Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 18 Tháng 9 2012 06:21

Video: Thánh lễ Chúa Nhật Với 300,000 Anh Chị Em Giáo Dân Tại Beirut

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
thanhle    Đỉnh cao trong chuyến viếng thăm Li Băng của Đức Thánh Cha là thánh lễ lúc 10 giờ sáng ngày Chúa Nhật 16 tháng 9 tại bãi biển ở trung tâm thủ đô Beirut.

   Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite là Mar Be´Chara Boutros Raı¨ và cũng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Li Băng đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha trước một cộng đoàn ước lượng hơn 300,000 anh chị em giáo dân.

Những bài đọc, và các câu đối đáp trong thánh lễ nói lên tính chất đa văn hóa của quốc gia Li Băng. Toàn bộ phần trước Kinh Vinh Danh cộng đoàn dùng tiếng Pháp, trong khi Kinh Vinh Danh được hát bằng tiếng Ả rập. Bài trích sách tiên tri Isaiah chương 50, từ câu 5 đến câu 9 được đọc bằng tiếng Anh. Đáp ca sau đó bằng tiếng Ả rập và tiếng Pháp.

Cộng đoàn đã nghe thư của Thánh Giacôbê trong đó ngài nhấn mạnh rằng “đức tin không có việc làm là đức tin chết” bằng tiếng Pháp.Tin Mừng theo thánh Máccô chương 8 từ câu 27 đến câu 35 được công bố bằng tiếng Ả rập và tiếng Pháp.
Giảng trong Thánh Lễ Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

"Chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!" (Eph 1:3). Chúc tụng Thiên Chúa vào ngày hôm nay khi tôi có niềm vui được ở đây với bạn, nơi đất nước Li Băng này, để trao đến các Giám Mục của khu vực Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông ! Tôi chân thành cảm ơn Đức Thượng Phụ Boutros Béchara Rai vì những lời chào đón tốt đẹp của ngài. Tôi chào thăm các Thượng Phụ và Giám Mục của các Giáo Hội Đông Phương, và các Giám Mục La Tinh của các vùng lân cận, cũng như các Hồng Y và Giám Mục đến từ các nước khác. Tôi chào tất cả chư huynh đệ với tình cảm nồng hậu, và anh chị em từ Li Băng và xuyên suốt khu vực Trung Đông yêu quý này, khi anh chị em dự phần cùng với người kế vị Thánh Phêrô trong buổi cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại. Lời chào kính trọng của tôi cũng xin gởi đến Tổng thống nước Cộng hòa, các nhà chức trách Li Băng, các nhà lãnh đạo dân sự và các vị đại diện của các truyền thống tôn giáo khác đã được cử đến đây sáng nay.

Chúa Nhật hôm nay khi Tin Mừng hỏi chúng ta về căn tính thực sự của Chúa Giêsu, chúng ta thấy mình được đưa đến với các môn đệ trên con đường dẫn đến các ngôi làng xung quanh vùng Caesarea Philippi. Chúa Giêsu hỏi họ: "Người ta nói Thầy là ai?" (Mc 8:29). Thời điểm Chúa Giêsu đã chọn để hỏi câu hỏi này thật là đầy ý nghĩa. Chúa Giêsu đã phải đối mặt với một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời của Người. Ngài lên Giê-ru-sa-lem, nơi mà các sự kiện trung tâm trong ơn cứu độ của chúng ta sẽ diễn ra: Ngài sẽ chịu đóng đinh và phục sinh. Cũng tại Giê-ru-sa-lem, sau những biến cố này, Giáo Hội sẽ được khai sinh. Và tại thời điểm quyết định này, Chúa Giêsu lần đầu hỏi các môn đệ: " Người ta nói Thầy là ai?" (Mc 8:27). Họ đã đưa ra những câu trả lời rất khác nhau: Người thì nói Ngài là Gioan Tẩy Giả, là Ê-li, hay là một ngôn sứ khác! Ngày nay, sau nhiều thế kỷ, những người gặp gỡ Chúa Giêsu dọc theo đường đời của họ cũng đưa ra những câu trả lời khác nhau theo ý của riêng mình. Đây là những phương pháp có thể hữu ích trong việc tìm kiếm chân lý. Trong khi những phương pháp này không nhất thiết là sai lầm, chúng vẫn không đủ, vì chúng không đạt đến trọng tâm của vấn đề đó là: Chúa Giêsu là ai. Chỉ có những người sẵn sàng đi theo Người trên con đường Người vạch ra, để sống trong tình hiệp thông trọn vẹn với Người trong cộng đồng các môn đệ, mới có thể thực sự biết Người là ai. Cuối cùng, Phêrô, người đã ở với Chúa Giêsu một thời gian, đã đưa ra câu trả lời: "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8:29). Đó là câu trả lời đúng, tất nhiên, nhưng nó vẫn không đủ, vì Chúa Giêsu vẫn cảm thấy sự cần thiết phải làm rõ điều đó. Người biết rằng người ta có thể lợi dụng câu trả lời này để thúc đẩy những chương trình nghị sự không phải do Người đề ra, dùng danh Ngài cổ vũ cho những hy vọng giả tạo. Người không để cho mình bị giới hạn trong các thuộc tính của một vị cứu tinh phàm nhân mà nhiều người mong đợi.

