Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 17 Tháng 1 2023 18:35

Tết mà anh!!!!

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  TẾT MÀ ANH !

Chắc có lẽ không phải mình tôi dị ứng với câu nói “Tết mà anh !”. Chắc có lẽ nhiều người không thích và không vui khi nghe những câu như thế này.

Ra chợ, mua ít hành. Thường ngày thì 35 ngàn ký nhưng giật mình khi thanh toán nghe nói : 5 chục !

Hỏi sao vậy thì được nghe trả lời : Tết mà anh !

Sáng nay mua ít rau xà lách và rau sống để cuốn bánh tráng. Lượng rau cũng như thế nhưng tính tiền gấp đôi ngày thường. Thắc mắc hỏi thì được trả lời : Tết mà cha !

Gửi xe ở đây cũng vậy. Thường ngày 3 ngàn 1 chiếc nhưng gần Tết bỗng dưng tăng gấp đôi. Ngạc nhiên hỏi thì cũng được nói : “Tết mà anh !”.

Chả phải chỉ cọng rau, củ hành và tiền gửi xe nhưng dường như nhiều món, nhiều dịch vụ tăng theo ... Tết.

Có lẽ kinh hoàng nhất vẫn là vé tàu xe trong dịp Tết. Chẳng những “cháy” vé mà còn phải trả phí tăng gấp đôi. Mấy đứa nhỏ trong làng đi học nấu ăn ở Bình Dương. Biết là khó mua vé, đặt trước đến 6 tuần nhưng còn 3 vé cuối ! Bi đát nhất là thường ngày mỗi vé 320 nhưng Tết là 600. “Mua hay không để biết ! Nếu không thì bán cho người khác nhé !”

Làm sao mà không mua được ! Đi học, đi làm xa và mỗi năm có cái Tết nên rồi ai ai cũng mong về nhà.

Cũng tuyến đường Sài Gòn lên núi. Thường ngày giá tầm 350 đến 400 nhưng Tết nên lên đến ... 900 !

Suy nghĩ mãi cũng không thể nào nghĩ ra được cái câu chuyện “Tết mà anh”. Kèm theo đó là suy nghĩ không biết ở bên nước ngoài họ có tăng giá dịch vụ như thế hay không ? Băn khoăn quá ! Và giả như có đi chăng nữa thì thu nhập của họ cũng khá ổn so với dân nghèo của mình. Người nghèo của mình dường như phải nghèo hơn khi phải gánh chịu cái chuyện “Tết mà anh”.

Những ngày này, sân ga, bến xe tấp nập người về. Ai ai cũng mong về nhà dăm ba ngày Tết. Với những người may mắn thu nhập ổn thì chả sao. Với những người nghèo và thu nhập thấp thì xem chừng ra tê tái. Biết là bị chặt chém nhưng không còn cách nào khác để rồi họ cũng gắng mà về. Người ở quê thì mong có chút gì đó của người xa xứ làm ăn nhưng người quê đâu hiểu nỗi khổ của những người ra đi. Dĩ nhiên lương bổng có đó nhưng bao nhiêu chi phí nơi đất khách quê người để rồi chuyện trở về nhà đã là khó chứ làm gì có chuyện “quà quê”.

Chả hiểu làm sao khi con người ta chất chồng gánh nặng lên vai của nhau. Hình như do nhiễm thói chủ nghĩa cơ hội để rồi có bất kỳ cơ hội nào là người ta có thể ta tay ngay lúc đó.

Nhìn xe hàng chở chuối của người hàng xóm đi xa thật không khỏi chạnh lòng. Đoạn đường đi và về hơn ngàn cây số vất cả nhưng thu nhập chả bao nhiêu khi bị chủ hàng ép giá. Chạy cũng không được mà không chạy cũng không xong. Thôi thì ráng để kiếm chút đỉnh để có đồng ra đồng vào trong ngày Tết. Đó là chưa kể chuyện “phí cầu đường” đứng khắp nơi.

Trên đoạn đường ngắn đi công việc, buồn cho nhiều chiếc xe gắn máy bị bắt dừng lại để nộp “lệ phí”. Vì hoàn cảnh, họ không còn cách nào khác để đi trên con xe máy về nhà trong dịp Tết nhưng đâu thoát khỏi cảnh đóng “bánh mì”.

Không phải tất bật lo toan nhưng lòng vẫn nghĩ đến biết bao nhiêu cảnh nghèo người khổ. Cả năm lao đao với cuộc sống nhưng có được thanh thản đâu. Những ngày giáp Tết hay vừa qua Tết thì tất cả mọi vật giá đều leo thang.

Đâu đó cũng vui vui với những chiếc áo 0 đồng, những phiên chợ 0 đồng nhưng lòng nhoi nhói với những người rơi vào cảnh “thưởng 0 đồng”

Kết quả vẫn do lòng người. Do con người ích kỷ và tham lam nên cứ hành nhau như thế thôi. Tự do lòng con người chứ không phải ai khác.

Chợt nghĩ đến nhạc khúc “Mùa Xuân đầu tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Trong nhạc phẩm ấy ông viết :

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

Những ước mong người biết yêu người, người biết thương người để cho người bớt khổ hơn.

Lm. Anmai, CSsR

Read 219 times Last modified on Thứ năm, 19 Tháng 1 2023 06:32