Tôi đến cư ngụ tại thủ phủ của xứ Lá Phong sau khi tốt nghiệp Đại học và được chính phủ Liên bang tuyển dụng. Được biết nơi đây có cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, tôi đã tìm đến sinh hoạt và tham dự Thánh Lễ. Cho đến nay, giáo xứ đã được thành lập 15 năm, lần lượt dưới sự linh hướng và điều hành của ba linh mục.
Linh mục quản xứ đầu tiên là cha Th. Cảm nhận ban đầu của tôi là… sự hụt hẫng pha lẫn với chút… thất vọng, bởi vì ngài quá ư… bình thường, nếu không muốn nói là… tầm thường, ít ra là so với các linh mục khác mà tôi từng gặp gỡ. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, tôi mới dần dần khám phá, cha Th tuy không nổi bật về điểm nào nhưng lại tiềm ẩn một ưu điểm hiếm có là tính nhẫn nhịn và lòng khiêm nhường. Đó cũng là tính cách cần có nơi người lãnh đạo cộng đoàn. Đơn giản là vì Thiên Chúa tuy toàn năng nhưng tuyệt đối tôn trọng sự tự do của con người. Do đó, người ta có chịu tự hủy mình ra không, nhường chỗ cho Chúa thì Ngài mới giang tay thi thố trọn vẹn quyền năng tối thượng của Ngài.
Thế là tôi đã đi từ ngỡ ngàng này cho đến ngỡ ngàng khác, chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng cùa cộng đoàn. Lúc ấy, tôi mới bắt đầu ngạc nhiên khâm phục sự « tầm thường » của cha xứ. Tuy ngài không có biệt tài giảng thuyết nhưng các Thánh lễ vẫn thu hút khá đông tín hữu tham dự, thậm chí các ngày lễ trọng, giáo xứ phải xếp thêm ghế vì thánh đường không đủ chỗ ngồi. Đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, ngài đã thiết lập ban thanh niên và củng cố phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, khuyến khích các em tham gia vào phụng vụ để trau dồi niềm tin và duy trì truyền thống dân tộc. Ngoài ra, ngài còn hình thành câu lạc bộ bóng bàn giúp đám trẻ nâng cao thể lực và kết tình thân hữu, tổ chức các khóa học thăng tiến hôn nhân và các buổi tĩnh tâm với đề tài lôi cuốn do các tu sĩ khác nhau đảm nhiệm. Chưa kể là ngài đã làm khá nhiều việc hy sinh thầm lặng, rất ít ai biết đến. Chẳng hạn, ngài đích thân sửa chữa nhà thờ, chỉ với sự phụ giúp của vài người và tự nguyện giảm bớt lương bổng để đền bù vào ngân sách thiếu hụt của giáo xứ.
Suốt 12 năm phục vụ giáo xứ, cha Th đã âm thầm gieo rắc và vun xới những hạt giống tốt tươi của tinh thần phục vụ khiêm hạ, cho đến hôm nay, vẫn còn lưu lại trong tôi và nhiều người. Xin kính gửi đến cha lời tri ân chân thành. Hiện nay, Chúa đã giao phó cho cha một sứ vụ mới mẻ nhưng 12 năm cha lưu lại nơi đây thật không uổng phí chút nào.
Linh mục kế nhiệm là cha Q. Thú thật là ngài đã tạo nơi tôi cái nhìn phản cảm ngay lần tiếp xúc đầu tiên. Cảm giác khó chịu ấy cứ lớn dần với cung cách phát ngôn và phán quyết mà tôi cho là không thích hợp. Cho đến một hôm, tình cờ nghe biết về những vấn đề nan giải trong giáo xứ mà ngài đang phải đương đầu, tôi mới nghiệm ra sự vô lý của mình. Xét cho cùng, cha Q không có thiếu sót gì to tát ngoài việc thiếu kỹ năng giao tiếp. Khiếm khuyết ấy tuy có ảnh hưởng đến công việc mục vụ nhưng vẫn không phải là tội danh nặng nề trước Nhan Thiên Chúa. Thứ ác cảm mà tôi nung nấu, chẳng đem lại được ơn ích gì cho ai, mà chỉ khiến bản thân tôi bất an day dứt.
Từ đấy, tôi mới tự vấn, vì sao tôi không cầu nguyện cho ngài? « Không có gì là không thể được đối với Thiên Chúa » (Lc 1:37), Đấng đã từng hoán cải biết bao kẻ tội đồ hồi đầu trở lại, huống chi là việc uốn nắn những khuyết điểm nhỏ bé. Rất tiếc là tôi đã thiếu niềm tin, vì vậy, tôi đang cố gắng đền bù lầm lỗi của mình bằng cách nhớ đến cha Q trong lời nguyện, xin Chúa gìn giữ và trợ giúp ngài vượt qua mọi khó khăn để luôn luôn vững vàng trong ơn gọi.
Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục đành phải qua đến tận xứ cờ hoa, thỉnh một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế về cho giáo xứ. Thoạt nhìn, cha T không để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc gì. Nhưng chỉ vài tháng sau, tôi mới bàng hoàng phát hiện, ngài quả là một… đại cao thủ! Thành thật mà nói, ngài chẳng vận dụng chiêu thức gì cao siêu, ngoài việc phân phát tràng hạt với lời dặn dò ân cần là hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi, và cho căng một biểu ngữ thật lớn giữa thánh đường : « Đức tin không có việc làm là đức tin chết » (Gc 2:26)! Đấy, một bí kiếp đơn giản như « đang giởn » vậy, mà công lực dồi dào đến nỗi ngài chỉ mới khe khẽ phất tay, xuất chiêu nhẹ nhàng tựa tơ hồng mà quần hùng lớp lớp đổ rạp.
Trước đây, các cha xứ mặc sức kêu gào hò hét, rốt cuộc may ra có được vài người lục tục hưởng ứng. Nhà thờ xập xệ, không ai sửa, nhà bếp bầy bừa, không ai dọn, nhà xí hư hỏng, không ai ngó. Bây giờ khác hẳn, khắp khuôn viên tấp nập kẻ ra người vào, xông xáo làm việc này, hăng say làm việc kia. Những bộ mặt một thời lạnh lùng nhăn nhó đã rạng rỡ nụ cười thân ái hiền hòa. Trong vòng một năm nhậm chức, cha T đã quy tụ một nhóm chuyên ngành xây dựng chung sức đại trùng tu thánh đường. Hoạt động của các hội đoàn, trong đó có Thiếu Nhi Thánh Thể, cũng trở nên sôi nổi, nhộn nhịp và hiệu quả hẳn lên. Đặc biệt là các chương trình đêm được tổ chức chu đáo với những bộ film đầy ý nghĩa kèm theo bữa ăn ấm cúng, vừa có tác dụng củng cố đức tin, vừa kết chặt tình thân giữa các thành viên của giáo xứ.
Thật ra, cha T đâu có làm điều gì mới lạ. Ngài chỉ hướng dẫn cộng đoàn dựa theo linh đạo truyền thống của Hội Thánh, một linh đạo đã được Mẹ Têrêsa thành Calcutta đúc kết và nêu gương một cách tuyệt vời:
Kết quả của thinh lặng là cầu nguyện
Kết quả của cầu nguyện là đức tin
Kết quả của đức tin là tình yêu
Kết quả của tình yêu là phục vụ
Kết quả của phục vụ là bình an
Hoặc diễn giải một cách nôm na theo nguyên tắc toán học là :
cầu nguyện + phục vụ = không còn thời gian để « nhàn cư vi bất thiện »
Cha T đã thành công cân bằng phương trình nan giải ấy để rồi dẫn đến hệ luận tất yếu là bình an, bình an cho cá nhân và bình an cho cộng đoàn! Tạ ơn Chúa Thánh Thần đã soi đường dẫn lối cha xứ của chúng con!
Tuy vậy, nội công thâm hậu của cha T vẫn chưa đạt đến mức thượng thừa để được miễn nhiễm khỏi những ánh mắt dị nghị xét nét đâu nhé. Cụ thể là có lần tôi thăm dò con gái :
- Con có thích cha T không?
- Thưa không! – Bé thản nhiên đáp ngay, không cần nghĩ ngợi.
- Sao thế? – Tôi ngẩn người, hỏi vặn.
- Uhm… Uhm… – Bé ngập ngừng, lim dim mắt suy gẫm một lúc rồi mới vòng vo – Con thích cha Th hơn tại cha Th « hiền » hơn, « dễ thương » hơn…
Làm cha xứ thời hiện đại khổ thế đấy, « ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê »! Nhưng tôi chợt nhớ, năm xưa, Chúa Giêsu có đến 12 môn đồ, mà Ngài lại chỉ định ngay Thánh Phêrô là người đã từng chối Ngài ba lần để đứng đầu Hội Thánh, chứ không chọn Thánh Gioan là môn đệ vừa được ưu ái nhất, vừa chẳng chối Chúa bao giờ!
