Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 11 Tháng 10 2012 08:25

50 Năm Sau Công Đồng Vatican II, Phải Chăng ĐGH Gioan XXIII Là Một Vị Thánh?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
Năm mươi năm sau ngày Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II, một Công đồng đã cách mạng hóa Giáo hội Công giáo, một con người vui vẻ được biết đến như “Vị Giáo Hoàng Nhân Hậu” sẽ được tuyên bố là một vị thánh của Giáo Hội Công Giáo La Mã chăng? Có lẽ câu hỏi tốt hơn là: Ngài có cần được phong thánh chăng?

Vào tối ngày 03 tháng 6 năm 1963, khi Đức Gioan XXIII qua đời, gia đình ngài, các bác sĩ và nhân viên phục vụ hiện diện trong khu nhà ở của giáo hoàng nơi ngài đã sống bốn năm rưỡi. Văn phòng báo chí Tòa thánh Vatican đã ban hành một tuyên bố ngắn gọn: “Ngài không còn phải đau đớn nữa.”

Ngay lập tức, có một phong trào của một số người thân cận vị Giáo Hoàng quá cố mong ngài được phong thánh bằng lời tung hô, như những vị thánh đã được tuyên nhận trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội.

Phiên họp đầu tiên của Công Đồng Vatican II (1962-65) đã kết thúc vào tháng 12 năm 1962, và Đức Thánh Cha đã công bố một tông thư quan trọng của ngài, Pacem in Terris (Hòa bình trên Trái đất) trong tháng 4 năm 1963.

Ngài được yêu mến bởi mọi người trên khắp thế giới, những người hiểu rõ ý nghĩa lịch sử của triều đại giáo hoàng ngắn ngủi và của dự án Công đồng của ngài.

Vào thời điểm đó có nguồn tin cho rằng Đức Hồng Y Leo Suenens, người Bỉ, một người thân cận với Đức Gioan XXIII và là người có ảnh hưởng lớn trong Công đồng, ủng hộ một kế hoạch nhanh chóng để công bố ngài là một vị thánh, tránh sử dụng những thủ tục kéo dài có thể làm suy giảm hiệu năng và sự nhiệt thành của việc phong thánh. ĐHY Suenens nói rằng người ta cần những biểu tượng mới và hiện đại như là điển hình của sự thánh thiện để truyền cảm hứng cho họ trong cuộc sống tâm linh.

cdvati2

Một đề xuất được trao đổi giữa các giám mục, kêu gọi hành động nhanh chóng, nhưng các vị lãnh đạo theo truyền thống của Thánh bộ đặc trách về Phong Thánh của Vatican đã thắng thế lúc đó. Vị kế nhiệm của Đức Gioan XXIII, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, công bố vào năm 1965 rằng hai án phong thánh sẽ được mở ra: cho cả hai Đức Giáo Hoàng Piô XII và Gioan XXIII. Hai cuộc điều tra bắt đầu, một trong hai vụ lên đến đỉnh điểm vào năm 2000 với Đức Gioan XXIII được phong chân phước, bước chót trước khi được phong thánh.

Chỉ có 80 vị giáo hoàng trong số 264 vị được chính thức công nhận là những vị thánh (không kể chính thánh Phêrô, nhưng chỉ những người kế vị ngài làm Giám mục Rôma). Trong 400 năm qua, kể từ khi Giáo hội ban hành luật về tiến trình phong thánh một cách nghiêm ngặt, trong đó bao gồm việc điều tra và xác minh các phép lạ, chỉ có hai vị giáo hoàng đã được phong hiển thánh: Đức Giáo Hoàng Piô V (thế kỷ 16) và Đức Giáo Hoàng Piô X, giáo hoàng đầu tiên của thế kỷ 20.

