Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 21 Tháng 7 2022 06:32

Vui buồn đời Mục tử

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
VUI BUỒN ĐỜI MỤC TỬ

          Đã từ lâu lắm rồi, Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh của người mục tử để nói lên hình ảnh của mình. Và cũng chính từ Chúa Giêsu, Ngài đã gợi lên cho mọi người thấy hình ảnh của người chăn chiên đích thực và người chăn thuê. Người chăn chiên đích thực thì sẵn sàng thí mạng mình vì đàn chiên và ngược lại.

          Hình ảnh mục tử sau này được gắn vào cuộc đời của linh mục – những người được Chúa chọn cách riêng – để chăm sóc cho dân của Ngài. Chúa đã sai các môn đệ lên đường đi rao giảng Tin Mừng và Ngài cũng cảnh báo những hiểm nguy cho mục tử “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3)

          Về đời sống kinh tế thì Chúa Giêsu dặn rõ : ” Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công (Lc 10, 7) 

          Đúng như vậy, thực tại trong cuộc sống thì linh mục như hình ảnh của người mục tử được Chúa sai đến với đoàn chiên từ lệnh của Đấng Bản Quyền. Và ở nơi đó, cha con đùm bọc nhau sống như một gia đình.

          Cũng là con người, khi được trao gửi đến sống cùng đoàn chiên thì người mục tử được xem như là người điều khiển gia đình về đời sống đức tin. Dĩ nhiên nỗi buồn và niềm vui xen lẫn trong cuộc đời mục vụ.

          Nhìn vào cuộc sống thì rõ ràng mức sống cũng như điều kiện sống ở thành thị chắc chắn cao hơn ở vùng hẻo lánh và ở giáo xứ người Kinh thì lúc nào cũng nhỉnh hơn giáo xứ của người đồng bào. Đơn giản là những khác biệt cuộc sống đó thì ai ai cũng phải chấp nhận. Ta thấy ở đâu quen đó để rồi bảo những người ở nông thôn về thành thị thì họ khó hay không thể hội nhập và ngược lại người thành thị cũng thế.

          Dòng tâm sự của một linh mục sắp chuyển xứ được Cha chia sẻ trên trang cùa Cha : “Hạt Xóm Mới chúng tôi đang rộn lên về những thông tin nóng “hot”

Trong nhà ngoài ngõ bàn tán râm ran…

Những người ít thạo tin lại càng sửng sốt.

Chuyện gì vậy ?

Những cuộc thuyên chuyển Linh mục đang diễn ra trong Tổng Giáo Phận đó

“Người Linh Mục giữa Cộng Đoàn Dân Chúa luôn có sức hút mạnh mẽ nơi cộng đoàn”

Câu chuyện nơi gia đình, xóm ngõ, trong bữa cơm hay trà dư tửu hậu toàn là cha xứ mình, cha phó mình…

Những chăm sóc quan tâm nhiều sáng kiến.

Xuất phát từ lòng quý mến đối với các mục tử, có thể là chăm chút từng li từng tí, quà cáp thăm hỏi, bám sát theo dõi cha, có thể là xiết chặt vòng vây bảo vệ cha mình, đôi khi cha cảm giác khó thở !

Cung bậc cảm xúc thật lắng đọng chân thành ! Và cao quý ...”

Đọc đến cái đoạn : “Xuất phát từ lòng quý mến đối với các mục tử, có thể là chăm chút từng li từng tí, quà cáp thăm hỏi, bám sát theo dõi cha, có thể là xiết chặt vòng vây bảo vệ cha mình, đôi khi cha cảm giác khó thở !” tôi dừng lại thật lâu. Khởi đi từ tâm tình đó, Cha cảm nhận được tất cả tình cảm của con chiên dành cho Cha.

