Mới sáng sớm, nhận tin nhắn : “Anh cầu nguyện cho em với nhé ! Cái vai mổ rồi mà tệ quá Chúa ơi ! hu hu !”
Dòng tin nhắn đó là của ai ? Ai mà gửi như vậy ? Xin thưa, đó là tin nhắn của một vị bác sĩ nổi tiếng của một bệnh viện lớn cũng có tiếng ở Sài Thành. Dù là bác sĩ, dù lớn tuổi hơn nhưng tế nhị, khi nói chuyện hay nhắn tin cứ nhắn với bỉ nhân là Anh xưng Em.
Gọi là quen, gọi là thân chứ chả bao giờ dám nghĩ rằng đủ điều kiện để đến bệnh viện nơi Anh đang làm Trưởng Khoa để khám vì chi phí quá đắt. Để được ở cái vị thế Trưởng Khoa của một bệnh viện như thế không là chuyện đơn giản. Quen thì quen vậy, thân thì thân vậy chứ thân ai nấy lo vì thấy mình nhỏ bé quá trước sự nghiệp cũng như trình độ cũng như cái nhìn của Anh về cuộc đời và cả về Giáo Hội nữa.
Ngạc nhiên, suy nghĩ và càng lặng để suy nghĩ.
Anh – người bác sĩ thân quen – là người rất yêu Chúa. Anh được lớn lên và nuôi nấng đời sống thiêng liêng bởi 1 Cha Dòng Chúa Cứu Thế. Cha Bố của Anh cũng là bác sĩ. Nay Bố không còn nữa nhưng Anh mãi nhớ những ân tình của Bố.
Nghĩ nhiều về Anh vì lẽ cách đây hơn tháng, khi về Sài Gòn, hẹn gặp nhưng Anh từ khước vì Anh báo Anh mới mổ vai xong. Tưởng chừng từ đó cho đến giờ cái vai Anh đã ổn nhưng chưa.
Một bác sĩ giỏi, một nhà y đức tuyệt vời. Dĩ nhiên bạn bè và đồng nghiệp cũng như thầy và trò của Anh nhiều nhưng sao không giải quyết cái vai của Anh cho nó xong mà để đau nhức như vậy ?
Chắc chắn Anh cũng như đồng nghiệp không ai muốn mình rơi vào cái cảnh ngộ như thế.
Cũng có một người chị thân quen. Cũng là bác sĩ nhưng một ngày kia Chị báo tin chị bị K. Nghe xong quả là sốc. Chị mong gặp để Chị khóc và khóc thật nhiều với cái khổ đau mà Chị đón nhận. Đồng nghiệp cũng như Chị đang cố gắng kéo sức khỏe của Chị để Chị được khỏe như lòng mong muốn.
Bác sĩ là những người được học, hiểu biết cũng như chăm sóc sức khỏe cho người khác và dĩ nhiên cả mình. Thế nhưng rồi đâu ai có thể làm chủ hay kiểm soát được sức khỏe của mình. Đơn giản là vì dù bất cứ là ai đi chăng nữa cũng không thể nào nắm giữ vận mệnh của mình. Và rồi, chỉ một mình Thiên Chúa mới làm chủ cuộc đời của con người.
Đâu ai nghĩ rằng bác sĩ là không bệnh ? Bác sĩ là phải khỏe ! Dĩ nhiên khỏe nhưng trong cái thân phận của mình, chả ai hoàn hảo như ông Anh bác sĩ kia.
Con người, dù là ai cũng bị vướng vào khiếm khuyết nào đó để con người không huênh hoang cậy vào sức mình.
Thể xác là vậy, tâm hồn của con người cũng có khác chi đâu. Con người, dù là ai cũng có những có những khiếm khuyết trong cuộc đời để con người thấy mình tội lỗi, yếu đuối và cần được Chúa chữa lành.
Tiếc thay trong cuộc sống, có những người nghĩ mình hoàn hảo để rồi mình moi người này, móc người kia, soi chuyện nọ. Một con người khiêm tốn thật sự chắc chắn sẽ không soi mói hay cũng sẽ không kết án ai vì lẽ họ nhận ra mình cũng đầy những giới hạn.
Trong cuộc sống, khoảng cảnh giữa sự khiêm nhường và kiêu ngạo xem chừng ra rất mong manh. Có những sự khiêm nhường mà người ta vẫn thường gọi là khiêm nhường ống điếu. Núp dưới những ngôn từ khiêm nhường đó nhưng thật ra là những lời cao ngạo.
Con người mà, ai ai cũng có những thiếu sót, những yếu đuối của phận người. Cứ mỗi lần đến lễ an táng cho ai đó, ta thấy người ta vẫn cầu nguyện cho ai đó được Chúa thương xót và cho mau hưởng nhan thánh Chúa mà. Tiếc thay rằng chỉ đến chết người ta mới nại vào lòng thương xót và lúc đó mới nói những lời khiêm nhường ấy còn khi sống người ta tha hồ mà sát phạt nhau, kết án nhau và moi móc nhau.
Ai nào đó ý thức được cái thân phận của mình sẽ dễ dàng thông cảm và tha thứ cho người khác cũng như khiêm tốn thật sự.
Bỉ nhân phải thở bằng máy khi ngủ ! Xem chừng ra căn bệnh đó làm cho cuộc sống của bỉ nhân bất tiện vì đi đâu cũng phải mang theo máy cũng như ngày nào cúp điện thì ngày đó ngại ngủ vì sợ ngủ ngon quá là đi luôn.
Với căn bệnh thể xác như thế cùng với những hạn chế của cuộc đời, bỉ nhân càng nhận ra sự khiếm khuyết của con người, sự bất toàn của con người như vị bác sĩ kia. Dù là giỏi đi chăng nữa nhưng Anh cũng phải nhận một chút gì đó khiếm khuyết của cơ thể để khi đối diện với bệnh nhân, Anh thương bệnh nhân hơn và tìm cách để giúp cho bệnh nhân tốt hơn.
Thiên Chúa công bằng vô cùng ! Chúa chả để cho ai hoàn hảo bởi lẽ khi người ta hoàn hảo người ta càng kiêu ngạo. Có khi chưa hoàn hảo mà người ta vẫn cứ kiêu ngạo.
Mỗi người, nếu nhận ra khiếm khuyết của mình sẽ dễ đón nhận người khác và yêu thương người khác hơn.
Cuộc đời này xem chừng ra rất ngắn và rất vội cũng như vô thường để rồi chúng ta hãy cố yêu người mà sống vì lẽ lâu rồi đời mình cũng qua. Cố yêu người mà sống đó bao hàm cả đón nhận khiếm khuyết lẫn nhau để cùng nhau nhận ra sự yếu đuối và mong mang của phận người. Có như thế ta mới càng xác tín được Chúa mới là Chúa và là Chủ của cuộc đời ta.
Lm. Anmai, CSsR