Vì vậy, mặc dù với sự nhiệt tình của các nhân vật có uy quyền và thậm chí được ủng hộ của nhiều viên chức cao cấp, cơ hội cho bất kỳ vị giáo hoàng nào được phong thánh thật mỏng manh một cách đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, với Đức Gioan XXIII thì có khác. Khi xác của ngài được chuyển từ hầm mộ giáo hoàng bên dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để đem lên đặt dưới Bàn thờ Thánh Giêrônimô trên tầng chính của Vương cung Thánh đường vào năm 2001, khoảng 40.000 người đã tham dự buổi lễ.

Khi quan tài của ngài được mở ra, thân xác thể lý của Đức Gioan XXIII vẫn còn nguyên vẹn. Sau chưa tới một ngày làm việc trên xác của ngài, những người hiện diện đã nhìn thấy khuôn mặt của Đức Gioan XXIII. Đức Hồng Y Virgilio Noe, người giám sát dự án và chịu trách nhiệm về các “sắp xếp vật lý” của Vatican, mô tả khuôn mặt của Đức Cố Giáo Hoàng là “nguyên vẹn và thanh thản.” Ngài cho biết các nhân chứng có mặt tại buổi lễ khai mở quan tài đã thật xúc động.

Hoàn cảnh lịch sử của triều đại Đức Gioan XXIII trên ngai Thánh Phêrô và sự thánh thiện của cá nhân ngài – được xác định rõ ràng và ghi nhận trong suốt cuộc đời của ngài và cũng được xác minh sau đó – đã đưa “Vị Giáo Hoàng Nhân Hậu” đến ngưỡng của việc được phong thánh. Thế giới chỉ đang chờ sự xác minh của một phép lạ sau khi được phong chân phước nhờ sự cầu bầu của ngài, theo đòi hỏi của quy luật.

Tôi không nghi ngờ gì rằng ngài sẽ vượt qua rào cản cuối cùng và “đủ điều kiện” để là một vị thánh một cách dễ dàng, có lẽ ngay sau ngày kỷ niệm 50 năm ngày mất của ngài, vào năm 2013. Tại sao? Công đồng Vatican II của Đức Gioan XXIII, tự nó, đã là một phép lạ.

Được linh hứng, như người Công Giáo vẫn tin, bởi Chúa Thánh Thần, Công Đồng của Đức Gioan XXIII đã cứu Giáo hội Công giáo khỏi việc có lẽ bị vôi hóa không thể tránh khỏi và có thể bị sụp đổ. Trong một khoảng thời gian nào đó, chẳng hạn cứ mỗi 300 đến 500 năm, Giáo hội cần thiết phải xem xét lại bản thân và vị trí của mình trên thế giới và “cùng nhau hành động.” Đó là những gì đã xảy ra tại Nicaea vào thế kỷ thứ 4 và Trent vào thế kỷ 16 – và chắc chắn nhất tại Vatican II trong thế kỷ 20.

Không chớp mắt, và với một nụ cười, ngay cả khi ngài tìm cách canh tân và tái tạo lại giáo hội mà ngài hằng ấp ủ, ngài luôn luôn tiến bước với lòng bác ái và sự khiêm tốn, qua một trong những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử thế giới, như là một linh mục trẻ và một người lính, một nhà ngoại giao và một mục tử, như là một đấng kế vị Thánh Phêrô. Bằng chứng về đời sống nội tâm của ngài được tiết lộ trong “Nhật ký của một linh hồn,” một tuyệt phẩm về bài viết và cảm nghiệm tâm linh phải được đọc rộng rãi hơn ngày nay.

Mặc dù vậy, Gioan XXIII đã là một vị thánh đối với nhiều người trên khắp thế giới. Họ không cần con dấu chính thức của hệ thống phân cấp của Vatican xác minh những gì đã được viết trong tâm hồn họ.

(Dịch từ “50 years after Vatican II, should Pope John XXIII be a saint?”, của Greg Tobin, đăng trên tạp chí National Catholic Reporter, ngày 6-10-2012)

Hoàng Nguyễn (Theo vietcatholic)

Read 1316 times Last modified on Thứ hai, 29 Tháng 10 2012 15:46