Về phần đời sống cộng đoàn, nhìn từ bề ngoài, các hoạt động thờ phượng và sinh hoạt đều rất trang trọng và sốt sắng. Dầu vậy, bề trong, không phải lúc nào cũng cơm lành, canh ngọt. Theo nhận xét thiển cận của tôi, phần lớn các lục đục nội bộ xảy ra đều xuất phát từ một tâm lý rất thông thường và phổ quát. Ấy là mỗi khi có sự va chạm, người ta sẽ trước hết nghĩ ngay đến sai lầm của người khác, để rồi cay đắng phẫn nộ, từ đó dẫn đến một hệ lụy không tránh khỏi mà thuật ngữ của ngành vi tính học đã gán cho danh từ « deadlock », hầu diễn tả một tình trạng hoàn toàn đình trệ, bế tắc, không lối thoát. Quả vậy, nếu ai cũng chỉ đổ lỗi cho người khác, mà không chịu nhận lỗi về phần mình, thì sự xung đột sẽ cứ thế bùng phát theo chiều xoáy ốc cho đến khi mọi mối dây tương quan đều bị đứt tung ra. Hậu quả sau cùng thật khôn lường, nhẹ nhất là không ai ngó mặt ai và nặng nhất là… đấu đá cho đến lúc kẻ mất người còn!
Cá nhân tôi dĩ nhiên cũng không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn tự nhiên của hỷ nộ ái ố ấy. Nhưng may mắn thay, Thiên Chúa đã run rủi cho tôi tìm được lối thoát diệu kỳ. Số là một buổi sáng Chúa Nhật nọ, bé gái nhà tôi bỗng lăn đùng ra khóc lóc, nhất định không chịu đi sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể. Tôi ngạc nhiên gặng hỏi lý do. Bé mếu máo kể lể :
- Bạn ABC cứ đi theo chọc con hoài!
Quả là một bài toán hóc búa! Vừa vội, vừa bí lối, tôi đành nói bừa để tạm dỗ dành con:
- Con bực tức thì giải quyết được gì? Con càng giận, bạn càng thích, càng trêu con thêm. Vả lại, bạn trêu con, đúng là không tốt, nhưng cũng không có nghĩa là bạn sai hoàn toàn. Biết đâu con đã làm điều gì đó chướng mắt trước khiến bạn thấy gai trong lòng mà đâm ra trêu con? Sao con không cầu xin Chúa? Chỉ có Chúa mới biết rõ, ai đúng, ai sai, ai cần sửa đổi, và sửa đổi ở chỗ nào. Con không có khả năng thay đổi bạn, con cũng không biết con sai chỗ nào để tự thay đổi, nhưng Chúa biết. Nếu con cầu xin, chắc chắn Ngài sẽ giúp con! Mẹ cũng sẽ cầu nguyện với con.
Không hiểu sao, tôi dám bạo mồm quả quyết một tràng như đinh đóng cột thế, chứ thú thật là trong thâm tâm, tôi không cầm chắc một Thiên Chúa Siêu Vời sẽ hạ mình can thiệp vào trò cãi cọ vu vơ kia. Ngờ đâu, vài tuần sau, tôi hỏi lại thì bé cười toe toét đáp:
- Bạn ABC hết chọc con rồi!
Một thời gian sau, bé lại giãy đành đạch, một hai từ khước tham gia tập múa trong nhà thờ với lý do :
- Trong đội múa có bạn XYZ đã múa sai bét mà cứ tày lanh chê bai người khác. Đã vậy còn hay nói bậy bạ làm con và mấy bạn khác bực mình!
Eo ôi! Vẫn là chuyện thị phi phù phiếm của trẻ con! Vừa nghe qua, đã thấy đau đầu rồi, tôi đành nghiêm nghị bảo :
- Thứ nhất, con nghĩ là bạn múa sai nhưng chưa chắc bạn đã múa sai. Chỉ có cô giáo mới biết được ai múa đúng, ai múa sai. Thứ hai, nếu con đã khẳng định được bạn làm điều gì sai, thì đừng bắt chước làm sai theo bạn. Thứ ba, nếu hễ thấy bạn không vừa ý con, rồi con giận dỗi, tẩy chay bạn, thì kể như con mất một người bạn. Cứ tiếp tục như thế, con sẽ mất bạn dài dài cho đến khi chẳng còn đứa bạn nào. Con nên nhớ, trên đời này, không có ai hoàn hảo hết, kể cả bản thân con! Chưa kể là mỗi khi bực tức, con tự đánh mất sự bình an của chính mình. Như vậy, kẻ thiệt thòi trước tiên sẽ luôn luôn là con. Sao con không cầu xin Chúa giúp bạn con thay đổi? Chỉ cần bạn chịu thay đổi, hết chướng thối, là con khỏe rồi. Con vừa giữ được tình bạn, vừa giữ được tâm hồn luôn an lạc, vui vẻ!
