Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 29 Tháng 1 2013 19:49

Mùa Lúa Mới Nơi Bon Daksak

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Mùa lúa mới nơi Bon Daksak



Dăksak, một địa danh hẻo lánh xa xôi của huyện Dakmil, tỉnh Daknong. Có lẽ không mấy người biết đến vùng đất này, hầu như người ta còn lầm lẫn bởi những cái tên chung chung được bắt đầu bằng chữ Dăk giống như bất kỳ một địa danh nào của Tây nguyên.

Từ năm 1960 khi người Kinh đặt chân lên đây thì bon Daksak đã có từ thuở nào. Một bon Thượng nằm bên cạnh dòng suối nhỏ, thu mình dưới những tán cây rậm rạp, có những con người còn mang đậm nét hoang dã, man di của núi rừng. Họ nói tiếng người Kinh chưa sõi, còn e ngại khi tiếp xúc, trong ánh mắt luôn bộc lộ nỗi lo âu. Có lẽ họ cũng linh cảm được một phần nào chính những con người này sẽ làm cho cuộc sống của họ sẽ có nhiều thay đổi.
Thời gian thấm thoát trôi, đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ. Bon Dăksak đã dời đi dời lại nhiều lần. Khi người Kinh đến thì họ lại lùi sâu vào trong rừng. Rừng núi là nơi thích hợp nhất đối với đời sống du canh du cư, là nơi nuôi dưỡng những người con của thần núi.

daksak 1

Thế nhưng khi đón nhận Tin Mừng thì cuộc sống của họ lại đổi khác. Đời sống du canh du cư xưa kia không còn thích hợp với tập quán mới được hình thành trong cộng đồng Kytô hữu. Ngay giữa bản làng là ngôi nhà nguyện nhỏ, nơi mà họ vẫn thường tụ tập nhau để dâng lên vị Thần đã thay thế cho Yàng của họ xưa kia bằng những giờ kinh nguyện, sẻ chia, cầu nguyện thay vì cúng bái như xưa.

Khi các Soeur Nữ Vương Hoà Bình thành lập cộng đoàn tại giáo vùng Xuân Lộc (2005), người dân Daksak mừng lắm. Bởi họ đã từng được đón nhận những tình cảm nồng hậu cũng như sự chăm sóc đặc biệt từ thời Cha cố Phê-rô Trần Anh Kim Quản xứ Vinh An.

Thời gian sau này vì hoàn cảnh xã hội có nhiều thay đổi, mãi tới năm 1990 nhờ sự giúp đỡ của Cha xứ An-rê Trần Xuân Cương, qua sự liên lạc và vận động của anh chị Hoàng Thông người Xã Đoài với Y Dương, cộng đoàn ĐăkSăk đã chính thức sinh hoạt trở lại. Trong cùng thời gian, nhóm Loan báo Tin Mừng của Giáo xứ Vinh An đã vào sinh hoạt với anh chị em ĐakSak, sau nầy chuyển giao cho ban Loan Báo Tin Mừng Thổ Hoàng thời cha Đa-minh Phạm Sỹ Hiện làm Quản xứ Thổ Hoàng vào giúp đỡ và phụ trách nhiều mặt. Anh Cao Anh Bằng, anh Trần Đình Hoàng và một số anh chị em có mặt trong ban phụ trách đã giúp cho cộng đoàn ĐăkSăk trong nhiều năm trời.

 

daksak 2

Ngày hôm nay, người dân ĐăkSăk đã định cư, họ không còn phát rừng làm rẫy. Nhà cửa, bản làng đã có nhiều ổn định, tuy nhiên cái đói cái nghèo vẫn theo họ như người bạn đường cố hữu. Biết đến khi nào họ mới vượt qua được số phận éo le. Sự xuất hiện của các chị Dòng Nữ Vương Hoà bình đang tạo cho họ một niềm tin rất lớn. Họ đã quen với màu áo đen của các Soeur, các Soeur đối với họ giống như những người mẹ hiền lành luôn đem đến cho những người con của núi rừng đầy ắp những tình thương.