Bằng cách nói rõ với các môn đệ rằng Người phải chịu đau khổ và chịu chết, và sau đó Phục sinh, Chúa Giêsu muốn làm cho các tông đồ hiểu căn tính thực sự của Người. Ngài là một Đấng Mêsia chịu đau khổ, một Đấng Mêsia phục vụ, chứ không phải là một vị cứu tinh chính trị đang chiến thắng. Người là người Tôi Tớ tuân phục thánh ý Chúa Cha, thậm chí đến mức hy sinh cuộc sống của mình. Điều này cũng đã được tiên báo bởi tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Chúa Giêsu vì thế làm nản lòng mong đợi của nhiều người. Những gì Người nói gây kinh ngạc và sững sờ. Chúng ta có thể hiểu được phản ứng của Thánh Phêrô người đã trách Người, và không chấp nhận để Thầy mình phải chịu đau khổ và chịu chết! Chúa Giêsu đã nghiêm khắc với Phêrô, Người muốn ông nhận ra rằng bất cứ ai muốn là môn đệ của Người phải trở thành một người đầy tớ, cũng giống như Người đã trở thành người Tôi Tớ.

Theo Chúa Giêsu có nghĩa là vác thập giá của mình và tiến theo bước chân Người, dọc theo một con đường khó khăn không dẫn đến quyền lực hay vinh quang trần thế nhưng là con đường nhất thiết dẫn tới sự từ bỏ bản thân, mất mạng sống mình vì Chúa Kitô và Tin Mừng, để cứu mạng sống ấy. Chúng ta được đảm bảo rằng đây chính là cách để được phục sinh, để có cuộc sống đích thực và dứt khoát với Thiên Chúa. Lựa chọn để tiến bước theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã biến mình thành người Tôi Tớ cho mọi người, đòi hỏi phải gần gũi với Ngài hơn bao giờ, chăm chú lắng nghe lời Ngài và kín múc từ đó nguồn cảm hứng cho tất cả những gì chúng ta hành động. Khi công bố Năm Đức Tin, bắt đầu vào ngày 11 tháng 10 này, tôi đã muốn mỗi tín hữu hãy canh tân dấn thân của mình để lựa chọn con đường hoán cải chân thành. Do đó, trong suốt năm nay, tôi mạnh mẽ khuyến khích anh chị em hãy suy nghĩ sâu xa hơn về niềm tin của mình, để có một đức tin đầy ý thức hơn bao giờ hết, và thăng tiến trong sự trung tín với Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người.

Anh chị em, con đường mà Chúa Giêsu muốn hướng dẫn chúng ta là một con đường hy vọng cho tất cả mọi người. Vinh quang của Chúa Giêsu đã được mạc khải chính tại thời điểm, theo bản tính loài người, là yếu nhất, đặc biệt thông qua một nhục thể treo trên thập tự. Đây là cách Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương của Ngài, Ngài đã trở thành tôi tớ của chúng ta và thí mạng cho chúng ta. Đó chẳng phải là một mầu nhiệm tuyệt vời, mà đôi khi khó có thể chấp nhận hay sao? Chính Thánh Tông Đồ Phêrô mãi về sau mới hiểu được điều đó.

Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Thánh Giacôbê nói với chúng ta về mức độ mà chúng ta phải dấn bước theo chân của Chúa Giêsu: một đức tin chân thực, đòi hỏi phải có những hành động cụ thể. "Còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin " (Gc 2:18). Nhiệm vụ cấp bách của Giáo Hội là phục vụ và nhiệm vụ của các Kitô hữu là phải thực sự trở nên những người tôi tớ theo hình ảnh của Chúa Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng trong bản sắc của những người theo Chúa Kitô (x. Ga 13:15-17). Ơn gọi của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu là để phục vụ tha nhân, như Chúa đã làm, một cách tự do và tự nguyện. Trong một thế giới nơi mà bạo lực liên tục để lại đằng sau dấu vết nghiệt ngã của cái chết và hủy diệt, phục vụ công lý và hòa bình là thật cần thiết để xây dựng một xã hội huynh đệ, và bằng hữu! Anh chị em thân mến, tôi cầu nguyện đặc biệt xin Chúa ban cho khu vực này của Trung Đông những đầy tớ của hòa bình và hòa giải, để mọi người có thể sống trong hòa bình và với nhân phẩm. Đây là một lời chứng cần thiết mà các Kitô hữu phải thực hiện nơi đây, trong sự hợp tác với tất cả mọi người thiện chí. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy trở thành những nhà kiến tạo hòa bình, ở bất cứ nơi nào anh chị em đang sống.

Phục vụ cũng phải được đặt ở trung tâm của đời sống các cộng đồng Kitô hữu. Mọi thừa tác vụ, mọi vị trí có trách nhiệm trong Giáo Hội, trước hết là để phục vụ cho Thiên Chúa và cho anh chị em của chúng ta. Đây là tinh thần soi đường cho những người đã chịu phép rửa, và được thể hiện cụ thể trong dấn thân phục vụ người nghèo, những người bị bỏ rơi và đau khổ, để phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người có thể được bảo vệ.

Anh chị em, những người đang đau khổ về thể chất hay tinh thần, những đau khổ của anh chị em không phải là vô ích! Chúa Kitô Người Tôi Tớ mong muốn được gần gũi với những người đau khổ. Ngài luôn luôn gần gũi với anh chị em. Cầu mong sao cho dọc theo đường đời của anh chị em, anh chị em luôn luôn có thể tìm thấy những người anh chị em của mình như là những dấu chỉ cụ thể cho sự hiện diện yêu thương không bao giờ từ bỏ anh chị em của Ngài! Hãy giữ vững hy vọng nơi Chúa Kitô!
Cầu mong tất cả các bạn, những anh chị em của tôi, những người đã đến để tham gia vào buổi cử hành này, hãy cố gắng để tiến bước theo Chúa Giêsu, Đấng đã trở thành người Tôi tớ của tất cả cho cuộc sống của thế giới. Xin Chúa chúc lành Li Băng, xin Ngài chúc lành cho tất cả các dân tộc trong khu vực yêu dấu này của Trung Đông, và xin Người ban bình an của Người cho anh chị em. Amen.

Đức Thánh Cha, sau đó, đã công bố trước cộng đoàn Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Trung Đông.
Sau kinh Tin Kính bằng tiếng Ả rập, phần lời nguyện giáo dân đã được cất lên theo thứ tự là tiếng Pháp, tiếng Ả rập, tiếng Anh, tiếng Armenia, tiếng Hy Lạp. Phụng vụ Thánh Thể được cử hành chủ yếu bằng tiếng La Tinh và tiếng Pháp.
Sau khi kết thúc thánh lễ, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đọc Kinh Truyền Tin cùng với anh chị em tín hữu trước khi về nghỉ trưa với đoàn tùy tùng của ngài tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Harissa.

Lúc 17h 15, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ đại kết tại tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Syria tại Charfat. Trong cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha nói với hàng giáo sĩ Công Giáo nghi lễ Syria, Đức Thánh Cha đã đề cao tự do tôn giáo như nhân quyền căn bản và tối thượng. Ngài nói:

Lúc 18h30, Đức Thánh Cha đã ra sân bay Rafiq Hariri để lên đường trở lại Rôma.
Trong diễn từ sau cùng, Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng mong muốn thấy được một vùng đất Trung Đông hòa bình, ổn định trong đó anh chị em tín hữu Kitô có thể cùng với anh chị em Hồi Giáo của mình sát cánh xây dựng một xã hội nhân bản dựa trên những giá trị luân lý truyền thống. Đức Thánh Cha nói:

Lúc 19h máy bay đã cất cánh đưa Đức Thánh Cha trở lại Rôma.

Lúc 21h40 phút máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã đáp xuống sân bay quốc tế Ciampino của Rôma.

vietcatholic (Theo youtube)

Read 1375 times