Nghĩ về Cha, nhớ đến những Cha ở ven đô hay xa hơn tí nữa là những nơi hẻo lánh và thiếu thốn đủ mọi mặt. Ở những nơi có điều kiện thì giáo dân : “ ... có thể là chăm chút từng li từng tí, quà cáp thăm hỏi, bám sát theo dõi cha, có thể là xiết chặt vòng vây bảo vệ cha mình, đôi khi cha cảm giác khó thở !”

Vui nhỉ ! Cái cảm giác chăm sóc đó tôi đã thấy nơi một cha trong Nhà Dòng. Biết cha bệnh, nhiều người thăm nom, chia sẻ và thậm chí mang thuốc (theo họ là tốt nhất) để Cha uống và giữ gìn sức khỏe. Khi đó, tôi thầm nghĩ Cha đó sướng thật ! Thế nhưng Cha đó sẽ khổ tâm vì nhiều thuốc quá không biết uống loại nào tốt nhất đây vì ai ai cũng muốn cho cha của mình khỏe cơ mà. Và tôi nghĩ đến phận của những cha không có thuốc uống cũng như không được bồi bổ như các cha được chăm bẵm.

Thật sự ra thì Chúa cũng quan phòng. Ở đâu quen đó và dường như tôi thấy ngoại lệ mới có người than và không bằng lòng với cuộc sống. Phần đông các mục tử vẫn vui vẻ và bình an với hoàn cảnh sống của mình.

Có khi vì hoàn cảnh kinh tế của giáo dân nơi mình sống không kham nổi Cha để Cha tự lo thì cũng có cái hay và cái tự do thong dong tự tại của nó. Cha không bị áp lực sau khi nhận quà hay thuốc với những câu hỏi : “Sao con không thấy Cha mặc cái áo của con mua” hay “Quà con tặng Cha không được cho ai đấy nhé !”. Ở cái xứ nghèo chả cho chả tặng gì vậy mà khỏe cũng như tránh khỏi cái cảm giác “đôi khi cha cảm thấy khó thở.”

Cái gì nó cũng có cái giá của nó. Cuộc sống mà, có những lúc vui và cũng có những lúc buồn. Có khi vui vì được quan tâm nhưng buồn khi bị quan tâm quá mức. Có khi cảm thấy buồn vì chả ai quan tâm nhưng lại vui khi sống cuộc đời an nhiên tự tại. Chả có cái gì là hoàn hảo cũng như trọn vẹn trong kiếp người. Ở cái xứ lớn cũng có niềm vui cùng với những hạn chế của xứ lớn. Ở cái xứ nghèo dăm bày chục hộ gia đình hay với người đồng bào dĩ nhiên cũng có những hạn chế kèm theo niềm vui thong dong thanh thản không bị ràng buộc về vật chất.

Cũng vậy, niềm vui đến với mục tử khi cổng nhà thờ rộng mở cùng với đoàn chiên. Nỗi buồn và cô đơn mở ra khi cánh cổng nhà thờ khép lại chỉ còn mình mình với Chúa. Nỗi trống vắng đến tột cùng để có khi là đêm hôm đó Cha Xứ qua đời mà xung quanh không người hay biết.

Niềm vui của mục tử sẽ dâng trào ở tuổi đời dâng hiến với sức sống mãnh liệt. Nỗi buồn đời mục tử sẽ ùa đến sau cánh cổng nhà hưu dưỡng. Thật lòng mà nói chẳng ai muốn mình trở thành người không còn sử dụng dù người đó bất cứ là ai.

Và rồi niềm vui và nỗi buồn của mục tử sẽ thăng hoa nếu kết hiệp mật thiết với Đấng Cứu Thế. Đời người mục tử sẽ rất vui và an bình khi trao phó cuộc đời của mình để rập đời mình theo mầu nhiệm Thánh Giá Chúa cũng như ngày mỗi ngày vui vẻ bước đi theo Chúa trên con đường đầy đủ cung bậc cảm xúc buồn vui của cuộc đời.

Lm. Anmai, CSsR

Read 191 times