Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 12 Tháng 11 2020 16:27

Tĩnh Tâm Linh Mục GP.BMT - 10.11.2020

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Tĩnh Tâm Linh Mục GP.BMT - 10.11.2020

Hành trình những ngày Tĩnh Tâm hàng giáo sĩ giáo phận Ban Mê Thuột năm nay (2020) bước sang ngày thứ hai.
Tuần Tĩnh Tâm Hàng Giáo Sĩ Giáo Phận Ban Mê Thuột
Ngày 10.11.2020

Hành trình những ngày Tĩnh Tâm hàng giáo sĩ giáo phận Ban Mê Thuột năm nay (2020) bước sang ngày thứ hai. Thánh lễ đồng tế cử hành vào lúc 5g sáng do Đức Giám mục Giáo phận chủ sự; Cha GB. Hồ Quang Lâm, CSsR chia sẻ sau Phúc Âm. Giờ chầu Thánh Thể cử hành vào lúc 17g00 chiều do Cha Giuse Nguyễn Văn Thiện, O.Cam, chủ sự.

Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục Phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn, tiếp tục đồng hành với các linh mục Ban Mê Thuột trong Tuần Tĩnh Tâm qua những bài hướng dẫn thiêng liêng: “SỎI ĐÁ CŨNG CẦN CÓ NHAU” VÀ ĐỜI ĐỘC THÂN LINH MỤC.

Bài 2: TÍNH DỤC MẦU NHIỆM

Con người được tạo dựng có nam có nữ. Hai người khác giới nhưng cùng là một bản tính người. Nhân tính họ có chung ấy là căn tính (identity) của con người. Còn giới tính nam và nữ khác biệt là dị biệt tính (difference). Họ có chung một căn cước lưỡng tính được biểu lộ ra là một người nam hoặc một người nữ.

Tại sao lại có sự khác biệt nam nữ ấy? Ý nghĩa của sự dị biệt giới tính là gì? Giới tính làm nên sự khác biệt. Dị biệt giới tính là một giới hạn của con người. Chính sự giới hạn bởi dị biệt giới tính này làm nổi bật hình ảnh của Thiên Chúa trong mối quan hệ nam-nữ.

Tính dục: một cơ hội để tương quan

Dị biệt tính dục mở ra với truyền sinh (dị biệt thế hệ) - Nhờ tính dục phong nhiêu, quan hệ hôn phối mở rộng ra với một mối quan hệ sau cùng, là con cái. Tính dục mở ra với sự sống. Tặng phẩm sự sống được tích hợp trong tặng phẩm người nam trao hiến cho người nữ, và ngược lại.

Sự dị biệt nam-nữ là mầu nhiệm khôn dò - Sự dị biệt tính dục nam-nữ không những là khác biệt nhau, nhưng còn là một bí ẩn, là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm khôn dò.

Ý nghĩa của hành vi phu thê. Trong hành vi vợ chồng vốn có tính bổ túc vừa tương hỗ vừa giao thoa, hai người giới tính khác biệt nhau - một nam một nữ - với thân xác và nhờ thân xác có phân giới của họ, mà họ gặp lại được mình trên cơ sở cùng một bản tính nhân loại trong tình yêu thương phu thê hiệp nhất.

Hành vi vợ chồng là nền tảng cho hai sự dị biệt, và từ đó, cho cả đôi bạn, gia đình, xã hội, và toàn thể nhân loại. Hành vi vợ chồng là nền tảng thiết yếu bảo đảm cho người nam và người nữ kết hợp trong hôn phối nên một xương một thịt, tiếp tục phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei).

Bài 3: THÂN XÁC MỘT TẶNG PHẨM TÌNH YÊU

Thiên Chúa đã muốn làm cho Mầu nhiệm của Ngài trở nên thấy được đối với chúng ta, nên Ngài đã ghi dấu nó vào trong thân xác chúng ta bằng cách tạo dựng chúng ta có nam có nữ theo hình ảnh của Ngài (St l, 27).

Từ các chương đầu của sách Sáng thế và suy tư thần học về thân xác của đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II cho thấy:

Thân xác con người có tính biểu tượng

Con người là một hữu thể hợp nhất, kết hợp cái hữu hình và cái vô hình. Hai chiều kích thấy được và không thấy được này tồn tại và tạo nên một nhân vị. Thân xác con người là vật mang vác cái vô hình.

