Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 14 Tháng 11 2011 21:02

Công Giáo Thế Giới Nhìn Từ Vatican 3/11/2011 - 10/11-2011

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
DucThanhCha    Đức Thánh Cha được kể là một trong các nhân vật có ảnh hưởng đến đời sống toàn thế giới

 VietCatholic Network11/11/2011

Đức Thánh Cha được kể là một trong các nhân vật có ảnh hưởng đến đời sống toàn thế giới

Giáo Hội Công Giáo dành tháng 11 để cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng ta. Sáng 3 tháng 11, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho 10 vị Hồng Y và hàng chục Giám Mục đã qua đời trong năm qua.

“Chúng ta dâng lời cầu nguyện được linh hoạt bởi đức tin nơi cuộc sống vĩnh cửu và nơi mầu nhiệm hiệp thông với các thánh lên Thiên Chúa để cầu cho tất cả và cho mỗi một người”.

Ngài nhấn mạnh rằng thật khó mà chấp nhận cái chết, nhưng sự Phục sinh của Chúa Kitô là điều làm cho mọi sự trở nên có ý nghĩa.

“Cái chết của Chúa Kitô là nguồn mạch sự sống vì nơi cái chết ấy Thiên Chúa tuôn đổ tất cả tình yêu của Ngài, như một dòng thác lũ cuồn cuộn.”

Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Hồng Y và Giám Mục đã được cử hành tại đền thờ Thánh Phêrô với sự hiện diện của các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục trong giáo triều Rôma.

Cũng trong khuôn khổ tháng các linh hồn, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện tại tầng hầm của đền thờ Thánh Phêrô nơi chôn cất thi hài các vị tiền nhiệm của ngài.

Ngài đã dành vài phút cầu nguyện trước mộ thánh Phêrô cùng với ca đoàn Sistina của Tòa Thánh. Đức Thánh Cha đã không đến nơi để thi hài Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II như các năm trước vì sau khi được phong chân phước thi hài của Đức Cố Giáo Hoàng đã được di chuyển ra đền thờ Thánh Phêrô.

Theo thông cáo của Tòa Thánh được đưa ra hôm 3 tháng 11, giáo phận lớn thứ ba tại Thụy Sĩ sẽ có tân giám mục.

Tòa Thánh vừa công bố một quyết định quan trọng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. Ngài đã cử một linh mục dòng Đa Minh là cha Charles Morerod người Thụy Sĩ làm tân Giám Mục Lausanne, Geneva và Fribourg. Cho đến nay, ngài là hiệu trưởng Đại Học Angelicum tại Rôma và là tổng thư ký của Ủy Ban Thần Học Quốc Tế. Trong cương vị mới, ngài sẽ là chủ chăn một giáo phận lớn thứ ba tại quê hương ngài.

Đức tân Giám Mục vừa tròn 50 tuổi gần đây. Ngài đã gia nhập dòng Đa Minh từ năm 22 tuổi và nhanh chóng trở thành một thần học gia và một triết gia lừng danh trên thế giới. Ngài là một trong những thành viên trong ủy ban Tòa Thánh đối thoại với Huynh Đoàn Thánh Piô thứ 10.

Ngài được bổ nhiệm để thay thế cho Đức Giám Mục Bernard Genoud /dze: noud/ qua đời tháng 9 năm 2010.

Hồng Y đoàn còn 112 vị sau khi Đức Hồng Y Bernard Francis Law mừng sinh nhật thứ 80.

Đức Hồng Y Bernard Francis Law vừa tròn 80 hôm 4 tháng 11 vừa qua. Ngày sinh nhật này có nghĩa là ngài không còn quyền bầu Giáo Hoàng nữa.

Từ năm 2004, vị Hồng Y nguyên Tổng Giám Mục Boston, Hoa Kỳ đã là linh mục trưởng của Đền Thờ Đức Bà Cả tại Rôma.

Đức Hồng Y Law đã được tấn phong Hồng Y bởi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1985. Năm 2005, ngài đã tham dự Cơ Mật Viện để bầu Đức Hồng Y Joseph Ratzinger làm Giáo Hoàng.

Sau Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 6 tháng 11, Đức Thánh Cha đã kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Nigeria.

