban cho con gà là con vật vô tri vô giác mà cũng biết mùi nhau.
Nhìn đàn gà con cứ đeo theo mẹ thì tôi lại nhớ lời của Chúa trong Tin Mừng hôm nay khi Chúa lấy hình ảnh của Chủ chăn và chiên. Chúa nói : " Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi"
Hơn thế nữa, khi nói về tương quan giữa người chăn chiên và chiên ta lại nghe nói về chuyện "mùi". Người mục tử nhân lành là người mục tử phải ngửi được mùi chiên cũng như phải sống vai trò mục tử của mình như thế nào để chiên có thể ngửi được mùi của chủ. Nếu không nghe được mùi của chủ thì chắc chắn chiên không nghe chủ và chủ thì cũng phải nghe được mùi của chiên thì mới chăn được chiên cách vẹn toàn.
Mới đây không lâu, có một vị khách ở xa về. Có linh cảm báo trước, tôi bảo người ấy là đừng đến vì vùng tôi ở không như những vùng khác. Tôi cảnh báo trước là vùng nắng nóng oi bức quanh năm và giáo xứ là những anh chị em đồng bào sắc tộc chứ không có người Kinh. Nghe rồi nhưng người đó vẫn cứ đến.
Hình như tổng thời gian hiện diện ở vùng đất đồng khô cỏ cháy này chưa được 30 phút. Đến và rảo quanh một vòng cho biết hiện trạng. Trước khi về, vị khách ghé vào chụp chung tấm hình lưu niệm. Chả biết vô tình hay hữu ý mà vị khách vừa bịt miệng vừa nói : "Chịu không nổi cái mùi này ...".
Khi người khách đã khuất bóng, lòng buồn buồn man mác. Chắc có lẽ mình ở với họ quen rồi hay sao đó để rồi cũng chả thấy có cái mùi gì khác.
Cũng thông cảm cho họ vì môi trường sống này hoàn toàn khác môi trường sống của họ. May mà họ từ chối trước là không ăn cơm chứ nếu có ở lại dùng cơm chung chắc họ cũng bỏ đũa.
Chưa hết, có những món ăn mà người sở tại làm ra chắc cũng không mấy để cho người lạ thưởng thức. Chỉ nhìn qua màu sắc thôi chứ đừng nói đến cái mùi chi cho khổ. Và nhiều khách cũng không thể nào đụng đũa vào những món ăn nơi vùng đất lạ.
Nói cho bằng cùng thì ta thông cảm vì lẽ ẩm thực là điều khó nói. Nghe đâu bụng dạ của ai đó yếu thôi thì ngay cả nước uống cũng vật họ lên bờ xuống ruộng chứ chả nói đến thức ăn.
Chung chung là như vậy nhưng rồi sống với họ dần dần cũng rồi quen. Chả dám nói là mình hiểu và biết họ vì ngôn ngữ và văn hóa hoàn toàn khác biệt. Cộng với tuổi tác và giới hạn của trí khôn nữa nên chỉ giao tiếp ở mức thấp nhất. Thế nhưng rồi dù sao cái nghèo, cái khổ và cả cái mùi của họ mình cũng chả thấy gì là khó chịu.
Thật ra thì ở đâu quen đó. Ở môi trường sạch sẽ và toàn mùi nước hoa thì làm sao có thể hội nhập được ở những cái nơi nghèo, đói và đầy mùi khét như thế này. Đã đi tu, đã dấn thân, đã chịu đựng thì e rằng những cái chuyện nắng nóng nghèo đói hay mùi chả có gì là quan trọng.
Ngày hôm nay, ngày cầu cho ơn gọi, cầu cho các mục tử, cầu cho những người dấn thân trong đời tận hiến, tôi có lẽ cũng không quên cầu nguyện cho chính bản thân mình để ngày mỗi ngày mình quen với mùi chiên hơn và nhất là đời mình có mùi chiên hơn.
Thật thế, có những lúc cũng ngao ngán trong lòng kèm theo bao điều xao xuyến về đời sống của những con người ở nơi đây. Nhìn chung thì bao nhiêu năm qua họ cũng vậy, chẳng khá hơn được chút nào. Có chăng chỉ là số ít được may mắn đổi đời còn phần đông vẫn chìm ngập trong đói khổ.
Sáng nay, vào trong làng, nhìn 3 đứa trẻ cầm 3 ống kem ăn thấy mà thương. Quần áo, mặt mày lem luốc cùng đu nhau trên cái võng sao mà thương quá. Dưới chiếu, bà ngoại đang pha gói cháo ăn liền cho đứa cháu nhìn không khỏi chạnh lòng.
Cuộc đời của họ là như vậy, thích hay không thích là chuyện của mỗi người. Khi và chỉ khi chấp nhận sống với những con chiên như thế này thì mới đi đúng con đường mà Thầy Chí Thánh mời gọi.
Đến tận giờ này, hình ảnh và cả mùi của đám trẻ con và cả những người lớn vẫn còn đâu quanh mũi. Thương và thương lắm phận nghèo ơi.
Lm. Anmai, CSsR