Đó chính là vai trò của một biểu tượng, nghĩa là: làm cho cái vô hình hiện diện, trở nên hữu hình. Biểu tượng kết hợp thế giới hữu hình và thế giới vô hình lại thành một thực thể duy nhất.

Thân xác có “ý nghĩa hợp hôn”

Ngay khi Ađam nhìn thấy Eva, ông hiểu có cái gì khác biệt ở đây. Một thân xác con người khác đang có đó sẵn sàng thiết lập cùng ông một mối quan hệ thân mật. Nàng là một bổ túc cho ông. Điều đó có nghĩa là họ có thể trở nên “một”.

Đàn ông và đàn bà hấp dẫn lẫn nhau. Có hấp dẫn thể xác bên ngoài mà cũng có hấp dẫn tinh thần từ bên trong. Họ kết hôn và hợp hoan nên một. Hành động ấy vừa thuộc thể xác vừa thuộc tinh thần, bởi thân xác con người có tính biểu tượng.

Thân xác con người có tự do nhưng trong tình trạng yếu đuối vì sa ngã

Trước khi phạm tội, thân xác con người hay nhân vị vốn tự do, nghĩa là không bị nô lệ cho tội lỗi cùng những dục vọng của nó. Tự do ấy của thân xác là sự tự do của tặng phẩm dành trao hiến cho nhau, như đã nói trên đây, và là nền tảng cần thiết để yêu thương như Thiên Chúa yêu thương. Không có tự do, người nam và người nữ không thể trao ban cũng không thể đón nhận tình yêu.

Thế nhưng, thân xác của con người đã bị tội lỗi làm ảnh hưởng. Thân xác không là nguyên nhân của tội. Nhưng vì chúng ta là hữu thể thống nhất của hồn và xác, và tội lỗi xuất phát từ sự lạm dụng tự do vốn thuộc lãnh vực tâm linh, nên thân xác bị ảnh hưởng.

Hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là cái chết. Thiên Chúa không dựng nên chúng ta để chết. Sự chết không có ý nghĩa gì cả. Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài muốn chúng ta được sống, và sống viên mãn. Như sách Khôn Ngoan đã viết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1, 13-14).

Nhưng thân xác con ngươi đã được Đức Kitô cứu chuộc

Nhưng tất cả không bị đánh mất. Đức Kitô, nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, khôi phục lại cho chúng ta ý nghĩa của cuộc sống và thân xác con người. Thân xác Người đã bị đóng đinh. Bởi cái chết thể lí của Người, thân xác chúng ta được “phục hồi”.

Kết

Thân xác chúng ta và chính chúng ta được tạo dựng để yêu thương, chứ không để phục lụy dục vọng thấp hèn. Như thế, chúng ta khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm rằng thân xác là để tương giao hơn là để cho khoái lạc tính dục. Tính dục chỉ quan trọng trong mức độ khi nó phục vụ cho sự tương giao.


VHTT-GP.BMT

(xem Tài Liệu)
HÌNH ẢNH
[1] LACROIX, Le corps retrouvé, op. cit., 92 (bản dịch tiếng Ý), 263.
[2] SANT’AGOSTINO, Enchindion de fide, spe et caritate, VII, 22.
[3] GIOAN PHAOLO II, Thần học về thân xác. op. cit., 170: toàn thể cấu trúc bên ngoài của thân thể người phụ nữ, sắc đẹp riêng của họ, những phẩm chất với sức hấp dẫn luôn luôn vốn hiện diện ở khởi đầu của “cái biết”: mà St 4, 1-2 nói tới, đều liên kết chặt chẽ với mẫu tính. [...]. “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy” (Lc 11, 27). Đó là những lời ca tụng mẫu tính, nữ tính, thân xác người nữ, và là diễn tả tiêu biểu của tình yêu sáng tạo”.
[4] HADJADI. Mistica della carne, op. cit., 164: “Cái gì chạm vào xác thịt tôi cũng chạm sâu xa vào linh hồn tôi. Dấu ấn đó có thể có một âm hưởng thiêng liêng còn lớn hơn các kết luận luận lí của lời lẽ tôi nói. Nhưng âm hưởng này lại hoạt động âm thầm trong bóng tối, trong khi tư tưởng bởi suy tư phản tỉnh thì được sáng tỏ phần nào đó”.

Read 848 times