Ngày thứ sáu tuần vừa qua lực lượng hồi cuống tín Boko Haram đã ném lựu đạn và xả súng bắn vào người dân kitô sống trong nhiều khu phố ở Damaturu, thủ phủ bang Yobe bắc Nigeria, khiến cho hơn một trăm người thiệt mạng. Đức Thánh Cha nói: Tôi chú ý theo dõi các biến cố thê thảm đã xảy ra trong các ngày vừa qua tại Nigeria. Trong khi cầu nguyện cho các nạn nhân, tôi mời gọi chấm dứt mọi bạo lực không giúp giải quyết mà chỉ gia tăng các vấn đề, bằng cách gieo rắc thù hận và chia rẽ cả giữa các tín hữu.

Đức Thánh Cha cũng đã nhớ tới các nạn nhân lũ lụt tại Genova, tây bắc Italia. Ngài tỏ tình liên đới và cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ cũng như tất cả mọi người đang gánh chịu các thiệt thòi và mất mát vì lũ lụt.

Trong buổi tiếp đại sứ Bờ Biển Ngà đến trình quốc thư hôm 7 tháng 11, Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự đau buồn của ngài về những vi phạm nhân quyền vẫn đang tiếp diễn tại quốc gia này.

Ông Joseph Tebah-Kla, tân đại sứ Bờ Biển Ngà đã trình quốc thư lên Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16. Đức Thánh Cha đã nhắc lại cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Bờ Biển Ngà trong thời gian qua đã vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và gây thương vong cho cơ man những nạn nhân.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã yêu cầu tân đại sứ và chính phủ nước này cổ vũ cho các sáng kiến dẫn đến hòa bình và công lý.

Ông Joseph Tebah-Kla năm nay 63 tuổi đã lập gia đình và có 3 con.

Cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, vừa thông báo về quyết định đóng cửa đại sứ quán Ireland cạnh Tòa Thánh và cho biết quyết định này không gây ảnh hưởng đến qun hệ ngoại giao giữa Ireland và Tòa Thánh.

Cộng Hòa Ireland đã đóng cửa đại sứ quán cạnh Toà Thánh và một số nước khác trong khuôn khổ cắt giảm chi tiêu quốc gia. Đức Hồng Y Sean Brady là Tổng Giám Mục Armagh cũng là Thượng Phụ Toàn Ireland bày tỏ sự thất vọng của ngài trước quyết định này.

Trong khi đó, cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết “Tòa Thánh ghi nhận quyết định của Ireland về việc đóng cửa đại sứ quán của mình tại Roma bên cạnh Toà Thánh. Lẽ tất nhiên mỗi nước có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh được tự do quyết định, trên cơ sở các khả năng và lợi ích của mình, có một đại sứ bên cạnh Tòa Thánh ở tại Roma hoặc ở tại một nước khác".

Cha Lombardi nhấn mạnh: “Điều quan trọng chính là các mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và các quốc gia, và đối với Ireland hiện nay, nước này không xét lại các quan hệ ngoại giao của mình với Tòa Thánh”.

Ngày 3-11, Bộ Ngoại giao Ireland thông báo đóng cửa đại sứ quán của mình bên cạnh Tòa Thánh tại Roma. Iran và Đông Timor.

Chính phủ Dublin nhắc đến sự cần thiết về kinh tế và tài chính để "đáp ứng các mục tiêu chương trình của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), và để duy trì các chi tiêu công ở mức độ có thể chấp nhận được", và vì vậy Ireland phải cắt giảm nhiều “cơ sở công cộng”.

Nhiều nước có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, và trong khi có một đại sứ quán bên cạnh nước Ý, lại không có tòa đại sứ đặc biệt bên cạnh Tòa Thánh tại Roma. Cũng xảy ra trường hợp là một đại sứ ở một nước khác của châu Âu đồng thời là Đại sứ bên cạnh Tòa Thánh.

200 vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục các giáo phận tại Hoa Kỳ đang tham dự ad limina từ đây đến các tháng đầu năm 2012.

Các Đức Giám Mục Hoa Kỳ đang dự ad limina tức là viếng mộ các thánh Tông Đồ và thăm các cơ quan trung ương Tòa Thánh mỗi 5 năm một lần.

Các ngài sẽ có những báo cáo và trao đổi với giáo triều Rôma về tình hình các giáo phận Hoa Kỳ hiện nay.

