Một chị kia, tai nạn xảy đến làm cho chị mù cả hai con mắt. Tôi gọi chị là khiếm thị. Chị không chịu và Chị nói là Cha cứ gọi con là mù vì khiếm thị có khi thấy mờ mờ còn này con hoàn toàn không thấy.
Một anh chàng kia bị mất 1 chân do tai nạn lao động cách đây 8 năm. Dĩ nhiên còn 1 chân nên di chuyển cực khó và thiệt thòi cũng như bất tiện cho mọi sinh hoạt thường ngày.
Tiếp xúc với 2 người này, trên khuôn mặt của họ là nụ cười, là niềm vui và bình an. Niềm vui, nụ cười và bình anh của họ là bằng lòng với tai nạn, với cuộc sống hiện tại của họ.
Trước đây, tiếp cận với một linh mục già, Cha ban đầu cũng cảm thấy khó chịu cũng như không bằng lòng với hoàn cảnh mù lòa của mình. Dần dần Cha vui vẻ và bình an đón nhận cái khiếm khuyết của cuộc đời là đôi mắt của Cha không còn lành lặn cũng như sáng như xưa.
Rồi gần đây, với 2 linh mục lòa cũng thế ! Ban đầu, dĩ nhiên là rất khó chịu để rơi vào tình trạng lòa như thế này nhưng dần dần 2 vị vui vẻ và bình an với hoàn cảnh thực tế. Phải nói rằng các cha vui vẻ như là không có bị gì trong cuộc đời dẫu rằng giới hạn khổ nhất của đời sống con người là không còn thấy gì nữa.
Thử hỏi, nếu đứng trước trường hợp khổ đau như thế này thì sẽ làm gì ? Nếu bằng lòng và bình an với tai nạn, với hoàn cảnh thì sẽ bình an và vui sống như những người thân yêu đây. Ngược lại, nếu gọi là đi chữa lành thì sẽ chữa lành như thế nào trong khi y khoa đã không thể nào can thiệp được. Nếu không bằng lòng thì người bị nạn, bị mù lòa đó sẽ tìm cách để chữa chạy, sẽ đi tìm đến thần y hay đến Nhà Chúa Cha hay đến với Nhóm Trừ Quỷ A, B, C nào đó để chữa lành sao ? Có thể đưa cho nhóm Nhà Chúa Cha hay Nhóm Trừ Quỷ nào đó cả tỷ để làm cho những đôi mắt của những người mù lòa này sáng lại hay là cho cái chân của anh bạn được liền khớp với nhau ngay ?
Có bỏ ra tiền tỷ cũng không ai có thể làm cho 2 cha thân yêu của chúng tôi được sáng mắt lại. Có bỏ ra tiền tỷ cũng không thể nào làm cho những người mù vì tai nạn được sáng mắt như chị kia. Có bỏ ra tiền tỷ cũng không thể nào làm cho đôi chân của anh hàng xóm được liền lại như xưa. Chính vì thế đừng tỏ vẻ ra thách thức Chúa hay buồn chán khi mình rơi vào đau khổ.
Khi tiếp nhận đau khổ, mỗi người sẽ có cái nhìn về đau khổ mà mình mang trong đời. Có người thì cảm thấy cay đắng và bi đát cũng như nguyền rủa cuộc đời. Ngược lại, có người vui vẻ và bằng lòng với tai nạn, bằng lòng với thực tại của cuộc sống cũng như sống những ngày còn lại trong đời sẽ bình an.
Có một người kia hỏi cho chồng mình về bệnh tình anh đang mang. Nghe đâu ở chỗ đó chỗ kia chữa bệnh bằng phương pháp gì đó. Anh cũng muốn được chữa lành. Anh và chị dắt díu nhau để đến đó cầu mong được chữa lành. Tiếc thay chỉ ít lâu anh không qua khỏi. Chị thông báo tin Anh đã về nhà Cha và xin hiệp ý nguyện.
Thật sự là khi ai nào đó rơi vào đau khổ cũng mong mình được chữa lành. Đó là ước nguyện thực tế cũng nhu rất gần trong cuộc sống của con người. Thế nhưng đứng trước nhu cầu chữa lành đó, có khi làm cho con người mất niềm tin vào Đấng Tối Cao, vào Thiên Chúa và vào Đấng mà cả đời mình tin tưởng khi mình không được theo như ý mình muốn.
Cũng thế, trong cuộc sống, có những người rơi vào tình trạng thất nghiệp, nợ nần lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất và có khi họ muốn giải quyết cuộc đời của họ bằng cách quyên sinh. Những người không vượt qua nỗi khổ đau đã tìm đến cái chết. Những người còn tin tưởng và phó thác cũng như cố gắng sức mình thì sẽ vùng vẫy để bơi qua được dòng sông dữ là những khó khăn trong cuộc đời.
