Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 29 Tháng 3 2023 12:32

Cám ơn cha vì cha đã lên núi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CẢM ƠN CHA VÌ DÂN CHA LÊN NÚI ...



Ngồi tòa xong, các cha ngồi uống nước. Một cha nói với Cha Xư :

- Con cảm ơn Cha !

- Ủa ! Con phải cảm ơn Cha vì Cha đến ngồi tòa cho xứ này chứ !

- Không ! Con cảm ơn Cha vì chuyện khác !

- Chuyện gì ? Thưa Cha !

- Chuyện là cảm ơn Cha vì con cái của Cha lên núi hết rồi ! Nếu không thì tụi con ngồi bở cả hơi tai.

Thì ra là Cha khách cảm ơn Cha xứ vì cái chuyện dân ở vùng này lên núi hết !

Thật thế ! Nếu như dân không lên núi chắc có lẽ các cha ngồi tòa có mà đuối. Giữa cái khí trời 39 – 40 độ C không đuối mới là lạ.

Khi nghe câu cám ơn đó thì anh em ai ai cũng cười. Quả thật, dân vùng này đông nhưng vì hoàn cảnh của cuộc sống họ đã lên núi kiếm sống. Đất bằng không đủ nên họ mon men tìm đến các ngọn núi quanh vùng để tìm chút gì đó để sống.

Hỏi thăm những đứa trẻ có nước da nắng cháy da mồi thì bọn trẻ nói bọn trẻ đi làm mì. Bọn trẻ đó tầm 18, 19, 20 nhưng không đi học tiếp và chỉ còn một cách là đi làm mì.

Giữa khí trời oi bức ngồi trong cái chòi tương đối là mát đó mà còn chịu không nổi chứ huống hồ chi ra rẫy. Nghe tôi rên nắng nóng, Cha kia nói : “Ơ mà hay ! Dân làng quen rồi Anh. Cuộc sống của họ dường như là như vậy đo !”

Dường là như vậy đó ! Nghe sao mà đắng thế !

Thật sự thì ở cái vùng nắng nóng quanh năm suốt tháng này chả có gì khác hơn là cây mì cây mía. Người nào khá hơn thì đầu tư trồng thuốc và gọi nhân công trong làng.

Nơi tôi đang ở cũng có khá gì hơn đâu, Dân cũng bỏ nhà lên núi để kiếm sống. Chính vì thế, đa phần người dân ở đây thì căn nhà cũng chỉ là nơi tạm bợ để có chỗ để đi về. Nơi họ ở chính là những cái lều dựng tạm trên núi. Và dường như cả đời họ cứ bám vào núi để kiếm sống qua ngày chứ không còn cách nào khác. Quanh đây cũng chả có nhà máy hay xí nghiệp hay một việc làm nào ổn định cho dân sống.

Ngồi tòa giải tội cho họ không chạnh lòng mới là lạ.

Như người ta, sẽ dễ cáu gắt vì chuyện dân bỏ Lễ. Thế nhưng ở nơi này không cáu gắt được. Phải bình tâm để điều tra xem lý do họ bỏ Lễ. Những người vì lười biếng không tới Nhà Thờ thì không tính. Đa phần bỏ Nhà Thờ không dự Lễ Chúa Nhật cũng chỉ vì chuyện lên núi. Làm sao có thể bảo họ ở nhà để dự Lễ được trong khi đời sống của họ quá bấp bênh.

Có người lên núi 2, 3, 4 tuần nhưng khi sau khi giải tội hỏi thăm thì họ nói năm nay lại thất mùa. Không thất mùa làm sao được khi trời thì nóng mà chẳng có đến một cơn mưa. Qua nay nghe đâu những vùng lân cận có mưa thấy mà mừng. Không có mưa thì chả có cây cối nào sống nổi. Có cây mì là “gan dạ” lắm thì cũng chống chõi một thời gian.

Vậy đó ! Người dân ở đâu bỏ Lễ thì không biết chứ người dân ở đây đơn giản là lên núi. Hoàn cảnh sống quá cay nghiệt để rồi không còn cách nào khác để tìm kế sinh nhai.

Đố vị nào dám la mắng con cái của mình khi đến để xưng cái tội bỏ Lễ. Tôi đây không can đảm. Càng nghe càng thấy chạnh lòng. Có những mảnh đời nhìn tiều tụy đến nỗi không cầm lòng được. Thế là mở lòng ra để chung chia chút gì đó cho họ mang về. Nhìn thấy tội lắm luôn ! Thuở đời nay lại có cái chuyện đi xưng tội lại có quà mang về. Cũng chả có gì khó hiểu đâu. Ngày nào mang nỗi đau tôi mới hiểu nỗi đau là gì. Ngày nào trong khát khô tôi mới hiểu phận người ăn xin. Ngày nào tôi cảm được cái thân phận nghèo phải bỏ nhà lên núi kiếm sống tôi mới biết nỗi đau của phận người.

Hỏi đứa trẻ đi làm mì thuê cho người ta mỗi ngày được bao nhiêu. Nghe nói mà chạnh lòng. Từ sáng sớm đến chiều mỗi ngày như thế được 150 ngàn đồng bạc. Thử hỏi ngần ấy tiền làm sao đủ để nuôi sống bản thân và có người còn lo cho gia đình nữa.

Vì dân lên núi nên có Cha có sáng kiến : “Chắc có lẽ anh em mình cũng phải tính đến cái chuyện lên núi để dâng Lễ cho họ !”.

Vâng ! Tấm lòng mục tử là như vậy đó ! Sẽ đến một lúc nào đó dân sẽ không theo mục tử nữa mà mục tử phải theo dân. Vì dãi dầu sương gió để kiếm sống nơi vùng núi nên rồi có lẽ đến một lúc nào đó các mục tử phải rời nơi ở để lên núi để đồng hành với dân thật.

Nghĩ cũng khó nhỉ ! Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Đời sống mà cứ bữa no bữa đói mà phải vào tận núi để kiếm sống thì e rằng chuyện giữ đạo hơi bị khó. Chính vì vậy, sống ở cái vùng này, tấm lòng mục tử càng rộng mở hơn nữa với những cảnh đời cơ cực.

Lm. Anmai, CSsR

Read 209 times Last modified on Thứ năm, 30 Tháng 3 2023 07:24