Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 19 Tháng 11 2023 07:51

Vài lời

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Vài lời

1.
Trong cuộc sống, dù ta nhìn thấu lòng người cũng không cần nói ra hết, chừa cho họ một con đường, chừa cho mình chút khẩu đức.

Trách người không cần hà khắc đến tàn nhẫn, chừa cho họ chút mặt mũi, giữ cho mình chút độ lượng.

Tài năng không cần phô trương hết, dành cơ hội cho người khác, giữ sự sâu sắc cho mình.

Có công không nhận hết, chuyển cho người vài phần, lưu khiêm nhường cho mình.

Hiểu hết lý lẽ chẳng cần tranh cãi đến cùng, mở đường cho người khác, giữ khoan dung cho mình.

Được yêu quý chớ nên cậy hết vào, sẻ cho người chút ít, lưu cho mình đường lui.

Giàu sang chẳng nên hưởng hết, chia cho người chút ít, lấy chút phúc cho mình.

Ngày mới an lành nhé cả nhà ơi !

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta

Dâng Lễ và không quên cầu nguyện cho cả nhà nhất là những người gửi ý nguyện.

Lm. Anmai, CSsR

2. MUỐN AI ĐÓ KHÔNG CHẾT THÌ HÃY LUÔN NHỚ ĐẾN HỌ

Khoảng thời gian lãng đãng giữa đông chưa về mà thu đã vội đi, để lại cho nhân gian vạn vật sự hụt hẫng với muôn vàn nỗi nhớ. Tháng của hai con số một tuyệt hảo, như sự kết nối linh thiêng giữa người sống và kẻ qua đời. Những ngọn gió bấc phương nam không ồn ào dữ dội nhưng thoang thoảng ru dịu cỏ cây muôn loài. Trong làn sương dày đặc mỗi sớm mai, bên ánh nắng tinh nghịch long lanh trên làn nước lũ đổ về và từng chiều tà dưới không gian những cánh cò tìm về tổ ấm, con người vùng này dễ dàng chiêm nghiệm thân phận mong manh của mình, thấm thía hơn câu thơ của thầy Nguyễn Khắc Dương trong “hạt bụi”: “Mai sau cát bụi hoàn nguyên thể, nguyện lót êm chân khách vỉa hè”.

Đơn giản thế thôi! Bởi ta sinh ra là để chết, cuộc đời này chỉ là một chuyến đi hữu hạn tiến về vĩnh cửu. Vui có, buồn có, giàu sang và nghèo khó, vinh quang cùng tủi nhục, tất cả là tạm bợ, là phù du trong chốc lát mà thôi.

Tháng của hai con số một se sắt hanh hao nhưng không ngập ngừng chao nghiêng mà vững vàng thẳng đứng như dáng người liêm chính. Đứng thẳng làm người nhưng luôn khiêm tốn bởi biết rằng ta chỉ là hạt bụi, ý thức rằng có lung linh lộng lẫy đến mấy rồi đời người cũng sẽ qua đi như mây trên đỉnh núi. Ngay cả mặt trời mùa này cũng vội vàng hối hả vào đêm để dành sự tĩnh mịch cho người sống chiêm nghiệm, dành cơ hội cho “người chết nối linh thiêng vào đời”, cũng như dành thời gian nhiều hơn cho nỗi nhớ.

Nhớ những người thân yêu bạn bè đã ra đi trước, những người như vừa mới cùng ta cười vui, giận hờn. Nhớ những chuyến ghé thăm nơi xứ lạ quê người, chỉ một lần hàn huyên tâm sự cười đùa thoả thích rồi chẳng biết khi nào gặp lại. Nhớ đến cha đến mẹ với tuổi già hiện rõ qua làn tóc trắng, trên nét da nhăn, sức khoẻ không yếu đi theo tháng năm nữa mà là yếu đi theo từng ngày một. Nhớ đến đêm qua mẹ gọi điện vui vẻ khoe rằng mẹ vừa ra bác sĩ để làm lại hàm răng, bảo rằng cứ mỗi khi sinh một đứa con thì mẹ lại bị rụng một hoặc hai cái răng. Nước mắt nghẹn ngào trong nỗi nhớ.

Tháng mười một, tháng nhớ đến những người đã qua đời, tháng của đền ơn đáp nghĩa, thảo kính cha mẹ. Muốn cho ai đó không chết, hãy luôn nhớ đến họ.

Lm. Anmai, CSsR

 

3. Vài lời

Không ít lần chúng ta đã lạm dụng sự tốt lành của Chúa, viện dẫn ý niệm để sống bê bối, không thực thi đời sống nhân đức, bác ái như Chúa mong muốn. Chúng ta tính toán chi li với Chúa, rằng cứ vui chơi đi, cứ ích kỷ và lười biếng đi, cuối cùng Chúa tha hết thôi mà. Từ đó, ta bê trễ đọc kinh đi Lễ, không cầu nguyện, không học giáo lý, sống ích kỷ nhỏ nhen, chẳng mấy khi biết thương người, biết chia sẻ cho người kém may mắn hơn.

