Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 28 Tháng 3 2013 06:38

Buổi Tiếp Kiến Chung Đầu Tiên Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 27-3-2013

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Buổi tiếp kiến chung đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: 27-3-2013

VATICAN. 25 ngàn tín hữu hành hương đã tham dự buổi tiếp kiến chung đầu tiên của ĐGH Phanxicô sáng ngày 27-3-2013. Ngài mời gọi các tín hữu hãy ra khỏi chính mình để tìm đến với tha nhân.

Lúc 10 giờ rưỡi sáng ngày, ĐTC đã dùng xe díp màu trắng mui trần tiến qua các lối đi ở Quảng trường để chào thăm các tín hữu, vui mừng, reo hò. Thỉnh thoảng ngài dừng lại để hôn một em bé do nhân viên an ninh bế lên ngài. Trong số các tín hữu hiện diện có lối 3 ngàn sinh viên thuộc các đại học trên thế giới về Roma tham dự các sinh hoạt tuần thánh và học học linh đạo của Giám hạt tòng nhân Opus Dei, gọi là Hội nghị UNIV quốc tế 2013.
Buổi tiếp kiến của ĐTC diễn ra theo khuôn khổ quen thuộc với phần tôn vinh lời Chúa qua một vài đoạn Sách Thánh được xướng lên bằng 5 thứ tiếng, và tiếp đó là bài huấn dụ của ĐTC.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, mến chào anh chị em!

Tôi vui mừng đón tiếp anh chị em trong buổi tiếp kiến chung đầu tiên của tôi. Với lòng biết ơn sâu xa và kính trọng, tôi thu thập ”chứng nhân” từ tay vị tiền nhiệm quí mến của tôi, Đức Biển Đức 16. Sau lễ Phục Sinh chúng ta sẽ tiếp tục loạt bài giáo lý về Năm Đức Tin. Hôm nay tôi muốn nói về Tuần Thánh. Với Chúa nhật lễ lá, chúng ta đã bắt đầu tuần Thánh, là trung tâm của toàn thể Năm Phụng Vụ, trong Tuần này chúng ta tháp tùng Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, trong cái chết và sự sống lại của Ngài.

Nhưng Tuần Thánh có nghĩa là gì đối với chúng ta? Theo Chúa Giêsu trên hành trình trên đồi Canvê tiến về thập giá và sự sống lại của Ngài có nghĩa là gì?

Trong sứ mạng trần thế, Chúa Giêsu đã rong ruổi trên những con đường của Thánh Địa; Ngài đã kêu gọi 12 người đơn sơ để họ ở với Ngài, chia sẻ hành trình của Ngài và tiếp tục sứ mạng của Ngài, Ngài đã chọn họ giữa những người đầy lòng tin vào lời Chúa hứa. Ngài đã nói với tất cả mọi người, không phân biệt ai, người quan trọng cũng như người khiêm hạ, chàng thanh niên giàu có và bà góa nghèo, người hùng mạnh cũng như người yếu đuối; Ngài đã mang lòng từ bi và ơn tha thứ của Chúa; Ngài đã chữa lành, an ủi, cảm thông, trao ban hy vọng, mang lại cho mọi người sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng quan tâm đến mỗi người nam nữ, như một người cha, một người mẹ, nhân từ đối với mỗi người con của mình. Thiên Chúa không đợi chúng ta đến với Ngài, nhưng chính Ngài đến với chúng ta, không tính toán, không so đo. Chúa Giêsu đã sống những thực tại thường nhật của dân thường: Ngài cảm động trước đám đông như đoàn chiên không người chăn dắt; Ngài đã khóc trước đau khổ của bà Marta và Maria vì cái chết của em trai Lazzaro; Ngài kêu gọi một người thu thế làm môn đệ; Ngài cũng chịu sự phản bội của một người bạn. Nơi Ngài, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta xác tín rằng Chúa ở cùng chúng ta, ở giữa chúng ta. ”Con cáo có hang, và chim trời có tổ, nhưng Con Người không có nơi dựa đầu” (Mt 8,20. Chúa Giêsu không có nhà vì nhà của Ngài là dân chúng, sứ mạng của Ngài là mở cho mọi người những cánh cửa của Thiên Chúam, là sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa.