Lần này, tôi cũng liều mạng đùn đẩy qua cho… Chúa mà trong bụng đánh… lô tô, chẳng hiểu Thiên Chúa Toàn Năng có khấng chịu nhúng tay vào trò đôi co vô nghĩa này không nữa! Vậy mà vài tuần sau nữa, tôi kinh ngạc thấy con cặp kè thân thiện với đứa bạn « xí xọn » nọ, đã thế còn thích chí khoe :
- Bạn XYZ bây giờ ok rồi!
Bấy giờ, tôi mới thở phào, phục lăn lóc sự khôn ngoan siêu vời của… Chúa Thánh Thần! Chắc chắn là Ngài linh hứng cho tôi rồi, chứ cái đầu bé nhỏ rỗng tuếch của tôi làm sao có thể phát minh ra một giải pháp giản dị nhưng lại công hiệu một cách thần kỳ như vậy!
Khổ nỗi, đã lỡ dạy con như thế rồi thì chính mình cũng phải… áp dụng theo. Không lẽ nói một đằng, làm một nẻo? Thế rồi ngày tháng trôi đi, tôi bỡ ngỡ chứng kiến sự lột xác từng bước của tâm hồn mình, kèm theo là ánh mắt đã trở nên thân ái hơn của những người xung quanh. Thảo nào, các Thánh Lễ đều mở đầu bằng Kinh Cáo Mình:
Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng, và cùng anh chị em… lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…
Thật thế, « lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng » chính là chiếc chìa khóa vạn năng có khả năng phá vỡ các mắt xích của hiểu lầm, đố kỵ, đã nối kết chặt chẽ với nhau thành chiếc vòng xoáy bế tắc của các cuộc xung đột, mâu thuẫn dai dẳng, không chấm dứt trong nhân thế. Tuy nhiên, đấy cũng là một ân huệ mà người ta chỉ có được nhờ cầu nguyện bởi chỉ có Thiên Chúa mới có đủ quyền năng điều hướng đôi mắt tâm linh mù tối của con người về phía lầm lỗi của bản thân, thay vì đăm đăm bơi móc, xoi mói vào sai trái của kẻ khác.
Giữa thời đại khoa học kỹ thuật đang tiến triển lên tới đỉnh cao mà đề cập đến cầu nguyện, nhất là lần chuỗi Mân Côi, phần đông ai nấy đều cười khẩy xem thường, cho là lỗi thời, vô dụng. Xưa kia, lúc còn ở lứa tuổi ngông nghênh « đầu đội trời, chân đạp đất », tôi cũng từng lắc đầu thất vọng trước đời sống chiêm niệm khép kín, xa rời thực tế của các đan viện. Nhưng một khi gối bắt đầu mỏi, chân bắt đầu chồn, tôi mới dần dà cảm nhận sức mạnh vô song của một hành vi có vẻ thụ động, yếm thế ấy :
Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi (Mc 9:29).
Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa (Lc 18:27)
Bởi lẽ, trên đời này, có rất nhiều việc mà tự sức người phàm, không thể làm được, hoặc giả như có thể, cũng không thể làm tới nơi tới chốn. Một trong những tình huống thách đố ấy, chính là kỳ vọng cải hóa kẻ khác mà không màng sửa đổi chính mình!
Hội Thánh Công Giáo vốn có truyền thống sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Vậy mà theo tất cả các trình thuật Tin Mừng, suốt thưở sinh thời, Đức Maria chẳng hề làm bất cứ điều gì cao siêu vĩ đại, ngoài việc… cầu nguyện và vâng phục :
Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lc 2 :51)
Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói (Lc 1:28)
Vả lại, dưới lăng kính nhân loại, Đức Maria hoàn toàn là một nhân vật không tên tuổi. Như thế, chính nhờ và chỉ nhờ vào việc trung kiên cầu nguyện và vâng phục cho đến dưới chân Thập Giá mà Mẹ Maria đã xứng đáng được Hội Thánh tôn vinh với đủ tước hiệu cao cả, nào là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo Hội, nào là Nữ Vương Hòa Bình, Đấng Đồng Công Cứu Chuộc…
Đấy cũng là nguyên do vì sao Đức Giêsu luôn khẳng định : « Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời » (Mt 18:3). Vậy đâu là điểm khác biệt nền tảng giữa trẻ nhỏ và người lớn? Ấy là trẻ thơ chỉ biết khiêm hạ thỏ thẻ cầu xin, trong khi những kẻ kiêu hãnh tự cho là « trưởng thành » lại luôn ỷ vào sức lực giới hạn và trí tuệ hẹp hòi của mình mà vênh váo trước Nhan Thiên Chúa, giành quyền tự quyết!
