Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 21 Tháng 1 2013 16:10

Các Giáo Hội Kitô Tại Trung Đông: Những Chuyển Động Hướng Đến Hiệp Nhất

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Các Giáo hội Kitô tại Trung Đông: Những chuyển động hướng đến hiệp nhất


WHĐ (21.01.2013) – Một trong những nơi trên thế giới được đặc biệt chú ý trong Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu, đó là Thánh Địa Giêrusalem và vùng Trung Đông.

Nhà báo Christophe Lafontaine, chuyên về các vấn đề liên quan đến Kitô giáo tại Trung Đông, đặc biệt về đối thoại đại kết và về sự hiệp nhất các Kitô hữu, đã có cuộc phỏng vấn Linh mục Frans Bouwen, thuộc Hội Thừa sai Phi châu (quen gọi Các cha Áo trắng), về cái nhìn của ngài về tiến trình đại kết tại Thánh Địa và vùng Trung Đông.

Cha Frans Bouwen là một chuyên gia về các Giáo hội Đông phương và cuộc đối thoại với các Giáo hội Kitô phương Đông.

Bài phỏng vấn được đăng tại Trang tin điện tử của Tòa Thượng phụ Công giáo latinh Giêrusalem ngày 18-01-2013, mở đầu tuần Cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn.

***

– PV: Xin Cha cho biết cái nhìn tổng quát về vấn đề đại kết tại Thánh Địa.

– Lm. Frans Bouwen: Đại kết là một thực tại sống động, có thăng có trầm như cuộc sống con người và mọi tổ chức xã hội hiện có, vì thế khó mà đưa ra “bản kiểm kê” hoặc “bản tổng kết”. Điều chúng ta cần biết là hiện nay điểm nổi bật trong quan hệ giữa các Giáo hội tại Giêrusalem là tình huynh đệ và mối quan hệ này còn mang tính tự phát. Đây là một thực tế đang diễn ra ở cấp độ các vị lãnh đạo như giáo chủ, giám mục cũng như cấp độ các tín hữu. Nhìn chung, nhiều sáng kiến gần đây do các linh mục, mục sư cũng như giáo dân đề xướng đã cho thấy vấn đề đại kết đã bén rễ tốt tại cơ sở.

Giữa lúc có nhiều biến động đang diễn ra tại vùng Trung Đông, thì điều vừa nói có ý nghĩa rất quan trọng. Các tín hữu Kitô ý thức rõ, chỉ khi biết cộng tác với nhau mới kiến tạo được tương tai cho vùng đất này, và thật đáng khích lệ khi được biết có rất nhiều linh mục, giám mục đã mạnh mẽ ủng hộ nỗ lực của các Kitô hữu. Nhiều người trong chúng ta mong mỏi và hy vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác mang tính đại kết này trong lĩnh vực mục vụ, dù biết vẫn còn nhiều trở ngại trên hành trình đại kết.

– PV: Thưa Cha, những quyết định của Thượng Hội đồng Giám mục về Trung Đông (tháng 10-2010) liên quan đến đối thoại đại kết hiện đã được áp dụng chưa?

– Lm. Frans Bouwen: Đầu tháng 12 vừa qua đã diễn ra cuộc họp quy tụ đông đảo các thượng phụ giáo chủ, giám mục vùng Trung Đông, diễn ra tại Beirut, nhằm nghiên cứu và cổ vũ việc áp dụng những phương hướng chính đã được THĐ về Trung Đông đề ra, và được hướng dẫn từ Tông huấn hậu THĐ Ecclesia in Medio Oriente (Giáo Hội tại Trung Đông) do ĐTC Bênêđictô XVI gửi cho các Giáo hội tại vùng này, trong chuyến tông du của ngài đến Liban vào tháng 9 năm ngoái. Còn tại Giêrusalem, chúng tôi nhận được một số thông tin liên quan đến những quyết định cụ thể đã được thông qua. Mặt khác, hầu hết những quyết định đối với toàn khu vực Trung Đông cũng đã đề ra những tiên liệu khi áp dụng, do có những khác biệt, đôi khi khá lớn, về hoàn cảnh cụ thể tại địa phương.

Do đó, trong khi chờ đợi, mọi người, từ giám mục, linh mục đến các tu sĩ nam nữ và giáo dân đều được mời gọi tìm hiểu thấu đáo tinh thần đại kết đã được ĐTC nhấn mạnh trong Tông huấn. Sẽ rất ích lợi nếu mọi người đều suy gẫm số 12 của Tông huấn: “Dựa trên những chỉ dẫn trong văn kiện Hướng dẫn thực hiện Đại kết (được HĐTT Cổ vũ sự Hiệp nhất các Kitô hữu ban hành năm 1993 – T.T. chú thích), các Kitô hữu Công giáo có thể cổ vũ tinh thần đại kết tại các giáo xứ, đan viện và tu viện, các trường phổ thông và đại học, các chủng viện. Các mục tử cần giúp các tín hữu quen với việc làm chứng cho sự hiệp thông trong mọi lĩnh vực của đời sống. Chắc chắn sự hiệp thông không phải là điều mơ hồ. Việc làm chứng đích thực đòi phải nhìn nhận và tôn trọng tha nhân, sẵn sàng đối thoại trong sự thật, biết lấy kiên nhẫn làm thước đo yêu thương, biết sống tinh thần đơn sơ và khiêm nhường của người nhìn nhận mình là kẻ có tội trước mặt Chúa và người lân cận, biết tha thứ, biết làm hoà và thanh tẩy ký ức trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn”.

– PV: Các Kitô hữu đang chuẩn bị sẵn sàng mừng Lễ Phục Sinh vào một ngày thống nhất, theo Lịch Giulianô. Phải chăng đây là bước đầu tiên sẽ đưa đến những việc cụ thể khác nữa?

– Lm. Frans Bouwen: Từ nhiều năm nay, các tín hữu Kitô tại Thánh Địa không ngừng đề nghị được cùng mừng Chúa Phục Sinh vào một ngày thống nhất. Đặc biệt đối với các gia đình theo các Giáo hội Kitô khác nhau, nhất là Công giáo và Chính thống giáo, họ cảm nhận rất cụ thể những phiền toái do sự khác biệt về lịch mừng lễ giữa Đông và Tây phương, có khi khác nhau đến 5 tuần lễ như trường hợp năm nay. Phần đông các tín hữu Kitô cho rằng: không thể cùng nhau mừng Chúa Phục sinh thì đã là một phản chứng rồi. Từ 15 năm nay, tại khu vực Ramallah, các giáo xứ Công giáo, Anh giáo và Tin Lành Luther đều cùng mừng Chúa Phục Sinh vào một ngày thống nhất, dựa theo lịch phương Đông. Vì vậy, nên vui mừng khi thấy phẩm trật Công giáo quyết định tích cực đáp lại những mong mỏi của các tín hữu và phối hợp các sáng kiến. Còn quá sớm để đánh giá quyết định này tác động ra sao đối với tiến trình đại kết, hơn nữa phẩm trật Chính thống giáo Hy Lạp thường tỏ ra rất dè dặt về việc này. Chúng ta cầu nguyện và hy vọng sẽ có được kinh nghiệm tốt nhất trong năm nay, để trong một tương lai gần, sẽ thực hiện được việc phối hợp đại kết tốt nhất.

(fr.lpj.org, 18-01-2013)

Thành Thi chuyển ngữ
Nguồn: WHĐ

Read 1073 times Last modified on Thứ ba, 22 Tháng 1 2013 20:09