Trong Tuần Thánh chúng ta sống tột đỉnh của hành trình này, của kế hoạch yêu thương diễn ra trong toàn thể lịch sử những quan hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chúa Giêsu vào thành Jerusalem để thi hành giai đoạn cuối cùng, trong đó tóm gọn toàn thể cuộc sống của Ngài: đó là tận hiến trọn vẹn, không giữ lại cho mình điều gì cả, kể cả sự sống. Trong Bữa Tiệc Ly, với các bạn hữu, Ngài chia sẻ bánh và phân phát chén vì chúng ta. Con Thiên Chúa tự hiến cho chúng ta, nộp Thân Mình và Máu Ngài trong tay chúng ta để ở với chúng ta mãi mãi, để ở giữa chúng ta. Và trong Vườn Cây Dầu, như trong cuộc xử án trước quan Philatô, Ngài không kháng cự, nhưng tự nộp; Ngài là Người Đầy Tớ đau khổ mà Ngôn Sứ Isaia đã báo trước, Người đầu tớ cởi bỏ chính mình cho đến tận cái chết (Xc Is 53,12).

Chúa Giêsu không sống một cách thụ động tình thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; chắc chắn là Ngài không che giấu sự sao xuyến sâu xa như một con người trước cái chết dữ dằn, nhưng Ngài hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha. Chúa Giêsu tự nguyện giao nộp mình để chịu chết hầu đáp ứng tình thương của Thiên Chúa Cha, hoàn toàn kết hiệp với ý Chúa Cha, để chứng tỏ tình thương của Ngài đối với chúng ta. Trên thập giá, Chúa Giêsu ”đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Ngài đã yêu thương tôi và đã nộp mình vì tôi. Mỗi người có thể nói Ngài làm điều ấy ”vì tôi”.

Tiếp tục bài huấn dụ trong buổi tiếp kiến, từ những nhận định vừa nói trên đây, ĐTC rút ra những hệ luận thực hành:

”Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Có nghĩa là đây là con đường của tôi, của bạn, của chúng ta. Sống Tuần Thánh qua việc theo Chúa Giêsu không những với sự xúc động trong tâm hồn, nhưng còn có nghĩa là học cách ra khỏi chính mình, - như tôi đã nói hôm chúa nhật tuần trước-, để đi gặp tha nhân, để đi tới ngoại ô của cuộc sống, đi bước đầu tiến lại anh chị em chúng ta, nhất là những người xa cách nhất, những người bị lãng quên, những người đang cần được cảm thông hơn cả, cần an ủi, giúp đỡ. Có nhu cầu rất lớn là phải mang sự hiện diện sinh động của Chúa Giêsu từ bi và giàu lòng yêu thương!

Sống Tuần Thánh là ngày càng đi vào luận lý của Thiên Chúa, luân lý của Thập Giá, trước tiên không phải là luận lý của đau khổ và cái chết, nhưng là của tình thương và hiến thân mang lại sự sống. Đó là đi vào trong luận lý của Tin Mừng. Đi theo, tháp tùng Chúa Kitô, ở lại với Ngài, hành động này đòi phải ”ra khỏi” chính mình, ra khỏi lối sống đức tin mệt mỏi chỉ theo thói quen, ra khỏi cám dỗ co cụm trong những khuôn khổ của mình, và rốt cuộc khép kín chân trời hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ra khỏi chính mình để đến ở giữa chúng ta, Ngài đã cắm lều giữa chúng ta để mang cho chúng ta lòng từ bi của Thiên Chúa Đấng cứu độ và trao ban hy vọng. Cả chúng ta, nếu chúng ta muốn đi theo và ở lại với Chúa, chúng ta không được hài lòng ở lại trong chuồng của 99 con chiên, chúng ta phải ra ngoài, cùng với Chúa tìm con chiên lạc, con chiên ở xa nhất.

