Ngày cuối năm, nhà nhà tất bật, người người tất bật lo sắm sửa Tết. Âu cũng là lẽ tự nhiên của cuộc đời. Và dường như ai ai cũng hối hả để lo việc cho ngày cuối của năm.
Tôi thì sao ? Cũng tất bật đó chứ ! Không phải tất bật để lo cái ăn cái mặc vì đơn giản ăn cũng đơn giản mà mặc cũng chả cầu kỳ. Và đơn giản là có gì mặc đó.
Tất bật không phải chạy vạy này nọ, tất bật không phải sắm sửa nhưng tất bật để ngồi lại nhìn khoảng thời gian của một năm qua. Để làm chi ? Để “tính sổ” với Chúa và với những người thân quen.
Trong khoảng lặng của cuộc đời và nhất là ngày cuối năm. Nói gì đây ? Xem chừng ra vô ngôn khi nhìn lại chặng đường đã qua.
“Tình thương và lòng nhân hậu Chúa ủ ấp tôi suốt cả cuộc đờ !”.
Đúng như vậy ! Tình thương và lòng nhân hậu ấy được trao ban cho tôi cách nhãn tiền và cách nhưng không. Nhiều lời cầu nguyện và rất nhiều lời cầu nguyện dành cho bản thân tôi. Kèm theo đó là những sự chia sẻ thầm lặng và sâu đậm ý nghĩa gửi đến với kẻ mọn. Cứ như thế trong cuộc đời để nhận lãnh và trao ban.
Ngày tất niên của giáo xứ, trước khi ra về, anh chị em nhận chút quà mọn. Tiễn họ ra về, một người nói : “Ama ! Con nói ama nghe nha ! Nếu không có phần gạo này chiều nay nhà con phải đi xin gạo ăn đó. Nhà con hết gạo rồi ama !”.
Nghe có đứt ruột không ? Đứt ruột thì chết rồi nên nhói lòng ! Mình, dù sao đi chăng nữa cũng có bữa cơm bữa cháo nhưng dân của mình đói là chuyện có thật. Liệu có cầm lòng được với những gia cảnh như thế này không ?
Họ đi về, khuất cổng nhà thờ nhưng hình ảnh họ vẫn còn đó. Lòng mình có thể yên được không khi còn quá nhiều người cơ khổ.
Hì hà hì hục chở cả ngàn đòn bánh tét về gọi là chia sẻ chút niềm vui Tết với dân. Jrai đâu có Tết như người Kinh. Mà đúng nghĩa là không có Tết theo cái nghĩa là ngày nào có tiền là ngày đó Tết mà Tết không có tiền có Tết cũng như không vậy.
Thật vậy, Jrai họ không có Tết. Có chăng người Kinh có Tết và họ đứng ... dòm.
Đống bánh tét to đùng tưởng ngon lắm ! Có nhà thiếu có nhà không vì dân đông quá !
Sáng vài người trong làng ra biếu tết, Cha Sở hỏi : “Sao ? Bánh tét hôm qua mang về sao rồi ?”
Cứ ngỡ họ sẽ nói chưa ăn hay là để sáng mùng 1 mới ăn. Họ nói ngay : “Ăn hết rồi ama ơi ! Mấy đứa nhỏ thích lắm !”
Chết chưa ! Bánh tét để ăn Tết mà chưa đến Tết đã hết rồi.
Một giáo dân gặp cười và nói : “Bánh tét ngon lắm ama ơi !”.
Buồn cười nhỉ ! Quà Tết để Tết mới ăn chứ ! Sao lại ăn hết rồi ?
Hỏi với vẩn quá ! Họ nghèo, họ có bánh tét mà ăn đâu. Có thì xơi thôi chứ có gì mà đợi Tết.
Thương chưa ?
Ân nhân nhìn thấy khung cảnh phát bánh nói : “Cha ! Xứ khang trang vậy mà dân nghèo sao Cha ?”
Nghe hỏi đứng hình luôn ! Nói sao bây giờ ta ? Cái nhà thờ khang trang thiệt ! Cái nhà xứ sạch đẹp thiệt ! Thế nhưng cũng chỉ là trung tâm truyền giáo để bà con đến sinh hoạt phụng vụ và Thánh Lễ thôi còn nhà của họ ở có những cái không thể gọi là nhà mà là chòi đúng nghĩa hơn.
Có người cảm thương bảo : “Cha ! Cực quá Cha ! Cha có nản không ?”
Ơ hay ! Cực gì mà cực ! Nản gì mà nản ! Ở với người nghèo vui lắm chứ ! Chưa nản và chả bao giờ thấy cực cả. Và xin Chúa cho mình mãi mãi ở với người nghèo và chết giữa người nghèo. Ở với họ để mình thấy mình giàu để chia sẻ cho họ. Ở với họ để mình thấy mình nghèo để mình mở tay ra đón nhận. Với ý thức như vậy mình dễ cho đi và mình cũng dễ lãnh nhận.
Và, một năm qua, ngồi lại “tính sổ” với Chúa và với anh chị em thì quả thật chả biết sao nói cho vừa và cũng chả biết cảm ơn sao cho đủ.
Chỉ biết nói lời cảm tạ Thiên Chúa và tri ân mọi người thôi.
Trước bao ân tình có lẽ không nên nói. Giờ này đây vô ngôn là hay nhất !
Lắng và lặng để nói lời cảm tạ và tri ân ...
Ngày cuối năm âm lịch 2022
Lm. Anmai, CSsR
Â
NGÀY CUỐI NĂM ...
Published inTâm tình người con Giáo Xứ
Tagged under