Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 08 Tháng 11 2011 17:48

ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục Phó Gp. Qui Nhơn Chia Sẻ Tin Mừng Trong Thánh Lễ Khai Mạc Tuần Tĩnh Tâm Linh Mục Gp. Banmêthuột

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
DGM Khi    Kính thưa quí cha,   Trong suốt tuần tĩnh tâm này chúng ta cùng ngồi lại bên nhau, cùng nhau cầu nguyện với thái độ tỉnh thức để tìm hiểu ý Chúa và giúp nhau thực hiện trong tình huynh đệ linh mục. Trong tuần này phụng vụ Lời Chúa đọc lại cho chúng ta nghe những đoạn sách Khôn Ngoan và giáo huấn Tin Mừng về thái độ phải có của người môn đệ Đức Kitô trong khi chờ đợi Chúa quang lâm. Đó là những bài học rất thích hợp với chúng ta trong khung cảnh tuần tĩnh tâm này.

   Có kẻ nói thoạt nghe hơi sốc rằng trong khi các ngôi trường khác được mở ra khắp nơi để đào tạo những ông kia bà nọ, thì ngôi trường của Chúa Giêsu lại chuyên đào tạo những người tôi tớ. Quả thế, bài học đầu tiên và căn bản nhất mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta là môn đệ của Ngài là bài học về việc phục vụ. Muốn phục vụ thì trước hết phải khiêm tốn đến độ tự coi mình như tôi tớ, vì phục vụ là công việc của người tôi tớ. Tôi tớ là người không sống cho mình, nhưng sống cho kẻ khác. Khi tự coi mình là tôi tớ thì chúng ta sẽ không ngại phục vụ.

   Đoạn Tin Mừng hôm nay trực tiếp nhắm đến các môn đệ của Chúa Giêsu ngày xưa cũng như các linh mục của Ngài hôm nay. Từ một câu chuyện trong cuộc sống đời thường về mối tương quan giữa chủ nhà và tôi tớ, Chúa Giêsu đi đến một gợi ý về mối tương quan giữa Thiên Chúa và những kẻ phụng sự Ngài trong việc chăn dắt dân Ngài. Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy tự nhân mình là những tôi tớ vô dụng, không làm được gì hơn là phận sự phải làm. Ngài không có ý coi thường những công việc của chúng ta và không tôn trọng chúng ta cho đủ, nhưng Ngài chỉ muốn mời gọi chúng ta hãy có tinh thần khiêm tốn trong khi phục vụ như Ngài: làm được gì, nói được gì, Ngài đều nhận là do bởi Cha. Ngài còn tự đặt mình làm tôi tớ mọi người: Ngài không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Chính khi tự đặt mình vào địa vị tôi tớ và có lòng khiêm tốn là chúng ta xử sự theo đúng cách Chúa đã chọn để xử sự.

   Chúng ta tự nhận mình là tôi tớ vô dụng không có nghĩa là chúng ta là những kẻ vô tích sự, không làm được việc gì. Tự nhận mình là vô dụng ở đây chỉ muốn nói đến thái độ khiêm nhường phục vụ không kể công, không đòi Chúa trả công, không cần kẻ khác tuyên dương hay nhìn nhận, phục vụ một cách hoàn toàn vô vị lợi. Phục vụ có tính toán, đó không phải là phục vụ, nhưng là đổi chác. Phục vụ để được đáp trả cũng không phải là phục vụ, nhưng là vụ lợi.

   Làm cho Chúa để Chúa trả công, đó là một quan niệm của thương mại và thị trường, dựa trên công bình giao hoán giữa hai bên bình đẳng. Quan niệm ấy không phù hợp với tương quan bất bình đẳng giữa một bên là Thiên Chúa, Đấng ban ơn, và bên kia là con người, kẻ thụ ơn.

   Tất cả những điều tốt lành chúng ta làm cho Chúa không phải là những công lao khiến Chúa phải mắc nợ chúng ta, nhưng đó là những hành động đáp trả những ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta trước, vì Thiên Chúa luôn là kẻ đi bước trước. Không phải con người làm cho Chúa trước để Ngài trả công sau, nhưng chính Thiên Chúa là Đấng ban ơn trước để con người đáp lại sau. Tình yêu luôn phát xuất từ Thiên Chúa, còn con người chỉ là kẻ đáp trả. Như thánh Gioan đã nói: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta” (1Ga 4,10).

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy chúng ta không bao giờ có thể nói mình đã làm quá nhiều cho Chúa. Khi chúng ta đã làm hết sức mình, đó chỉ là bổn phận chúng ta phải làm, và khi chúng ta chu toàn bổn phận mình, đó chỉ là chúng ta làm xong việc mà chúng ta không thể không làm mà thôi. Chúng ta có thể làm thỏa mãn được những đòi hỏi của lề luật, nhưng không bao giờ có thể thỏa mãn những đòi hỏi của tình yêu.