Cuộc ad limina của các Giám Mục Hoa Kỳ gồm khoảng 200 vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục sẽ được chia thành 15 nhóm. Các vị sẽ đến Rôma trong khoảng thời gian tháng 11 và các tháng đầu năm 2012. Nhóm thứ nhất do Đức Hồng Y Sean O' Malley, Tổng Giám Mục Boston, dẫn đầu. Trong cuộc gặp gỡ với các vị Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ có 5 bài diễn văn phản ánh những suy tư của ngài về tình hình Giáo Hội tại Hoa Kỳ.

Đây là lần đầu tiên, Đức Thánh Cha tiếp kiến các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục Hoa Kỳ trong khuôn khổ ad limina.

Hàng ngàn sinh viên các trường Đại Học tại Rôma đã tham dự buổi kinh chiều tạ ơn với Đức Thánh Cha nhân dịp khai giảng năm học mới.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chủ sự buổi kinh chiều với sinh viên các Đại Học tại Rôma hôm 4 tháng 11 vừa qua.

Buổi kinh chiều nằm trong khuôn khổ chào đón năm học mới vừa diễn ra sau kỳ nghỉ hè đã được cử hành tại đền thờ Thánh Phêrô với sự tham dự đông đảo của sinh viên các trường đại học tại Rôma.

Một Giám Mục tại Trung Mỹ đã bày tỏ ước muốn trở thành tổng thống sau khi ngài về hưu.

Đức Cha Luis Santos Villeda, Giám Mục giáo phận Santa Rosa de Copan tròn 75 tuổi trong tháng 11 này. Theo giáo luật, ngài đã đệ đơn xin từ chức và đã được Đức Thánh Cha chấp thuận.

Dù đã được chấp thuận cho từ chức, Đức Cha Luis Santos Villeda vẫn còn chức thánh và giáo luật không cho phép ngài giữ các chức vụ công quyền. Tuy nhiên, ngài hy vọng giáo triều Rôma sẽ chuẩn chước cho trường hợp của ngài.

Đức Cha Luis Santos Villeda nói rằng ngài trở thành tổng thống không phải là ước muốn của ngài: “Các nhà lãnh đạo đảng Tự Do đã yêu cầu tôi ra tranh cử tổng thống vào thập niên 1990 và lần thứ hai vào năm 2009, nhưng cả 2 lần tôi đã từ chối”.

Đức Thánh Cha nói với tân đại sứ Đức quốc cạnh Tòa Thánh rằng xã hội chỉ có thể nhân bản nếu biết tôn trọng sự sống con người.

Hôm 7 tháng 11, Đức Thánh Cha đã tiếp tân đại sứ Reinhard Schweppe đến trình quốc thư. Trong buổi tiếp ngài nhấn mạnh rằng “Giáo Hội không bảo vệ các lợi ích của chính mình nhưng là phẩm giá con người”.

Ngài cũng cảnh cáo rằng “chỉ một xã hội biết tôn trọng và bảo vệ phẩm giá mỗi con người một cách vô điều kiện, từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên mới có thể gọi là một xã hội nhân bản”.

Đức Thánh Cha cũng đặc biệt cảnh báo về tình trạng những phim khiêu dâm trê Internet đang là một mối lo của các gia đình Đức và nói rằng Giáo Hội Công Giáo tại Đức phải chống lại “hình thức lạm dụng này một cách rõ rệt và quyết liệt”.

Đức Thánh Cha được kể là một trong các nhân vật có ảnh hưởng đến đời sống toàn thế giới.

Tạp chí Forbes vừa đưa ra danh sách các nhân vật có ảnh hưởng nhất trên đời sống nhân loại trong năm 2011. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã được kể là nhân vật thứ 7.

Nhân vật thứ nhất là tổng thống Hoa Kỳ ông Barack Obama. Tiếp đó là thủ tướng Nga ông

Vladamir Putin. Nhân vật thứ ba là trùm cộng sản Tầu Hồ Cẩm Đào.

Hai nhân vật tiếp theo là nữ thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Bill Gates chủ nhân công ty điện toán Microsoft. Kế đó là vua Abdullah bin Abdul Aziz của Ả rập xê út.

Chủ tịch ngân hàng dự trữ Hoa Kỳ Ben Bernanke là nhân vật thứ 8 sau Đức Thánh Cha. Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook đứng thứ 9 và thủ tướng Anh David Cameron đứng thứ 10.

