Get Adobe Flash player
Thứ năm, 23 Tháng 4 2020 08:08

Bác sĩ gốc Việt tình nguyện tại New York kể những phút cuối của bệnh nhân Covid-19

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bác sĩ gốc Việt tình nguyện tại New York kể những phút cuối của bệnh nhân Covid-19


Bác sĩ – Linh mục gốc Việt Phạm Hữu Tâm (Anthony Phạm) ở Houston, Texas, đang phục vụ tình nguyện tại tuyến đầu ở một bệnh viện có tỷ lệ tử vong cao nhất ở New York, vừa có cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt về công việc cao cả của vị lương y – mang lại sự êm dịu cho bệnh nhân Covid-19 đang nguy kịch, kết nối với gia đình trước lúc bệnh nhân lâm chung.

Đáp lại lời kêu gọi của Thống đốc bang New York, bác sĩ Phạm Hữu Tâm quyết định đóng của văn phòng ba tuần lễ để đến thành phố tâm dịch Covid-19 của Hoa Kỳ đễ hỗ trợ cho các bệnh nhân. Là một linh mục, ông có dịp làm lễ Xức dầu và ban Bí tích giải tội cho một số bệnh nhân công giáo tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens, là “tâm dịch của tâm dịch” tại Hoa Kỳ.

lmt4.
BS Phạm Hữu Tâm (phải) và các đồng nghiệp ở bệnh viện Elmhurst, Queens, New York.
Sinh năm 1965 tại Sài Gòn, có bố là thợ sửa máy bay cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, ông Tâm trở thành thuyền nhân sang Mỹ tỵ nạn năm 1980. Ông theo học đại học tại California, học ngành y ở thủ đô Washington, và sau đó gia nhập vào dòng Tu hội Tận hiến Truyền giáo ICM, và theo học triết học và thần học tại Lousina. Sau khi thụ phong linh mục tại Tu hội ở Texas, ông tiếp tục theo học ngành y và sau đó trở thành bác sĩ hành nghề tại thành phố Houston.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn với Bác sĩ – Linh mục Phạm Hữu Tâm:

VOA: Thưa Bác sĩ – Linh mục Phạm Hữu Tâm, xin ông cho VOA biết hiện ông đang phục vụ tình nguyện ở bệnh viện nào và vì sao ông chọn bệnh viện này?

Bác sĩ Tâm: “Tôi đến thành phố New York để tình nguyện trong vòng ba tuần. Họ hỏi tôi muốn đến nơi nào. Với tinh thần tình nguyện, tôi muốn đến chỗ nào mà bận nhất, cần sự giúp đỡ nhiều nhất. Họ nói đó là bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens, là nơi có số ca Covid-19 nhiều nhất, nặng nhất, số tử vong nhiều nhất, và là nơi quá tải nhất. Vì vậy mà tôi đã đến bệnh viện Elmhurst ở thành phố Queens để làm việc.”

lmt3
Bệnh viện Elmhurst ở vùng Queens, thành phố New York, bang New York, ngày 6/4/2020.
VOA: Bác sĩ có thể chia sẻ vài điều về bệnh viện này? Công việc của ông tại đó là gì?

Bác sĩ Tâm: “Hiện tại ở trong nhà thương mọi sự thay đổi hoàn toàn. Trước đó còn có những khoa khác nhau nhưng bây giờ chỉ còn một khoa duy nhất là chữa trị bệnh nhân Covid-19 mà thôi – với 95% bệnh nhân là bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tất cả các bác sĩ trong bệnh viện, cho dầu là bác sĩ giải phẫu, tổng quát, sản phụ, tim mạch… cũng đều dồn nỗ lực vào để giúp cho bệnh nhân Covid-19.”

“Họ chia ra nhiều đội khác nhau. Đội của tôi gọi là Palliative Care [Chăm sóc xoa dịu cho bệnh nhân nguy kịch], chuyên giúp cho bệnh nhân có sự thoải mái, trong đó có bao gồm việc giảm đau, nối kết gia đình, và vấn đề tâm linh.”

VOA: Bác sĩ có thể cho biết thêm một vài điều về việc kết nối với gia đình cho bệnh nhân nguy kịch?

Bác sĩ Tâm: “Khi bệnh nhân vào nhà thương thì coi như cắt đứt với bên ngoài, không có thân nhân vào thăm được. Khi bệnh nhân còn tỉnh táo thì còn có thể gọi điện thoại để nói chuyện chút đỉnh với gia đình. Nhưng khi chuyển sang thời kỳ nặng hơn, không thở được phải đặt ống thở, rồi hôn mê, gây mê cho họ…coi như gia đình không còn liên lạc với bệnh nhân được, cũng như không biết tin tức gì về bệnh nhân đó nữa.