Biết Chúa và được làm con Chúa là hồng ân cao cả, hãy tạ ơn Chúa và vui sống vì điều diễm phúc đó. Đừng đợi tới giờ thứ mười một, hãy luôn tỉnh thức và sống thiện lành.

Một đời người đấu đá được bao nhiêu

Mà phải đắn đo, tranh giành cho đau khổ

Phân con người cách nhau một hơi thở

Đừng đợi đến ngày quá muộn để “bình yên”.

Ngày mới an lành nhé cả nhà ơi

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta

Dâng Lễ và không quên cầu nguyện cho cả nhà

Lm. Anmai, CSsR

4. Vài lời

Nhận biết và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô đến từ mối tương quan mật thiết của chúng ta với Ngài. Ngài muốn được đón nhận và yêu mến trong cuộc đời của chúng ta như một vị Thiên Chúa duy nhất. Không ai có thể loan báo về một Thiên Chúa mà họ không tin, không yêu, không gắn bó. Không có kinh nghiệm về Chúa Giêsu thì mọi lời nói của chúng ta trở nên những lời sáo rỗng, không đem lại ơn ích gì cho người khác.

Hơn nữa, để có thể sống và rao giảng Tin Mừng, ta cần sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng “dạy chúng ta cân phải nói những gì”. Như vậy, hành trình loan báo và làm chứng về Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất không phải là một chặng đường dễ dàng nhưng đầy những thử thách, khó khăn,… Trong hành trình đó, chúng ta có Thần Khí Chúa quan phòng, yêu thương, đồng hành, nâng đỡ, chăm sóc, chở che. Nhờ vậy, người môn đệ có đủ sức mạnh và dũng khí để “tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ”.

Lời Chúa mời gọi mỗi chúng ta hãy sống tin yêu, phó thác vào Thiên Chúa, đồng thời luôn vun đắp, bồi dưỡng tương quan với Thầy chí Thánh để, với sự dẫn dắt của Thánh Thần, chúng ta thật sự trở nên những môn đệ truyền giáo của Chúa giữa đời.

Ngày mới an lành nhé cả nhà ơi

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta

Dâng Lễ và không quên cầu nguyện cho cả nhà

Lm. Anmai, CSsR

5. Vài lời

Ngày cầu nguyện cho người nghèo được Đức Thánh Cha Phanxicô coi như cơ hội để tín hữu sống nghèo và phục vụ người nghèo (Sứ điệp 2023). Trong bối cảnh của Chúa Nhật cuối cùng trước lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, hướng về ngày cánh chung, thái độ sống nghèo và phục vụ người nghèo được coi như cách để sống tỉnh thức và tiết độ (x. 1Tx 5,6), chuẩn bị cho “ngày của Chúa” (1Tx 5,2).

Thái độ đầu tiên nơi tác phong của người nghèo và phục vụ người nghèo là siêng năng làm việc. Người nghèo thì luôn làm việc và làm việc vất vả nữa để có miếng ăn. Người đầy tớ biếng nhác, dù tưởng không làm thiệt hại gì cho chủ, nhưng thực ra đã là mắc lỗi rồi! Người vợ trong sách Châm Ngôn được mô tả là người siêng năng làm việc, đầy năng động và sáng kiến khi làm việc.

Hướng về người nghèo, nhiều khi người tín hữu chỉ dừng lại ở một vài trợ giúp nào đó như là ân nhân của họ. Nhưng điều ấy không đủ để diễn tả lòng tôn trọng và đồng cảm với người nghèo. Cần sống như người nghèo nữa. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã trở nên một người nghèo giữa những người nghèo. Cách sống của người nghèo là siêng năng làm việc. Những ân huệ Thiên Chúa ban cần được nỗ lực làm cho sinh lời để phục vụ cho người nghèo. Người sống nghèo là người ý thức rằng mình không có gì cả, tất cả đều là ân ban của Chúa và cần được sinh lời để sử dụng theo ý Chúa.

Điều kế tiếp nơi người sống nghèo là biết phục vụ trong khiêm tốn. Người vợ đảm đang của sách Châm Ngôn khiêm tốn phục vụ và hướng về lợi ích của chồng con hơn là tìm kiếm vị thế và lợi ích bản thân. Sự khiêm tốn đưa đến thái độ vui vẻ khi phục vụ.

Hãy làm việc và phục vụ những người nghèo, người yếu hơn, người bé nhỏ hơn mình với tinh thần khiêm hạ và vui tươi.

Ngày mới an lành nhé cả nhà ơi

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta

Dâng Lễ và không quên cầu nguyện cho cả nhà

Lm. Anmai, CSsR

Read 413 times Last modified on Thứ hai, 20 Tháng 11 2023 08:46