Đã là người, ai ai cũng biết cần phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong 4 cái học ở đây, có lẽ cái học nói là cái học quan trọng nhất của đời người. Và, câu nói ai ai cũng biết : “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Thật thế ! Nói rất quan trọng đời của con người. Người ta nói : “Cần 3 năm để học nói nhưng cần cả một đời để học im lặng !”.
Nói như thế không phải dạy con người ta phải câm, phải nín, phải lặng nhưng hết sức cẩn trọng trước khi mình phát ngôn. Thánh Giacôbê khá thận trọng về lời nói trong cuộc đời nên Ngài dạy : “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (Gc 1,19-20).
Chả phải khi nóng giận, bình thường cũng cần cẩn trọng với lời nói của mình bởi lẽ không biết rằng lời nói của mình có khi mang tại tác hại không tưởng. Và nên nhớ lời nói đã nói ra rồi thì không rút lại được. Cũng như chia sẻ cái gì trên mạng thì người ta chụp ngay màn hình lại hay là trong đám mây còn bài viết của mình đã gửi.
Tôi đã, đang và còn sẽ chứng kiến những lời nói làm tổn thương người khác và tôi xem như đó là bài học cho bản thân của mình trong hành trình dương thế.
Một người đang gặp nạn. Tin tưởng người bạn của mình và nhờ người đó đi dàn xếp cho mọi sự ổn thỏa. Nào ngờ, người mà mình đi nhờ đó lại không giữ mồm giữ miệng mà đã làm cho câu chuyện càng ngày càng căng thẳng. Nạn nhân của câu chuyện đó đã rơi vào tình thế bị khủng hoảng và đã bị trầm cảm. Bác sĩ tiên đoán nếu như không quân bình thì có thể người này đi tìm đến cái chết để giải thoát cho mình.
Đứng trước sự việc như thế ! Ta mang trong mình lòng thương xót của Chúa hay lại quay lưng lại để kết án anh em của ta ? Đó là sự chọn lựa cùng quyết định của mỗi người.
Ở đời mà ! Có ai can đảm đứng lên nói rằng mình sạch để mình dùng những lời lẽ thóa mạ người khác dưới hình thức rất hoa mỹ ? Ngôn từ của mình thốt ra làm cho người khác như đứt từng đoạn ruột.
Ngày hôm nay, mạng xã hội phát triển và phải nói rằng phát triển đến mức không còn kiểm soát được. Có bài viết mang lại hòa bình nhưng cũng có những bài viết gây chia rẽ bất hòa cũng như tổn hại không lường trước được. Có những bài viết đã làm ảnh hưởng đến cả người chết dẫu rằng người đó đã đi vào giấc ngủ trong Chúa và với Chúa.
Nhiều khi tôi tự nghĩ và nghĩ cũng không ra khi đứng trước những cảnh ngộ như thế !
Một lần, khi còn non trẻ, tôi đã hớ hênh khi viết một bài viết mang tính thời sự và đụng chạm. Sau bài viết ấy, như là một kinh nghiệm để đời để đừng bao giờ phải chắp bút viết những thể loại như thế.
Có thể gọi là nghiệp viết theo đuổi những ai thích. Có khi bài viết thẳng thắn dù không đụng đến ai để rồi ai nào đó tự cảm thấy đụng thì họ nghĩ mình viết cho họ. Người đọc không bao dung cũng như không cảm được những vấn đề người viết đưa ra cũng chỉ là vấn đề chung chung chứ không hề nói bất cứ một ai đó có tên tuổi. Những vấn đề mình viết ra trong dòng suy nghĩ để giúp nhau sống tốt hơn.
Thật sự ra mà nói, tất cả ngôn từ từ nói cho đến viết nó đều khởi đi từ cái tâm. Nếu như có tâm thiện thì trao gửi những lời, những dòng có tâm thiện.
Tâm tình Thánh Phao lô gửi giáo đoàn Ephêsô mà chúng ta cần ghi nhớ : “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng! Ai quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa, trái lại, hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu.Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.30 Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô. (Ep, 4 -26-32)
Hay quá đi chứ ! Phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.
Thánh Anphongsô dạy con cái của mình hãy chiêm ngưỡng Thánh Giá để rồi qua Thánh Giá học được thế nào là đau khổ, vâng phục và tha thứ. Ngài nói nếu như ai nào đó nhìn Thánh Giá mà không thay đổi cuộc đời của mình thì thật đáng tiếc.
Thật thế, Thánh Giá chính là chóp đỉnh của sự vinh quang của Thiên Chúa. Phải đi qua con đường khổ nạn, vác thập giá thì mới có vinh quang phục sinh.
Người môn đệ Chúa Giêsu, tưởng nghĩ trong đời sống của mình nên chăng luôn chiêm ngưỡng Thánh Giá, suy niệm Thánh Giá để kín múc từ ân sủng của Thánh Giá để rồi trở về với đời thường phải thay đổi đời sống của mình nhất là thận trọng về lời ăn tiếng nói của mình.
Là người, ai ai trong chúng ta hơn một lần tổn thương vì người khác nói này nói nọ về mình. Là nạn nhân, ta hiểu được đau khổ là gì khi phải nghe những lời cay đắng. Với tất cả những kinh nghiệm của cuộc đời, nên chăng ta đừng gây đau khổ cho người khác bằng ngôn từ của ta nữa.
Trước khi nói lời gì, trước khi phát biểu lời gì, nên chăng thận trọng một chút để tránh đi những phiền toái và hệ lụy từ lời của mình. Một khi một lời nào đó phát ra thì khó thu lại được.
Còn nhớ 1 câu chuyện kể rằng có 1 người kia đến xưng tội. Người đó xưng tội là hay nói xấu người khác. Cha ra việc đền tội là về mua 1 con gà và vặt hết lông gà rải khắp nhà và sau đó đi lượm lại tất cả những lông gà đó. Người đó nói với Cha đó là con không làm được điều đó. Cha giải tội mới giải thích rằng lời con nói xấu người khác như lông gà bay đi và không thể nào thu lại được.
Những câu chuyện nho nhỏ nhưng cần biết và cần nhớ để sống trong cuộc đời. Nhớ và cần nhớ là đừng bao giờ đi nói xấu người khác cũng như cẩn trọng với ngôn từ của mình. Đừng vì cái tôi của mình mà muốn nói cái gì thì nói và nói cho sướng cái miệng.
Lm. Anmai, CSsR