Việc xếp hạng dựa trên các khả năng tài chính, và ảnh hưởng của các nhân vật này đối với những biến cố trên thế giới.

Đoàn đại biểu Illinois sẽ được vinh danh tại Rôma vì chống án tử hình.

Trong tháng Ba vừa qua, Thống Đốc Pat Quinn của bang Illinois đã ban hành luật hủy bỏ án tử hình tại bang này. Đây là kết quả của những nỗ lực trường kỳ của các nhóm phò sinh. Một đoàn đại biểu các nhóm này sẽ được chào mừng tại Rôma.

Cộng đoàn Thánh Egidio tại Rôma đã mời các đại biểu bang Illinois đến Vatican để vinh danh các cố gắng chiến đấu cho nhân quyền và bảo vệ người nghèo của người Công Giáo bang Illinois, Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha sẽ tiếp kiến đoàn trong buổi triều yết chung sáng thứ Tư 30 tháng 11.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ viếng thăm mục vụ nước Benin

Trong các ngày 18-20 tháng 11 này Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ viếng thăm mục vụ nước Benin, để công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu Kỳ II và kỷ niệm 150 năm truyền giáo tại Benin.

Đức Cha Barthélemy Adoukonou, tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá đã cho biết một vài nhận định sau về chuyến công du mục vụ của Đức Thánh Cha tại Benin.

“Benin đã chẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha với sự phấn khởi. Giáo Hội điạ phương đã hoạt động khẩn trương trong gần một năm qua từ khi chuyến tông du được công bố. Nhà cầm quyền cũng tích cực chuẩn bị không kém để cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha được trôi chảy”.

Đức Thánh Cha sẽ đến Benin vào thứ Sáu 18 tháng 11. Sau khi đến nơi, Đức Thánh Cha sẽ công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi Châu đã nhóm tại Vatican hồi tháng 10 năm 2009.

Đức Cha Barthélemy Adoukonou cho biết thêm:

“Trong thánh lễ tại Cotonou, Đức Thánh Cha sẽ công bố tài liệu này cho Giáo Hội tại Phi Châu. Giờ phút ngài công bố Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục là một thời khắc quan trọng. Thượng Hội Đồng đầu tiên của Phi Châu đã xác định Giáo Hội tại Phi Châu như là gia đình của Thiên Chúa. Thượng Hội Đồng thứ 2 này sẽ thúc đẩy chúng ta chuyển hoá xã hội”.

Benin rộng 112.620 cây số vuông có hơn 7 triệu dân, gồm khoảng 40 chủng tộc. Chủng tộc lớn nhất là người Fon chiếm 40%, tiếp đến là người Youba chiếm 12%, người Adja chiếm 11%, người Somba chiếm 5%, người Ani chiếm 3%, các chủng tộc khác chiếm 29%. Về phương diện tôn giáo 65% dân Benin theo đạo thờ vật linh, 17% theo Công giáo, 15% theo Hồi giáo và 3% theo Tin lành.

Benin xưa kia thuộc vương quốc Dahomey. Vào thế kỷ XVII vương quốc Dahomey trở nên phồn thịnh nhờ các liên hệ qua việc buôn bán nô lệ với người tây phương, đặc biệt với người Bồ Đào Nha và Hòa Lan, đã tới đây hồi thế kỷ XV.

Vào thế kỷ XVIII vương quốc Dahomey bị nứt rạn, và năm 1892 rơi vào quyền kiểm soát của người Pháp. Năm 1958 Cộng hòa Dahomey được tự trị, rồi được độc lập năm 1960. Tiếp đến là thời gian xáo trộn với nhiều cuộc đảo chánh và thay đổi chính quyền cho tới khi mọi quyền hành nằm trong tay ông Matthieu Kérékou. Ông Kérékou thiết lập chế độ kiểu mác xít và đổi tên nước là Cộng hòa dân chủ Benin. Vào thập niên 1980 ông bỏ chế độ mác xít và quyết định thành lập nền dân chủ. Bị thất cử năm 1991 ông trở lại nắm quyền hồi năm 1996. Từ năm 2006 tổng thống dân cử là ông Yayi Boni. Tổng thống Boni đã tái đắc cử trong cuộc đầu phiếu ngày 13 tháng 3 năm nay 2011.

Read 1345 times Last modified on Thứ hai, 14 Tháng 11 2011 21:28