Trong thực tế của cuộc sống, thường thì nợ nần chồng chất cũng là do cách làm, cách sống của mỗi người. Nếu mình bằng lòng với những gì mình có hay thu nhập mình kiếm được thì sẽ bình an. Con người rơi vào nợ nần chồng chất cũng do lòng tham. Khởi đi từ lòng tham của con người để rồi nợ chồng nợ. Ngày nay chắc có lẽ không có ai chết vì đói nhưng có lẽ chết do tham. Khi con người lao theo dòng chảy của tiền bạc vật chất thì họ lại càng vướng vào đau khổ và ngày càng xa Chúa vì cứ nghĩ rằng Chúa bỏ mình. Thật sự thì Chúa có bỏ ai đâu ? Do con người bỏ Chúa và chạy theo làm tôi tiền của thôi. Chính vì thế, thận trọng khi lôi Chúa vào những đau khổ do lòng tham của con người.
Còn với bệnh tật. Thật sự là một mầu nhiệm. Chả ai muốn mình phải rơi vào căn bệnh như thế để rồi khi mình vướng vào bệnh mình lại có cơ hội để suy nghĩ về phận người. Đã là người thì không ai thoát khỏi cái quy luật của bệnh tật. Đứng trước những khổ đau do bệnh tật ấy, có người vui vẻ dâng hiến cho Chúa cũng như kết hiệp cùng với những đau khổ của Chúa như Thánh Phaolô chia sẻ.
Chả ai muốn mình bệnh tật cả. Bệnh tật đau khổ không chỉ thể xác, tinh thần mà còn hao bao nhiêu tiền của. Nếu như may mắn gia đình có điều kiện chữa trị thì cũng đỡ. Rơi vào cảnh ngặt nghèo thì mới thấy ê mình nhức mẩy là thế nào.
Và lại trở lại với mầu nhiệm đau khổ, một khi rơi vào đau khổ, tạ lại đến với Chúa trong tâm tình nào đó lại là chuyện của mỗi chúng ta. Có người chạy đến để xin chữa lành, có người đến để xin Chúa bổ sức cho để đón nhận đau khổ.
Những người yếu đuối, họ đi tìm đến những vị gọi là thần y hay nhóm này nhóm nọ để chữa trị. Trong thực tế, ta lại thấy giới hạn của con người, kể cả người gọi là phát minh ra phương pháp này phương pháp kia để gọi là cứu nhân độ thế nhưng rồi cũng qua đời và qua đời ở cái tuổi còn rất trẻ.
Với tất cả những điều đó, khi đứng trước đau khổ, mỗi người lại có một hướng đi. Có người vui vẻ và bình an đón nhận với ơn Chúa hộ phù. Có người thì chạy vạy nơi này nơi khác để rồi có người mất niềm tin vào Chúa. Chính vì lẽ đó, đến để xin Chúa chữa lành xem chừng ra có khi bị phản ứng ngược là mất niềm tin vào Chúa vì Chúa là Đấng toàn năng mà.
Thế nhưng đừng quên mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời. Ngay cả Chúa Giêsu – Con Thiên Chúa – đã xuống thế làm người và chấp nhận sống kiếp người ngoại trừ tội lỗi. Đến một lúc nào đó hay đến hẹn, chính Chúa Giêsu còn phải đón nhận cái chết bất công, cái chết bi đát, cái chết cay đắng do con người gây nên.
Thật sự mà nói, nếu đi trong tiến trình niềm tin vào Chúa thì những đau khổ mà mỗi người đang mang trong mình là điều gì đó Chúa mời gọi mỗi người chúng ta kết hiệp với đau khổ của Chúa. Và như Chúa nói ai vác thập giá đời mình mà theo Chúa thì mới là môn đệ của Chúa thật sự.
Mỗi chúng ta, dù là bất cứ ai trong cuộc đời, chúng ta cũng có thập giá đời và mỗi chúng ta sẽ xin Chúa thêm ơn để mình đủ sức vác thập giá hay trút bỏ cây thập giá đời là tự do của mỗi chúng ta. Kinh qua đời sống, tôi vẫn xin Chúa thêm ơn cho tôi để tôi đủ sức vác cây thập giá đời tôi để theo Chúa. Tôi vẫn xin Chúa cho tôi đủ sức để vác tất cả những bệnh tật tinh thần thể xác mà tôi đang mang để theo Chúa cho đến ngày cuối cùng của đời tôi.
Lm. Anmai, CSsR