Sáng thứ bảy nào cũng vậy, khi mà công việc nhà trẻ Vành Khuyên được xếp lại cho ngày nghỉ cuối tuần, các Soeur lại vào bon Dăksak. Những gia đình có người già cả, bệnh hoạn ốm đau cũng đã quen điều này, họ chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ chờ đón các Soeur đem Mình Thánh Chúa vào cho người thân của họ.

Trong bản Thượng xen lẫn nhiều gia đình công giáo người Kinh. Về một phương diện nào đó, cuộc sống luôn là sự giao lưu văn hoá, khi mà những người công giáo luôn ý thức được sứ mạng truyền giáo của mình thì đời sống giao lưu luôn đem đến một ý nghĩa tích cực hơn. Các Soeur vào đây kể cả những người Kinh sống chung trong bản làng của người Thượng cũng được một sự quan tâm như nhau.

daksak 3

Sau Thánh Lễ sáng chủ nhật, người ta lại thấy màu áo đen xuất hiện giữa bon làng, đối với người dân Dăksak mầu áo của các Soeur là biểu tượng của tình thương, là hình ảnh của sự an hòa, là những con người được sai đến để gieo rắc hạt giống hòa bình, giống như danh xưng mà Dòng đã lựa chọn :“Nữ Vương Hoà Bình”. Dưới bóng mát của những tán cây trước sân nhà nguyện, các lớp giáo lý được tổ chức, lớp đồng cỏ non lại có cả các mẹ chị đi theo, lớp sơ cấp và căn bản thì lại ồn ào huyên náo. Vừa dạy giáo lý cho các cháu nhưng đôi khi lại phải đóng vai trò quan toà xử kiện. Bầu không khí vui vầy giữa các Soeur và các cháu đã lây lan làm cho nhiều người qui tụ lại... Phụ nữ luôn tiềm ẩn trong mình thiên chức :”Làm mẹ”, đối với đời sống tu trì thì thiên chức này được trổi bật hơn khi được phục vụ tha nhân. Nhìn các cháu hồn nhiên vui sống, những tâm hôn đơn sơ tươi nở như những bông hoa hoang dại, ôi sao mà gần gũi với tình mẹ đến thế. Ngày hôm nay các cháu đã thể hiện sự tự tin và mạnh dạn hơn. Ngay cả người lớn cũng vậy, bản chất đơn sơ, chất phác được thể hiện một cách hồn nhiên. Tâm hồn của họ giống như một mảnh đất hoang vừa được khai vỡ. Hạt giống đức tin được gieo trên mảnh đất màu mỡ này sẽ bám rễ ăn sâu và sẽ trổ những hoa trái xinh tươi hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu. Về đêm ta nghe dưới mái ấm gia đình trong bản vang lên tiếng kinh nguyện, họ đang phó thác gia đình trong tay Chúa từ nhân, họ dâng lên mẹ Maria tràng chuỗi mân côi. Với những lời cầu xin giản dị họ xin cho anh em mình cũng được ốn nhận Tin Mừng như họ.

daksak 5

Dù mưa hay nắng, dù thời tiết có đổi thay, có những lúc trời mưa đường lầy lội hay khi tiết trời chuyển nắng bụi đỏ mù trời cũng không ngăn được các Soeur đến với bon làng Dăksak. Con đường đất mang tên của một vị vua triều Nguyễn “ Gia-Long” chạy ngang qua bon Dăksak sẽ đưa bước chân của những người truyền giáo đi xa hơn nữa. Cánh đồng truyền giáo ở đây còn mênh mông mà thợ gặt thì thiếu. Xin Chúa ban cho chúng con một ý chí kiên trì và tấm lòng quảng đại, xin cho chúng con biết dấn thân để phục vụ hết mình và xin rèn luyện cho chúng con trở thành những tay thợ lành nghề để nước Chúa mỗi ngày một mở rộng. Xin Chúa chúc phúc cho mùa lúa mới của chúng con để mùa màng thu về chĩu nặng những hạt lúa vàng tươi, Xin mẹ Maria gìn giữ và làm triển nở hạt giống hoà bình mà chúng con đã gieo trên mảnh đất này.


HOÀNG CÔNG NGA

Read 1060 times Last modified on Thứ tư, 30 Tháng 1 2013 20:56