Có lẽ có người nói với tôi: ”Nhưng, thưa cha, con không có thời giờ”, ”con còn bao nhiêu điều phải làm”, ”thật là khó khăn”, ”con có thể làm gì được với sức lực ít ỏi của con”?, cả với tội lỗi của con, với bao nhiêu sự? Chúng ta thường hài lòng với vài kinh nguyện, thánh lễ Chúa nhật tham dự lơ đãng và không liên tục, vài cử chỉ bác ái, nhưng chúng ta không có can đảm ra ngoài để mang Chúa Kitô. Chúng ta phần nào giống như Thánh Phêrô. Vừa khi Chúa Giêsu nói về cuộc khổ nạn, cái chết và sống lại, hiến thân, yêu thương đối với mọi người, Thánh Tông Đồ kéo Chúa ra một nơi và trách cứ Chúa. Điều mà Chúa Giêsu nói, đảo lộn kế hoạch của ông, dường như không thể chấp nhận được, gây khó khăn cho những điều chắc chắn mà ông đã kiến tạo, ý tưởng của ông về Đức Messia. Và Chúa Giêsu nhìn các môn đệ và nói với Phêrô bằng một lời nghiêm khắc nhất trong Tin Mừng: ”Hỡi Satan, hãy xa ra khỏi Ta! vì con không suy nghĩ theo Thiên Chúa, nhưng theo con người” (Mt 8,33), Thiên Chúa luôn suy nghĩ với lòng từ bi: Ngài là Cha từ bi!. Thiên Chúa suy nghĩ như người Cha chờ đợi người con trở về và đi gặp con, thấy con đang đến từ đàng xa. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là mỗi ngày ông đi xem người con có trở về nhà hay không: Đó chính là người Cha từ bi của chúng ta. Đó là dấu hiệu chứng tỏ Ngài chờ đợi con mỗi ngày từ trên sân thượng của nhà; Thiên Chúa suy nghĩ như người Samaritano không đi gần người bị nạn, cảm thương họ, hoặc nhìn sang phía khác, nhưng cứu giúp người ấy, không yêu cầu đối lại điều gì, không hỏi xem đó là người Do thái hay là dân ngoại, là người Samaritano, người giàu có, hay là người nghèo. Không hỏi gì cả. Không yêu cầu gì cả. Ông cứu giúp ngay. Thiên Chúa cũng như thế. Thiên Chúa suy nghĩ như người mục tử hiến mạng sống mình để bảo vệ và cứu đoàn chiên.”

Và ĐTC kết luận rằng:

”Tuần thánh là một thời điểm ân phúc mà Chúa ban cho chúng ta để mở cửa tâm hồn, mở cửa cuộc sống, các giáo xứ, các phong trào, hội đoàn của chúng ta, và ra đi gặp gỡ người khác, làm cho chúng ta trở nên gần gũi để mang ánh sáng và niềm vui đức tin của chúng ta. Luôn đi ra ngoài! Và điều này với tình yêu thương và dịu hiền của Thiên Chúa, trong niềm tôn trọng và kiên nhẫn, biết rằng chúng ta đặt tay, chân, con tim chúng ta, nhưng chính Thiên Chúa hướng dẫn chúng và làm cho mỗi hoạt động của chúng ta được phong phú.
Tôi cầu chúc tất cả sống trọn những ngày này can đảm theo Chúa mang trong mình tia sáng tình thương của Chúa cho những người chúng ta gặp gỡ.

Chào thăm

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, như thường lệ, tên của một số phái đoàn được các giám chức và LM xướng ngôn viên giới thiệu lên ĐTC và các vị đọc bản tóm ý bài huấn dụ của Ngài. Ngài không nói các sinh ngữ, nhưng chỉ dùng tiếng Ý để chào thăm các tín hữu hành hương. Những lời chào này được các vị xướng ngôn viên dịch ra các thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Arập. Trong lời chào bằng tiếng này, ĐTC nói:

”Các tín hữu hành hương thân mến nói tiếng Arập và từ Trung Đông: các bạn đừng sợ can đảm theo Chúa Giêsu chịu đóng đanh và sống lại, mang cho mọi người niềm vui và ánh sáng niềm tin của các bạn. Chúc các bạn Tuần Thánh tốt đẹp. Tôi ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các bạn.

Cuối buổi tiếp kiến lúc gần 12 giờ trưa, ĐTC và mọi người đã hát kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành cho tất cả.
Sau đó, ĐTC còn chào một số HY và GM, Giám chức. Ngài cũng chào bà Laura Boldrini, tân chủ tịch Hạ nghị viện của Italia, cùng với ái nữ Anastasia. ĐTC dành thêm nửa tiếng đồng hồ để bắt tay chào hỏi các tín hữu, đặc biệt là các sinh viên tham dự Hội nghị UNIV quốc tế 2013.

http://vietvatican.net/
G. Trần Đức Anh OP

Read 1064 times Last modified on Thứ năm, 28 Tháng 3 2013 21:32