   Thực ra Thiên Chúa không cần đến chúng ta, vì Ngài tự mình đầy đủ không thiếu thứ gì. Chúng ta chẳng thêm được gì cho Ngài vì chúng ta chỉ là không trước mặt Ngài, nếu Ngài không nâng đỡ thì chúng ta lập tức trở thành hư vô. Nhiều khi chúng ta tự coi mình như là người ban phát hơn là người phục vụ. Nhưng chúng ta có gì đâu để có thể ban phát, như thánh Phaolô đã nói với các tín hữu Côrintô: “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh” (1Cr 4,7). Mọi sự chúng ta có là do Chúa ban để chúng ta trao lại cho kẻ khác như người tôi tớ làm dịch vụ cho chủ.

   Ước gì chúng ta là những linh mục của Chúa đừng bao giờ vênh vang trước mặt Thiên Chúa về công việc phục vụ mà chúng ta đã hoàn thành, vì chúng ta cũng chỉ là những người tôi tớ, chỉ làm những việc chúng ta phải làm. Nếu những công việc ấy có đem lại kết quả nào cho đoàn chiên thì cũng hoàn toàn do ơn Chúa mà thôi.
   Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X, trong Huấn dụ Haerent Animo về việc thánh hóa các linh mục (04-08-1908), số 78, đã dạy: “Linh mục phải luôn luôn tâm niệm điều thánh Phaolô đã đặc biệt cảnh giác: ‘Kẻ trồng chẳng là gì cả, người tưới cũng chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng cho mọc lên, mới là tất cả” (1Cr 3,7). Chúng ta có thể đi gieo trong nước mắt, chúng ta có thể nhọc công gìn giữ hạt giống, nhưng việc nảy mầm và đem lại hoa trái chờ mong, thì chỉ tùy thuộc nơi Chúa và sự giúp đỡ toàn năng của Ngài. Ngoài ra, điều tối quan trọng là phải nghĩ rằng con người chỉ là dụng cụ Chúa dùng để cứu rỗi các linh hồn; do đó con người phải có tư cách để được Chúa sử dụng. Bằng cách nào? Chúng ta có nghĩ rằng vì những đức tính tự nhiên hay đắc thủ của chúng ta mà Chúa phải nhờ chúng ta góp sức làm sáng danh Ngài không? Hẳn nhiên là không, vì Kinh Thánh đã viết: “Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian cho là điên rồ để làm bẽ mặt kẻ khôn ngoan; và đã chọn những gì thế gian cho là ti tiện và đáng khinh rẻ, cùng những gì không có, hầu xóa bỏ những gì đang có” (1Cr 1,27-28).

   Người ta hỏi thánh Phanxicô Assisi nhờ đâu và bằng cách nào ngài làm được nhiều việc như thế, thánh nhân trả lời: “Thiên Chúa ở trên thiên đàng nhìn xuống trần gian. Ngài tự hỏi: ‘Tìm đâu ra một người yếu đuối nhất, nhỏ bé nhất và hèn hạ nhất đây?’ Thế rồi Thiên Chúa tìm thấy tôi, Ngài lại tự nhủ: ‘Ta đã tìm được nó rồi. Qua nó Ta sẽ làm những việc Ta muốn. Nó sẽ không tự phụ được với những việc đó, bởi vì nó biết rằng Ta sử dụng nó chỉ vì sự yếu đuối, nhỏ bé và hèn hạ của nó thôi”.

   Phục vụ đích thực là quên mình, nhưng trong nghịch lý của Kitô giáo, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân và còn hơn thế nữa. Vì vậy, mặc dù chúng ta chỉ là những tôi tớ vô dụng, nhưng chính Chúa Giêsu đã nâng chúng ta lên hàng bạn hữu của Ngài khi Ngài nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

   Hơn nữa khi trung thành phục vụ như người tôi tớ chúng ta được Chúa yêu thương, như lời khẳng định của tác giả sách Khôn Ngoan mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I: “Những ai trung thành sẽ được Ngài yêu thương và cho ở gần Ngài, vì Ngài ban ân phúc và xót thương những ai Ngài tuyển chọn” (Kn 3,9). Đó chính là niềm vui và hạnh phúc của chúng ta, nếu chúng ta sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân với tất cả lòng khiêm tốn.

Gm. Matthêu Nguyễn Văn Khôi,

Giám mục phó Gp. Qui Nhơn

Nguồn: gpbanmethuot.vn

Read 1507 times Last modified on Thứ ba, 08 Tháng 11 2011 18:03