Trở lại với đời sống cộng đoàn, thêm một thứ tâm lý lệch lạc phổ biến nữa là mỗi khi có sự bất hòa, người ta lập tức tìm cách hạ gục và loại trừ kẻ đối đầu với mình. Trái lại, Đức Giêsu phán bảo : « hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em » (Mt 5:44). Đối với nhãn quan thế tục, đây là một thái độ nhu nhược, ương hèn nhưng lại là sự khôn ngoan tuyệt hảo của con cái sự sáng. Đơn giản là vì người ta không thể sống an nhàn, yên ổn bao lâu xung quanh vẫn còn đầy rẫy kẻ thù. Tiêu diệt toàn bộ kẻ địch quả là việc bất khả thi, mà giả như có thực hiện được thì kẻ chiến thắng khải hoàn cũng sẽ chẳng vẻ vang gì bởi hắn khó tránh khỏi thương tích, tổn thất nặng nề, chưa kể là phải nhọc nhằn lê lết quãng đời còn lại trong cô độc, hiu quạnh! Do đó, yêu mến kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ chính là bí quyết nhiệm mầu giúp cải hóa địch thủ, biến thù thành bạn hầu kiến tạo hòa bình, xây dựng phúc lợi cho chính cá nhân và cả cộng đoàn!
Nhân loại hôm nay đã rút ra được những bài học đắt giá từ các cuộc chiến tranh đẫm máu nhưng vô bổ trong quá khứ. Nhờ vậy, các quốc gia trong hiện tại luôn thiên về giải pháp đàm phán, hòa giải hơn là sử dụng vũ lực, bạo động. Hơn thế nữa, trong các cuộc thương lượng, người ta cố gắng đi đến cái gọi là « win-win solution », tức một thỏa thuận tối ưu mà cả hai bên đều có lợi. Rất dễ hiểu là vì trong một cuộc tranh chấp mà có kẻ được người mất thì thể nào những kẻ bại trận cũng sẽ ấm ức âm thầm tìm cách phá hoại, không để kẻ thắng cuộc yên thân, vênh vang hưởng thụ chiến lợi phẩm!
Tiếp tục bàn về ba linh mục đã từng và hiện đang quản nhiệm giáo xứ, quả là mỗi vị mỗi vẻ và đều có những ưu khuyết điểm khác biệt. Đã thế, với cương vị lãnh đạo, các ngài chẳng khác nào làm dâu trăm họ, vừa ý kẻ này thì sẽ mếch lòng kẻ khác. Dưới góc nhìn hạn hẹp của riêng tôi, cha nào cũng có vài lối hành xử hay hướng giải quyết mà bản thân tôi không tán thành. Nhưng mặt khác, tôi cũng ý thức, điều quan trọng nhất là các ngài sống và thực thi theo ý Chúa, chứ không phải theo ý tôi. Khi tôi bất đồng quan điểm với các ngài, không nhất thiết là tôi đúng, các ngài sai! Vả lại, tôi xác định rõ, nếu vì một lý do nào đấy, các linh mục không thể hoàn tất mỹ mãn vai trò được giao phó, hoặc thậm tệ hơn là đánh mất ơn gọi thì kẻ thua thiệt hàng đầu chính là tôi và toàn thể cộng đoàn, đặc biệt giữa thời buổi mà ơn thiên triệu càng lúc càng trở nên khan hiếm! Vì vậy, theo thiển ý của tôi, cộng đoàn nên làm một việc thực tiễn, hữu dụng là kiên tâm cầu nguyện cho các linh mục, hơn là ca cẩm, phàn nàn về các ngài.
Maria Nguyễn Phương Thảo
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho các linh mục quản xứ ơn khôn ngoan sáng suốt để các ngài luôn biết phán đoán, định liệu, và linh hướng cộng đoàn theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng được mệnh danh là Nữ Vương Hòa Bình, cầu bầu và hướng dẫn cộng đoàn chúng con, ngõ hầu chúng con trở nên muối men của sự an bình và ánh sáng của sự hiệp nhất giữa một thế giới vẫn còn đầy tranh chấp và hận thù. Amen.
Têrêsa Nguyễn Phương Thảo