“Đối với những bệnh nhân nguy kịch, chúng tôi phải gọi cho gia đình. Cập nhật tình trạng bệnh nhân cho gia đình. Thật sự những cuộc điện thoại đó toàn là tin xấu. Tôi hỏi ý kiến gia đình rằng nếu tim bệnh nhân ngừng đập thì có nên làm thủ thuật hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân [Do-Not-Resuscitate order] hay không? Thật ra nếu làm thủ thuật đó thì cũng không có kết quả khả quan lắm, và chỉ kéo dài sự đau đớn của người bệnh mà thôi.”

lmt1
Bác sĩ – Linh mục Phạm Hữu Tâm cầu nguyện cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Elmhurst, Queens, New York.
VOA: Tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 vào lúc cuối đời của họ, ông có cảm giác ra sao?

Bác sĩ Tâm: “Trong những ngày qua tôi đã giúp kết nối gia đình cho một số trường hợp. Gia đình muốn nhìn mặt người thân của mình trong những giây phút cuối cùng trong khi họ không thể nào vào bệnh viện được, tôi gọi họ bằng điện thoại di động, dùng Facetime rồi đi vào phòng bệnh nhân để họ nhìn thấy người thân. Đương nhiên tôi phải mặc áo chống vi khuẩn các thứ, trùm kín hết…Người thân nhìn qua Facetime khóc, cầu nguyện, nói lời từ giã… trong những giây phút cuối cùng.

“Ngay cả khi qua đời, bệnh nhân nằm trong nhà xác cũng thật lâu, vì trong mùa dịch bệnh cũng không thể an táng chôn chất gì. Rất là bi thương.”

VOA: Nhiều người gọi là đây hành động can đảm, rất anh hùng. Bác sĩ nghĩ như thế nào về lời khen như thế?

Bác sĩ Tâm: “Khi đi vào bệnh viện thấy có biết bao nhiêu con người trong đó đang phải đối diện với nguy hiểm. Không phải chỉ có y tá, bác sĩ, mà những người lao công làm nhiệm vụ dọn dẹp, lấy rác từ phòng bệnh nhân bị nhiễm bệnh, những người mang thức ăn…có rất nhiều đang âm thầm hy sinh làm việc.

“Chúng tôi như những người xông pha ra chiến trường đứng trước đầu tên mũi đạn. Chúng tôi nguyện làm hết sức mình vì trách nhiệm của mình đối với bệnh nhân, với đồng đội.”

lmt
Bác sĩ – Linh mục Phạm Hữu Tâm. Photo Vatican News via YouTube.
VOA: Vừa là một bác sĩ, vừa là một linh mục, ông có lời khuyên nào dành cho khán thính giả VOA trong lúc này?

Bác sĩ Tâm: “Đây là một căn bệnh hiểm nghèo. Nếu quý vị còn đang nghe tôi nói thì chúng ta vẫn còn là người khỏe mạnh. Qúy vị ở ngoài thì cố gắng tối đa hỗ trợ cho chính phủ ngăn ngừa để bệnh không lây lan nhiều bằng cách ở nhà và giữ vệ sinh cá nhân một cách tối đa.

“Hệ thống miễn dịch của chúng ta rất quan trọng, nó không chỉ phụ thuộc vào thể chất mà còn theo tinh thần nữa. Nếu tinh thần chúng ta mạnh mẽ, vui vẻ… thì chắc chắn hệ thống miễn dịch của chúng ta chiến đấu mạnh hơn nhiều.

“Trong lúc này tôi biết chắc có nhiều người buồn phiền vì mất việc, phải ở nhà tù túng, cuộc sống gia đình khó khăn… vì vậy sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Chúng ta hãy nâng đỡ nhau, thương yêu nhau trong thời gian này.

“Mỗi người chúng ta đều có một tôn giáo và đức tin, chính niềm tin trong tôn giáo giúp chúng ta có thêm sức chiến đấu, và sự phấn khởi, hy vọng và lạc quan. Chúng ta cùng cầu nguyện với ơn trên, người theo Phật giáo cầu nguyện với Phật, người theo công giáo cầu nguyện với Thiên Chúa… để ơn trên ban phúc lành, bảo vệ chúng ta, cầu mong sớm chấm dứt dịch bệnh này.”

VOA: Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ – Linh mục Phạm Hữu Tâm và cầu chúc ông an lành, thành công trong sứ mệnh của mình.

VOA

Read 982 times Last modified on Thứ sáu, 24 Tháng 4 2020 06:49