Đầu Tư Cho Sự Sống Và Gia Đình Là Câu Trả Lời Hữu Hiệu Cho Cuộc Khủng Hoảng Hiện Nay
Posted by Ban Biên Tập
Trưa Chúa Nhật hôm qua là "Ngày cho Sự sống” tại Italia, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã dọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng ngàn thành viên của các phong trào bảo vệ sự sống.
Ngỏ lời chào họ, Đức Thánh Cha nói:
Anh chi em thân mến, Chúa Nhật thứ nhất tháng Hai là "Ngày cho Sự sống” tại Italia. Tôi hiệp ý với các Giám mục Italia mời gọi đầu tư cho sự sống và gia đình, như là câu trả lời hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng hiện nay, như các vị đã viết trong sứ điệp gửi ngày này. Tôi chào mừng Phong trào Bảo vệ Sự sống và cầu chúc thành công cho sáng kiến mang tên gọi "Một người trong chúng ta", để cho âu châu luôn luôn là nơi mọi người được bảo vệ trong nhân phẩm của mình.
Đức Thánh Cha cũng chào đại diện các phân khoa Y khoa và Giải phẫu của các đại học ở Roma, cách riêng các giáo sư ngành Sơ sinh và Sản khoa được tháp tùng bởi Đức Hồng y Agostino Vallini, Giám quản Roma. Ngài khích lệ họ nỗ lực đào tạo các nhân viên y tế cho nền văn hoá sự sống.
Trước đó trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa bài Phúc Âm Thánh lễ Chúa Nhật, kể lại biến cố một ngày thứ bảy Chúa Giêsu đọc và giải nghĩa Sách Thánh trong Hội đường Nazareth, nơi Người đã lớn lên và ai cũng biết gia đình Người.
Đức Thánh Cha nói: Giờ đây sau một thời gian vắng mặt, Chúa Giêsu đã trở lại Nazareth trong một cách thức mới mẻ: trong buổi phụng vụ ngày thứ bảy, Người đọc một lời tiên tri của Ngôn sứ Isaia và loan báo việc thành toàn của nó bằng cách để cho người nghe hiểu rằng lời tiên tri ấy quy chiếu về Người. Điều này khơi dậy sự bất bình của dân làng Nazareth: một đàng, mọi người đều làm chứng và thán phục các lời ân phúc thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22). Thánh sử Máccô kể rằng "nhiều người hỏi: "Bởi đâu ông ta được những điều này? Và ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?" (Mc 6,2). Nhưng đàng khác, các người đồng hương biết Người quá rõ. Họ nói: "Ông ta là một người trong chúng ta. Yêu sách của ông chỉ có thể là sự tự phụ" (Đức Giêsu thành Nazareth, 11). "Ông này không phải là con ông Giuse sao?" (Lc 4,22), như thể nói rằng: một bác thợ mộc làng Nazareth có thể có các khát vọng nào đây?
Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Chính vì biết sự khép kín này xác nhận châm ngôn: "Không có ngôn sứ nào lại được chấp nhận trong quê hương mình", Đức Giêsu nói với dân chúng trong hội đường các lời vang lên như một khiêu khích. Người kể lại hai phép lạ mà các ngôn sứ lớn Elia và Elise đã làm cho các người không phải dân Dothái, để chứng minh rằng đôi khi ngoài dân Israel có nhiều đức tin hơn. Tới đây thì phản ứng đồng nhất: mọi người đều đứng lên đuổi Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, và còn tìm cách xô Ngươi xuống một vực, nhưng với sự bình tĩnh tột độ, Người băng qua đám dân chúng đang phẫn nộ và bỏ đi. Tới đây, người ta phải tự hỏi: Tại sao Đức Giêsu lại đã muốn khơi dậy sự đổ bể ấy? Ban đầu dân chúng thán phục Người và có lẽ Người đã có thể có được một sự đồng ý nào đó của họ... Nhưng đây mới là điểm đáng nói.
Đức Thánh Cha giải thích lý do sự kiện này như sau: Đức Giêsu đã không tới để tìm sự đồng ý của loài người, nhưng - như sau cùng Người sẽ nói với quan Philatô - để "làm chứng cho sự thật" (Ga 18,37). Vị ngôn sứ thật không vâng lời ai khác ngoài Thiên Chúa, và phục vụ chna lý, sẵn sàng trả giá cho việc đó. Có đúng thật là Đức Giêsu là vị ngôn sứ của tình yêu, nhưng tình yêu cũng có chân lý của nó. Còn hơn thế nữa, tình yêu và chân lý là hai tên gọi của cùng một thực tại, là hai tên gọi của Thiên Chúa. Trong phụng vụ hôm nay cũng vang lên các lời của Thánh Phaolô: "Đức mến không vênh vang, không tự đắc, không thiếu tôn trọng, không tìm tư lợi, không nóng giận, không chý ý đến sự dữ nhận được, không vui vì bất công, nhưng vui khi thấy điều chân thật" (1 Cr 13,4-6). Tin nơi Thiên Chúa có nghĩa là khước từ các thành kiến riêng, và tiếp nhận gương mặt cụ thể, trong đó Người tự mạc khải ra: đó là con người Đức Giêsu thành Nazareth. Và con đường này cũng dẫn tới chỗ nhận biết Người và phục vụ Người nơi tha nhân.
Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ: Ở đây thái độ của Đức Maria soi sáng chúng ta. Ai là người thân thiết với nhân tính của Chúa Giêsu hơn Mẹ? Nhưng Mẹ đã không bao giờ lấy làm gương mù gương xấu như các người đồng hương Nazareth. Mẹ giữ gìn trong tim mầu nhiệm ấy và luôn luôn ngày càng biết tiếp nhận nó hơn, trên con đường lòng tin, cho tới cái chết của Thập Giá và ánh sáng tràn đầy của sự Phục Sinh. Xin Mẹ Maria cũng giúp chúng ta trung thành và tươi vui bước đi trên con đường ấy.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin, ngài đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Pháp, Đức Thánh Cha khuyến khích tín hữu cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho tất cả những người sống đời thánh hiến, để họ lờn lên trong sự thánh thiện. Gương sống của họ lôi kéo chúng ta dành cho Thiên Chúa một chỗ rộng rãi trong đời sống, qua lời cầu nguyện, qua việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật và đọc Lời Chúa.
Bằng tiếng Đức, ngài nói sứ điệp Phúc Âm hôm nay đòi buộc chúng ta phải quyết định, không phải cho một người nhưng cho Chúa Kitô, như là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế. Cả ngày nay nữa, Phúc Âm cũng vấp phải sự khước từ của thế giới, đẩy Thiên Chúa ra bên lề và muốn hài lòng cho mình các câu trả lời dễ dãi và không ràng buộc.
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV