Có một người hỏi : “Cha ơi ! Chỗ Cha có ngắm đứng không Cha ?”.
Có sao nói vậy : “Dạ không Cô ơi !”
- Dạ thôi ! Con tính chia sẻ Cha về chuyện ngắm đứng.
Thôi thì thôi chứ biết sao giờ !
Sau đó một lát thì người đó chia sẻ : Người có chức có quyền cậy thế thích ai thì được ngắm ghét thì không cho Cha thấy phúc không thấy mà lại tội lỗi vô cùng.
Cách đây ít lâu. Một người kia thâu âm bài ngắm của mình và gửi để nhờ Cha ... duyệt !
Khổ nỗi Cha sinh ra và ở cái xứ mà không có ngắm đứng theo kiểu ngân nga. Có chăng là lúc còn bé nhớ các bác các cụ lên đọc thôi chứ không có ê a kiểu ngắm theo truyền thống mà các xứ vẫn làm trong Mùa Chay cũng như Tuần Thương Khó.
Dĩ nhiên không ai chối bỏ văn hóa Công Giáo. Ngắm đứng là một trong những loại hình văn hóa tốt để đưa con người ta gần với Chúa hơn ngang qua cuộc khổ nạn.
Thế nhưng rồi tôi lại trộm nghĩ không biết rằng có khi chau chuốt quá về hình thức bên ngoài mà không nghĩ đến nội dung bên trong thì quả là thiếu sót. Có khi chỉ nghĩ đến mình ngắm thế nào cho hay, ngân chỗ nào cho đúng mà ngay cả bản thân mình không hiểu được ý nghĩa đoạn mà mình ngắm. Và đi xa hơn một chút nữa đó là sống điều mà mình ngắm.
Cũng thế ! Tham gia ca đoàn cũng vậy. Ca đoàn thì mỗi người mỗi giọng và tất cả hòa chung vào với nhau thành một bài Thánh Ca để giúp cho cộng đoàn tham dự phụng vụ sốt sắng hơn. Thế nhưng đâu đó thấy một vài “ca sĩ” được lên hát đáp ca hay đọc Lời Chúa thôi là cũng nhờ người quay bài mình hát (hay đọc) hay nhờ người cắt clip mình hát (hay đọc) để nói (hay nói đúng hơn là khoe) rằng mình hát (hay đọc) trong Thánh Lễ đó.
Giảng Lễ, tôi vẫn chú tâm đến tất cả các bài đọc cũng như dựa vào các bài đọc trong Thánh Lễ để chia sẻ Lời Chúa. Thử nghiệm cho thấy rằng người đọc dường như là một cái máy. Người đọc chỉ biết lên đọc và đi xuống. Còn lại thì chả nhớ đến đoạn lời Chúa mà mình vừa đọc là gì chứ đừng nói đến là suy nghĩ ý nghĩa về đoạn Lời Chúa đó.
Thật thế, cuộc sống có lẽ chạy theo hình thức và bề ngoài quá rồi cuối cùng họ đánh mất đi cái nội dung, cái ý nghĩa bên trong.
Đâu đó tôi nghe người quen kể về chuyện lộn xộn trong ca đoàn hay trong hội đoàn của họ. Đơn giản là chuyện “con gà ghét nhau tiếng gáy”.
Ca đoàn cũng có ca đoàn giống như câu chuyện kể của người kia về ngắm đứng ở xứ họ ở. Thích ai thì cho người đó solo và có quyền cho ai thì cho. Cả hội đoàn và ca đoàn cũng vướng vào chuyện cậy thế cậy quyền. Từ chuyện đạo đức nó lại sinh ra bao nhiêu quả đắng do tánh khí của con người hơn thua tranh giành đố kỵ.
Chi vậy ? Đi phục vụ Chúa mà còn hơn thua nhau thôi chứ ! Thà nghỉ cho đỡ sinh tội. Nghe được những câu chuyện đó tôi thầm cười. Chả hiểu họ suy nghĩ gì khi cứ phải muốn mình xuất hiện trước công chúng trong các Thánh Lễ. Người mà được cầm mic cám ơn hay nói lời gì đó thì nói thoải mái không biết rằng cả nhà thờ đang chịu đựng.
Vì quá chú tâm vào hình thức nên người ta cứ lo xem rằng họ có hát hay không ? Họ ngắm có vần có điệu hay không để rồi quên đi cái nội dung và điều cần thiết là sống những gì mà mình hát hay mình ngắm.
Đôi khi hát rất tâm tình nhưng tâm tình sống sau khi hát thì lại khác ! Kiêu ngạo, hơn thua, nói hành nói xấu đủ thứ ... Chủ đích là muốn nâng mình lên và khoe rằng mình có chất giọng hay.
Ngắm cũng vậy ! Họ chuẩn bị xem chừng ra chỉn chu lắm và đặt trọn cả tâm tình cho bài ngắm. Thế nhưng rồi sau bài ngắm đó có sống tâm tình của cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu hay không mới là quan trọng.
Thánh Lễ cũng thế ! Tham dự với tất cả các hình thức bên ngoài như quần là áo lụa, son phấn đủ thứ đủ kiểu và đi Lễ là có hình. Thế nhưng chuyện quan trọng rằng mình có thay đổi sau Thánh Lễ mà mình tham dự hay không mới là chuyện quan trọng. Dự Lễ xong rồi mình có để Chúa ở trong mình và mình ở trong Chúa hay không đó mới là điều quan tâm.
Trong cuộc sống, có khi chạy theo hình thức quá thì lại quên đi cái nội dung bên trong. Tiếc thay là nội dung và chất sống thì cần thiết hơn những gì diễn tả bên ngoài.
Lm. Anmai, CSsR